Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:54 (GMT +7)

Hoài cổ -có phải là sự lựa chọn sáng suốt của sân khấu?

Đời sống sân khấu trong thời gian gần đây ghi nhận sự trở lại của những tác phẩm kinh điển như “Lá thư thứ 72”, “Người tốt nhà số 5”,“ Sống mãi tuổi 17”, “Điều không thể mất”… Ghi nhận chung tại các đêm diễn cho thấy, bên cạnh sự hào hứng của khán giả vẫn còn không ít những lo lắng về sự thiếu hụt kịch bản hay. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng sự hoài cổ nếu làm không khéo có thể sẽ đẩy khán giả rời xa sân khấu.

Thiếu vắng kịch bản hay

Vào những ngày cuối cùng của tháng 3, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm giới thiệu tác phẩm kịch bản được Hội hỗ trợ kinh phí sáng tạo tới đông đảo các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, đại diện các đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Đây là buổi gặp mặt được đánh giá cao về những nỗ lực đưa kịch bản hay đến với sân khấu của Hội nghệ sĩ Sân khấu Thủ đô, đồng thời góp phần khẳng định nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tác, hiện đã và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, không có nhiều cái bắt tay giữa nhà biên kịch và đơn vị biểu diễn nghệ thuật diễn ra. Lý do, từ kịch bản đến sân khấu vẫn còn nhiều khoảng cách.

Khán giả Thái Nguyên hào hứng đến với sân khấu Kịch để thưởng thức những tác phẩm kinh điển trong Tuần lễ nghệ thuật khai trương Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc. Ảnh: QK

Thứ nhất, đối với kịch bản khai thác đề tài lịch sử quá mới thì độ chuẩn xác vẫn chưa được thẩm định, cách tiếp cận chưa mới do bị chi phối bởi yếu tố an toàn. Thứ hai, với kịch bản khai thác đề tài đương đại, thường chọn phản ánh trực diện, thiếu chất nhân văn, thậm chí trực diện gây phản cảm. Vì vậy, giữa nhà biên kịch và đơn vị nghệ thuật chưa tìm được tiếng nói chung. Và để hoàn thành định mức và an toàn, các đơn vị nghệ thuật chấp nhận dàn dựng lại những kịch bản cũ, thậm chí sử dụng những kịch bản đã dàn dựng cách đây hàng chục năm. Sự lựa chọn này không sai, nhưng ít nhiều làm mất đi sự mới mẻ, hấp dẫn của sân khấu. Chưa kể, trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật trong đó có hội hoạ, điện ảnh và âm nhạc… thì việc hoài cổ chưa hẳn là lựa chọn đúng.

Theo thống kê của Hội nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội, trong năm 2022, Hội đã rót kinh phí đầu tư sáng tác được 17 kịch bản. Đây là số kịch bản nằm trong danh sách hỗ trợ từ năm 2021. Trong đó có 1 kịch bản tuồng, 1 kịch bản múa rối, 2 kịch bản chèo và 13 kịch bản kịch nói. Và theo Hội nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội thì đây đều đã được thẩm định chất lượng, có nội dung đa dạng, tôn vinh những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống, ca ngợi các anh hùng dân tộc; phê phán những thói hư, tật xấu; phản ánh hiện thực cuộc sống, đồng thời truyền tải những thông điệp nhân văn như “Bi kịch một vị vua” (tác giả Hoàng Thanh Du), “Vụ án tình si” (tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt). Về đề tài chiến tranh cách mạng, có các tác phẩm như: “Khát vọng thiên chức” (tác giả Đường Minh Giang), “Kẻ thù nguy hiểm” (tác giả Phạm Hữu Huề); Đề tài hiện đại có kịch bản “Lâu đài lửa” (tác giả Trần Trí Trắc), “Sám hối” (tác giả Nhật Linh)… Tuy nhiên, trong số những kịch bản trên chưa biết kịch bản nào sẽ được dàn dựng, bởi ghi nhận chung tại hội thảo thì: những tác phẩm được giới thiệu tại hội thảo chưa có sự đồng nhất về tư duy giữa biên kịch và đơn vị biểu diễn trước cuộc sống hiện thực với cuộc sống trong sáng tạo nghệ thuật...

Để hoàn thành định mức và an toàn, các đơn vị nghệ thuật chấp nhận dàn dựng lại những kịch bản cũ. Cảnh trong vở “Người tốt nhà số 5” của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Ảnh: QK

Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, hiện sân khấu vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ. Sân khấu hiện chưa có nhiều tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển và của nền văn hóa phát triển.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương, sân khấu có ít vở diễn hay bởi vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Đội ngũ sáng tác sân khấu hiện thiếu nhiều yếu tố để tạo nên một tác giả thành danh, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng và thủ pháp nghệ thuật biên kịch phù hợp với nhu cầu của các nhà hát hiện nay.

Đây cũng là lý do vì sao đời sống sân khấu của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bị gắn mác là nghèo nàn, thiếu lửa, thậm chí rơi vào cảnh chợ chiều khi thường xuyên phải đóng cửa, hoặc có thì cũng rất ít khán giả đến với sân khấu.

Xây dựng chiến lược đặt hàng sáng tác

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thừa nhận, nguồn kịch bản từ tác giả gửi đến nhà hát kịch rất lớn nhưng lại chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, với kịch bản đề tài lịch sử cần có nội dung chuẩn xác, cách tiếp cận mới mẻ, đậm chất nhân văn. Còn kịch bản đề tài hiện đại, nhà hát cần tác phẩm đi trực diện vào vấn đề “nóng bỏng” của xã hội hiện đại, nhưng cách tiếp cận không được trần trụi mà phải “chắp thêm đôi cánh” của sự lãng mạn, lạc quan… Và vì vậy, không nhiều kịch bản đáp ứng được những điều kiện nói trên.

Và để có suất diễn, đảm bảo sự an toàn, nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước (không loại trừ Hà Nội) chọn giải pháp dàn dựng lại những vở kịch kinh điển trong và ngoài nước, theo cách tiếp cận mới để hút khán giả. Bỏ qua những tác phẩm được đánh giá cao như phần đầu bài viết đề cập với các vở “Lá thư thứ 72”, “Sống mãi tuổi 17”; “Điều không thể mất”, “Người tốt nhà số 5”…, mà chỉ bàn đến những tác phẩm của không ít đạo diễn trẻ gần đây chạy theo “Hot trend” dựa theo mạng xã hội để xây dựng kịch bản và dàn dựng vở diễn.

Những câu thoại thông qua các câu nói quen thuộc như: “đúng nhận sai cãi”, “bất ngờ chưa bà già”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy”, “lòng xào dưa 25 ngàn, nhiều lòng ít dưa”, “anh em nương tựa”, “chị em xã hội”, “tình yêu với em là thứ xa xỉ, thứ em cần là tiền tỉ và đô la”… đã tạo tiếng cười, thậm chí gây cơn sốt vé cho vở diễn, nhưng họ đã quên mất rằng, xu hướng này sớm muộn cũng sẽ nhanh chóng bị thay thế, bởi nghệ thuật không có chỗ cho sự cẩu thả, thiếu nghiêm túc. Chưa kể, kịch mà mỗi tuyến nhân vật đều tranh nhau nói những câu “hot trend” thì còn đâu là kịch. Vở diễn phải dung hòa giữa tính giải trí với tư duy giáo dục, đưa vào kịch bản một cách hợp lý những câu nói “hot trend” để không phá hỏng tính cách, tâm lý nhân vật. Hay nói như Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, nghệ sĩ phải “chắp thêm đôi cánh” của sự lãng mạn, lạc quan… thì vở diễn mới lưu lại, sống lâu bền trong lòng công chúng.

Lấy khuynh hướng nghệ thuật của đơn vị làm cơ sở đặt hàng tác phẩm. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật. Đồng thời, khi đã bắt tay dàn dựng tác phẩm cần phải được thực hiện nghiêm túc từ tất cả các thành phần sáng tạo và phải thường xuyên tổ chức các đợt thẩm định nội bộ, đóng góp ý kiến về các sản phẩm sáng tạo nhằm tạo ra động lực cho việc nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật của vở diễn… là những khuyến cáo của các nhà quản lý, phê bình nghệ thuật sân khấu. Với họ, nếu làm tốt từng đầu việc cụ thể, đời sống sân khấu không lo thiếu kịch bản hay, vở diễn thiếu sáng tạo.

Tuy nhiên, làm sao để đời sống nghệ thuật sôi động theo đúng nghĩa (từ kịch bản đến tác phẩm nghệ thuật dàn dựng ra mắt công chúng) lại là bài toán chưa có lời giải. Sự quá hoài cổ của sân khấu hiện nay không hẳn đã là một lựa chọn đúng. Vì thông thường một món ăn ngon dù có được trình bày đẹp mắt thì ăn nhiều lần sẽ gây nhàm chán. Huống hồ với sân khấu, trước sự bùng nổ của công nghệ 4.0 và những tiện ích mà nó đem lại cho cuộc sống, thì việc níu chân khán giả nơi góc chiếu sân đình, thậm chí sân khấu thực cảnh cũng là rất khó.

Trả lời cho câu hỏi, vậy làm thế nào đế kéo khán giả trở lại với sân khấu, có lẽ trước hết, chính các tác giả phải trau dồi vốn sống, kiến thức, tham gia tích cực vào hiện thực đời sống để chuyển hóa vào tác phẩm; đồng thời, mạnh dạn bước vào các cuộc thi, sân chơi về kịch bản để có điều kiện cọ xát, được góp ý nâng cao chất lượng kịch bản. Cùng với đó là sự thay đổi trong công tác quản lý kiểm duyệt theo chiều sâu, trao quyền tự quyết kịch mục cho các đơn vị nghệ thuật cùng quyền phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước các quy định của pháp luật và trước công chúng của mình.

Đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải thưởng cho các tác giả kịch bản xuất sắc năm 2022, tháng 2-2023. Nguồn ảnh: Internet

Quay trở lại với hội thảo giới thiệu tác phẩm được nhận đầu tư sáng tác, Ban Tổ chức cho rằng sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc tọa đàm giới thiệu kịch bản chất lượng của hội viên với mong muốn sẽ có nhiều kịch bản được các đơn vị nghệ thuật biết đến và dàn dựng; hoặc có sự gặp gỡ về ý tưởng giữa các tác giả, đạo diễn, nhà hát để tiến tới cộng tác, phát triển thành tác phẩm sân khấu.

Bên cạnh đó, Hội cũng cam đoan sẽ duy trì các trại sáng tác, thực hiện hỗ trợ sáng tác, giúp tác giả nâng cao chất lượng tác phẩm, đồng thời phát huy vai trò là cầu nối đưa kịch bản của hội viên đến với các đơn vị nghệ thuật phù hợp, từ đó góp phần phát triển sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu cả nước nói chung trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, Hội cũng khẳng định, việc chăm lo phát triển nghệ thuật sân khấu sẽ luôn được xem là việc làm thường xuyên nhằm cụ thể hóa Đề cương văn hóa trong giai đọa hiện nay.

Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy