Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
10:41 (GMT +7)

Học giả Chão Chuộc

Chùm truyện ngắn. Hồ Thủy Giang

Học giả Chão Chuộc

Chão Chuộc luôn khoe với muôn loài nó là bậc học giả. Ngày ngày Chão Chuộc ngồi chồm hỗm trên cao, cặp mắt lồi nhìn chằm chặp vào phiến lá trước mặt, miệng lẩm nhẩm đọc. Nó thường khoe đó là lúc nó mải mê nghiên cứu.

Minh họa. Dương Trang

Một con rắn Hổ Mang đang lang thang kiếm mồi nhìn thấy Chão Chuộc vắt vẻo trên tàu chuối. Rắn ngẫm nghĩ: “Không thể bò lên đấy mà tóm nó được. Ta phải tìm cách bắt nó nhảy xuống đất”. Hổ Mang hắng giọng:

- Xin chào Chão Chuộc. Anh đang ngắm cảnh đấy ư?

Chão Chuộc ghé mắt nhìn xuống, giọng kẻ cả:

- Thằng nào mà dốt nát vậy? Không thấy ta đang nghiên cứu đây à. Ta là học giả. Thì giờ đâu mà ngắm cảnh. Thế mi là loài gì?

Hổ Mang thè thụt một lúc rồi lia láu:

- Tôi là Lươn. Anh có hiểu gì về loài lươn chúng tôi không?

Chão Chuộc vênh mặt:

- Ta mà lại không hiểu ư? Chuộc… Chuộc… cái gì ta cũng thông thuộc… thông thuộc… thông thuộc.

Nói rồi. Chão Chuộc gõ gõ vào cái trán bẹp cố nhớ lại những điều nó đã đọc được về đặc điểm loài lươn. À! Thằng này mình thon, thân dài, da bóng, không chân, mắt ti hí. Theo như sách dạy thì nó đúng là lươn rồi. Nghĩ vậy, Chão Chuộc bắt đầu tuôn ra hàng tràng:

- Ừ! Loài lươn các anh là chịu nhiều thua thiệt lắm. Có một nhà thơ đã viết: thân lươn bao quản lấm đầu chính là nói về thân phận nhà lươn các anh suốt đời chui rúc trong bùn đất, cù mì như bùn đất.

Hổ Mang biết là Chão Chuộc thế nào cũng trúng kế hiểm của nó nên ra sức tâng bốc:

- Bác Chão Chuộc quả là bậc tài cao hiểu rộng.

- Chuộc… Chuộc… điều gì ta cũng thuộc… thuộc… thuộc… thế anh có biết con người thường nói gì về loài lươn các anh như thế nào không?

- Dạ, tôi đến đây chính là để nhờ học giả dạy bảo đấy ạ.

- Vậy thì nghe đây. Loài người đặt câu thành ngữ. “Nhiều như lông lươn” là để ví von với các anh đấy. Còn câu ca: Những người ti hí mắt lươn. Trai thời trộm cướp gái buôn chồng người thì quả là oan cho họ lươn nhà anh lắm. Ngữ các anh thì trộm cắp, lừa đảo được ai mà loài người ác khẩu đặt điều vậy. À, mà các anh cũng có một thói xấu đấy nhé. Anh đã nghe thấy bao giờ chưa?

- Loài lươn chúng tôi tăm tối lắm nên chẳng hiểu điều gì cả ạ.

- Sự dốt nát quả là đáng sợ. Ngay cả thói xấu của mình cũng không nhận ra được. Vậy để tôi nói cho anh rõ nhé. Câu tục ngữ lươn ngắn lại chê chạch dài, ý của nó là chê loài lươn các anh thân hình rất dài nhưng lại cứ tưởng mình là ngắn, không dám đọ sức với thằng Chạch.

Hổ Mang liếm mép:

- Hôm nay không được nghe học giả dạy dỗ vậy thì làm sao chúng tôi hiểu được chính mình. Thưa học giả, tôi bỗng nảy ra ý định mời học giả xuống đây cho tôi cái vinh dự được cõng học giả đi khắp nơi khắp chốn để học giả giảng giải cho muôn loài được hiểu biết về bản thân họ. Chứ tôi thấy thiên hạ còn u tối lắm.

Chão Chuộc cảm thấy lòng lâng lâng như bay lên trước những lời đường mật của “Lươn”. Quả thật ngồi lâu một chỗ cũng đau mỏi mình mẩy. Được một phen ngồi trên cái lưng bóng nhẫy của thằng đệ tử phía dưới kia mà chu du dạy bảo thiên hạ thì cũng sướng miệng lắm. Nghĩ vậy, Chão Chuộc nhảy bộp xuống đất. Chỉ chờ có vậy, chưa đầy vài giây đồng hồ, Chão Chuộc đã nằm gọn trong miệng Hổ Mang.

Thương thay cho học giả Chão Chuộc đã gắng công thuộc được nhiều điều loài người nói về loài lươn, chỉ tiếc rằng có một câu tục ngữ “Rắn giả lươn”, thì nó lại chưa hề biết đến.

Một cuộc thi

Năm ấy đã lâu lắm rồi, Ngọc Hoàng mở hội thi may mặc (hồi đó chưa gọi là thi thời trang như bây giờ). Cuộc thi chỉ dành cho các loài chim.

Theo chiếu chỉ của Ngọc Hoàng, họ hàng nhà chim lục tục bay về dự hội.

Phải nói rằng, tài nghệ cắt may của loài chim thật tuyệt vời. Với chiếc mỏ nhọn nhỏ xíu chúng kiếm tìm trong rừng những sợi tơ muôn hình, muôn vẻ được tước từ vỏ cây, xơ lá rồi đem nhuộm trong ánh sáng bình minh, trong sắc vàng óng ánh của hoàng hôn và màu đen nhánh của màn đêm. Bởi vậy những sợi tơ không những sặc sỡ nhiều màu sắc mà dường như còn thấp thoáng cả tiếng suối reo, tiếng lá rừng xào xạc.

Chỉ trong chốc lát, loài chim thi nhau đan, dệt, thêu thùa thành những tấm áo lộng lẫy cho mình. Chim Công tha thướt trong bộ váy xòe rộng như những tia nắng ngũ sắc của mặt trời. Chim Trĩ, chim Thiên Đường có chiếc áo dài quét đất, ra dáng những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chim Vẹt có trang phục trông gọn nhẹ nhưng nổi bật nhờ màu xanh pha vàng diêm dúa. Quạ lại thiên về màu đen sang trọng. Chim Cắt với tấm áo xám hoang dã, khỏe khoắn, trông rất phong độ. Chim Bói Cá tuy nhỏ con nhưng có bộ áo quần xanh cánh chả bắt mắt nên cũng chẳng kém cạnh ai.

Cả hội thi hoa mắt trước tài cắt may của loài chim. Ban giám khảo trịnh trọng đeo kính, mài mực, cầm bút lông, chuẩn bị chấm giải.

Bỗng có tiếng chim non văng vẳng ở trên một cành cây cao. Tiếng chim chỉ nhẹ như gió thoảng nhưng không hiểu sao lại làm trái tim Ngọc Hoàng thổn thức. Ngọc Hoàng ngước lên và thấy một tổ chim treo trên cành cây. Trong chiếc tổ nhỏ, hai chú chim non đang líu ríu đón chim mẹ bay về. Ngắm nghía tổ chim hồi lâu, Ngọc Hoàng ra lệnh truyền gọi chim mẹ xuống đất và hỏi:

- Con có biết hôm nay là ngày hội gì không?

Chim mẹ co ro trong bộ cánh xoàng xĩnh, vội thưa:

- Dạ, con biết ạ! Hôm nay là hội thi may mặc của các loài chim.

- Tại sao con không dự thi?

- Thưa Ngọc Hoàng, con không có tài cắt may như các chị chim Công, chim Trĩ, chim Thiên Đường nên không dám ạ.

Ngọc Hoàng vẻ hài lòng:

- Được, con khiêm nhường thế là tốt lắm. Nhưng bây giờ ta cho phép con tham dự cuộc thi con có muốn không?

- Thưa… Con không biết may vá gì nhiều ạ… chỉ là…

Ngọc Hoàng quay về phía ban giám khảo, lớn tiếng:

- Các khanh hãy nhìn lên tổ chim trên cành cây kia!

Ban giám khảo vội nhìn theo tay Ngọc Hoàng và thấy một tổ chim xinh xắn đơn sơ được ghép bằng hai chiếc lá. Viền quanh hai mép lá là những đường khâu khéo léo và cẩn thận bằng những sợi dây cỏ.

Ngọc Hoàng hạ giọng:

- Liệu các khanh có thể trao giải nhất hội thi cho chim mẹ này không?

Quan chủ khảo tỏ vẻ khó hiểu, rụt rè tấu trình:

- Tâu Ngọc Hoàng, đó chỉ là một chiếc tổ chim sơ sài với những đường khâu đơn giản, sao có thể so với những bộ quần áo kỳ công của các loài chim dưới này được ạ.

Ngọc Hoàng cả cười:

- Khanh nhầm to rồi. Tài may mặc không phải là những đường khâu điệu nghệ chỉ để trang điểm cho chính bản thân mình mà còn phải làm đẹp cho đồng loại hoặc những đường vá may của tình mẫu tử như cô chim mẹ này, các khanh hiểu chưa?

Nói rồi, Ngọc Hoàng hỏi chim mẹ:

- Loài chim của con tên gọi là gì?

Chim mẹ lúng túng:

- Dạ… loài của con chưa có tên ạ!

- Vậy từ nay ta ban cho loài chim của con cái tên là chim Thợ May. Đó cũng chính là danh hiệu cao nhất của cuộc thi này, con có ưng không?

Chim mẹ cảm động, dập đầu tạ ơn Ngọc Hoàng.

Chợt nghe tiếng chim con ríu ran gọi trên cành, chim mẹ vội cất cánh bay về tổ, quên cả lĩnh phần thưởng của hội thi.

Từ đấy, cái tên của loài chim Thợ May được lưu truyền đến tận bây giờ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước