Hội làng quê hương Tể tướng Lưu Nhân Chú
VNTN - Hội làng quê hương Lưu Nhân Chú đã một thời đi vào ký ức nhân gian, nó như nguồn nước mát cổ vũ cho tinh thần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa quê hương. Theo cảm nhận và đánh giá của chúng tôi đây thực sự là văn hóa vùng quê thuần nông, với những con người quanh năm lam lũ.
Lần theo ký ức của các cụ cao tuổi là những người con, cháu hậu duệ dòng họ Lưu xã Văn Yên, chúng tôi có cơ hội hiểu biết về lễ hội truyền thống ở quê hương Tể tướng Lưu Nhân Chú, xã Văn Yên, huyện Đại Từ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, trên quê hương vị anh hùng dân tộc(*), những sự kiện, những phong tục tập quán đã đi vào ký ức của nhân dân.
Quang cảnh lễ hội Núi Văn - Núi Võ tại Đền thờ Lưu Nhân Chú. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn
Dưới chân Tam Đảo hùng vĩ có núi Miễu bên dòng suối trong xanh chảy uốn mình như dải lụa qua xã Văn Yên ra tận hồ Núi Cốc, được coi như mạch nguồn sự sống của người dân nơi đây. Núi Miễu có ngôi mộ cổ thiên táng của ông Tổ Lưu Quý Công, dòng họ thế phiệt có hai cha con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và em rể là Phạm Cuống công tích lừng lẫy một thời, đều được ban họ vua Lê, hưởng lộc của triều đình.
Cách núi Miễu chưa đầy 500m, có ngôi đình Cả, nơi thờ Thành hoàng của dân làng. Mỗi độ vào tháng Chạp, dân làng Vân Yên (tên cũ của Văn Yên), từ ngày mồng 10 trở ra, rủ nhau đi lấy củi về để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Gặp nhau người ta chào hỏi rằng, đã lấy được nhiều củi, lấy lá gói bánh chưng chưa, làng xóm như vào mùa trẩy hội, người xuôi, kẻ ngược, không khí khẩn trương rộn rã. Ngày 23 tháng Chạp dân làng làm lễ đóng cửa rừng. Người bản xứ coi rừng rất thiêng liêng, họ đem lễ vật đến tại cửa rừng nơi có ngôi miếu Gấm nằm sát ngay con đường hằng ngày dân tình thường qua lại. Lễ cúng tuyên bố, từ ngày này không ai được vào rừng nữa. Ngôi miếu Gấm gắn với sự kiện lễ đóng cửa rừng, nhân dân nơi đây còn ghi nhớ.
Ngày 28, 29 Tết, các gia đình trong làng tập trung đụng thịt lợn, gói bánh chưng. Đến ngày 30, cơ bản công việc chuẩn bị đã xong, chiều 30 nhà nào nhà nấy tổ chức làm cỗ, bày tiệc để mời các vị tổ tiên ăn Tết. Lễ đón Tết, đón Giao thừa vào thời khắc 12 giờ đêm, cả làng tưng bừng, nhà người này qua nhà người kia đón Giao thừa và đốt pháo. Tiếng pháo nổ làm chầm chậm hạt mưa bay, khắp làng, khắp xóm nhân dân đón niềm vui, đón xuân về.
Ngày mồng một Tết, tại đình Cả, các cụ cao tuổi khi làm lễ xong sẽ có 2 cụ đại diện bắt đầu theo tiếng trống kính cáo thần linh làm lễ, mở sới vật đầu xuân. Sau đó, các thanh niên trai tráng rủ nhau ra sới vật ở cánh đồng Ải, cách đình Cả 300m. Trong đình, tiếng chiêng, tiếng trống lại rộn rã vang lên như để mở cửa trời, trời cho Thiên Lôi ra xem trần gian muốn gì? Những tiếng chiêng, tiếng trống gióng giả ấy gợi ý lời cầu mong để gọi mưa xuống: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày”. Mưa xuân là mưa phùn không đủ để cày cấy thì tiếng trống giục gọi mưa xuống to hơn nữa để nhân dân có nước cày cấy. Tiếng chiêng và tiếng trống như bản hòa ca gọi Hội xuân bắt đầu.
Hội vật diễn ra không khí tưng bừng bởi tiếng trống giục các thanh niên từng đôi vào sới, keo vật đầu xuân được chính thức bắt đầu. Sau khi phân thắng bại, người thua thực “lấm lưng, trắng bụng” keo vật kết thúc. Người thắng sẽ được trao giải thưởng, khi là tấm lụa điều hay chiếc mâm nhôm, tuy chẳng mấy giá trị về kinh tế nhưng thực vinh dự, tự hào là người chiến thắng.
Cũng diễn ra tại đồng Ải có trò chơi kéo co. Hai bên cả nam và nữ tham gia. Hướng kéo co theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Dây kéo co được sử dụng bằng dây song, một loại dây leo họ mây ở trong rừng người ta lấy về róc cho sạch nhẵn để kéo. Ở đồng Ải, mùa khô không có nước, đồng không cao, không thấp, quân bên Đông kéo mạnh, quân bên Tây giật lại, cứ kéo đi, kéo lại không bên nào chịu bên nào. Kết thúc cuộc thi, bên Đông hay thắng cuộc... Kéo co là phong tục dân gian có từ rất lâu đời của người dân Việt Nam thể hiện quan niệm về sự vận động của mặt trời, của chu trình thời gian, hướng Đông là thánh thần của mặt trời nên khi chơi kéo co hướng Đông hay thắng!
Ngày mồng ba Tết, dân làng trồng 7 cây tre đực làm 2 cây đu, một cây dành cho người lớn, một cây dành cho trẻ em. Cây đu cho người lớn cả nam và nữ đều có thể lên đánh, hình thức đó gợi ý cho sự nảy nở, cho sự đâm chồi, nảy lộc để mùa màng bội thu. Hai người một nam một nữ lên đánh đu, ở dưới có tốp người cổ vũ reo hò khích lệ rằng: “Có nam, có nữ mới nên xuân/ Có xôi, có thịt mới nên phần”. “Ăn cơm phải có thịt gà/ Đánh đu phải có đàn bà, đàn ông”. Thực vui khi nhìn “Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, thu hút nhiều nam thanh nữ tú đua tài thể hiện lòng dũng cảm, gan dạ đồng thời đem lại sự khoan khoái, tươi vui.
Tại cánh đồng Ải còn có trò chơi chọi gà. Nhân dân địa phương có tục nuôi gà chọi, Tết đến đem ra hội thi chọi gà. Sới chọi gà có các chủ gà trống với những chú gà chiến đủ các màu sắc. Có con lại được chủ nhân chăm sóc có những chiếc cựa dài nhọn, lông được tỉa tót tựa đuôi công, mào gà như đuôi cờ đầy vẻ oai phong lẫm liệt. Các chủ gà cho gà vào sới chọi hết hiệp này đến hiệp khác có phân thắng bại. Qua nghiên cứu về phong tục cổ truyền dân gian, nhà nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền nhận định: Tục chọi gà của nhân dân là một tập tục cổ truyền phản ánh về tục thờ mặt trời trong quá khứ xa xưa của nhân dân các vùng miền cũng giống tục chọi trâu phản ánh tục thờ mặt trăng theo nước thủy triều lên xuống của nước biển. Cánh đồng Ải ở địa phương là khu đất cao hơn xung quanh, là nơi thu hút được nhiều sinh khí của bầu trời.
Đến rằm tháng Giêng, làng Vân Yên có tục lễ xuống đồng. Nhân dân địa phương thường nói: “Lục lạp tháng Chạp tháng Sáu” (làm ruộng tháng Chạp sau nhổ mạ cấy chiêm, tháng Sáu thu hoạch vụ chiêm). Đây quả là đúng theo câu ca đúc kết của người xưa về thời gian sản xuất nông nghiệp: “Tháng Chạp là tháng trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đỗ, tháng Hai trồng cà/ Tháng Ba cày vỡ ruộng ra/ Tháng Tư gieo mạ thuận hòa mọi nơi/ Tháng Năm gặt hái vừa rồi/ Trời đổ mưa xuống nước trôi đầy đồng”.
Hội làng quê hương Lưu Nhân Chú đã một thời đi vào ký ức nhân gian, nó như nguồn nước mát cổ vũ cho tinh thần, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa quê hương. Theo cảm nhận và đánh giá của chúng tôi đây thực sự là văn hóa vùng quê thuần nông, với những con người quanh năm lam lũ.
Từ vùng đồng đất đầy khó khăn ấy, nhưng con người quê hương Tể tướng Lưu Nhân Chú vẫn vươn lên, yêu đời, yêu cuộc sống, thể hiện qua các hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đầy tính lạc quan chứa đựng tài hoa, trí tuệ, phẩm chất đẹp đẽ, cùng những ước mơ, nguyện vọng chính đáng. Qua lễ hội làng ước vọng ngàn đời của nhân dân nơi đây là cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, nhân dân khang thái.
(*) Lưu Nhân Chú: vị anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên, một trong 18 vị tướng khai quốc công thần thời Lê sơ, đã có công lao to lớn phò giúp vua Lê Lợi trong 10 năm kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi ở thế kỷ XV.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...