Hôn nhân truyền thống của người Lô Lô đen và Lô Lô hoa
Hôn nhân là dấu mốc quan trọng của đời người, thể hiện rõ nét đặc trưng trong văn hóa của mỗi dân tộc, hôn nhân - cưới hỏi luôn có sự chọn lọc, thay đổi cho phù hợp hơn, dựa trên nền của bản sắc truyền thống văn hóa. Với người Lô Lô hình thái và phong tục trong hôn nhân truyền thống là một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng, thủ tục kết hôn do cha mẹ quyết định và phải thông qua người mối lái để tiến hành một số nghi lễ cưới xin nhất định.
Hình thái trong hôn nhân truyền thống
Người Lô Lô nghiêm cấm hôn nhân cùng họ trong phạm vi ba đời, kể cả những người cùng họ nhưng khác nhánh cũng không được kết hôn với nhau. Những người vi phạm nguyên tắc ngoại hôn (nội tộc từ ba đời trở xuống) bị coi là loạn luân và bị phạt theo lệ làng. Dân tộc Lô Lô không có chế độ đa thê; cấm quan hệ bất chính với người khác khi đã có gia đình, nhưng không cấm những phụ nữ góa tái giá. Khi tái giá, con cái và tài sản phải để lại cho gia tộc nhà chồng cũ, không được mang theo.
Hình thức hôn nhân “con cô, con cậu” của người Lô Lô còn khá phổ biến trong cộng đồng, hình thức hôn nhân này cho phép kết hôn giữa một người nam với con gái của anh, em trai mẹ hoặc con gái của chị, em gái bố. Vì vậy, khi tìm hiểu hôn nhân cho con, bố mẹ phải tìm trong số con cô, con cậu trước, nếu không được mới tìm ở ngoài. Quan hệ hôn nhân con cô, con cậu này chỉ thực hiện giữa con gái cậu và con trai cô, chứ không được tiến hành ngược lại.
Người Lô Lô ở Cao Bằng, luật tục cho phép em trai chồng có thể kết hôn với chị dâu (nếu chẳng may người chồng bị chết), ngược lại, anh không được lấy vợ em, điều này tuyệt đối cấm. Luật tục em chồng có thể lấy chị dâu làm vợ, một hình thái của chế độ quần hôn chỉ cho phép thực hiện với những người thuộc vai của em chồng. Quan hệ hôn nhân phổ biến vẫn là hôn nhân giữa những người đồng tộc Lô Lô, tuy nhiên hôn nhân khác tộc cũng xuất hiện ngày càng nhiều với người Thái, Mông, Tày, Kinh… trên cùng địa bàn sinh sống.
Bên cạnh những nguyên tắc của chế độ phụ quyền, hôn nhân của người Lô Lô vẫn tồn tại tàn dư của gia đình mẫu hệ còn khá đậm nét, vai trò quan trọng đầu tiên trong hôn nhân thuộc về bà dì, sau đó mới đến ông cậu. Thực tế cho thấy, đối với người Lô Lô nếu bên nội thì những người anh em cùng dòng máu của cha là thân thiết nhất, thì bên ngoại, bà dì (chị, em gái mẹ) là người gần nhất, sau đó mới đến ông cậu (anh, em trai mẹ).
Các thủ tục trước hôn lễ
Đó là tiêu chuẩn chọn chồng, kén vợ gồm: lễ dạm hỏi; lễ hỏi tuổi, so số; lễ ăn hỏi; lễ cưới và lễ lại mặt. Vào thời điểm năm 1975, đám cưới nhóm Lô Lô đen ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng bao gồm các bước như sau “dạm hỏi (khìn ná); đi tết (pây châu); Lễ dạm cưới (sa mo tuy); lễ báo ngày cưới (mù nì gô thí)...
Tiêu chuẩn chọn chồng, kén vợ: Nam nữ thanh niên Lô Lô thường xây dựng gia đình tương đối sớm, con trai từ 15 tuổi trở lên, con gái 14 - 16 tuổi thông thạo công việc gia đình thì có thể lấy vợ hoặc chồng. Những năm gần đây nhờ thực hiện nếp sống mới, độ tuổi kết hôn ở tuổi 17, 18. Hôn nhân là vấn đề trọng đại trong cuộc đời mỗi con người. Nam giới Lô Lô đi hỏi vợ luôn mong muốn người vợ tương lai của mình phải khoẻ mạnh, tháo vát, chịu khó làm ăn, thông thạo dệt vải, biết may y phục... biết cư xử khéo léo trong gia đình. Nữ giới Lô Lô chọn chồng cũng đặt ra tiêu chuẩn khỏe mạnh, giỏi cày bừa, biết làm nhà cửa... đặc biệt phải biết kính trọng cha mẹ và người già.
Lễ dạm hỏi: Khi con trai đến tuổi trưởng thành, thông báo với cha mẹ về chuyện yêu đương và đối tượng định kết hôn, hoặc trường hợp chàng trai chưa có người yêu, gia đình chàng trai bắt đầu chú ý đến việc chọn vợ cho con trong số các cô gái trong bản hoặc bản lân cận. Bố mẹ chàng trai nhờ ông bà mối, thường là bà dì, ông cậu, khéo ăn nói mang theo chai rượu sang nhà gái, thăm dò gia cảnh nhà gái, nói chuyện, đặt vấn đề. Nếu họ thấy vừa lòng về gia cảnh nhà gái, về người con gái đó, họ sẽ về báo với gia đình rồi sẽ chọn ngày để tiến hành lễ so tuổi.
Lễ hỏi tuổi, so số (khin ná): Lễ thăm dò, hỏi tuổi do ông bà mối và một cặp đôi trong họ hàng của nhà trai mang theo lễ vật đến nhà gái để trao đổi nội dung về việc so tuổi, so số của chàng trai và cô gái. Qua câu chuyện nếu nhà gái đồng ý thì sẽ cho bên nhà trai cho biết tuổi, ngày tháng năm sinh của cô gái. Sau đó nhà trai nhờ thầy cúng so tuổi, nếu so tuổi của chàng trai và cô gái thấy không hợp tuổi, nhà trai báo lại cho nhà gái biết để dừng việc hỏi cưới. Nếu đôi trẻ hợp tuổi, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ thầy cúng chọn ngày ăn hỏi (soòng vè), thông báo và định ngày ăn hỏi tới nhà cô dâu.
Lễ ăn hỏi (ni vè rả): Khi đi ăn hỏi, gia đình nhà trai thường có một đến hai cặp ông bà mối cùng với cô dì, chú bác mang theo lễ vật gồm rượu, gà, thuốc lá, bánh kẹo sang nhà gái làm đám hỏi.
Ở nhóm Lô Lô đen, yêu cầu lễ vật ăn hỏi mà nhà trai phải mang đến nhà gái gồm: 01 đôi gà trống - mái, 20 kg thịt lợn, 20 kg gạo, 10 lít rượu ngô, 2 gói kẹo, 2 bao thuốc lá, 2 nắm xôi, 2 ống cá,... thể hiện sự đầy đủ với mong ước đôi trai gái thành vợ thành chồng mà còn mang hàm ý chúc gia đình nhà gái có một năm suôn sẻ, may mắn. Ông bà mối, ông cậu hai bên nhà trai, nhà gái sẽ cùng bàn bạc đồ thách cưới.
Ở nhóm Lô Lô hoa, ngoài rượu, gà, thuốc còn phải mang theo một chiếc vòng bạc cho cô dâu, nếu gia đình nhà gái đồng ý đám cưới sẽ nhận chiếc vòng này. Sau đó nhà gái cử ông cậu đại diện bàn bạc đồ sính lễ với nhà trai gồm: 5 chum rượu, chục đồng bạc, bộ trang phục truyền thống cho cô dâu, một con lợn, vài con gà,... nếu nhà khá giả đặt vấn đề sính lễ là một con bò. Hiện nay một số đồ sính lễ được quy đổi thành tiền mặt, nhưng không thể thiếu rượu, lợn và gà. Sau khi thống nhất phần sính lễ sẽ bàn định ngày cưới.
Lễ cưới (ú mì chín tồ): Lễ cưới của người Lô Lô thường được tổ chức vào khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, họ cho rằng, ngày cưới là ngày vui nhất của gia đình và bản làng. Vì vậy đám cưới sẽ được anh em, họ hàng, và những người trong bản làng giúp đỡ gia chủ tổ chức đám cưới chu đáo, tận tình để hãnh diện với khách mời. Lễ cưới diễn ra trong hai ngày, một ngày tại nhà gái, một ngày tại nhà trai.
Những nghi lễ trong đám cưới truyền thống
Lễ cưới tại nhà gái: Lễ cưới của người Lô Lô ở Cao Bằng và Hà Giang cơ bản giống nhau. Đến ngày cưới, đoàn nhà trai đi đón dâu thường xuất phát vào sáng sớm, gồm sáu người, trong đó có cặp vợ chồng ông mối (qua lồ), chú rể, phù rể, những người mang đồ dẫn cưới như đã thỏa thuận và những đồng bạc trắng để tặng cho bố mẹ cô dâu để trả ơn công lao sinh thành, dưỡng dục.
Người Lô Lô rất coi trọng số chẵn, vì vậy các lễ vật đem từ nhà trai đến nhà gái và ngược lại đều là số chẵn, với quan niệm số chẵn đại diện cho từng cặp đôi, một nam và một nữ, giống đực và giống cái, cầu mong, chúc phúc cho sự sinh sôi phát triển về con cái và của cải vật chất của đôi vợ chồng trẻ sau này. Bà mối bên nhà gái thay mặt gia đình cảm ơn những lễ vật mà nhà trai đem đến và gửi gắm cô dâu cho nhà trai, nhờ bố mẹ chồng dạy bảo, sau đó cùng uống rượu chứng tỏ sự đồng thuận của cả hai bên.
Trong ngày cưới, nhà gái làm cỗ cúng tổ tiên và để thết đãi hai họ, người thân, khách mời ăn cỗ, khách mời đến dự đám cưới đều mang theo vật phẩm làm quà cho gia đình và cặp đôi. Trong lễ cưới, thanh niên tổ chức hát hò vui chơi, giao lưu thâu đêm và trở thành dịp để nam, nữ tìm hiểu nhau. Có điều khi ăn cỗ cưới ở nhà trai hay nhà gái, nam nữ họ không ngồi chung bàn ăn với nhau.
Trước khi đón dâu, chú rể cùng phù rể vào bái lạy tổ tiên, bố mẹ vợ, cậu và họ hàng, ông cậu dắt cháu gái từ trong buồng ra trao cho nhà trai, đến giờ tốt thì làm lễ đón dâu (ú mì chín tồ). Khi về nhà chồng, cô dâu được bố mẹ, cô, dì, chú, bác tặng vòng tay, vòng cổ, khăn... đây cũng là lúc cô dâu được mẹ đẻ trao chiếc vòng bạc quý giá được coi là bảo vật của các thế hệ trước để lại. Gia đình nào có điều kiện còn cho tiền và một con bò để hai vợ chồng có vốn liếng làm ăn.
Khi đưa dâu về nhà bên nhà chồng, cô dâu cùng chú rể thắp hương bái lạy tổ tiên, cha mẹ, các cậu, họ hàng, rồi mới được ra khỏi cửa, cô dâu mặc trang phục truyền thống, dùng mảnh vải che mặt để phù dâu dắt đi. Trong số những người tham gia đoàn đưa dâu của nhà gái nhất thiết phải có ông cậu của cô dâu và một số thanh niên mang theo một hũ rượu, một con lợn giống, các loại nông cụ và của hồi môn của cô dâu khi về nhà chồng.
Lễ cưới tại nhà trai: Khi đoàn đưa dâu về đến cửa nhà trai có một bàn gỗ đặt các chén rượu được bày ra, theo lệ mỗi thành viên đi đón dâu hay đưa dâu đều phải uống cạn 4 chén rượu liên tiếp mới được vào nhà, ai không thực hiện đúng sẽ bị phạt thêm vài chén nữa. Lúc này cô dâu được bà dì phía nhà chồng ra đón ngay từ chân cầu thang lên nhà để thực hiện các nghi lễ nhập môn, trình báo và nhận ma nhà chồng.
Tiếp đến, người chủ trì bên họ nhà trai sẽ làm lễ nhập tịch cho cô dâu. Lời khấn: “...Hôm nay, ngày lành, tháng tốt, gia đình đón con dâu về nhà mình. Từ đây, cô dâu chính thức là con nhà này, chết làm ma nhà này, cùng gánh vác công việc của gia đình...”. Cô dâu lấy hai tấm chăn chuẩn bị trước làm quà biếu bố mẹ chồng, sau đó cô dâu được đưa vào buồng cưới để bà dì làm các nghi thức nhập phòng và ăn bữa cơm đầu tiên tại nhà chồng cùng chú rể, ông bà mối, phù dâu và phù rể tại buồng cưới. Sau khi hoàn thành các nghi thức, cô dâu ra mời rượu cảm ơn những người giúp trong đám cưới. Tiếp đến cô dâu, chú rể ra nơi tổ chức hôn lễ mời rượu để cảm ơn anh em dòng họ và quan khách đến dự đám cưới.
Đám cưới tổ chức kéo dài đến tối muộn. Khi các màn hát đối đáp diễn ra, màn hát đầu tiên là gia đình nhà trai hát bài cảm ơn ông bà mối đã giúp đỡ và mời ông bà mối một chén rượu, tiếp đến, chủ nhà hát bài cảm ơn trưởng bếp và những người phụ giúp nấu nướng, ông không quên nâng chén rượu mời mỗi người một chén. Khi đoàn đưa dâu của nhà gái trở về, nhà trai phải chuẩn bị một ít tiền để tạ ơn ông cậu của cô dâu.
Lễ lại mặt: Lễ lại mặt theo tiếng Lô Lô hoa là khế po gấu, tiếng Lô Lô đen là khê gà chò. Ở nhóm Lô Lô hoa, sau lễ cưới 3 ngày, nhà gái tổ chức lại mặt cô dâu, chú rể, phù dâu, phù rể cùng đại diện nhà trai sang nhà gái, mang theo lễ vật lại mặt. Bố mẹ vợ làm cỗ cúng tổ tiên và mời đoàn nhà trai và đôi vợ chồng trẻ cùng ăn uống thụ lộc với cả gia đình, sau đó cô dâu trở về và bắt đầu cuộc sống bên nhà chồng từ đó.
Ở nhóm Lô Lô đen, lễ lại mặt có chút khác biệt. Sau khi cưới 3 ngày, bố mẹ chú rể, chú rể, cô dâu, phù dâu, phù rể mang theo lễ vật sang nhà gái lại mặt. Sau lễ lại mặt cô dâu sẽ ở nhà bố mẹ đẻ 2 năm, rồi mới về nhà chồng, trong 2 năm đó cô dâu phải giữ trọn bổn phận là gái đã có chồng, nếu vi phạm nhà gái phải đền lại toàn bộ lễ cưới cho nhà trai. Chính vì quan niệm này, các cô gái người Lô Lô nơi đây thường lấy chồng lúc 16 tuổi, sau 2 năm ở nhà mẹ đẻ khi sang nhà chồng là lúc cô dâu tròn 18 tuổi xuân.
Hôn nhân của người Lô Lô đen và Lô Lô hoa theo nguyên tắc một vợ, một chồng, gia đình người Lô Lô là gia đình nhỏ mang tính chất phụ quyền (gồm cha mẹ và con cái), tính chất phụ hệ chỉ có vai trò trong các tập tục của hôn nhân.
Đám cưới của người Lô Lô vẫn giữ được tính truyền thống và giữ được tính chất cố kết cộng đồng, thể hiện rõ tính dân tộc và tính vùng miền rõ nét. Việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa trong hôn nhân truyền thống của người Lô Lô đã góp phần bổ sung, làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Kim Thoa
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...