Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
15:58 (GMT +7)

Huyết họa

VNTN - Giữa đêm khuya khoắt, tiếng rít điếu cày vang lên chói tai. Rồi tiếp đến là tiếng ho khồ khộ. Sau đó là tiếng rầm rì. Cũng may, căn lều ở giữa đồng. Mà đồng thì rộng và cách xa làng. Trong căn lều ấy có ba người đàn ông tuổi đều già sáu chục, non bảy chục, ơn giời còn có tí sức để mà đú với gió từ biển lộng vào. Tiếng mái lều bị gió bạt phần phật không át được tiếng điếu cày. Tiếng côn trùng gọi nhau, a dua nhau tấu ràn rạt cũng chẳng bõ bèn gì. Đến sợ cái điếu cày…

Ông Đoàn, sau khi ho chán thì chuyển cơn ho sang ông Thin. Gớm, ho ở đây cũng sướng cái mồm, đếch phải ý tứ gì cả. Ở nhà mà ho thế, kiểu gì cũng bị vợ cằn nhằn. Hút thuốc lào ở đây cũng sướng, hơi nào ra hơi ấy, chả phải nhìn trước ngó sau ai. Khói phả mù trời. Uống rượu cũng sướng, say thì say, tỉnh thì tỉnh. Ngáy cũng sướng, vang cả đồng, ếch nhái chào thua. Văng tục cũng sướng, không sợ bị lôi ra làm gương. Tỏ mờ cho ai ở chỗ đồng không mông quạnh thế này. Sống ở đây cả đời kể cũng được. Tóm lại là sướng toàn diện. Ở nhà, giờ này thèm thuốc mà dậy làm điếu thì sáng sớm mai, có bà mặt sưng bằng cái thớt. Cả ba ông cùng cười dù chả ai nói gì về cái sự tự do ấy cả. Chỉ là tự tưởng tượng ra sau cái tràng ho bất hủ của ông Đoàn thôi. Lâu lắm mới có dịp đàn đúm, tụ tập thế này. Thế mới biết tự do quý chừng nào. Tha hồ mà chuyện. Trong mớ chuyện thập cẩm ấy, trội hơn cả, vẫn là chuyện quá vãng. Thì chủ yếu là chuyện đánh đấm, chuyện đồng đội. Chuyện thằng chết có xương, thằng không có xương. Chuyện thằng chết không báo tử. Chuyện thằng báo tử nhưng không chết. Chuyện thằng thoát chết, về làm cán bộ to, tham nhũng nức tiếng rồi cũng chết vì bệnh tật.

 

Chuyện thằng phục viên kéo theo hai thế hệ bị ảnh hưởng đi ô xin suốt ngày sống trong ăn năn giày vò, sao ngày ấy, đạn nó không đi thẳng vào ngực cho rồi…Chuyện thế quái nào, mấy thằng què cụt chúng mình lại sống dai thế. Xen giữa những câu chuyện tiếu lâm cổ điển là những mẩu kí ức tứa nước mắt. Cứ thế, cứ thế, đêm trôi về sáng. Nào, bọn côn trùng khản hơi chưa, im phăng phắc chưa? Cả bọn chó sủa đổng trong làng cũng đến lúc kiệt sức mà dừng lại bịt tai ngủ. Thế mới biết, sức mấy lão già dai như chão. Trước khi im hẳn, ông Tửu còn chốt. Đồng ta yên thật. Chứ bên kia, máy múc, máy ủi gầm gào cả đêm.

Buổi sáng ở trên đồng thật là dễ chịu. Ông Đoàn vơ rạ nhóm lửa, đặt ấm nước trên cái bếp dã chiến bằng ba hòn đá chụm lại. Một cánh tay mà nhoay nhoáy đâu vào đấy. Bảo nhịn ăn sáng thì được chứ bảo nhịn trà sáng, chắc ông chết. Nói thậm xưng thế thôi. Chết thì không chết, nhưng thiếu trà, cả buổi sáng không được việc gì, người cứ ngơ ngơ như mất hồn. Nghiện rồi. Uống rền rã suốt hai chục năm, không nghiện sao được.

Ngược lại với ông Đoàn, ông Tửu không uống trà, sáng ra, kiểu gì cũng phải làm vài mắt rượu, vừa súc miệng, vừa súc dạ dày. Ông Tửu nghiện rượu mấy chục năm. Có nhẽ bởi cái tên ám vào người. Mặt mũi lúc nào cũng ngơ ngác như người ngủ quá giấc tỉnh dậy không biết thì sớm tối. Chả ngâm nghía gì sất. Chỉ một màu rượu gạo. Mà gạo cấy trên đồng Vạn Thủy này, do vợ ông tự nấu lấy, vừa bán, vừa phục vụ ông và đàn lợn. Đương nhiên là lợn chỉ ăn bỗng thôi. Chứ lợn mà cũng biết uống rượu, thì bà ấy nấu sao xuể. Ông Thin với ông Đoàn thường nói thế. Cũng chả sao. Suốt ngày nghi ngơ, váng vất hơi men, hơi đâu mà tức bực, bắt bẻ bạn bè. Thi thoảng ông văng tục. Là những lúc tỉnh, ông trông nồi rượu cho bà và bị khê rượu. Vừa nấu rượu, vừa tranh thủ chơi cờ với thằng cháu nội mười lăm tuổi. Thua trẻ con cú phết đấy. Ông dùng ngón chân để xếp bàn cờ, di chuyển quân cờ rất thành thục. Bọn trẻ con trong xóm cười tít mắt. Chúng trêu ông. Ông mà có hai tay, thì làm sao thằng Nam thắng được ông, ông nhể? Có đứa còn cả gan. Ông sướng nhất làng, đi họp không phải ghi chép, không phải hoan hô…Tổ cha tụi bây. Tao cần gì hoan hô ai? Ông vẫn mắng tụi trẻ xóm thế cho đỡ ngượng. Trẻ con bây giờ, đủ chất từ trong trứng, đứa nào cũng khôn, cũng thông minh. Chơi năm ván, may ra ông thắng nó một ván. Mà cũng phải khoan hoãn mấy lần mới thắng được. Và đương nhiên là khê rượu. Không khê thì cũng bồi bỗng. Mà kỳ tài. Ông uống rượu khê giỏi không ai bằng. Ông bảo, nồi ăn mười lít, sao bằng nồi ăn bảy. Rượu khê đậm hơn, uống đã hơn. Chẳng biết ông nói thật hay chơi. Hay là ông tiếc rượu khê mà uống? Vì rượu ấy, bà vợ chả bán được cho ai. Đổ cho lợn thì lợn cũng không biết uống. Hay là ông uống để chuộc lỗi? Rồi lỗi lặp lại nhiều quá, đâm ra ông nghiện rượu khê. Ông không uống rượu bằng ly, chén cho lích kích. Rượu để trong chum. Ông chỉ việc cắm cần vào. Uống bao nhiêu thì uống, tùy thích. Lắm khi ông bảo vợ. Tôi ra nông nỗi này, là vì không còn tay rót rượu, bưng chén. Mà uống thẳng như thế, mồm chả có cữ, chả tự định liệu được. Nhà ông bà, con một bề. Ba đứa con gái, chồng xa hết. Có năm còn mất tết, chứ nói gì canh cần với chả canh cải. Nên từ hôm ông ra đây, chả có đứa nào phiền toái ông cả. Thế lại hóa hay.

Đợi ông Đoàn pha trà xong, uống xong nước đầu thì ông Thin mới từ ngoài lết vào. Ông Thin và ông Tửu cộng vào nhau thì mới đủ hai tay hai chân. Vì ông Thin cụt cả hai chân từ ngang đùi còn ông Tửu cụt cả hai tay từ ngang cánh. Nên mỗi khi phối hợp nhau làm gì, ông Thin coi ông Tửu là chân mình và ngược lại, ông Tửu lấy ông Thin làm tay mình. Ông Thin không nghiện trà như ông Đoàn nhưng cũng thích uống, và chỉ uống nước hai cho khỏi cồn ruột. Ông Thin cũng không nghiện rượu như ông Tửu nhưng vui thì cũng trôi nửa lít và tửu lượng khá ổn định. Ông Thin là người duy nhất trong ba ông là còn giữ thói quen tập thể dục buổi sáng từ thời quân ngũ. Bà vợ ông Thin hiền như đất. Nên trước khi đi ông quán triệt rồi, không ra đây làm gì cả. Có việc gì tôi sẽ báo về. Các con ông thì công tác xa, không đứa nào biết việc ông bố giở chứng ra đồng nếm mùi đất xem mặn nhạt ra sao. Mà có biết, cũng đố dám ho he gì. Vì tính ông thế. Nóng như lửa. Nhìn cơ ngơi của ông thì biết. Dù cụt chân, nhưng ông chả thua kém thằng đủ chân nào ở làng. Ông cũng chưa cậy nhờ gì vào cái đám chim đủ lông đủ cánh ấy cả.

Ông Thin làm chén trà cho ấm bụng rồi quay sang nhìn ông Đoàn, định nói gì đó, nhưng lại thôi. Trong ba ông, ông Đoàn là bị ràng buộc nhất. Vì thằng con trai, hiện tại đang làm phó chủ tịch xã. Đứa con gái công tác trên thành phố thì không nói, chứ thằng con trai ông Đoàn, không phải dạng vừa. Nó làm chính quyền mà, đủ biết, tự do của ông Đoàn eo hẹp ở mức nào. Thuyết phục được ông Đoàn bỏ nhà cao cửa rộng ra đây nằm sương gối gió là một kì tích rồi. Mà chỉ ông Tửu mới thuyết phục được. Ông Tửu ấy, khi đủ rượu, cái lưỡi ông ấy lựa giỏi vô cùng. Trong cái bể ngôn từ chua cay, đắng chát, sỗ sàng đầy ắp, ông chọn ra toàn lời ngọt ngào, trong veo, để ai nghe, cũng phải sướng cái lỗ tai.

Ông Đoàn sau hai tuần trà thì đứng dậy, chui ra phía ngoài lều mang vào hai tấm ván. Đúng ra nó là hai tấm ván thiên còn lành lặn, người ta vứt bên đồng Vồi, ông nhặt về chiều qua. Bên ấy, đất bán, máy ủi lên thấy cả tiểu sành, và ván canh. Ông chọn được hai tấm thiên còn ổn, cẩn thận xách nước cọ rửa sạch. Ván này, mà đóng máng lợn, máng gà, thì chăn nuôi thuận lắm, hay lắm đây. Ông lấy làm kệ để vẽ đấy. Ông Đoàn là một tay vẽ truyền thần có tiếng trong vùng. Từ ngày có công nghệ ảnh mới, chả ai thèm truyền thần nữa, thì ông Đoàn cũng nghỉ vẽ. Chỉ thi thoảng vẽ một vài bức cho đồng đội làm kỉ niệm, để khi nằm xuống, đứa nào thích thì sẵn đó mà làm ảnh thờ. Và vẽ cho đỡ nhớ, đỡ buồn tay thôi.

Ông Thin mài cái mũi kéo đã rất bén, đưa lên mũi ngửi. Mùi sắt tanh tanh. Cái bát Hải Dương để dưới chiếu, hai ông lần lượt chìa tay ra để mũi kéo nhọn bén đi vào. Ông này làm cho ông kia. Đến lượt ông Tửu, nhìn những giọt máu tong tong rơi xuống từ mỏm tay cụt, ông Đoàn quay mặt đi. Ván cờ này, là trứng chọi đá. Khả năng thắng chỉ có vài phần thôi chứ không như những vụ trước. Tiếng ông Tửu. Chúng ta sức yếu rồi, cần có sự ủng hộ của bà con, thì mới ăn thua. Để máu không đông, ông Đoàn đã thả vào bát máu một chút muối rồi dùng bút vẽ khuấy đều…Mảnh bìa trắng khổ rộng được dải ra hai mảnh ván thiên ghép lại làm bàn.

Ông Đoàn đang chấm cọ vào bát máu thì có tiếng bước chân người đi vào. Cả ba ông nhỏm lên. Ra là ông Khuất. Ông Khuất chửi phủ đầu. Chúng mày ăn mảnh đấy hả? Cả ba ông há hốc mồm nhìn ông Khuất. Mới có một tuần thôi, mà ông Khuất khác quá. Đầu thì trọc lóc như hòa thượng. Mặt thì vêu vao, xanh xao. Mắt lồi ra. Cái giống hóa chất là thế. Chảy đến đâu, điếng người đến đó. Nhiều lần ông Khuất bảo các con. Nam Tào chấm bố rồi, chúng mày cưỡng làm gì cho tốn kém. Nhưng các con ông không nghe. Chúng bảo còn nước còn tát. Ung thư gan làng này đầy, nhưng ông dai nhất, ba năm rưỡi rồi đấy. So với mấy ông bạn, ông hạnh phúc nhất, vì đủ chân, đủ tay. Còn nếu nói về sẹo, thì thằng nào chả chi chít khắp mình mẩy. Tuy nhiên, ông khác mấy ông bạn ở vài mảnh đạn không thể gắp ra khỏi người và mấy cái xương sườn gãy. Ông vừa ở bệnh viện về hai hôm, họ hàng lác đác đến thăm, ai cũng động viên ông là phải chiến đấu đến phút cuối cùng. Chiến con mẹ gì. Vứt cái án tử sang một bên, ông ngứa ngáy chân lắm rồi. Giữa mùa hè nóng nực thế này, đội cái mũ len sù sụ lên đầu cũng ngại. Mà phơi cái đầu trọc hớn ra, cũng chả làm sao. Ông Khuất có vợ, nhưng cũng bằng không có. Sau khi lo dựng vợ gả chồng cho ba đứa con xong xuôi, thì bà đùng đùng bỏ nhà đi, vào tận cái thiền viện gì đó tận Lâm Đồng. Con cái năm lần bảy lượt vận động bà về mà chả được. Bà ăn chay, tụng Phật suốt ngày… Thôi, biết làm sao.

Con người ta, nếu có số má gắn cho, thì cái số ông là số khắc vợ. Đận biết ông bị trọng bệnh, bà cũng ra thăm ông. Đêm đến, bà nằm trong phòng đứa con gái đã đi lấy chồng. Ba lần, đúng ba lần ông đi đến cửa phòng, chạm tay vào nắm đấm chỉ khép hờ rồi lại quay về chỗ nằm. Bà ấy đấy, vợ ông bằng xương bằng thịt, nhưng giờ đã thành người xuất gia. Và giờ, thì dù chả tu tỉnh gì, chả xuống tóc mà đầu ông cũng trọc như đầu bà.

Chúng mày không lấy máu tao, là chúng mày khinh tao. Đến nước này, thì phải lấy. Vài giọt cũng là máu. Máu của thằng gần đất xa trời nhưng vẫn đỏ hơn máu tao chúng mày ạ. Ông Tửu nói thế. Ông Thin phụ theo. Máu mày loãng là vì rượu đấy.

* * *

Cường đang ngả người trên ghế xem bóng, tay trợ lý chạy vào, giọng ái ngại. Sếp ơi, rắc rối to rồi, mấy lão gàn dựng lều cố thủ ngoài ấy. Mà theo đúng lịch thì sáng ngày kia là chúng ta bàn giao. Cường tắt ti vi, ngồi dậy. Gàn nào? Đứa nào dám? Tay trợ lý cung kính đưa cho Cường một tập giấy tờ gì đó. Đấy, sếp đọc đi. Đây là hồ sơ của cái nhóm tứ gàn mà em xin về. Bọn này hoành hành suốt mấy chục năm rồi. Chúng còn tấn công cả ủy ban huyện cái đận đấu thầu cái hồ Biền ấy. Rồi ủy ban xã thì cơ man nào là lần bị chúng bao vây, đưa ra đủ thứ yêu sách. Cả bệnh viện chúng cũng không tha, cái vụ chết tay thương binh bị tai biến ấy. Chúng chống đối lại cả tổ cưỡng chế, rồi thì bảo vệ hiện trường tai nạn, rồi đến cả đồn công an giải cứu người gây rối trật tự công cộng bị tạm giữ, rồi thì đến doanh nghiệp đòi nợ cho người làm công, giữ đất nghĩa trang không chịu di rời, rồi thì kiện công ty hóa chất… Thôi. Cậu im đi. Thế chính quyền mù à? Luật pháp đâu cả để cho bọn giang hồ nhiễu nhương thế? Dạ, thưa sếp, chúng không phải là giang hồ ạ. Chúng chỉ là bọn người què, cụt thôi.

Về lực lượng thì không đáng kể ạ. Thế thì sợ gì? Làm ăn có trình tự, bài bản cơ mà. Cứ nhặng lên. Dạ…nhưng mà…Nhưng gì? Tứ gàn, chính là tứ hùng của ba mươi năm trước đấy. Sếp nghe thấy tên cái hội ấy bao giờ chưa? Cường ngây người. Nhớ rồi. Ai đó đã kể cho nghe. Chứ Cường thuộc lớp hậu sinh, ba mươi năm trước ở truồng, biết gì. Thì ra là chúng. Không ngờ, cái hội này vẫn còn đến giờ. Để rồi xem, chúng bay còn mấy sức mà dám đấu với tao. Cả cái đồng Vồi hàng mấy chục héc ta kia, tao còn mua được, thì cái góc Vạn Thủy nhà chúng mày, là con muỗi. Tiền đền bù nhận, tiêu hết con mẹ nó rồi, giờ giở chứng nói thỏa thuận chưa đạt. Tao mua bán với chính quyền, chúng mày là cái thá gì mà đòi thỏa thuận?

Sáng hôm ấy, trời cả gió, rơm rạ bay tứ tung. Chiếc xe tải kéo còi lớn, rẽ theo con đường bê tông đến bìa đồng. Tới đoạn đường hẹp quá thì xe dừng. Chiếc xe phủ bạt kín nên dân Vạn Thủy cũng không rõ là trong ấy chứa gì. Từ trên cabin chui ra ba người đàn ông cao lớn vạm vỡ. Họ từ từ gỡ bạt ra. Ối trời, toàn dây thép gai với cột sắt. Họ tính chuyện rào đồng đây mà. Bà con kéo ra rất đông để xem. Lại thêm một cái xe nữa đi vào làng. Cái này không bịt bọc gì cả, chỉ chở người. Dễ có hai chục thằng thanh niên mình trần, mũ lá, thuốc phì phèo. Họ xuống xe chở người, leo lên xe dây thép, vần những cuộn thép gai xuống, hè nhau khiêng vào đồng. Một trong ba thằng đàn ông chỉ chỏ gì đó. Bọn họ dàn hàng ngang tiến về phía chiếc lều phủ bạt, nằm chơ vơ trên ruộng. Một thằng bước đến cửa lều của mấy ông già, giọng lễ phép. Các bác làm ơn rời khỏi khu vực đất của công ty cho. Để chúng cháu còn làm nhiệm vụ. Ngồi trên chiếc chiếu cói trải lên nền đất còn âm ẩm, bốn ông già mỉm cười bình thản. Ông Đoàn lên tiếng. Cháu đi gọi ông Cường vào đây. Chúng tôi muốn nói chuyện với ông Cường. Thằng thanh niên khi nãy trở mặt hỗn láo. Này, mấy lão già, quen giở trò ở đâu thì được, chứ với tụi này là không có được đâu. Đừng để bọn này phải làm việc thất đức, nhá! Ông Đoàn cười khẩy, giơ cánh tay duy nhất lên. Giọng vẫn nhẹ nhàng. Khoan! Việc thất đức của các anh hoãn lại, làm sau, giờ vui lòng gọi ông Cường đến đây nói chuyện.

Ông Đoàn vừa dứt lời thì từ phía sau, một người đàn ông trạc tuổi thằng Triều con ông bước đến. Nhìn là biết ngay, đấy là sếp của dự án. Cường nhìn mấy ông già què cụt bằng ánh mắt thương hại. Hắn hất hàm về phía tay trợ lý. Rất nhanh nhẹn, tên kia thò tay vào cặp da, lấy ra chiếc phong bì khá dày. Tên này bước vào lều, cúi xuống, đặt chiếc phong bì lên chiếu và nói. Chúng tôi làm thủ tục với chính quyền địa phương đã xong xuôi, đây là chút tiền sương gió mấy đêm canh đồng, các bác đi luôn cho, đồ đạc khắc có người dọn dẹp về tận nhà. Ông Đoàn cười kiêu mạn, không nhìn mà nhặt cái phong bì lên, xé toạc, rút mớ tiền, ném vào gió. Tiền bay phấp phới. Bọn thanh niên đứng ngoài nhốn nháo gom tiền. Cường bất ngờ với hành vi này, nên rút điện thoại gọi cho ai đó. Lúc ấy, ông Tửu đứng dậy, loạng choạng đi ra. Cái mặt ông chín đỏ như gấc. Mùi rượu phảng phất thơm thơm. Ông lắc mạnh hai vai, đôi cánh tay áo quay tít. Bọn thanh niên há hốc mồm nhìn lão già say rượu cụt cả hai tay đang trình diễn cái miếng võ gì mà chúng chưa từng thấy. Ông Tửu nói. Chúng mày cút về đi. Các ông không trả đất đấy. Chỗ đất các ông dựng lều là đất ông thầu của xã, ông chưa nhận xu đền bù nào, chúng mày căn vào đâu mà đuổi các ông đi? Cường giận tím mặt. Hắn bước đến, đặt bàn tay lên vai ông Tửu. Nhưng chưa kịp nói gì, thì ông Tửu đã lắc vai, ống tay áo cũ với những chiếc cúc sành quất vào mặt Cường nhoi nhói. Cường lùi lại mấy bước, ôm mặt. Lúc ấy, người đàn ông thứ ba bước vào, hất hàm hỏi Cường bằng cái thứ tiếng gì lạ. Ra thằng này, không phải người Việt.

Cường đưa mắt cho tên trợ lý. Tên trợ lý kéo thằng bụng phệ mắt híp ấy ra ngoài trao đổi gì đó. Cường nhìn mấy lão già bằng ánh mắt tóe lửa. Cùng lúc ấy, ông Thin lăn xe ra, dừng xe sát ông Tửu. Ông Thin không say rượu, nhưng mặt đỏ như mào gà sống cưỡng. Ông Thin bảo. Chúng mày muốn lấy chỗ đất này, thì hãy bước qua xác tao. Tao tuyên bố là tao không đồng ý để cho chúng mày cậy tiền, cậy quyền, thích làm gì thì làm. Thế thôi. Cường nhìn ông già cụt cả hai chân ngồi trên xe lăn mà máu sôi lên. Ở đâu lại tòi ra mấy lão già gàn dở ngang ngược này chứ lại. Gọi chính quyền rồi mà sao như mối đắp chân, mấy chục phút rồi không tới. Mẹ kiếp! Hắn văng tục.

Mặt trời đã lên cao. Nóng hầm hập. Người chen chân người. Toàn những người dân một nắng hai sương, đã ngoan ngoãn thu màu, bàn giao đất cho dự án theo lệnh của chính quyền xã. Họ đến để xem mấy ông già quyết không nhận đền bù. Dại lắm cơ. Đất của nhà nước cho mình thuê, giờ nhà nước thu hồi lại, bán đi, mình cản sao được. Mà họ đền bù, chứ có lấy không đâu. Nhiều người nói. Chưa chắc Vạn Thủy đã vào tay dự án đâu. Mấy lão này gớm lắm, giời cũng bằng vung. Họ đi đến đâu, ở đó trắng đen phải rạch ròi. Mà phải có gì mờ ám ở đây, thì mấy lão mới dựng lều để canh giữ quyết liệt thế chứ. Tiếng xì xào râm ran cả một vùng. Đại diện chính quyền xã rồi cũng phải có mặt. Khi ấy, cả bốn ông già đã kề vai sát cánh. Ngoài cùng là ông Đoàn, tiếp là ông Thin cụt chân ngồi xe lăn. Tới ông Tửu cụt tay say bét. Rồi đến ông Khuất, hai má tóp lại vì rụng răng, đầu trọc hớn. Phía sau bốn ông già là một bức bình phong lớn, phủ mảnh vải lụa trắng. Trông nhếch nhác, thảm thương thế nào ấy. Mà cũng trông ngang tàng, hùng dũng thế nào ấy. Đích thân ông chủ tịch xã tiến lại bắt tay mọi người và ân cần khuyên nhủ giải thích. Rằng thì là, chỉ sau một năm nữa, chỗ này sẽ là sân bóng, chỗ kia sẽ là bể bơi, là…

Ông Khuất ngắt lời vị chủ tịch xã, chỉ tay vào mặt Cường, và nhìn khắp lượt bà con. Ông nói to. Thưa toàn thể bà con! Hôm nay, chúng tôi xin nói để bà con rõ. Trải qua nhiều vụ việc tương tự thế này trên địa bàn xã ta, quận ta. Và qua cung cách làm ăn của ông Cường, chúng tôi dám chắc một điều rằng không có chuyện di dời ủy ban thành phố về quận ta, xã ta. Tất cả chỉ là trò lừa đảo của lũ sâu mọt mà thôi…

Đến lượt ông chủ tịch xã cắt ngang lời ông Khuất. Bác nói gì lạ thế. Anh Cường đây, là đại diện của doanh nghiệp xây dựng Hưng Thịnh. Mà doanh nghiệp Hưng Thịnh này có cổ phần của con trai đồng chí K. Hưng Thịnh đứng ra mua đất nông nghiệp của xã để chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ cho những tiêu chí xây dựng khu vui chơi, giải trí cơ bản có trong quy hoạch. Còn việc đặt khu đô thị mới ở vị trí chính xác nào trong quận, trong xã, ủy ban tỉnh sẽ quyết định và giải quyết đền bù thỏa đáng cho bà con. Đợi cho ông chủ tịch xã nói xong thì ông Đoàn liếc sang ông Khuất, ông nói nhanh, như sợ không kịp. Thưa bà con! Ông Cường và bè lũ của ông ta phao tin về kế hoạch di dời ủy ban thành phố để mua đất xã ta với giá rẻ, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp khác với giá cao để trục lợi. Sẽ không có trường học, bệnh viện hay cái gì gọi là công trình phúc lợi cho dân cả, cũng không có ủy ban mới gì cả, chỉ có tiền và lòng tham thôi. Rồi đây, cả xã ta sẽ biến thành công trường như xã bên cạnh, những nhà máy hóa chất sẽ giết chết dòng sông này, cánh đồng này. Rồi ung thư và bao nhiêu hiểm họa sẽ tràn ngập…

Gã đối tác của Cường không hiểu tiếng Việt nhưng thấy tình hình căng thẳng thì lôi tay trợ lý của Cường ra để xì xồ một hồi. Cường nghĩ, cứ đà này, không khéo xôi hỏng bỏng không. Rõ ràng là kế hoạch đã kín kẽ đến từng tiểu tiết cơ mà. Sau khi bàn giao mặt bằng cho khách xong, Cường rút gọn, rút sạch khỏi khu vực này. Lúc ấy, lấy lí do là chưa đủ kinh phí để xây dựng khu hành chính mới nên tạm thời tỉnh hoãn dự án lại. Toàn bộ số đất đã mua sẽ được chuyển sang đất xây dựng cơ sở sản xuất hàng hóa. Mà thực tế, Cường cơ bản đã sang tay hết rồi. Tiền đút túi rồi. Nhiều thằng tưởng bở, nhảy vào cầu cạnh, mua lại đất của Cường tính chuyện đầu cơ. Phen này, có đứa thắt cổ, có đứa nhảy sông. Chỉ còn có cánh đồng Vạn Thủy này là chưa bàn giao được vì nhùng nhằng mấy hộ không chịu giao. Lúa chín rũ, chúng không gặt, không nhận đền bù. Cũng tại Cường chủ quan, một mực tin tưởng mấy ông chính quyền xã đã giải quyết xong xuôi rồi. Bọn này, phải rắn mới được. Kể cả, phải đổ máu thì cũng phải chơi.

Cường giơ tay, ra hiệu cho đồng bọn phía sau tiến lên. Bọn thanh niên lột áo, ào lên. Gậy gộc, dao búa nhăm nhe. Một thằng lấc cấc. Mấy lão già gần đất xa trời kia! Bọn tao cho hai phút suy nghĩ. Tiền hoặc máu, chọn đi. Ông Đoàn chỉ mặt thằng thanh niên khi nãy. Bọn mày là cái thá gì mà bắt chúng tao phải chọn? Chúng tao không tham tiền dù rất nghèo. Còn máu xương chúng tao, cũng chả còn bao nhiêu để mà tiếc. Còn sống ngày nào, thì chúng tao còn tuyên chiến với gian dối, với lưu manh, với bất công ngày ấy. Đất trồng màu của dân, chúng mày mua một, bán mười, bán trăm, nhưng lại giở giọng thương xót dân, lo cho dân, vì dân. Có giỏi, chúng mày bước qua xác mấy thằng già này đi. Quay sang tay phó chủ tịch xã, ông dằn giọng. Còn các anh, tối mắt vì tiền, suốt ngày họp hành bàn chuyện bán đất mà không biết hành vi của các anh đang đưa dân, đưa bao thế hệ tương lai vào chỗ chết. Tay chủ tịch xã tái mặt, lén đánh mắt về phía đám đông để cầu cứu một cách hèn nhát. Đám đông trồi lên. Một thằng tiến tới định tóm lấy cánh tay duy nhất của ông Đoàn thì nhanh như chớp, ông Khuất kéo mảnh vải lụa trắng xuống. Cả đám đông ồ lên kinh ngạc. Mấy thằng vừa hung hăng thế đã chùn bước. Trên bức bình phong là một tấm bản đồ vẽ bằng chất gì đó có màu đỏ sậm như máu người.

Từ trong đám đông có tiếng xì xào. Bản đồ xã ta đấy bà con ơi! Ông Khuất túa mồ hôi hột, người lạnh đi, cứ ngả dần về phía bờ vai cụt của ông Tửu. Trước khi nhắm mắt lại, thiếp đi, ông Khuất còn kịp nhìn thấy cả rừng cánh tay người giơ lên cùng tiếng hô rầm trời. Đả đảo bán đất! Đả đảo bán đất!.

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước