Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:56 (GMT +7)

“Hoa Núi” năm 2022 – Ngày hội của nghệ thuật biểu diễn

Hoành tráng, kỹ lưỡng, chu đáo về nội dung và hình thức, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hoa Núi” năm 2022 không chỉ cuốn hút khán giả bởi không gian nghệ thuật biểu diễn đặc sắc mà còn như đóa hoa kết bởi những bông hoa nghệ thuật đặc sắc được các nghệ sĩ, nghệ nhân tài năng của Thái Nguyên mang tới trình diễn với công chúng.


Tiếp nối thành công của “Hoa Núi” năm 2021, chương trình “Hoa Núi” năm 2022 được đầu tư chiều sâu hơn cả về nội dung và hình thức. Lần đầu tiên được xuất hiện trên sân khấu biểu diễn trực tiếp với quy mô lớn - sân khấu Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, chương trình bao gồm nhiều tiết mục ca, múa, nhạc dân gian truyền thống và đương đại… được tuyển chọn và dàn dựng công phu, kỹ lưỡng bởi các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp trên địa bàn. Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật tôn vinh những lao động sáng tạo, những tác phẩm tiêu biểu của văn nghệ sĩ Thái Nguyên mà UBND tỉnh đã giao cho Hội VHNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh thực hiện.

Đặc sắc và dung dị

“Hoa Núi” năm 2022 gồm 11 tác phẩm ca, múa, nhạc của 19 tác giả đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật của Thái Nguyên và cả nước. Chương trình được thực hiện với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo nội dung của Nhạc sĩ, NSƯT Đỗ Quang Đại; tổng đạo diễn - NSƯT Mai Thanh.

Các nữ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thể hiện rất thành công điệu múa “Xe lanh” của NSND Lê Khình

Đây là lần thứ 2 Hội VHNT tỉnh tổ chức nên đã có kinh nghiệm hơn và không gặp phải những khó khăn lớn. Bên cạnh đó, việc tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, giúp đỡ, của các đơn vị nghệ thuật, Trường nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh, cùng sự góp mặt của rất nhiều những nghệ sĩ gạo cội, tên tuổi, cùng những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ tài năng với những cái tên như: NSND Lê Khình, NSND Nông Xuân Ái, NSƯT Mã Huệ, NSƯT Mai Thanh; các nhạc sĩ Ngọc Duy, Phạm Đình Chiến, Hoàng Việt Dũng, Huyền Ngọc... hay biên đạo múa Hoàng Thiện Thực, Thanh Mai, Tú Nam, nghệ nhân Văn Bách từ lâu đã trở nên quen thuộc với những người yêu nghệ thuật biểu diễn ở Thái Nguyên khiến cho “Hoa Núi” thêm thành công.

MúaLời ngọt trên nương”, biên đạo Tú Nam do các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh thể hiện

Như một bức tranh đa màu sắc, “Hoa Núi” năm 2022 là màn trình diễn ca - múa - nhạc đặc sắc thu hút, hấp dẫn người xem ngay từ màn hát múa đầu tiên cho đến khi chương trình khép lại.

Dù được chia làm 2 chương và màu sắc nghệ thuật khá rành mạch nhưng qua các thủ pháp nghệ thuật như, ánh sáng, hòa âm, phối khí và những phút thăng hoa của những ca sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân trên sân khấu, chương trình khiến người xem không thể rời mắt bởi sự nối kết chặt chẽ và tính uyển chuyển trong từng chương, đoạn rất mềm mại, tự nhiên. Chương 1 mang chủ đề “Vọng nguồn” là những tác phẩm đậm chất dân gian, dân tộc. Nếu để ý kỹ ở chương này sẽ thấy, đó là không gian văn hóa đậm chất Việt Bắc với bản sắc của các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng - những chủ nhân của núi rừng Việt Bắc. “Vọng nguồn” là nhớ về nguồn cội, nhớ về tổ tiên, những người khai phá và tạo nên bản sắc đậm chất Việt Bắc của vùng đất Thái Nguyên - nơi hợp tụ của các tộc người, nơi giao thoa của các dòng chảy văn hóa đặc sắc. Chương 2 - “Sông Cầu hát” là những tác phẩm dân gian đương đại và cũng thể hiện một Thái Nguyên hôm nay - cái nôi văn hóa của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, nơi được bao bọc và ôm ấp bởi con sông Cầu hiền hòa, thơ mộng kiến tạo nên một đời sống tinh thần vô cùng phong phú của nhân dân.

Hát “Gọi anh” do tốp nữ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thể hiện

Ngoài tiết mục hát múa “Đêm huyền diệu” như lời khai từ thì cả chương trình không có nhiều những tác phẩm hoành tráng về hình thức, nhưng không vì thế mà khiến nó giảm đi sức hấp dẫn.

Những tiết mục múa: “Lời ngọt trên nương”, “Xe lanh”, “Gọi hoa” đan cài cùng các tiết mục hát: “Gọi anh”, “Người Dao trồng rừng” của chương 1 đã khéo léo dựng lên một không gian mang đậm tính dân tộc. Thông qua những điệu múa đầy điêu luyện và nhuần nhuyễn tái hiện khung cảnh lao động của đồng bào Dao, Mông, những con người nhẫn nại, cần mẫn hiền lành luôn hết mình với công việc nhưng khi yêu thì rất táo bạo, đắm say. Những câu hát da diết, những làn điệu đặc trưng đã khiến cho người xem như được sống cùng đời sống hiện thực đậm chất thơ của đồng bào Tày - Nùng, Dao - đó là những cô gái Tày khéo léo, chịu thương chịu khó, là những chàng trai người Dao rắn rỏi, tươi vui.

Múa “Gọi hoa” của biên đạo Hoàng Thiện Thực được sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn

Đặc sắc và trau chuốt nhất trong chương 1 là tác phẩm múa: “Xe lanh” của NSND Lê Khình. Cây lanh và nghề dệt lanh đã trở thành vật thể chứa đựng hồn cốt văn hóa của dân tộc Mông. Người phụ nữ Mông với bản tính cần mẫn, luôn tranh thủ thời gian nông nhàn để xe lanh, dệt vải, may trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Dưới tài quan sát, dàn dựng, cách điệu của NSND Lê Khình, những động tác hình thể điêu luyện của những nữ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã thổi hồn cho tác phẩm, khiến cho từng động tác nhỏ của những thiếu nữ Mông trong “Xe lanh” vừa mộc mạc lại đẹp lạ kỳ. Sân khấu lung linh, những thiếu nữ Mông trong trang phục rực rỡ đang xe lanh tựa những nàng tiên đang miệt mài đùa vui với những sợi “tơ trời” lóng lánh.

Phút giây thăng hoa của nghệ nhân Nguyễn Văn Bách, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc trong trích đoạn diễn xướng Then cổ “Lên cõi thần tiên”

Ngoài các tiết mục múa, hát, trích đoạn diễn xướng Then cổ “Lên cõi thần tiên”- tiết mục cuối của chương 1 được nghệ nhân Nguyễn Văn Bách biểu diễn, cũng để lại ấn tượng rất mạnh với người xem. Đây là trích lược trong thực hành Nghi lễ Lẩu Then của dân tộc Tày (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Trích đoạn then mô tả cuộc hành trình của đoàn quân then lên cõi thần tiên. Với lời ca, âm nhạc trữ tình cộng với những vũ điệu chầu then duyên dáng, tinh tế, trích đoạn lột tả những cung bậc cảm xúc nửa thực, nửa mơ của tâm hồn con người giữa cõi thực, cõi mơ và thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để biểu diễn thành công tiết mục này thì người nghệ nhân cần có kỹ năng chơi đàn tính, hát và múa cực tốt cùng sự thăng hoa mạnh khiến người xem như cuốn theo không khí vừa thiêng liêng, huyền ảo nhưng cũng rất thực và rất đời này.

Và những điều đọng lại

Nếu như ở chương 1 chất liệu dân gian dân tộc đậm đặc và chắt lọc thì ở chương 2 các tiết mục đều là các tác phẩm mới mang phong cách dân gian đương đại bay bổng, phóng khoáng và đậm chất thể nghiệm.

Múa“Dáng sen” của NSƯT Mai Thanh giàu chất tạo hình do các nữ diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh thể hiện

Các tác phẩm múa: “Dáng sen” của NSƯT Mai Thanh, “Hồn đá” biên đạo: Thanh Mai, không chỉ chú ý vào động tác của diễn viên, hai tác phẩm đều kích thích mạnh mẽ giác quan của người xem bởi vẻ đẹp tổng hòa của ngôn ngữ hình thể, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ,... từ đó làm nổi bật lên nội dung của tác phẩm với nhiều cung bậc cảm xúc.

Múa “Hồn đá” của  biên đạo Thanh Mai do sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn

Dù là những tác phẩm dân gian đương đại nhưng đã được chọn lọc kỹ lưỡng, ca khúc “Thức tỉnh” của nhạc sĩ Ngọc Duy ngoài phần nhạc mang hơi hướng, sức quyến rũ của hát văn,... thì phần lời cũng mang đầy tính triết lý của những con người hiện đại có những phút giây sống chậm để mà tỉnh thức, để nhìn lại mình. “Thái Nguyên sông Cầu hát” của Phạm Đình Chiến - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh và “Thái Nguyên thành phố tôi yêu” của Vũ Thị Huyền Ngọc - một nhạc sĩ trẻ tài năng nhiều triển vọng, đều là những ca khúc mới nhất của 2 tác giả. Bày tỏ niềm tự hào và tình yêu, với quê hương Thái Nguyên, ca từ và nhạc điệu ở các tác phẩm này vừa bay bổng nhưng cũng gần gũi mà thân thương, da diết. Và hai ca khúc đã được các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh thể hiện rất thành công.

Ca khúc “Thức tỉnh” của nhạc sĩ Ngọc Duy do các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh thể hiện

Qua đêm diễn nhiều khán giả yêu nghệ thuật có chung nhận xét: “Hoa Núi” năm 2022 rất có chiều sâu. Việc sắp xếp các tiết mục và độ dài của chương trình hợp lí, thời gian tiết chế vừa đủ, không quá dài. Các tiết mục gây ấn tượng sâu sắc cho người xem nhất là những tác phẩm múa: “Xe lanh” của NSND Lê Khình; “Gọi hoa” biên đạo Hoàng Thiện Thực; “Hồn đá” biên đạo Thanh Mai. Ngoài ra các tác phẩm trong chương trình đều rất chất lượng, thể hiện sự đầu tư, luyện tập nghiêm túc, công phu.

Thưởng thức trọn đêm diễn, họa sĩ Hoàng Minh Đức cho biết: Hội VHNT tỉnh đã phối hợp tổ chức một chương trình hay, ý nghĩa, ấn tượng với khán giả. Lâu rồi khán giả mới được thưởng thức một đêm nhạc, đậm chất văn hóa Việt Bắc. Chương trình có những tiết mục múa mang đầy chất tạo hình của hội họa. Từ hàng ghế khán giả tôi không chỉ được thưởng thức âm nhạc và vũ đạo mà còn nảy ra cả ý tưởng để xây dựng được tác phẩm trong tranh. Đấy chắc chắn sẽ là những điểm nhấn cực kỳ ấn tượng, bất ngờ, và gợi cảm xúc mạnh cho người xem.

Còn chị Cao Thị Thắm - vợ họa sĩ Hoàng Minh Đức thì thích thú: Lần đầu tôi được xem một chương trình múa hát đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Vốn là người Tày gốc (Ngân Sơn, Bắc Kạn) tôi rất hạnh phúc và tự hào vì được thưởng thức nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Trên sân khấu tôi cũng rất thích những màn múa về dân tộc Dao, dân tộc Mông, mong sẽ có những chương trình như vậy phục vụ người dân thành phố.

Đại diện Ban Tổ chức tặng hoa tôn vinh 13 tác giả

Và không chỉ là nơi để tôn vinh, trình làng những tác phẩm, “Hoa Núi” năm 2022 còn là dịp những nghệ sĩ, nghệ nhân… giao lưu, học hỏi thêm những kiến thức quý báu về nghề. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình ­- người vừa được góp mặt trong danh sách trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước, trong đêm diễn đã có những chia sẻ rất tâm huyết về kinh nghiệm khi dàn dựng những tác phẩm múa dân gian. Theo ông những tác phẩm ông đã dàn dựng thành công và mang sức sống lâu dài đến tận hôm nay và  được Nhà nước trao tặng giải thưởng vì nó mang được bản sắc của dân tộc đó: “Vốn văn hóa văn nghệ dân tộc được cha ông gìn giữ bảo tồn và phát triển hàng nghìn năm nay rồi cho nên khi sáng tác múa dân gian, hát dân gian chúng ta phải hết sức tôn trọng và trân trọng điều đó. Cũng từ điều này tôi luôn nhắc nhở bản thân mình: Muốn làm một tác phẩm về dân tộc, phải hiểu dân tộc ấy, tâm hồn, tính cách, đời sống của dân tộc ấy thì hãy làm và mới thành công…”.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy