Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
14:59 (GMT +7)
Đêm thơ Nguyên tiêu 2024:

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Màn hát múa chào mừng do các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh biểu diễn

VNTN- Tối 24/2, tức Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2024 với chủ đề “Tiếng ca người Việt Bắc” tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Đêm thơ là sự hội tụ, kết tinh của văn hóa, nghệ thuật và tinh thần người Việt Bắc.

Đây là điểm nhấn trung tâm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, tổ chức.

Clip: Một số hình ảnh trong Đêm thơ Nguyên tiêu

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Các đại biểu tham dự đêm thơ

Tham dự chương trình có đồng chí Bùi Thanh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ Văn hoá, văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Duy Hoàng, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh; lãnh đạo các Hội VHNT khu vực Việt Bắc và đông đảo giới thơ ca, người yêu thơ.

Clip: Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình

Đêm Rằm tháng Giêng trời chuyển rét ngọt, mưa Xuân lất phất song không trong không khí trang trọng của Lễ hội tại Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam, hàng trăm người đã cùng hòa mình vào một đêm thơ đặc biệt, để tham dự vào một hành trình đặc biệt, hành trình văn đến với vùng đất Việt Bắc, nơi mang trong mình những giá trị tinh thần sâu sắc và bền vững.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Khán giả tham dự đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2024

Nói về lý do lựa chọn chủ đề của đêm thơ là “Tiếng ca người Việt Bắc”, Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chia sẻ: "Tiếng ca người Việt Bắc" là tên một tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Nông Quốc Chấn, một nhà văn hoá ưu tú của các dân tộc thiểu số Việt Nam, cánh chim đầu đàn của VHNT Việt Bắc. Chọn “Tiếng ca người Việt Bắc" làm tên của Lễ hội Thơ năm nay, chúng tôi muốn dựng lại một hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ và kết nối các giá trị tinh thần Việt Bắc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

 

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Đại diện các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực Việt Bắc

“Tiếng Ca Người Việt Bắc" có lẽ không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một sứ mệnh, là một lời tri ân và ghi nhận những đóng góp vô cùng quý báu của những người con của vùng đất này cho văn hóa, nghệ thuật và tinh thần đoàn kết dân

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Đêm thơ Nguyên tiêu tỉnh Thái Nguyên 2024
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Đêm thơ Nguyên tiêu tỉnh Thái Nguyên 2024

Đây cũng là hoạt động văn hóa nhằm chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời tiếp tục triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, triển khai tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Những khán giả của Đêm thơ

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Thái Nguyên nói riêng luôn được đặt trong sự hội tụ và lan tỏa của văn hóa Việt Bắc nói chung, luôn chứa đựng những giá trị sâu bền, cao đẹp. Những giá trị từ chỗ hiện hữu trong đời sống, con người đã kết tinh vào trong văn chương nghệ thuật, đặc biệt là thi ca và âm nhạc tạo ra những giá trị bền sâu.

Các giá trị bền sâu, cao đẹp đó đã được tái hiện và tôn vinh trong chương trình nghệ thuật thơ nhạc “Tiếng ca người Việt Bắc” thông qua các tác phẩm đặc sắc từ truyền thống đến đương đại.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Hội viên Chi hội thơ, Hội VHNT tỉnh tham gia Đêm thơ

Chương trình được kết cấu 3 chương có tựa đề: “Cội rễ”, “Đây núi rừng chiến khu”, “Việt Bắc boong hây”.

Trong cả 3 chương là những tiết mục được chọn lọc kỹ càng, từ những trích đoạn thơ truyền thống đến những tác phẩm đương đại, từ những giai điệu dân ca đến những bản nhạc sâu lắng, đong đầy sắc Xuân. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa dạng, phong phú về văn hóa và nghệ thuật của người Việt Bắc.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Đêm thơ, nhạc có sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp

Chương mở đầu, “Cội rễ”: Tái hiện không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc với 4 màn diễn xướng đầy sắc màu, gồm: trích đoạn Then cầu yên của người Nùng, hát Soọng cô củi tza người Sán Dìu, hát đồng dao của người Mông, và múa Tắc xình của người Sán Chay.

Nghệ nhân Xuân Bách (Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật) cùng các học trò dường như đã đưa được cả không gian then của đồng bào Nùng lên sân khấu Lễ hội thơ Nguyên tiêu thông qua một trích đoạn then “Xỉnh an đón tướng” (Đón thần linh xuống chúc bình an).

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Chàng Bách và các Pựt, Chàng trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc diễn xướng một trích đoạn “Xỉnh an đón tướng” (Đón thần linh xuống chúc bình an)

Nghệ nhân Xuân Bách chia sẻ: Với tôi, Lễ hội thơ Nguyên tiêu luôn là một dịp đặc biệt. Năm nay, tôi nhận được lời mời tham gia của Ban Tổ chức Lễ hội thơ Việt Nam, nhưng tôi từ chối vì muốn được tham gia Lễ hội thơ Nguyên tiêu “Tiếng ca người Việt Bắc” của Thái Nguyên. Bởi tôi muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào đêm thơ của người Việt Bắc, vì tôi là người Việt Bắc và tôi tự hào về điều đó.

Để có thể mang đến đêm thơ Nguyên tiêu một phần trình diễn giá trị nhất, tôi đã dùng 3 cây đàn tính cổ do tôi sưu tầm được trong quá trình nghiên cứu về then. Cái quý của những cây đàn cổ không chỉ đơn thuần nằm ở đơn vị tính thời gian mà có nhiều giai điệu, bắt buộc phải dùng những cây đàn cổ mơi ra hồn then được. 

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Phát lộc cầu phúc, cầu tài  sau Lễ Cầu an

Chương 2 với tựa đề “Đây núi rừng chiến khu” là những tác phẩm thơ nhạc nổi tiếng của một số tác giả nổi bật đã chung góp tâm huyết để cùng xây dựng nền văn hóa Việt Bắc đáng tự hào, gồm: hoạt cảnh thơ “Muối Cụ Hồ - Dọn về làng”, liên khúc thơ “Quê hương Việt Bắc - Ông Ké về Nà Lọm”; ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”; thơ múa “Tên làng - Tiếng hát tháng Giêng”. Được dàn dựng từ thơ của các nhà thơ Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Đình Thi, Ma Trường Nguyên, Y Phương, và nhạc sỹ Phạm Tuyên.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Nhà giáo Lê Ngân và các học trờ trước giờ lên sân khấu

Tham gia vào đêm thơ Nguyên tiêu, Nhà giáo Lê Ngân và các học trò đã đọc các bài thơ “Quê hương Việt Bắc” (Nguyễn Đình Thi), “Ông Ké về Nà Lọm” (Ma Trường Nguyên). Dù thành viên nhỏ nhất mới có 6 tuổi, nhưng em đã có thể đọc diễn cảm rất tốt để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những người tham dự.

Nhà giáo Lê Ngân chia sẻ, đây đã là năm thứ 3 cô và các học trò tham gia Lễ hội thơ Nguyên tiêu. Cô nhận thấy qua mỗi chương trình, các em lại yêu thích môn văn hơn, học giỏi hơn. Bởi các em hiểu sâu hơn về văn hóa, tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng vừa là dịp để các em được tiếp cận với các hoạt động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp và chất lượng cao.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc

Về dự đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2024, đại diện các hội VHNT các tỉnh trong khu vực đều chung nhận định: Đêm Thơ Nguyên Tiêu lần này đã không chỉ là sự kiện của Thái Nguyên mà các bạn đã nâng tầm sự kiện lên thành của vùng Việt Bắc. Chúng tôi rất vui khi văn hoá của đồng bào mình, tiếng thơ của đồng bào mình, cảnh sắc của địa phương mình xuất hiện trong Lễ hội thơ Nguyên tiêu trên đất Thái Nguyên. Chúng tôi vui mừng và tự hào khi thấy sự đồng lòng, sự gắn kết của cộng đồng văn học nghệ thuật trong việc tổ chức và tham gia sự kiện này.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Tiết mục múa giao lưu của các sinh viên Lào

Sự gắn kết ấy được thể hiện rõ qua chương 3 của Đêm thơ với chủ đề “Việt Bắc boong hây” gồm tác phẩm của các nhà thơ đương đại, đại diện của 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
NSND Nông Xuân Ái

Chương trình có sự tham gia dàn dựng và biểu diễn của NSND Nông Xuân Ái, NSƯT Mai Thanh, NSƯT Hoàng Thiện Thực, nhạc sĩ Hoàng Việt Dũng, nghệ sĩ Anh Tuấn, nghệ nhân Xuân Bách… cùng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Trường ĐH sư phạm Thái Nguyên, Trung tâm luyện thi CLC Dũng Ngân và các nhà thơ, tác giả, nghệ sĩ, người yêu thơ Việt Bắc.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Hát Soọng cô (Dân tộc Sán Dìu) do Nhóm nghệ nhân Hội Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu biểu diễn

Có mặt tham dự đêm thơ Nguyên tiêu do Hội VHNT Thái Nguyên tổ chức, em Mai Ly, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Được tham dự đêm thơ hôm nay em thấy tự hào hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên. Qua chương trình hôm nay em nhận ra rõ hơn thơ có giá trị đối với sống con người đến những nào, càng tự hào hơn về lịch sử, văn hoá quê hương mình.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Múa tắc xình của dân tộc Sán Chay

Còn cô giáo Lê Thị Hải Yến, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Chu Văn An bộc bạch: Chúng tôi tin rằng văn hóa là nền tảng quan trọng giúp hình thành nhân cách và tinh thần đoàn kết. Tham gia Lễ hội Thơ Nguyên Tiêu không chỉ là cơ hội để các em học sinh trải nghiệm mà còn là việc làm thiết thực để truyền đạt giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Bắc đến thế hệ trẻ.

Clip: Sôi nổi các hoạt động trước Đêm thơ

Em Phùng Lê Việt Hoàng, học sinh lớp 11 trường PTTH Chu Văn An bày tỏ: Em đã tìm hiểu về ý nghĩa của lễ hội thơ Nguyên Tiêu nên rất hào hứng khi được tham gia chương trình này. Em cùng các bạn trong khối mang đến “sân thơ trẻ” của Ngày thơ Thái Nguyên màn múa hát “con cò”. Hình ảnh con cò trong ca dao thường khiến con người ta liên tưởng đến thân phận vất vả, một nắng hai sương của người phụ nữ nên em rất xúc động và nỗ lực luyện tập để thể hiện ca khúc này. Em mong mình sẽ được tham gia nhiều hơn những đêm thơ như này.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Các tiết mục thơ, nhạc đan xem càng làm cho chương trình thêm hấp dẫn

Đêm thơ Nguyên tiêu “Tiếng ca người Việt Bắc” đã kết nối, hội tụ và lan tỏa sâu sắc hơn nữa các giá trị văn hóa, văn chương nghệ thuật của các tỉnh vùng Việt Bắc. Đó còn là một nét đẹp trong sự phát triển và đa dạng hóa văn hóa ở Thái Nguyên, góp phần vào sự đoàn kết, gắn kết giữa các dân tộc, giữa con người Việt Bắc với cộng đồng yêu thi ca toàn quốc.

Hội tụ văn hoá vùng Việt Bắc
Các diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh

Đây cũng là hoạt động văn hóa - nghệ thuật thiết thực mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, như: kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2024), 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2024); mừng Đảng mừng Xuân; gắn với các nội dung tuyên truyền về đất nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Bài và ảnh: Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy