Hồng trà
Truyện ngắn. Phạm Thanh Thúy
Hồi còn ở quê, gần như đêm nào hắn cũng ngủ ở ngoài lều cá giữa tứ bề mênh mông nước, lúa và cỏ xanh. Nơi đó cũng gần như quanh năm suốt tháng gió vù vù thổi. Người ta đồn cánh đồng ấy nhiều ma lắm, toàn ma giặc chết trận, đêm đêm nỉ non khúc li hương.
Khi ngủ ở lều cá thành quen, hắn vẫn cứ cười sự nhát gan của những kẻ nhiều chuyện. Gió ở chốn đồng không mông quạnh bao giờ nghe mà chả ai oán, bi thương. Vậy mà rất lạ. Khi đã được ngủ yên trong chăn êm đệm ấm ở nhà ông chú ruột, thì mỗi cơn gió đi qua, đập vào ô cửa kính lỏng khung kêu “lọc cọc”, hắn lại có cảm giác như ai đó đang gõ cửa đòi nợ, đòi trả thù. Thù thì hắn chẳng có thù với ai, nhưng nợ thì có, vì ít ra hắn vẫn còn là kẻ có lương tâm, vẫn nhận ra mình là một thằng tội lỗi, nhất là khi người đàn bà ma quái ấy từ trong vòng tay hắn đi rồi, hơi ấm của mụ còn vảng vất, và cái dáng yếu gầy, tiều tuỵ của ông chú già cứ như những bóng ma chập chờn, làm hắn vừa sợ vừa uất ức.
Không ngủ được, hắn đành mở cửa sổ. Trăng sáng lờ đờ trên bầu trời cô quạnh. Hắn buồn. Rồi nhớ đến những khóm hồng trà, bạch trà đơm nụ trong vườn. Đó là hai loài cây ông chú hắn quý nhất. Ông chú hắn già yếu, mong manh như ngọn đèn trước gió, chẳng biết sẽ tắt khi nào. Ông chú hắn yêu hồng trà từ hồi trai trẻ. Và khóm hồng trà trước sân từ đường họ Hạ, ông ta đã phải mất không ít tiền biếu xén người trong họ ấy mới đưa được nó về trồng bên này. Nó không cần biết ông chủ nó già yếu bệnh tật đến đâu, vẫn cứ hồn nhiên xanh tốt và ra hoa.
Có lẽ thế, nên mỗi khi cảm thấy lương tâm cắn rứt, thì bất kể là đêm khuya thanh vắng, trời nóng hay trời lạnh, hắn đều xuống vườn tưới cây. Tưới đẫm hết những si, đa, lộc vừng, hồng trà, bạch trà. Tưới xong có khi nào trời còn chưa sáng, hắn về phòng, đóng chặt cửa như thể nghiêm cấm không cho ai xâm phạm.
Ông chú hắn từ hồi còn trẻ đã thích hoa lá, cây cảnh. Nhưng những năm còn công tác, triền miên trong công việc, chẳng có thời giờ đâu mà chơi bời. Thích quá thì gợi ý để đàn em mua cho những chậu cây quý, đem về chất đầy sân, chật cả lối đi. Nghỉ hưu, lão mới có thời gian trèo núi, vượt đồi, mò mẫm tìm kiếm trong thiên nhiên vô vàn cây xanh, cỏ lạ, có dáng, có thế, đem về tự tay uốn éo, trồng tỉa. Lão bảo: “Cây cảnh do nghệ nhân làm tuy có quý, có đẹp thật, nhưng lại quá hoàn hảo, thiếu đi cái vẻ gì đó hoang dã”. Lão muốn cây của lão không chỉ quý mà còn phải cực kì hoang dã. Tóm lại là: Trời sinh ra thế nhưng lại…không phải thế.
Quanh quẩn mấy năm chịu khó tìm tòi, sưu tập, lão cũng đã có một cơ ngơi cây cảnh kha khá. Tiền ra tiền vào cũng tương đối ổn thỏa. Lão về quê, bảo thằng cháu ruột đen nhẻm vì quanh năm bươn bải ngoài hồ nuôi cá: “Mày lên với chú đi tìm cây. Cá bây giờ nuôi cứ đùng đùng lăn ra chết thế này thì chả mấy mà đi đời cơ nghiệp. Cây cảnh bây giờ có giá lắm. Như mấy khóm dẻ ngoài bờ mương kia kìa, đào về trồng trong chậu cũng được mấy, trăm nghìn như chơi”. Hắn trố mắt. Thế là khăn gói theo chú bắt đầu hành trình đi tìm vẻ đẹp tiềm ẩn trong từng thế cây, dáng lá.
Đời người, ngoài những thứ cần yêu quý ra, phải có ít nhất một vài cái gì đó để yêu quý nhất. Ông chú hắn có cả một vườn cây lớn, những cây lộc vừng, si, đa trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng, nhưng lão vẫn thích nhất hồng trà, đặc biệt là khóm hồng trà được bứng về từ sân từ đường nhà họ Hạ. Mặc dù bạch trà quý hơn hồng trà chứ. Bình thường có hai loại thích. Một là thích bởi lí do sâu xa nào đó. Hai là thích vì đơn giản là thích thôi. Hắn không rõ vì đâu chú hắn lại thích hồng trà. Vả lại vì sao cứ nhất định phải bứng bằng được gốc hồng trà ở sân từ đường nhà họ Hạ, rồi yêu quý nó như thể lá nó là lá ngọc, cành nó là cành vàng. Hắn có hỏi, lão chỉ cười nhạt: “Thiên cơ bất khả lộ”.
Một năm, ông chú hắn lăn đùng ra ốm. Lão xưa nay chưa từng đau ốm bao giờ, thế mà ốm là ốm cho ra trò. Bác sĩ khẳng định lão bị ung thư gan. Hỡi ôi. Ung thư gan ở tuổi của lão thì chẳng còn hi vọng gì nữa. Thằng con trai cả, con vợ cả của lão lắc đầu: “Bố cần ăn gì con có thể lo, chứ con không thể chăm bố được”. Gã bảo thêm: “Ở lại chăm bố, nhỡ dì và các em tưởng lầm là đòi chia chác tài sản thì mất cả hay. Rách cả việc.” Lão ứa nước mắt, thở dài. Chỉ có bà vợ cũ già cả là thương chồng cũ, thường hay lui tới thăm nom mặc cho thái độ nanh nọc của bà hai. Hắn trông chú ốm bên bà thím già tội nghiệp, một đời bị phụ tình mà vẫn không quên nghĩa cũ. Lòng hắn đau đớn, ê chề quá. Trong những giấc ngủ im lìm, đâu đó hắn vẫn mơ về những đêm trăng sao trên đồng cỏ, ao cá nước lấp lánh dát bạc, hắn cùng người con gái họ Hạ say sưa mơ những giấc mơ hạnh phúc.
Bà thím trẻ của hắn là con gái họ Hạ. Làng hắn cổ kính rêu phong, họ Hạ là một trong số những dòng họ ít người trong làng. Họ Hạ lại nghèo, chẳng có người học cao, chẳng có ai làm quan. Thế nhưng con gái, con trai họ Hạ đều đẹp, và rất đẹp, nên quanh vùng, con gái họ Hạ là đắt chồng nhất, con trai họ Hạ đào hoa nhất. Dạo ấy, ông chú gần năm mươi của hắn đang yên đang lành đùng đùng đòi bỏ vợ để cưới một cô gái họ Hạ, bất chấp cô ta chỉ ngang tuổi con trai mình. Lão giải thích: “Cô gái họ Hạ đó tuy nghèo, nhưng có tướng phu nhân, răng đều hạt bắp, má phấn môi đào, vượng phu ích tử, trăm người đâu dễ có một người. Nay bỏ chút tiền ra mua người ngọc, mai sau người ngọc đẻ ra vô số tiền tỉ, chẳng phải là hơn bát vạn bà vợ già chỉ biết hết mực yêu chiều chồng hay sao?”.
Những năm cuối thế kỉ hai mươi, quan niệm cổ xưa về chuyện bắt tướng ít nhiều phai phôi, song vẫn được không ít người coi trọng. Thím mới của hắn về làm dâu, cả nhà hắn thì thào với nhau: “Ông chú chỉ tài vẽ chuyện. Thím ấy đẹp thế kia, mắt mũi đa tình thế kia, chưa thấy vượng phu đâu, đã thấy vượng… anh hàng xóm”. Hắn khi ấy còn nhỏ, chẳng quan tâm đến chuyện của người lớn, nhưng cũng rất thích thím mới xinh đẹp, cũng cảm thấy hạnh phúc khi được thím ôm vào lòng. Vợ chồng chú thím dắt nhau lên phố huyện rồi hắn vẫn không ít lúc phát khóc vì nhớ thím. Nỗi nhớ ấy cũng qua mau, vì dẫu sao hắn cũng chỉ là một đứa trẻ. Còn bà thím trẻ, cùng với sự ăn nên làm ra của chồng, càng ngày càng phơi phới.
Khi khóm hồng trà từ sân từ đường họ Hạ bị chú hắn mua đi, người họ Hạ mang về một khóm hồng trà khác để thế chỗ cũ. Bố Hạ Thơm là người trông coi hương đèn ở từ đường họ, nên nàng rất hay lui tới. Hạ Thơm là người yêu đầu đời của hắn. Hắn say mê nàng từ khi hai đứa còn chăn trâu cắt cỏ, thả diều. Hạ Thơm không may mắn có vẻ đẹp rạng rỡ, nhưng nàng lại sở hữu một nhan sắc rất chân tình. Hiềm nỗi, chú hắn lại lấy con gái bác của Hạ Thơm, mà theo quan niệm truyền thống của một số làng quê Việt, thì không thể kết thông gia như thế được, nên mối tình đó bị ngăn cản. Song, bất chấp tất cả, tình yêu của hắn và Hạ Thơm như cỏ cây, cứ mặc nhiên xanh tốt…
Nhưng rồi làng quê rút cuộc vẫn là làng quê. Vẻ hiền lành, thanh thản ở ngôi làng cũ, bing boong tiếng chuông chùa trong gió, dẫu có gợi cảm giác yên ổn cũng khiến người ta buồn ngủ. Hắn quyết định khăn gói theo chú lên phố huyện, rút cuộc cũng muốn có cái gì đó sống động nhảy nhót cho phần đời trai trẻ hiền lành của mình. Hạ Thơm và hắn không mảy may nghi ngờ gì về những biến cố sẽ xảy ra. Nàng càng tin tưởng vào tương lai lấp lánh do hắn vẽ ra. Dẫu sao con gái luôn thích những gì lấp lánh…Vẽ vời thôi chưa đủ, còn phải thề thốt nữa chứ. Tình yêu không có những lời thề thốt giống hệt một bát canh không có gia vị vậy.
Đêm trước mấy ngày lên đường, bên gốc hồng trà rực rỡ trong sân từ đường họ Hạ, hắn thề: “Nếu mai sau ai phản bội, sẽ phải tự chặt ngón tay của mình”. Hạ Thơm mở to đôi mắt sáng như sao: “Đừng thề thế anh ơi, em sợ lắm”. Hắn nâng đôi tay Hạ Thơm đặt lên ngực mình: “Em phải tin anh. Chúng ta phải tin nhau chứ!”. Hắn còn đinh ninh, sau này có con, nhất định đặt tên đứa bé là Hồng Trà.
Hắn lên phố huyện ở với ông chú về hưu. Những chuyện trái với luân thường đạo lí cuối cùng vẫn cứ xảy ra. Lần đầu phạm lỗi “tày trời” với ông chú ruột, hắn vừa sợ hãi vừa đau khổ. Lang thang một ngày khắp các ngõ hẻm trong lòng con phố trẻ, hắn quyết định trở về làng, sẽ chôn vùi vĩnh viễn cái đêm kinh hoàng ấy trong lòng. Hắn trở lại lều cá với những đàn cá ngây thơ, vô tư đón nhận sự chăm sóc của những kẻ sẽ ăn thịt mình. Nào ngờ, bà thím trẻ chẳng tha. Mụ mò đến lều cá của hắn, cởi phăng váy áo thị uy: “Tôi với Hoán đã ở cùng thuyền rồi, có chìm thì cùng chìm. Nếu Hoán bỏ tôi, tôi sẽ nói toạc cho cả họ biết, rồi ra sao thì ra”. Hắn sợ quá, bủn rủn cả chân tay. Bà thím nhào vào lòng hắn, thoắt chốc yếu mềm như cỏ: “Tôi nói bằng thật. Chú Hoán già rồi, nếu không với Hoán, tôi sẽ đi với người khác. Thiếu quái gì những đứa thèm tôi. Với lại, Hoán muốn cơ nghiệp cả đời chú Hoán sẽ rơi vào tay người khác hay sao?”.
Hắn cắm đầu chạy theo bà thím trở lại phố huyện. Từ đó, cuộc tình tội lỗi tuy chẳng công khai, nhưng nhỡn tiền ông chú tội nghiệp. Ông chú chết chưa đầy một năm, hắn công khai trở thành “chồng” của thím, trở thành “bố” của hai đứa em họ. Và hắn chính thức phụ tình cô gái họ Hạ thủy chung ở quê nhà.
Chướng mắt thiên hạ đến đâu dần dần cũng thành quen. Mọi lời phỉ báng, lên án ngất trời đến đâu cũng chìm lắng. Mọi người rút cuộc ai cũng có cuộc đời riêng, hơi sức đâu mà đấu tranh, mà lên án những kẻ hư đốn có bài bản.
Thế chỗ ông chú, hắn nghiễm nhiên có trong tay vườn cây hàng tỉ đồng và những tài sản khác. Có điều khác với chú là hắn không sùng bái hồng trà. Song lại không nỡ tuyệt tình với chú, hắn cho người bứng các gốc hồng trà, bạch trà vào một góc để lấy chỗ cho những cây cảnh khác. Riêng gốc hồng trà đến từ sân từ đường họ Hạ hắn vẫn để nguyên chỗ cũ. “Vợ” hắn đắc ý: “Cây phú quý đó, nhờ nó, nhờ tôi mà cái nhà các anh mới ra hồn”.
Hắn đã là chủ nhà, có dư thẩm quyền để gọi người thay…cửa kính, nên trong giấc ngủ, hắn không còn có cảm giác gió đập cửa đòi nợ. Sự yên tâm dần khỏa lấp lòng hắn. Giờ đây, trong những giấc mơ, hắn chỉ mơ về ánh trăng trên đồng cỏ, hắn và người yêu cầm tay nhau ước nguyện. Đời người như giấc mộng. Tỉnh mộng rồi, có nuối tiếc cũng chẳng thể nào tìm lại giấc mộng đã qua.
Hắn lại trở thành kẻ triền miên bận bịu với hàng đống công việc, không còn nhiều thời gian tự tay chăm sóc cây cảnh như trước. Nhưng hắn rất đỗi ngạc nhiên khi phát hiện khóm hồng trà của chú hắn có vẻ tàn tạ hơn xưa. Hắn thắc mắc với “vợ”, “ vợ” hắn cười the thé: “Anh xem anh có già đi không? Cái gì mà chả đến lúc tàn lụi”. Hắn ngẫm nghĩ, cuối cùng cũng cho là phải. Nghe nói trên đời này cây hồng trà già nhất cũng chỉ có năm trăm tuổi. Cây hồng trà của chú hắn chẳng có duyên sống đến trăm năm.
Từ khi chuyện tằng tịu của hắn với bà thím trẻ vỡ lở, cha mẹ hắn đau lòng phải viết giấy từ con. Nhưng trước lúc lâm chung, ông cụ thân sinh của hắn vẫn cho gọi hắn về. Ông cụ đem chuyện của chú hắn trước kia kể lại: Rằng một hôm chú hắn gặp một tay bắt tướng giang hồ. Tay ấy phán: “Làng anh có một cây hồng trà sắp phát lộc, nếu mua được nó về thì lộc sẽ vào tay anh”. Đó là duyên cớ vì sao chú hắn đòi mua cho bằng được khóm hồng trà ở sân từ đường họ Hạ. Còn việc chú hắn cưới vợ bé chẳng qua là vì quá ham thích mà thôi.
Cha hắn qua đời không lâu, “vợ” hắn cũng theo chân tiền bối. Thị chết rất thê thảm: Bị người tình giết chết trong nhà nghỉ. Đồ trang sức bị kẻ thủ ác trẻ tuổi cuỗm sạch. Hắn dĩ nhiên chẳng hơi đâu mà đau buồn cho cái chết của “vợ”. Người đàn bà nhan sắc ấy chẳng bao giờ có chỗ trong tim hắn. Thi thoảng trong những giấc mơ hiếm hoi, hắn lại mơ thấy mình cùng Hạ Thơm bay trên đồng cỏ, uống ánh trăng trong.
Con gái, con trai của chú và “vợ” hắn vẫn gọi hắn là anh. Chúng lí luận: “Là cháu của bố, không gọi là anh thì gọi là gì?”. Hạ Thơm của hắn cũng đã đi lấy chồng, yên phận dâu hiền vợ thảo. Mỗi khi quá nhớ nàng, hắn lại lén về quê, vào thăm từ đường họ Hạ. Khóm hồng trà năm xưa vẫn hồn nhiên xanh tốt, hoa tàn hoa lại nở. Gốc hồng trà ấy chôn một ngón tay của hắn. Hắn thường ngắm rất lâu bàn tay bốn ngón của mình. Vì tay hắn đeo nhẫn nạm ngọc rất đẹp nên chẳng mấy ai để ý hắn thiếu ngón tay út.
Cái đêm hắn chặt ngón tay út của mình, Hạ Thơm chỉ ôm mặt khóc, không nói một lời nào. Hắn tự an ủi mình: “Dẫu sao nàng vẫn còn có thể khóc cho ta”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...