Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:37 (GMT +7)

Hương hoa dẻ trắng bay về xuôi

Trại sáng tác của Bộ Công an tại Hạ Long (Quảng Ninh) tháng Tư năm nay bỗng đột khởi vì tiếng cười vô tư lự của những nữ sĩ đến từ mọi miền đất nước: Bùi Thị Như Lan, Vũ Thảo Ngọc, Trương Thị Thương Huyền, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thu Hà, Phạm Vân Anh. Nhưng đừng nghĩ các nữ sĩ chỉ... cười thôi đâu. Mỗi ngày đêm sau tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ, ngòi bút (bàn phím) của họ đã run bật cảm xúc trên từng con chữ.

                                    l-1694482284.jpg
Nhà văn Bùi Thị Như Lan

Riêng nhà văn Bùi Thị Như Lan, tôi biết, đã gấp rút hoàn thiện bản thảo tiểu thuyết “Sương mặn” khắc họa hình tượng người nữ chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân vì dân phục vụ” nơi vùng cao biên giới. Đến nay, gia tài văn chương của chị đã khá giàu có với gần 20 tác phẩm văn xuôi (ký, truyện ngắn, tiểu thuyết). Nhưng để tạo tác nên khuôn mặt nhà văn Bùi Thị Như Lan trên văn đàn thì chính là truyện ngắn, một thể loại không hề là “bài tập văn chương” như ai đó nghĩ.

“Hoa dẻ trắng”, truyện dự thi cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” (do báo Nông thôn Ngày nay & Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức) được dùng đặt tên cho tập truyện ngắn thứ 11 của Bùi Thị Như Lan (Giải C Hội VHNT Dân tộc thiểu số, 2022) xuất bản trong vòng hai mươi năm (2003 - 2023): Tiếng chim kỷ giàng, Mùa hoa mắc mật, Hoa mía, Lời Sli vắt ngang núi, Bồng bềnh sương núi, Cọn nước đôi, Mùa hoa Bjoo phạ, Tiếng kèn Pílè, Hoa sưa đỏ, Vòng vía, Hoa dẻ trắng. Như thế cũng đủ để thấy nữ nhà văn trung thành với thể loại “nhỏ”, hay nói cách khác chính thể loại truyện ngắn “chọn mặt gửi vàng” người viết.

Nhân Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (2020), tôi tỉ mẩn lật giở sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội Nhà văn, 2020), tìm được danh sách 21 nhà văn dân tộc Tày trong số 52 nhà văn các dân tộc ít người, trên khoảng 1500 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (đây chưa phải là con số cuối cùng). Một con số biết nói. Tôi cũng chưa thấy trong một công trình nghiên cứu nào chỉ rõ nguyên nhân vì sao dân tộc Tày lại cống hiến cho nền văn chương Việt Nam hiện đại nhiều văn nhân hơn hẳn các dân tộc khác (?!). Giải được câu hỏi này, tôi nghĩ, cũng là một điều lí thú.

                                    ll-1694482285.jpg
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Đọc truyện ngắn Bùi Thị Như Lan, không riêng tôi, có được cái cảm xúc đặc biệt về những sắc màu, âm thanh, đường nét, mùi vị của không gian rừng núi Việt Bắc - đó chính là một “ngoại cảnh” đặc sắc thường ít thấy xuất hiện trong văn chương Việt Nam đương đại. Người ta thường nói “Con người là một phần của tự nhiên”, nhưng sự thật thì “Con người là tự nhiên”. Áp vào truyện ngắn Bùi Thị Như Lan càng thấy hiển hiện, thấm thía. Đó chính là biệt sắc của cây bút nữ dân tộc Tày giàu nội lực sinh ra từ quê hương Đông Viên, Chợ Đồn, Bắc Cạn (nguyên Đại tá, công tác tại Báo Quân khu I).

Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan đã mở ra trước độc giả một không gian đặc biệt - đó là thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ, thanh tao, trinh nguyên của miền rừng núi Việt Bắc. Ở đây không có sự náo nhiệt, bụi bặm của phố thị. Không có nạn kẹt xe, không có những dòng người bị dồn ứ trông như những đoàn quân “nin-ja” hiện đại ngờm ngợp mũ ni che tai. Có thể ở đâu đó rừng bị phá, có thể ở đâu đó những thói hư tật xấu từ phố phường đổ bộ đến tận miền sơn khê, có thể ở đâu đó có những cuộc li hương của những người con của núi rừng. Nhưng nhìn đại thể, thiên nhiên rừng núi vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguyên khôi. Một kẻ vừa ra tù (cái tội khiến anh ta vào tù cũng lãng xẹt), sau ba năm, nay lại thấy mình: “Lọt thỏm giữa ba bề, bốn bên màu xanh bạt ngàn của núi rừng”. Sau ba năm, nay lại cảm nhận được: “Thinh không tràn ngập hương thơm nồng nàn của xôi nếp và tiếng chày giã bánh giầy thậm thịch”. Hắn, nhân vật chính trong truyện “Lá bùa đỏ”, sau ba năm trong trại giam, nay được trở về tự do, mới thấy: “Ba năm rồi, hắn không nghe tiếng rì rầm của suối, lao xao của lá rừng, không được hít hà vị ngai ngái của hương thơm tinh khiết tỏa ra từ những cây nghiến già trên núi mà cả đời “pá” hắn đam mê. Ba năm qua đi, hắn không được đằm người trong hương rượu ngô men lá ngòn ngọt, say nồng cùng lá bánh chưng tỏa ra từ những chiếc bếp vuông ngày tết. Thế đấy, ba năm rồi… hắn thèm khát hương vị của núi rừng quê hương”.

Không hề ngẫu nhiên khi tác giả chú ý đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, trong khi đa số các nhà văn ở chốn thị thành, như ta thấy, thường “nhốt”  nhân vật của mình trong các khối bê tông, nhà kính của công sở với mùi khét của máy tính, âm u của điều hòa nhiệt độ. Mỗi bước đi của nhân vật trong truyện ngắn Bùi Thị Như Lan đều quấn quýt với thiên nhiên: “Tôi về ngang dốc Bờm Ngựa thì đỉnh Phoọc Mạ đã ngậm nửa ông mặt trời đỏ sậm. Sương mù rủ nhau chậm chạp trở về trên núi. Rừng nhuộm màu tím biếc. Dưới những vòm lá, tiếng chim gọi nhau về tổ ríu rít, ấm áp” (Trăng mọc trong thung lũng).

Tuy nhiên con người của xứ sở rừng núi vốn bao đời nguyên sơ nay cũng phát lộ những quan hệ chằng chịt, phức tạp như trong truyện “Tiếng kèn Pílè”. Phức tạp ngay trong một gia đình và những người có quan hệ huyết thống. Siển là em trai Sính nhưng lại có quan hệ với chị dâu là Mí, đẻ ra thằng Thản. Lí do ư? Là vì Sính bất lực, là vì tâm nguyện của người cha muốn có cháu nối dõi tông đường. Về một phương diện nào đó là vô luân, song thể tất là rộng lượng, rộng đường nhân sinh. Chính cái mâu thuẫn này khiến cho Siển thấy: “Tiếng kèn Pílè của anh Sính ngoài bờ suối lại ngân lên những lời oán trách. Lời kèn như xát muối đốt lửa. Siển đâu muốn trong nhà chuyện bùng nhùng như rừng rậm thế này. (…). Bao năm qua rồi mà Siển không thể nhìn người con gái nào khác? Siển vẫn một mình, một bóng lầm lũi thôi. (…). Siển mong thằng Thản chóng lớn thành cây to, cột chắc. Như thế là Siển toại nguyện rồi”. Đọc truyện này tôi cứ nghĩ tác giả không hề nao núng, viết bạo tay, lý tình phân minh.

Bản tổng phổ truyện ngắn Bùi Thị Như Lan mang vẻ đẹp của hoa dẻ trắng, thứ hoa luôn đẫm sương đêm và no nê ánh mặt trời. Đọc “Hoa dẻ trắng” của chị tự nhiên tôi lại nhớ đến “Bông dẻ đẫm sương” - tập truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Chu Thị Minh Huệ ở Hà Giang. Nếu trong ngành giáo dục có những giáo viên “cắm bản” thì trong lĩnh vực văn chương cũng rất cần có những nhà văn tình nguyện như thế để tránh tình trạng viết về miền núi theo lối “ngắm rớt”, “nhắm rớt” (theo cách diễn đạt của nhà văn Hoài Thanh trong sách “Nói chuyện thơ kháng chiến”, 1951).

Tôi thích “Hoa dẻ trắng” khi ngòi bút của nữ sĩ đến độ chín, sở hữu 11 tập truyện ngắn rất nét. Đã đành. Nhưng thú vị hơn là tinh thần “trụ hạng” như trong thể thao, với một thể loại “bé hạt tiêu” rất khó thành công, thành danh nếu thiếu nội lực. Trên văn đàn, trụ hạng với truyện ngắn cho đến nay có thể kể đến Lê Minh Khuê, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Tống Ngọc Hân. Truyện ngắn là nơi thể hiện, thử thách sức bền của ngòi bút có duyên văn Bùi Thị Như Lan. “Hoa dẻ trắng” có hơi hướng, mầm mống của một tiểu thuyết. Nhưng tác giả đã biết cách “nén” lại để cho khi đọc xong độc giả có cái cảm giác bùng nổ trước cuộc giao tranh của truyền thống và hiện tại, giữa văn hóa và kinh tế, giữa các thế hệ một bên “gừng càng già càng cay”, một bên thì riết róng “tre già măng mọc”. Cách viết của Bùi Thị Như Lan trong “Hoa dẻ trắng” (rộng ra là trong truyện ngắn và tiểu thuyết) là lấy “gia đình” như một “tế bào xã hội” để nghiên cứu, thể hiện nghệ thuật đời sống rộng lớn. Đó là cách qua một giọt sương soi chiếu cả ánh mặt trời, qua một giọt nước biển để khơi vị mặn của đại dương bao la (vi môvĩ mô).

Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan được viết theo lối truyền thống: Có cốt truyện (có “chuyện”, kể lại được), có tình tiết, chi tiết tiêu biểu, kết thúc ấn tượng. Lối truyện này phù hợp với cách đọc thông dụng hiện nay. Truyện thường được mở đầu bằng mô-tip chủ đề “trở về” của một nhân vật chính: “Hắn đi mà như chạy, cái chân hắn bỗng giống như cánh chim được sổ lồng. Đúng rồi, ba năm trong trại giam đủ để hắn thấy cuộc sống ngoài đời quý giá đến nhường nào” (Lá bùa đỏ); “Tôi thấy mình trở về ngôi nhà sàn năm gian có những cột nghiến tròn trịa, nâu bóng mà lũ mối mọt không sao đục nổi” (Lời Sli trôi trong trăng); “Nấn ná chần chừ mãi Siển cũng về nhà. Bỏ lại sau lưng cái ồn ào, náo nhiệt của thị trấn” (Tiếng kèn Pílè); “Tôi về ngang dốc Bờm Ngựa thì đỉnh Phoọc Mạ đã ngậm nửa ông mặt trời đỏ sậm” (Trăng mọc trong thung lũng); “Dần mải miết sải bước qua đỉnh đèo Khau Slôm. Trên chặng đường gập ghềnh về bản. (…). Mỗi lần về nhà, Dần đi như bò qua đây, muốn đi nhanh nhưng không đi nổi” (Mùa cây mắc tào trổ hoa); “Lần này mình về trên núi cũng là một công đôi việc” (Trầm hương)…

Những cuộc trở về của các nhân vật là để tìm lại chính mình, là để đi tìm thời gian đã mất. Nhưng quan trọng hơn là để trở về theo tiếng gọi của nơi hoang sơ, nguyên thủy của núi rừng, vì vậy nhân vật dẫu có đi đâu thì cuối cùng vẫn như dân gian nói “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, “lá rụng về cội”. Nỗi niềm cố hương rất sâu đậm trong tâm thế nhân vật truyện ngắn Bùi Thị Như Lan.

Trong một tác phẩm truyện thì sự kết hợp hai yếu tố “kể” và “tả” rất quan trọng. Tác giả đã thực sự cố gắng “điều phối” quan hệ này khi viết. Bức tranh thiên nhiên luôn là phông, nền cho câu chuyện được kể, gắn với những đặc sắc vùng miền, đem lại sự mãn nhãn cho độc giả vùng xuôi muốn khám phá những “chuyện đường rừng”.

Một truyện ngắn neo lại được trong ký ức độc giả vì có “chuyện” hay đã đành. Nhưng nếu có dư vị và ấn tượng lại nhờ “văn” hay. “Hoa dẻ trắng” tiêu biểu cho lối văn cuốn hút: “Những cơn gió bắc kéo cái lạnh về. Gió chạy ầm ầm cuốn lá khô, bứt lá dẻ tươi quăng xuống sông ràn rạt. Rừng dẻ đợi giá rét về nẩy nụ, trổ hoa. Trời sương sa, giá buốt tái tê thì hoa dẻ bung mình, căng sức tỏa hương. Người bản chân đi qua mấy vạt rừng thưa, rừng rậm, vài quả núi, xuống đến phố huyện rồi mà hương thơm ngọt mềm vẫn đuổi theo”. Đọc “Hoa dẻ trắng”, tôi lại bồi hồi nhớ câu của thi sĩ Xuân Diệu: “Không gì gợi lại dĩ vãng thấm thía bằng một giai điệu hay một mùi hương”.

Đọc Bùi Thị Như Lan, không riêng tôi, cảm nhận được chất trữ tình, lãng mạn của một ngòi bút nữ đắm đuối, nhiều ưu ái và chia sẻ với đời, với người. Đặc biệt hơn, độc giả có được cái cảm giác vô ưu, tìm thấy nơi nương tựa tinh thần khi con người có cơ hội, qua văn chương, được trở về, tắm mình và vùng vẫy thỏa chí giữa thiên nhiên rộng lượng và phóng khoáng. Nói không quá, thiên nhiên tươi đẹp là “liều thuốc giảm đau tinh thần” hữu hiệu nhất đôi khi con người vô tình hay cố ý lãng quên.

Bùi Việt Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy