Thứ tư, ngày 22 tháng 05 năm 2024
05:00 (GMT +7)

“Hoa Núi” năm 2023: kết tinh tài năng và sáng tạo

VNTN - Chu đáo, trau chuốt, nhiều đổi mới về nội dung và hình thức là những điều người xem và giới chuyên môn cảm nhận được qua chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hoa Núi” năm 2023. Không chỉ cuốn hút khán giả bởi không gian nghệ thuật đặc sắc, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, những tác phẩm mang tới trình diễn ở “Hoa Núi”  mùa 3 còn là những tác phẩm mới được các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp, khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ và những trăn trở về cuộc sống từ phía người xem.

2jpg
Màn múa “Hương ngày mùa” do các em thiếu nhi Trung tâm nghệ thuật Little flowers biểu diễn. Ảnh: Phan Bảo

Tâm huyết và nhiều đổi mới

Là đơn vị được UBND tỉnh tin tưởng, giao cho chủ trì và phối hợp với các đơn vị nghệ thuật lớn trong tỉnh cùng thực hiện, bằng kinh nghiệm từ những mùa “Hoa Núi” trước, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã làm tốt việc xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, ráp mối các đơn vị... và tổ chức thực hiện.

Được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh, cùng sự góp mặt của rất nhiều những văn nghệ sĩ, diễn viên tài năng và có tên tuổi như: NSƯT Mai Thanh; đạo diễn NSƯT Nguyễn Văn Bộ, nhà văn Hồ Thủy Giang;  các nhạc sĩ Việt Dũng,  Phạm Đình Chiến, Tuấn Bảo, Thương Mến, Huyền Ngọc... hay biên đạo múa: NSƯT Lan Phương, Tú Nam, Thanh Mai,  Công Phương, Bích Ngọc,... khiến cho “Hoa Núi” mùa 3 thêm thành công.

2jpg
Các khán giả “đặc biệt” chăm chú theo dõi từng tiết mục trong Chương trình. Ảnh: Kim Ngân

Vẫn tổ chức ở sân khấu chuyên nghiệp của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc, chương trình “Hoa Núi” năm 2023 có sự vượt trội cả về chất lượng lẫn số lượng. Là chương trình biểu diễn nghệ thuật tôn vinh những lao động sáng tạo, những tác phẩm tiêu biểu của văn nghệ sĩ Thái Nguyên, “Hoa Núi” gồm 11 tác phẩm ca, múa, nhạc, kịch nói của các tác giả đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật của Thái Nguyên và cả nước.

2jpg
Màn hát múa, ​​“Người ơi! Hãy về đất trà cùng em" do các diễn viên TTVHNT tỉnh biểu diễn. Ảnh: Kim Ngân

Được dàn dựng công phu qua sự thể hiện của gần 100 nghệ sĩ từ các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp trên địa bàn, qua các thủ pháp nghệ thuật như, ánh sáng, hòa âm, phối khí và những phút thăng hoa của những ca sĩ, nghệ sĩ, trên sân khấu, chương trình khiến người xem không thể rời mắt bởi sự đan xen uyển chuyển và phong phú về nội dung.

Được biết, các tiết mục tham gia “Hoa Núi” mùa 3 đều là những tiết mục được tuyển chọn và giành giải cao từ các cuộc thi ở phạm vi toàn quốc năm 2023. Người xem hẳn không thể quên giọng ca trong vắt và cao vút của ca sĩ Dương Lan trong tiết mục đơn ca nữ, mang âm hưởng dân gian đương đại, ca khúc “Tìm em câu hát Soọng Cô”. Ca khúc này do nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng sáng tác, Phối khí: Hoàng Việt Dũng, Ngô Sỹ Tùng. Cùng với tập thể diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (TTVHNT) Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật (CĐ VHNT) Việt Bắc ca sĩ Dương Lan đã thể hiện rất thành công.

Với ca khúc này, Dương Lan đã giành Huy chương Bạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023. Hoặc tiết mục thăng hoa cảm xúc trong âm thanh của các nhạc cụ dân tộc qua tiết mục độc tấu cùng dàn nhạc đệm “Vũ điệu ngày mùa”, Sáng tác nhạc sĩ Nguyễn Giang, chỉnh lý và dàn dựng lại Hoàng Việt Dũng; do CaoVũ cùng  dàn nhạc TTVHNT Thái Nguyên và sinh viên Trường CĐ VHNT Việt Bắc biểu diễn. Tiết mục này từng giành giải Nhì cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023. Đặc sắc nhất là tác phẩm “Muôn tiu” do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc thể hiện, tác phẩm đã đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023.

Với “Hoa Núi” mùa 3 khán giả còn được thấy lần đầu tiên các đội ngũ nhạc công của các đoàn nghệ thuật và Trường CĐ VHNT cùng đứng trên sân khấu.

DSC00622
“Lời ru của mẹ” của nhạc sĩ Phạm Đình Chiến được ca sĩ Ngọc Hà thể hiện đã chạm đến cảm xúc người nghe

Khi giọng hát đỉnh cao của ca sĩ Ngọc Hà, Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc cất lên, cả khán phòng như lặng im thổn thức trước sự hy sinh quả cảm của các TNXP Đại đội 915 anh hùng trong những năm tháng chiến tranh và trong đời sống hiện tại. Ca từ đẹp, nhẹ nhàng nhưng da diết, “Lời ru của mẹ” là ca khúc đã chạm đến trái tim của người nghe. Đã khá lâu lại có một sáng tác mới về Thái Nguyên lắng sâu đến thế. Đây là sáng tác rất thành công của nhạc sĩ Phạm Đình Chiến về quê hương Thái Nguyên, tác phẩm vừa đạt giải A (lĩnh vực âm nhạc) - Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021.

Đặc biệt, vở kịch ngắn “Phiên tòa trong mơ” đã đánh dấu sự trở lại của Kịch nói Thái Nguyên sau thời gian dài vắng bóng. Tình yêu thương là điều cốt lõi của hôn nhân gia đình. Trong cuộc sống gia đình nếu chúng ta chỉ vì một vài thói xấu của chồng hoặc vợ mà chúng ta ruồng rẫy họ thì có một kết cục rất đáng buồn.

2jpg
Cảnh trong vở kịch ngắn “Phiên tòa trong mơ” do các nghệ sĩ, diễn viên CLB nghệ sĩ kịch nói Thái Nguyên biểu diễn. Ảnh: Kim Ngân 

 Một đề tài tưởng như quen thuộc, nhưng dưới ngòi bút sắc sảo của nhà văn Hồ Thủy Giang, bàn tay đạo diễn tài ba của NSƯT Nguyễn Văn Bộ; cùng sự vào vai đầy tâm huyết của các diễn viên Câu lạc bộ Nghệ sĩ kịch nói Thái Nguyên khiến đề tài nóng hổi tính thời sự trong thời đại 4.0. Từng lời thoại của vở kịch, vấn đề vở kịch đưa ra như xoáy sâu vào lòng khiến người xem trăn trở, thức tỉnh. Và vở kịch là sự khởi đầu tốt đẹp, là tín hiệu vui cho sự hồi sinh của Kịch nói Thái Nguyên. Sau khi xem vở kịch, nghe những trải lòng của NSƯT Nguyễn Văn Bộ, Công ty Cổ phần CNT Group đã tặng ngay 5 triệu đồng làm quà chúc mừng CLB nghệ sĩ kịch nói Thái Nguyên.

Đậm màu sắc dân gian đương đại

“Hoa Núi” năm 2023 là màn trình diễn ca, múa, nhạc, kịch nói đặc sắc, hấp dẫn người xem ngay từ màn hát múa đầu tiên cho đến khi chương trình khép lại.

Tươi mới và trẻ trung, nếu như ở “Hoa Núi” mùa 2 là những tác phẩm đậm chất dân gian của các nghệ sĩ gạo cội như: NSND Lê Khình, NSND Nông Xuân Ái, hoặc tiết mục của nghệ nhân Nguyễn Văn Bách, thì đến “Hoa Núi” mùa 3 lại là những tiết mục đậm màu sắc dân gian đương đại.

Đem đến cho chương trình một không khí vui tươi, rộn ràng đầy hồn nhiên,… tiết mục múa “Hương ngày mùa” của các diễn viên nhí đến từ trung tâm nghệ thuật Little flowers là một điểm nhấn trong trẻo và chinh phục cảm xúc người xem mọi lứa tuổi.

DSC00622
Cảnh trong tác phẩm “Muôn tiu” do các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc biểu diễn

Ngoài ra, sự vui tươi còn đến từ sự rộn ràng khi những chàng trai Dao uống rượu trong ngày hội ở tác phẩm “Muôn tiu”. Đây có lẽ là một trong những tiết mục đặc sắc và tạo không khí nhất. “Muôn tiu” của tác giả Phương Mến, biên đạo Công Phương, do tập thể diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc biểu diễn. Dưới tài quan sát, dàn dựng, cách điệu của biên đạo, những động tác hình thể và đặc biệt là lời hát điêu luyện và cảm xúc thăng hoa của các nam diễn viên đã thổi hồn cho tác phẩm. Những chàng trai Dao phóng khoáng, trong những ngày hội, ngày chợ họ gặp nhau uống rượu giao lưu. Bát này rồi bát nữa, bát nữa rồi bát này... Trong hơi men họ nhảy, múa và hát mãnh liệt. Đất trời khi ấy cũng như nghiêng quay.

Nếu quan sát kỹ có thể thấy,  trong “ Hoa núi” mùa 3, những tiết mục múa: “Khát khao”, “Hương ngày mùa”, “Tắm lửa” đan cài cùng các tiết ca khúc: “Đá hát Đồng Dao”, “Tìm em câu hát Soọng Cô” đã khéo léo dựng lên một không gian đậm tính dân tộc vùng Việt Bắc. Nơi vùng cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng với ý chí mạnh mẽ, tinh thần lạc quan, sự yêu thương đoàn kết và khát khao về cuộc sống tươi đẹp đã là động lực mạnh mẽ để những người con của núi của rừng vươn lên, biến ước mơ thành hiện thực.

“Hoa Núi” năm 2023: kết tinh tài năng và sáng tạo
Tiết mục múa: “Khát khao”, do các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc thể hiện. Ảnh: Phan Bảo

Thông qua những điệu múa đầy điêu luyện và nhuần nhuyễn tái hiện khung cảnh lao động của đồng bào Mông, Lô Lô,… những con người nhẫn nại, hiền lành luôn hết mình với công việc nhưng khi yêu thì rất mạnh mẽ. Những câu hát da diết, những làn điệu đặc trưng của đồng bào Mông,  Sán Dìu,… đã khiến cho người xem như đang được đắm mình với đời sống của người miền núi - hiện thực và đậm chất thơ.

Không gian Việt Bắc còn được mở ra với Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, đậm nét văn hóa bản địa, nghi lễ mang nhiều yếu tố tâm linh được thể hiện qua nghệ thuật múa độc đáo, đầy bản sắc. Tác phẩm múa “Tắm lửa” của nghệ sĩ Thanh Mai và Công Phượng do sinh viên Trường CĐ VHNT Việt Bắc biểu diễn cũng là một trong những tác phẩm gây được ấn tượng với người xem với sự sáng tạo về hình tượng nghệ thuật cùng những động tác múa được cách điệu vô cùng ấn tượng…

Tiết mục múa “Tắm lửa” do sinh viên Trường CĐ VHNT Việt Bắc biểu diễn
Tiết mục múa “Tắm lửa” do sinh viên Trường CĐ VHNT Việt Bắc biểu diễn

Qua đêm diễn, nhiều khán giả yêu nghệ thuật có chung nhận xét: “Hoa Núi” năm 2023 có sự đổi mới về nội dung và rất có chiều sâu về nghệ thuật. Phong phú, độc đáo về ý tưởng và hình tượng, chương trình không chỉ có tác phẩm hát, múa còn có cả các tác phẩm hòa tấu nhạc cụ và đặc biệt là có kịch nói. Ngoài ra các tác phẩm trong chương trình đều rất chất lượng, thể hiện sự đầu tư, luyện tập nghiêm túc, công phu. Đây là nỗ lực và tâm huyết rất đáng ghi nhận từ BTC chương trình.

Những động tác của các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc luôn điệu luyện và cảm xúc
Những động tác của các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc luôn điệu luyện và cảm xúc

Vì bận công việc cá nhân nên không có tác phẩm báo cáo trong chương trình Hoa Núi 2023. Tuy nhiên với tư cách là một khán giả, sau khi thưởng thức hết chương trình nghệ nhân Nguyễn Văn Bách cho biết: Các tiết mục như múa dân tộc Lô Lô của tác giả Bích Ngọc đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc khi diễn viên toàn các em nhỏ. Tuy bé nhỏ nhưng các bé múa một cách rất say đắm và chuyên nghiệp. Tôi nghĩ rằng, đây chính là những “nụ hoa núi”, nụ hoa của nghệ thuật Thái Nguyên rồi sẽ nở bung căng tràn sức sống trong tương lai.

Quý giá hơn nữa là BTC đã xây dựng vở kịch ngắn vào trong chương trình. Vở kịch đó rất “thuần” Thái Nguyên khi cả nội dung kịch bản và diễn viên đều là của quê hương xứ trà. Sự hiện diện của kịch nói trong chương trình có thể gợi lại cho khán giả thế hệ từ, 7x, 8x ở Thái Nguyên về một thời vàng son của sân khấu kịch tỉnh nhà nhưng với tôi - một người ngoại tỉnh, thì phần kịch gợi lại cho tôi một kỷ niệm. Năm 2005 khi các nghệ sỹ kịch của Thái Nguyên lên biểu diễn tại trường THPT Tràng Định quê tôi, hôm đó tôi cũng “cơm nắm muối vừng” lên trường từ rất sớm để xem. Tôi cho rằng đây không chỉ là sự trở lại mà là một dấu hiệu cho bước tiến khác của kịch nói Thái Nguyên.

Độc tấu và dàn nhạc đệm, “Vũ điệu ngày mùa” do Cao Vũ và dàn nhạc TTVHNT Thái Nguyên và sinh viên Trường CĐ VHNT Việt Bắc thể hiện
Độc tấu và dàn nhạc đệm “Vũ điệu ngày mùa” do Cao Vũ và dàn nhạc Trung tâm VHNT Thái Nguyên và sinh viên Trường CĐ VHNT Việt Bắc thể hiện

Quang Khải

Clip: Chương trình Hoa Núi 2023 - Phần I

Clip: Chương trình Hoa Núi 2023 - Phần II

Clip: Chương trình Hoa Núi 2023 - Phần III

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy