Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
20:19 (GMT +7)

Hồi sinh dòng tranh cổ động

VNTN - Sự nở rộ và phát triển đạt đến đỉnh cao của dòng tranh cổ động Việt Nam có lẽ phải kể đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ với những tác phẩm nghệ thuật xoay quanh chủ đề đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây hầu hết là những tác phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ tạo nên không khí lạc quan, tin tưởng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, đồng thời tạo nên niềm hăng say trong lao động sản xuất với tinh thần tất cả cho tiền tuyến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và sức ép của các trào lưu văn hóa đang được du nhập vào Việt Nam theo con đường hội nhập, vị trí của dòng tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật đã ít nhiều bị thu hẹp, thậm chí có thời kỳ chỉ xuất hiện trong các gallery bán đồ lưu niệm. Vì vậy, để tranh cổ động tiếp tục giữ vai trò xung kích, tham gia trực tiếp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cần có nhiều giải pháp.

Sự mờ nhạt của dòng tranh cổ động

Theo TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, “Tranh cổ động là một thể loại đặc biệt trong nghệ thuật đồ họa, có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô đọng, súc tích, gần gũi, dễ hiểu, tranh cổ động đã kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Theo nhận định trên, thì rõ ràng tranh cổ động có một sứ mệnh đặc biệt, gắn liền với những chuyển động của đời sống xã hội. Hay nói đúng hơn, là cầu nối để ý Đảng đến được với lòng dân. Không bàn đến thời kỳ hoàng kim của tranh cổ động những năm 50, 60, 70 thậm chí 80 của thế kỷ trước, mà chỉ cần điểm qua những cuộc thi gần đây do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) hay Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, cũng đủ thấy mối tương quan mật thiết giữa dòng tranh cổ động với chuyển động của cuộc sống đương đại. Từ COVID-19 cho đến vấn đề môi trường, hay quan trọng hơn là đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đều được phản ảnh trong các tác phẩm tranh cổ động. Gần đây nhất Bộ VH,TT&DL đã trao giải thưởng cho tập thể và các tác giả có tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Cuộc thi đã nhận được 375 tranh của 212 tác giả thuộc 45 tỉnh, thành phố. Con số này, một mặt cho thấy tầm quan trọng của cuộc thi: nhằm bày tỏ sự tôn kính, biết ơn của toàn Đảng, toàn dân với vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc, vừa cho thấy sức lan tỏa, hấp dẫn của dòng tranh cổ động đối với các họa sĩ chuyên và không chuyên vốn đang mờ nhạt trong đời sống mỹ thuật hiện nay.

 

 

Tranh cổ động "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại" của họa sĩ Đỗ Mạnh Cương tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Công bằng mà nói, để có được một đội ngũ những họa sĩ vẽ tranh cổ động có thể vượt qua danh tiếng của các họa sĩ như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến…, đối với hội họa Việt vẫn còn là đường xa vạn dặm. Nhưng những giải thưởng từ các cuộc thi dành cho tranh cổ động gần đây, cho thấy đã có sự kế thừa và phát triển rất tốt không chỉ về nghề mà còn là những ý tưởng sáng tác dựa trên nền tảng truyền thống kết hợp với khoa học kỹ thuật, tạo nên một diện mạo mới cho dòng tranh cổ động, hấp dẫn và cuốn hút. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện toàn quốc có khoảng 40 họa sĩ chuyên làm tranh cổ động. Bên cạnh những họa sĩ chuyên theo đuổi lối vẽ truyền thống, cũng có nhiều họa sĩ lựa chọn đồ họa vi tính để thực hiện tác phẩm của mình. Nếu làm phép so sánh về chất lượng tác phẩm thì giới phê bình vẫn nghiêng nhiều hơn về lối vẽ truyền thống. Lý do, có không ít họa sĩ quá lạm dụng máy móc, lười đầu tư cho xây dựng ý tưởng dẫn đến cắt ghép tạo ra những sản phẩm chất lượng kém, khiến cho tranh cổ động ít nhiều mất đi giá trị.

Theo họa sĩ - NSND Phạm Minh Trí: “Công nghệ số phát triển đang hỗ trợ cho ngành đồ họa một cách mạnh mẽ, các họa sĩ trẻ được học hành, có phương tiện hỗ trợ đầy đủ nên ngôn ngữ cũng mạnh mẽ, hiện đại hơn. Nhưng tranh cổ động hiện nay lại không có được sự phát triển tương xứng bởi thiếu sự tham gia tích cực vào các vấn đề chính trị, xã hội. Các họa sĩ trẻ có nhiều mối quan tâm khác nên tranh cổ động đang bị chững lại”.

Sự mờ nhạt về ý tưởng, kém nhiệt huyết trong sáng tác đã khiến cho dòng tranh cổ động “đứng yên tại chỗ”. Thậm chí không vượt ra ngoài “Bóng” của các vị tiền nhân khi mãi tuân thủ quy tắc sáng tác được coi là bất thành văn “Trời xanh mây trắng nắng vàng/ Công, nông, trí thức xếp hàng tiến lên”...

Đổi mới sáng tác

Khi đưa ra những nhận định về dòng tranh cổ động hiện nay và những giải pháp để tranh cổ động thoát khỏi các gallery bán đồ lưu niệm, bước ra đời sống, nhiều nhà phê bình nghệ thuật cho rằng, tranh cổ động phải là những tác phẩm mỹ thuật chứ không phải chỉ là vài ba hình vẽ quen thuộc với mấy dòng chữ khẩu hiệu. Những họa sĩ tranh cổ động chân chính sẽ luôn trăn trở, dằn vặt để nghĩ ra được những hình tượng, hình thức thể hiện mới.

Nhưng để làm được điều này, ngoài nỗ lực, dấn thân của họa sĩ chuyên vẽ dòng tranh cổ động cũng rất cần sự đầu tư thỏa đáng từ Bộ chủ quản. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các cuộc tuyên truyền, vận động sáng tác tranh cổ động khá nhiều, chủ yếu là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Những cuộc thi này đã mở ra một sân chơi khá thú vị cho các họa sĩ. Ngoài giá trị kinh tế có thể thu được khi tham dự cuộc thi, các họa sĩ còn góp phần khôi phục, nhắc cho người yêu nghệ thuật nhớ đến sự tồn tại của dòng tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật đương đại. Và có lẽ, cũng chính nhờ những cuộc thi này mà họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã cho rằng “Tranh cổ động vẫn luôn đồng hành với những sự kiện lớn của đất nước, góp một tiếng nói quan trọng để cùng với các lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển tải tới người dân những thông điệp bằng một ngôn ngữ riêng, đặc biệt”.

Thứ ngôn ngữ riêng mà Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Lương Xuân Đoàn nói đến không gì khác hơn là ý tưởng của người họa sĩ. Ý tưởng ấy xuất phát từ nội dung cụ thể, được tìm tòi sáng tạo chứ không thể chỉ cắt ghép nhằm mang đến cho công chúng tiếng nói riêng của mình, hòa đồng với mục đích, ý nghĩa của việc tuyên truyền về chính trị, về văn hóa, xã hội... mà họa sĩ hướng tới. Chưa kể đến những chủ đề, hình tượng mang tính mặc định, không hoặc rất khó thay đổi buộc họa sĩ phải tìm ra ý tưởng, hình thức thể hiện sao cho mới mẻ, sinh động, mang phong cách riêng để không trùng lặp và lặp lại chính mình. Có thể coi cuộc thi sáng tác tranh cổ động về cuộc chiến chống COVID-19 vừa qua là một ví dụ cụ thể cho một đề tài mới, một mối quan tâm mới của toàn xã hội mà các họa sĩ đã nhiệt tình hưởng ứng và thành công.

Đổi mới phong cách sáng tác, xây dựng ý tưởng, am hiểu đời sống chính trị, xã hội là những yêu cầu đặt ra cho các họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động. Hay nói một cách nghề nghiệp nhất theo quan niệm của giới phê bình: Họa sĩ vẽ tranh cổ động muốn thành công phải biết hài hòa trong cái chung phải có cái riêng, cái riêng phải gắn với cái chung. Đó là điều mà không phải họa sĩ nào cũng có được. Chưa kể, với những họa sĩ thành công, những đãi ngộ về mặt chính sách thông qua các giải thưởng cuộc thi cũng chưa thực sự tương xứng (giải thưởng lớn trong nước thì giải A được khoảng 15 triệu đồng), nếu tranh được sử dụng trưng bày triển lãm thì được trả nhuận treo, in báo, xuất bản thì có thêm nhuận bút). Chính vì vậy, để tranh cổ động thực sự tiến về phía trước, xác lập lại vị trí quan trọng như vốn có trong đời sống mỹ thuật đương đại, rất cần có những thay đổi trong công tác đầu tư, đào tạo, triển lãm và cơ cấu giải thưởng... để những tác phẩm tranh cổ động đến được nhiều hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt về bản quyền và xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm chấm dứt tình trạng khai thác các tranh cổ động một cách tự do rồi in sao bán tràn lan trên thị trường mỹ thuật hiện nay. Có như vậy, tranh cổ động mới đủ sức để thực sự bước tiếp đường xa vạn dặm.

Tranh cổ động bảo vệ môi trường của họa sĩ Đào Tuấn (Thái Nguyên)

Quỳnh Hoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy