Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:45 (GMT +7)

Kèn Pí lè – tiếng than của nỗi lòng

VNTN - Pí lè là cây kèn được sử dụng trong một số sinh hoạt văn hóa tinh thần của một số tộc người vùng Việt Bắc. Tùy từng cuộc lễ của từng tộc người mà kèn Pí lè được sử dụng với những nội dung khác nhau. Đối với tộc người Dao đỏ kèn Pí lè được dùng trong lễ cưới đưa đón cô dâu. Đối với tộc người Tày kèn Pí lè lại hay được dùng trong tang lễ đưa linh hồn người quá cố về thế giới bên kia.

Vậy, tại sao người Tày chỉ dùng kèn Pí lè trong đám tang? Theo tích xưa truyền lại thì làng nọ có một chàng câm, khi có người chết mọi người đều than khóc thảm thiết. Chàng buồn vì không cất được tiếng khóc bày tỏ lòng mình với người chết như mọi người. Rồi đến khi mẹ mất, chàng đau đớn mà không thốt được lời than gọi mẹ. Chàng ra đầu nhà thấy mấy đứa trẻ vặt cành đu đủ cho hạt cườm vào thổi chơi, chàng bèn lấy một cọng đu đủ khoét lỗ ở đầu cọng rồi cuộn lá chuối thổi chụp vào lỗ cuống, kèn phát ra tiếng nghe não nề. Chàng đem vào nhà thổi bên quan tài mẹ, tiếng pí… lè... pí… lè… vang lên nghe buồn não, mọi người nghe mà ứa nước mắt, cảm cho nỗi lòng của chàng câm. Từ đó, hễ có đám tang, người ta lại đến mời chàng câm đi thổi kèn và gọi loại kèn này là kèn Pí lè. Sở dĩ gọi như vậy là người ta dựa theo âm thanh phát ra của tiếng kèn, thanh cao kêu pí…pí… và thanh thấp lè… lè…. mà đặt tên. Sau này chàng câm thay cọng đu đủ bằng thân cây trúc, thân gỗ và khoét các lỗ để âm thanh vang hơn chỉnh hơn, ngày nay cây Pí lè có hình dạng khá đẹp, âm thanh trầm bổng và rất vang thể hiện được các nội dung của đám lễ.

Kèn Pí lè trong lễ hội của người Tày Nguồn: Internet

Tùy mỗi vùng miền mà kèn Pí lè thường được chế tạo từ những nguyên liệu khác nhau. Kèn Pí lè truyền thống của tộc người Tày ở Cao Bằng thì được làm từ những nguyên liệu trong thiên nhiên. Để làm cổ kèn, thân kèn và loa kèn Pí lè thường được làm bằng loại gỗ bảo đảm có các tính chất: nhẹ, chắc, bền, dẻo, có độ nhạy về âm… Đó là loại gỗ thuộc cây Tin Pết (gỗ cây vú sữa) hoặc cây Mạy Chuông, loại gỗ này vừa nhẹ vừa bền vừa dẻo thớ vừa nhẵn mặt gỗ, âm lại vang. Hoặc có thể dùng sừng trâu làm kèn, nguyên liệu này rất bền, càng dùng lâu màu càng đen bóng.

Cấu tạo cây kèn Pí lè thường gồm bốn phần: miệng kèn, cổ kèn, thân và loa kèn.

Miệng kèn Pí lè là mẩu ống tròn rỗng nhỏ cho vào miệng để thổi. Miệng kèn thường dài khoảng từ 2cm đến 3cm. Một đầu hơi nhỏ hơn để thổi và hơi dẹp, còn đầu kia cắm vào cổ kèn thì tròn và phình to hơn. Nguyên liệu làm miệng kèn thường có nhiều loại nhưng có hai loại nguyên liệu người ta hay sử dụng.

Loại thứ nhất: Người xưa tìm một loại tổ sâu có tơ màu trắng ngả sang màu nâu ở trên rừng, có tơ rất chắc. Tổ chúng cũng phình ra như hình cuốn chiếu hợp với việc làm miệng kèn...

Loại thứ hai: Miệng kèn được làm bằng rễ cây sậy, tiếng Tày gọi là “Lảc Mạy Ỏ”, loại cây này rễ trong rỗng. Chỉ việc cắt lấy những đoạn rễ thích hợp dùng dao vót thon một đầu rồi hơ lửa nắn cho dẹp phù hợp với miệng kèn. Tổ sâu, hoặc rễ cây sậy muốn có độ dẻo, độ đàn hồi phải mang hấp cách thủy chừng năm tiếng đồng hồ. Miệng kèn làm được như vậy để được lâu không mốc, độ co giãn tốt. Lấy rễ cây sậy làm miệng kèn Pí lè còn có một ý nghĩa về mặt tâm linh. Cây sậy còn được thầy cúng người Tày dùng để làm cây chắn tà quỷ. Việc hấp rễ cây chín lần, nghĩa là con người nằm trong bụng mẹ chín tháng mới được sinh ra. Con số chín còn mang nhiều nghĩa gắn với tâm linh.

Cổ kèn Pí lè, còn gọi là nang kèn. Là một cái ống trống rỗng hình trụ thon một đầu, dài chừng 3cm đến 5cm. Loại cổ kèn 3cm khi thổi có trường độ âm thanh cao hơn, thống thiết hơn.

 

Kèn Pí lè của người Dao. Nguồn: Internet

Thân kèn Pí lè là phần quan trọng của cây kèn Pí lè. Phần này có độ dài 20cm, là đoạn ống trong rỗng. Mặt ngoài thành ống nhẵn bóng vì còn để khoét lỗ làm các nốt. Thân kèn cũng có hình trụ, một đầu thon nhỏ có đường kính khoảng 1cm thì đầu kia đường kính sẽ là 2cm. Trên thân kèn khoét 6 lỗ, cũng có khi người ta khoét thêm hai lỗ nữa, nhưng nó là lỗ phụ để điều khiển tăng độ trầm bổng về âm sắc khi phối âm với các nốt khác khi thổi. Ví như, nốt thứ bảy có tác dụng làm thăng trầm toàn bộ âm thanh cây kèn. Còn nốt thứ tám thì nó chỉ có tác dụng điều hòa âm sắc, độ chính xác của riêng từng nốt nhạc trên cây kèn.

Các nốt khoét lỗ trên thân kèn có kích thước khác nhau. Cự ly khoảng cách và đường kính các lỗ nốt theo xu hướng từ to giảm xuống nhỏ dần theo tỷ lệ đường tròn bên trong của thân kèn.

Loa kèn Pí lè là một ống hình phễu có chiều dài từ đầu loa đến cuối loa là 15cm. Trang trí cây kèn Pí lè khá độc đáo. Phía bên ngoài cổ kèn người ta khoét thành hình uốn lượn như sóng nước hoặc như hình núi cao thấp nhấp nhô để tăng vẻ mềm mại tạo dáng dấp cho kèn. Còn đoạn thân và loa kèn làm thật nhẵn, đôi khi cũng chạm trổ hoa văn để tăng vẻ đẹp, sự ly kỳ cuốn hút.

Khi thổi kèn Pí lè, trước khi thổi, người thổi thường lấy lá bưởi ngâm nước uống vừa là để tẩy uế vừa là diệt khuẩn sau đó dùng bạc hà hoặc quế ngậm để giọng thanh. Thổi kèn Pí lè phải có kỹ thuật, nắm được nội dung các mục trong lễ để thể hiện cho phù hợp, tâm trạng không khí cuộc lễ. Về việc này người Tày có câu thành ngữ: “Tong héo bấu thâng mo què/ Pí lè bấu thâng pác véo” (Lá héo cũng không đến phần bò què/ Thổi Pí lè đâu đến lượt người mồm méo), ý nói thổi kèn Pí lè là một trong những môn nghệ thuật đòi hỏi người thổi phải có sức khỏe và kỹ thuật.

Cây kèn Pí lè của người Tày là sản phẩm truyền thống được chế tạo bởi những bàn tay khéo léo của những nghệ nhân dân gian. Ngày nay, kèn Pí lè có thể được làm bằng những nguyên liệu công nghiệp đẹp hơn tốt hơn, nhưng với cây kèn Pí lè truyền thống của người Tày thì nó không chỉ là một nhạc khí đơn thuần mà còn mang tính tâm linh.

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy