Hoài niệm giếng khơi
Quê tôi thuộc vùng đất cát ven biển, xa sông hồ, kênh rạch, nước máy lại chưa có nên nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt được lấy từ mạch nước ngầm trong lòng đất nhờ chiếc giếng khơi. Thường thì mỗi gia đình có một cái giếng hình tròn hoặc vuông đường kính chừng hơn một mét và độ sâu chừng tám mét. Nước rịn ra mỗi ngày như dòng sữa mẹ nuôi con mát ngọt, trong lành. Tuổi thơ tôi lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, bố mẹ, của chị của anh và đùa vui cùng chúng bạn quanh lối xóm với biết bao kỉ niệm thân thương trong dòng nước mát, rồi từng ngày hương vị ấy thấm vào da thịt, vào huyết quản và neo vào thẳm sâu kí ức để suốt đời vương vấn mãi không thôi.
Tôi nhớ câu chuyện bà kể cho tôi nghe về nguồn gốc chiếc giếng khơi của gia đình tôi lúc ấy. Đó là trước lúc làm nhà cho bố mẹ ra riêng, ông tôi đã cẩn trọng chọn một vị trí trong khu vườn vừa có mạch nước ngầm tốt nhất, vừa phù hợp với phong thủy của ngôi nhà về sau để đào giếng nước. Ông bảo, nước là thứ quan trọng đầu tiên cần phải có để bắt đầu sự sống. Nước để ăn, để uống, để sinh hoạt và tưới tắm cho cây. Mặt khác, vị trí của giếng phải phù hợp với phong thủy ngôi nhà thì vợ chồng mới hoà thuận, con cái mới khoẻ mạnh và ăn nên làm ra được. Vì thế, ông đã lo lắng việc đào giếng khơi cho tổ ấm con mình bằng tất cả tấm lòng yêu thương của một người cha, bằng kinh nghiệm máu xương của một người từng trải. Đó cũng chính là nền móng đầu tiên cho niềm hạnh phúc ngọt ngào của một gia đình mà anh em tôi thật may có được giữa quê nghèo lắm nắng, nhiều mưa.
Nhớ giếng khơi tôi nhớ dáng vẻ lom khom của mẹ mỗi khi dong gàu múc nước, cặm cụi bên thềm giếng. Đó là buổi ban mai khi mặt trời chưa tỏ, mẹ lục tục chuẩn bị cơm ăn, nước uống, giặt giũ cho cả gia đình. Từ hạt gạo, củ khoai và lá chè còn sống sượng, lấm bẩn. Qua bàn tay chai sần của mẹ và dòng nước trong veo mát rượi, mọi thứ trở nên sạch sẽ, tinh tươm cùng làn khói ngút bay toả hương thơm ngan ngát khắp nhà.
Đó là những buổi trưa mẹ hong dưới ánh mặt trời thau nước ngâm trái bồ kết nướng rồi tắm gội cho làn tóc của mấy mẹ con. Tinh dầu bồ kết hoà quyện cùng những phân tử nước sạch trong như loại dược liệu tuyệt vời mà thiên nhiên bao đời ban tặng để mái tóc những người thôn nữ quê tôi mềm mại, mượt mà như dòng suối. Lũ chấy rận, ghẻ lở cũng chẳng còn cơ hội sống bám lên da thịt, đầu tóc của đám trẻ con. Dưới mây trời, nắng gió, giếng khơi lặng thầm gạn đục, khơi trong để cho dòng nước không còn mùi vị tanh tao mà trong veo, mát ngọt để giữ hương, giữ vị cho những món ăn dân dã của quê nghèo.
Tôi nhớ lắm những trưa hè cùng chúng bạn chạy nhảy, nô đùa đủ các trò chơi mà mồ hôi ướt sũng. Lâu lâu lại chạy vào vục mặt vào gàu nước mát lạnh múc từ giếng lên uống một hơi ừng ực cho đã khát. Nước thấm đến đâu cơn sảng khoái chảy tràn đến đó rồi lan ra khắp cơ thể làm mỗi tế bào thoả thuê cơn khát mà thêm năng lượng, thêm hưng phấn để tiếp tục cuộc chơi vui cho đến tận chiều. Rồi nhớ biết bao những phút giây người lấm bẩn, hôi hám, nóng bức, đứng bên thành giếng múc từng gàu nước đầy ắp dội lên đỉnh đầu cho chảy tràn khắp lên da thịt. Bụi bẩn trôi đi, để lại làn da non nớt mát rượi, trắng ngần.
Dưới tán cây trứng gà toả bóng và giếng nước mát trong, những đứa trẻ thơ quê tôi hết hùa nhau nghịch nước rồi soi mình trong đáy giếng, ngắm vài chú cá lóc, cá rô lượn lờ trong đó mà tưởng tượng hình ảnh cô Tấm trong câu chuyện cổ tích của bà. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn đói cơm, rách áo, bao nhiêu giông bão cuộc đời theo gió bay đi, mọi chuyện sân si, tham vọng của lòng người dường như không vấy bẩn lên những tâm hồn ngây thơ, trong trắng nên tình yêu thương gắn bó giữa anh em, bè bạn cùng lối xóm trở nên khăng khít, luôn đùm bọc chở che nhau trước khó khăn, hoạn nạn trong đời.
Tôi đã đi qua bao mùa phượng cháy, đặt dấu chân lên khắp nẻo quê người. Được tắm nước sông, tắm biển, ao hồ, kênh rạch, nước máy, nước giếng bơm, được nhâm nhi đủ loại thức uống từ bình dân đến cao sang đắt đỏ. Nhưng chẳng có nước nơi nào mát ngọt, trong lành và hiểu mong muốn của người như nước giếng quê tôi. Mùa hè thì mát lạnh, mùa đông thì ấm áp. Dòng nước đã nuôi dưỡng mảnh đất quê nghèo xanh rợp bóng cây, gọi lũ chim muông bay về hội tụ, nuôi dưỡng con người khoẻ mạnh, sống lâu và tắm mát tâm hồn cho những đứa con nơi đây lớn lên thành hoa thơm quả ngọt. Sự phát triển như vũ bão của nền khoa học đã mang lại cho con người cuộc sống ấm no nhưng cũng lấy đi môi trường trong sạch. Giếng khơi vì thế cũng dần mất đi trong cuộc sống bây giờ nhưng hương vị ngọt ngào của nước và kỉ niệm thân thương bên thềm giếng sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tim.
Ôi, giếng khơi!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...