Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:50 (GMT +7)

Hoa ngọc lan

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học về Đại đội TNXP 915 anh hùng

1. Bến Đò là xóm thuần nông, ấy vậy mà lại sinh ra một ông họa sĩ tiếng tăm cả nước. Cái chất con người ông vẫn nông dân, vậy mà cũng đầy cái khác biệt với xóm làng. Nhà nhà thi nhau xây nhà ống, nhà tầng như thành phố. Ông dựng ngôi nhà sàn của vùng cao. Nhà nhà vườn tược thi nhau trồng cây ăn quả nhằm thu kinh tế. Ông trồng cây cảnh để chơi. Đặc biệt cây hoa ngọc lan hơn bảy mươi năm tuổi vẫn rợp bóng cuối sân. Nhiều người khuyên ông chặt cây ngọc lan ấy đi, thay vào đấy là cây ăn quả vừa có bóng mát vừa có trái để ăn, cây hoa ngọc lan chỉ hợp nơi đền chùa. Ông lẳng lặng mỉm cười mà chẳng bàn luận thêm gì về điều ấy. Rồi cây ngọc lan vẫn sừng sững bên ngôi nhà sàn của ông. Dân tình bảo cánh nghệ sĩ luôn tạo ra những dị biệt khác người, mọi người vẫn luôn mến yêu ông bởi ông hòa đồng, gần gũi xóm làng. Vả lại, có một họa sĩ danh tiếng khắp nơi ở làng cũng là tiếng thơm chung. Ông có một cuộc sống phong lưu, quan hệ bè bạn rộng rãi mà chẳng hiểu sao không sống nơi phố phường, không xây dựng gia đình, vẫn về chính mảnh đất bốn bề đồng ruộng này sinh sống. Vẫn là lời bàn tán của mọi người, cái dị biệt của một người nghệ sĩ thì chính anh ta cũng chẳng giải thích nổi nói gì người khác. Chỉ có một người phụ nữ hiểu thấu tâm tư ông, đó là mẹ ông. Bà đã ở cái tuổi hiếm hoi của làng rồi.

 

2. Một ngày đầu tháng sáu năm 1972, giữa cái nắng hè gay gắt, bà Phương cùng lãnh đạo xã Linh Đông, đại diện các ban, ngành xóm Bến Đò đôn đả ngược xuôi khắp xóm, lo sắp xếp chỗ ăn ở cho đơn vị thanh niên xung phong về đóng và làm nhiệm vụ trên địa bàn vùng này. Chiều tối thì mọi việc tạm ổn. Chủ tịch xã Lê Nam bắt tay Đại đội trưởng Nhân và mọi người:

- Thôi chào các đồng chí nhé! Mọi việc ổn rồi, sau còn gì khó khăn đã có các đồng chí ở xóm đây trực tiếp giúp các đồng chí. Tôi phải về qua trụ sở triển khai một số công việc nữa.

Ông nhảy lên chiếc xe đạp cũ kỹ, lốp trước cuốn buộc dây cao su, mỗi vòng quay cứ giật lên lục cục, bàn đạp thì khô dầu kêu cót két, lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi, bóng ông khuất nhanh trên chỗ rẽ đầu làng. Có được mọi việc suôn sẻ, nhanh chóng như hôm nay bà Phương đã cùng chi hội phụ nữ, mặt trận và ban quản trị xóm phải lăn lộn vận động, xắp xếp trước cả tuần nay rồi. Nhà nông đông con, nhà cửa còn chật hẹp vậy mà chẳng nhà nào từ chối đón các anh chị em vào ở nhà mình. Nhà thì dồn con cái xuống nhà ngang, nhường giường nhà trên cho các chị. Nhà thì sửa lại nhà tắm cho kín đáo bởi biết chị em toàn con gái trẻ măng. Nhà nào cũng sẵn sàng nhận ít nhất ba người, riêng bà Phương, vừa là chỉ có một mình, vừa là Chủ tịch hội phụ nữ xã gương mẫu đi đầu nhận năm người ở nhà mình. Sau khi xong việc chung, bà tất tả dẫn mấy chị em về nhà, vừa đi bà vừa trò chuyện làm quen:

- Chị em mình trẻ quá nhỉ? Gia nhập đơn vị đã lâu chưa?

- Dạ chúng cháu đều vừa nhập đơn vị được mấy ngày thôi ạ! Một đội viên da trắng hồng, có đôi mắt đen láy, nụ cười rất duyên tỏ ra là người nhanh nhẹn nhất trong nhóm đã trả lời bà.

- Ở với bà con còn chật chội, bề bộn lắm. Cố gắng các cháu nhé!

Khi bà mở cửa, mời các cô gái đem quân tư trang vào sắp xếp chỗ ở, bà thấy hơi ngỡ ngàng khi mắt các cô gái cứ bị hút vào các bức tranh treo trên tường.

- A lúi, toàn ảnh nhà sàn và rừng núi của quê cháu thôi à, lại nhớ cái nhà thế.

- Toàn tranh của thằng con cô vẽ đấy! Có giống lắm không? Bà Phương vui vẻ nói như khoe.

- Giống lắm à, sao không phải người dân tộc mình mà vẽ được cô nhỉ?

Mấy cô gái vừa sắp xếp ba lô vừa nói với nhau:

- Thích nhá, thích hơn ở các nhà khác nhá, lúc nào cũng nhìn thấy cái nhà, cái suối, cái rừng quê mình.

- Nhìn thấy càng nhớ nhà hơn đấy.

Nghe mấy cô gái trẻ nói với nhau, bà Phương chợt thấy có những nỗi niềm đã dâng lên trong lòng. Bà nhận thấy các cô gái trẻ đều là những người dân tộc vùng cao, họ còn rụt rè, giọng nói phát âm còn chưa chuẩn tiếng phổ thông. Tuy vậy, sự ngay thẳng, thật thà đến trong trẻo, thơ ngây ở họ đã làm bà cảm động. Là một người làm công tác phụ nữ lâu năm, tiếp xúc am hiểu nhiều tính cách của các dân tộc trong xã, bà thấy yêu thương, có một chút xót xa khi có cháu mới mười bảy tuổi, còn trẻ quá, non nớt quá trước những thử thách nhiệm vụ đang chờ mà bà biết rõ sẽ đầy nặng nhọc, hiểm nguy.

Mấy ngày sau thì không khí đã khác, trong nhà bà Phương luôn rộn tiếng nói cười. Cả xóm Bến Đò cũng vậy. Sáng sáng, bóng những sắc áo màu vàng sậm lúi húi quét dọn khắp các ngõ đường làng. Đêm đêm, tiếng hát tập thể khi sinh hoạt cứ vang xa. Trong mỗi căn nhà, những giãi bày tâm sự bắt đầu cởi mở. Tháng này, đồng ruộng Bến Đò đang vụ thu hoạch lạc và ngô. Nhà bà Phương cũng trồng nửa sào lạc xen với gieo ngô trên đất phần trăm. Một mình bà túi bụi với công tác phụ nữ xã, lại lao động như một xã viên hợp tác nhưng bà vẫn luôn quan tâm đến các cô gái. Buổi chiều vặt lạc, bà cố ý để lại một ít đến tối. Các cô gái thích được giúp bà việc vặt ở nhà lúc rỗi. Gọi là có tí việc cho các cháu làm rồi cùng nói chuyện cho vui, cho quên nỗi nhớ nhà đi. Thêm nữa là bà luộc chút lạc, chút ngô các cháu ăn được tự nhiên, đỡ ngại ngùng. Dưới ánh trăng vằng vặc, mấy cô cháu ngồi dưới gốc cây ngọc lan, vừa tí tách ăn, vừa trò chuyện.

- Chú không còn, mình cô thế này vất vả né.

- Ừ, cô cũng quen rồi các cháu ạ! Chỉ mong thằng Nguyên nhà cô học hành đến nơi, đến chốn là cô yên tâm rồi.

- Anh Nguên có hay về không cô à!

- Thi thoảng nó cũng về, nhưng mấy tháng nay đang đi thực tế miền núi chuẩn bị tốt nghiệp nên chưa thấy về.

- Anh Nguên giỏi ớ, vẽ giỏi sau nhiều tiền á.

- Ừ, đợi lúc nó vẽ được nhiều tiền thì cô móm hết răng rồi, chỉ ăn cháo thôi.

Cả năm đứa cười nghiêng ngả, thi thoảng một cánh hoa lan nhẹ rơi, các cô gái tranh nhau vồ lấy.

- Ở trên quê chúng cháu chỉ có hoa rừng thôi, không có cây hoa thơm thế này đâu né.

- Cây hoa này thằng Nguyên trồng hơn chục năm rồi đấy! Đêm trăng sáng nó hay ra đây ngồi đánh đàn. Ngày lại hay hí húi vẽ tranh ở đây.

- Hôm nào anh Nguyên về, bắt anh vẽ cho chúng cháu mỗi đứa một bức hình cô nhé!

- Úi, chị vẽ thì vẽ, em xấu lắm không vẽ đâu né!

Mấy chị em lại trêu chọc nhau, đấm lưng nhau thùm thụp rồi vội vã thu dọn khi có tiếng còi của trực ban báo đến giờ đi ngủ. Bà Phương thấy có một không khí ấm áp tràn ngập trong căn nhà đã mấy năm trống vắng chỉ có một bóng, một hình của bà. Bà yêu các cô gái như đàn con của mình.

Sân nhà bà Phương rộng, nhà lại không có trẻ nhỏ, chỉ huy đại đội chọn là địa điểm để buổi tối học văn hóa và sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Quyên là người đã học hết cấp hai, được đơn vị phân công là một trong những người dạy thêm văn hóa cho anh chị em đơn vị. Dịp này, chi đoàn của đơn vị đã kết nghĩa với chi đoàn của xóm. Họ đang cùng lên kế hoạch tập văn nghệ để rằm trung thu này có một buổi giao lưu văn nghệ. Dịp này tình hình chiến sự đang có dấu hiệu căng dần. Mỹ đã tuyên bố sẽ ném bom lại miền Bắc, các sinh hoạt lại được nâng cao cảnh giác của thời chiến. Hầm hào các nơi được củng cố, đơn vị thanh niên xung phong suốt ngày đêm đã căng mình ra trên con đường 16A để bảo đảm giao thông. Tranh thủ những tuần trăng sáng, đội văn nghệ của đại đội vẫn cố gắng tập để đảm bảo chương trình đề ra. Quyên, Thái, Lường ba cô gái ở nhà bà Phương cũng ở trong đội văn nghệ này. Quyên có nước da trắng trẻo, đôi mắt đen láy, mái tóc dài lại hơi xoăn tự nhiên, giọng trong trẻo vang ngân nên mọi người hay gọi là văn công đại đội. Thái giỏi đàn tính, thuộc nhiều điệu hát then. Còn Lường cô gái mười bảy, nói chưa sõi tiếng Kinh nhưng lại có một thân hình uyển chuyển và những ngón tay tuyệt dẻo trong các điệu múa. Bà Phương ngồi xem các cháu tập mà quên hết những căng thẳng của một ngày làm việc trong không khí đầy bất trắc của chiến tranh.

3. Đầu tháng bảy thì Nguyên về. Anh không hề ngỡ ngàng với chuyện trong ngôi nhà mẹ mình có thêm năm cô gái đang ở. Anh phá vỡ luôn những e dè, ngại ngùng của các cô gái trước một chàng họa sĩ tương lai qua trò chuyện bằng chính tiếng dân tộc của họ. Sự ngỡ ngàng chuyển sang các cô gái, họ không ngờ Nguyên lại nói được tiếng dân tộc, hiểu cặn kẽ các phong tục của họ. Cũng chính điều ấy sự thân tình đã đến với họ thật tự nhiên như người trong một nhà. Cứ đi thực hiện nhiệm vụ về các cô gái lại ríu rít bên Nguyên như một bầy em gái. Nguyên bảo anh yêu cái dáng nét êm đềm, hoang sơ của vùng cao. Anh thuộc từng ý nghĩa sinh hoạt trong ngôi nhà sàn. Anh học được một số tiếng Tày là nhờ có mấy tháng đi thực tế ở vùng cao. Đấy! Các tác phẩm anh vẽ treo trên tường kia là từ chuyến đi ấy đấy. Các cô gái nhao nhao: “Giờ anh phải vé cho mối đứa chúng em một cái ảnh đi”. “Đợt này anh đang bận cho việc báo cáo tốt nghiệp, hẹn cuối năm anh đưa máy ảnh về chụp cho các em nhé”. Các cô gái vẫn nhao nhao: “Không! Ảnh để sau, giờ anh cứ vé đá”. Không có cách nào chối từ trước sự vô tư của các em, Nguyên đành lấy bút chì và giấy ra “Anh chỉ phác thảo thôi nhé! Không có thời gian để vẽ chân dung các em đâu”. Các cô gái thi nhau chải lại tóc, cô nào cũng cài thêm bông hoa ngọc lan trên tóc. Nguyên chăm chú phác chân dung từng người. Dù chỉ là đường nét phác thảo, anh vẫn không quên bông hoa lan cài trên mái tóc từng người. Anh chợt thấy đây là dịp may để ngắm kỹ nét đẹp của các cô gái trẻ. Riêng nét đẹp của Quyên, anh thấy có một tín hiệu gì vừa rung trong sâu thẳm lòng mình. Đôi mắt kia, đôi môi kia, mái tóc kia, gương mặt kia nó đã in ngay vào lòng anh lúc anh vừa đặt chân vào nhà hôm về. Giờ, anh biết con sóng ấy sao đang có ở lòng mình. Khi các cô gái tranh nhau nhận bức phác họa chân dung mình, Lường lụng phụng chưa ưng: “Giống cái mặt em nhưng còn thiếu nhiều né, anh làm qua loa quá mà”. Nguyên đã bật cười, may mà Quyên đã giải thích cho anh: “Anh đã bảo chỉ phác thảo thôi mà, hôm nào anh đưa máy ảnh về chụp sẽ đẹp hơn”. Mấy cô gái lại trêu chọc nhau rồi chạy ào ra tìm hoa ngọc lan. Lạ một điều là cô gái nào trong đại đội cũng thích mùi thơm hoa ngọc lan, nhiều người đã gói hoa vào khăn mùi xoa để trong ba lô, và như theo nhau cô nào cũng cài một bông trên cặp tóc của mình.

Một tuần ở nhà, ngoài việc chăm chú cho báo cáo tốt nghiệp, Nguyên còn mung lung về một cuộc thi của trường mà chỉ còn mấy ngày là hết hạn nộp tác phẩm, nhưng Nguyên cũng chưa tìm ra được ý tưởng nào đặc sắc ưng ý. Anh vẫn hy vọng có những điều thật bình thường trong cuộc sống hàng ngày mà bất ngờ lóe lên ý tưởng. Cả một tuần ở nhà chứng kiến các cô thanh niên xung phong sáng vác cuốc xẻng đi sửa đường, tối cũng vác cuốc xẻng đi làm. Một hàng người mặc đồng phục, quần xắn gần gối, tóc cài một bông hoa lan đi trong buổi sáng bình minh, hay dưới ánh trăng vằng vặc. Nguyên chợt nhận ra, những bắp chân trần, những khuôn mặt thanh xuân cùng những bông hoa cài trên đầu các cô gái dưới ánh trăng càng như phát sáng. Nguyên đã mơ hồ có những xuyến xao khi xem Quyên tập múa trong đêm trăng. Sự phát sáng của làn da trắng trên gương mặt, cánh tay, và bắp chân trần của Quyên dưới ánh trăng như chứa căng tràn vẻ rực rỡ của lứa tuổi thanh xuân. Chỉ có sự rung động con tim mới nhận ra điều đó. Vậy là Nguyên lặng lẽ bên giá vẽ của mình bên gốc ngọc lan luôn ngào ngạt hương.

Hôm sau anh chào các cô gái trở về trường. Với một sự nhạy cảm của người mẹ, bà Phương biết tâm trạng con trai mình đang có những diễn biến mới lạ. Từ ánh mắt đến cử chỉ của con, bà nhận ra điều đó. Ngay bà cũng thấy cảm mến cô gái ấy từ hôm đầu tiên cơ mà.

Cuối tháng tám bà Phương nhận được thư của Nguyên gửi về báo tin đã giành giải nhất cuộc thi với tác phẩm “Những cô gái mở đường” mà anh bảo vẽ ngay tại gốc hoa ngọc lan nhà mình. Nguyên còn bảo anh lấy cảm hứng từ chính các cô gái trong nhà. Bà mỉm cười khi đọc đến dòng này. Khi bà báo tin này cho các cô gái, trên gương mặt của Thái, Lường, Xuân, Diện đều lộ vẻ bất ngờ về niềm vui. Quyên cũng tỏ ra hưởng ứng nhưng hình như không bất ngờ về điều đó. Bà Phương chợt nhớ ra cách đây mấy ngày Quyên cũng nhận một lá thư, bà cảm giác lá thư đó là của Nguyên vì ánh mắt, niềm vui của Quyên rất lạ. Rất có thể là linh cảm của bà đã đúng.

4. Đã hơn hai tháng rồi bà Phương vui như bên đàn con trong căn nhà của mình. Mấy hôm nay bà luôn trong tâm trạng lo lắng cho các cô gái trẻ. Còi báo động liên tục rú lên, đơn vị thanh niên xung phong liên tục nhận các lệnh điều động mới. Máy bay địch đã ném bom ác liệt ở khu vực Ao Sen nơi con đường 16A chạy qua. Mấy đứa về đến nhà thấy đứa nào cũng căng thẳng mệt mỏi, quần áo đỏ quạch bụi đất. Hôm thì bà Phương nấu nồi cháo chè để nguội cho mấy đứa ăn đỡ mệt. Hôm lại luộc nồi khoai để chúng nó ăn khi về khuya. Bà biết cứ tình hình này sẽ còn căng thẳng, nguy hiểm hơn nhiều, vì vậy bà càng lo lắng, yêu thương mấy đứa hơn.

Sáng nay, sau khi họp ở xã về, bà Phương định nấu nhanh nồi cơm rồi còn sang nhà ông chủ nhiệm hợp tác, cùng cô bí thư chi đoàn bàn về buổi giao lưu văn nghệ với đơn vị thanh niên xung phong và đón Tết trung thu cho các cháu. Nồi cơm vừa kịp sôi thì còi báo động rú vang, bà Phương vội rút củi cời than rồi chạy ra hầm trú ẩn. Vừa ra đến cửa hầm cạnh gốc hoa ngọc lan thì tiếng máy bay gầm rú như xé toang bầu trời. Rồi tiếng pháo cao xạ nổ ran. Bỗng những tiếng nổ như tiếng sét rung chuyển mặt đất liên tục giáng xuống. Căn hầm bà Phương đang trú chao đảo, đất trên nóc hầm lọt qua cây lát rơi rào rào xuống đầu. Cây hoa ngọc lan cạnh hầm cũng rung lên từng hồi, những cánh hoa trắng rơi lả tả trên mặt đất. Đúng lúc ấy, nhà bên có tiếng hô lên: Nó ném bom ngay khu Làng Ban xã mình rồi. Có tiếng người hỏi lại: Có đúng khu ấy không? Chính xác rồi, khói còn đang cuồn cuộn lên kia. Bà Phương rụng rời chân tay khi nghe tin này. Thôi chết, hôm nay đơn vị chúng nó sửa đường khu này.

Các con ơi! Liệu có đứa nào việc gì không? Chưa có còi báo yên nhưng bà đã vơ vội chiếc mũ, cùng đội dân quân xóm lao về phía làng Ban. Gần đến nơi bà gặp mấy cáng cứu thương đi ngược chiều. Nhận ra cái Thái, cái Diện đang đi bên cáng, đầu tóc, quần áo bê bết bụi đất và cả vết máu. Bà lao đến vồ lấy chúng nó: Có bị nhiều không các con ơi! Mắt cái Thái đỏ hoe: Cái Lường, cái Xuân bị thương với mấy người nữa mé à. Mé về đi, nhanh lên, nó còn có thể ném đợt hai đấy. Cái Thái vừa ôm lưng bà, vừa khóc vừa đẩy bà ngược trở về. Thế cái Quyên đâu? Chưa tìm thấy nó, mọi người vẫn đang ở trong ấy tìm, chúng con phải đưa người bị thương ra xe để đi cấp cứu. Mé về đi, không ở đây được đâu. Nó nói như gào lên. Bà Phương gạt tay cái Thái ra: Không! Phải để cô gặp cái Lường, cái Xuân đã, chúng nó có bị nặng không? Bà nhào tới bên mấy chiếc cáng cứu thương, cúi xuống nắm bàn tay mấy đứa, cố bình tĩnh nói mấy câu động viên: Cố lên các con nhá, mọi việc rồi ổn thôi. Rồi bà vội quay mặt đi, mọi cảnh vật xung quanh bỗng nhòe đi hết. Bà chỉ biết bước theo đà của ai đó đang đẩy sau lưng. Tiếng loa của đội cứu thương vẫn kêu gọi mọi người không có nhiệm vụ rời xa ngay khu vực địch có thể oanh tạc tiếp. Bà bước trên con đường về nhà như người không hồn. Đến trưa thì nghe tin cái Quyên đã hy sinh, bà Phương nấc lên từng hồi, nỗi đau đớn như mất chính đứa con của mình. Bà quyết đến nơi đặt thi thể Quyên để gặp nó lần cuối. Sau một chút đắn đo, đại đội trưởng Nhân cũng đồng ý với đề nghị của bà.

Thi thể Quyên đã được đồng đội quấn trong tấm chăn mỏng. Nhìn đứa con gái đang tuổi thanh xuân trong hoàn cảnh này lòng bà như thắt lại, mắt bà lại nhòe đi. Bà đặt nhẹ tay lên mái tóc Quyên, nắm nhẹ xuống đôi vai rồi lần khắp cơ thể Quyên. Khi đôi tay bà lần xuống phía dưới chân thì đại đội trưởng Nhân ngăn lại. Bà sững sờ nhìn anh, anh khẽ lắc đầu nói nhỏ mà đôi mắt đỏ hoe: Em mất đôi chân rồi chị ơi. Bà đờ người ra, Nhân vội đỡ bà dìu ra ngoài. Bà Phương thều thào trong tiếng nấc: Khổ quá con ơi, sao nó lại cắt đi mất nửa người của con thế này.

Năm ngày sau, Nguyên ngồi bất động trên chiếc ghế dưới gốc cây ngọc lan suốt một đêm. Dưới ánh trăng, thi thoảng có bông hoa buông mình rơi trên mặt đất. Chính chỗ này, anh đã vẽ bức tranh những gương mặt, những bắp chân trần tuổi thanh xuân phát sáng dưới trăng. Và chính làn da, gương mặt, bắp chân trần của Quyên khi tập múa đã gợi cho anh những ý tưởng này. Con tim anh vừa kịp rung động trước nét đẹp ẩn chứa trong một người con gái thì bây giờ anh đã mất Quyên. Đau đớn thay, đôi chân trần ấy đã lìa khỏi thân thể Quyên, đã nát tan cùng đất đá. Hình ảnh ấy như vò nát trái tim Nguyên lúc này.

Sáng hôm sau, Nguyên cùng mẹ vào nghĩa trang thắp hương cho Quyên. Anh không quên đem theo những bông ngọc lan đặt trên ngôi mộ của Quyên vẫn tươi màu đất mới.

5. Sau mấy tháng, nỗi đau trong mọi người cũng nguôi ngoai dần. Lường và Xuân cũng phục hồi sức khỏe, công việc lại cuốn hút mọi người trên cung đường. Tình hình chiến sự càng trở nên căng thẳng, hai đêm qua B52 đã rải thảm ở dọc đường 16A khu vực Ao Sen, Nam hòa và khu ga Quán Triều. Mấy đứa ở nhà bà Phương cùng đơn vị lăn lộn với công việc cả ngày lẫn đêm. Bà Phương chợt nhớ ra vài ngày nữa là dịp Nô-en. Thằng Nguyên đã hứa với mấy đứa sẽ về trước Nô-en mà hôm nay chưa thấy mặt. Chúng nó yêu thương, quý mến như người anh mà không giữ lời hứa thì còn ra gì. Lại còn hứa sẽ đưa máy ảnh về chụp cho chúng nó nữa chứ. Tối ấy, mãi chín giờ tối mấy đứa mới về. Cái Lường nói với bà: Mé à, mai chúng con bốc dỡ hàng bên thành phố đấy! Bà bảo nó: Con còn đang yếu thế vẫn đi à. Nó bảo: Đại đội chưa cho đi nhưng con cứ xung phong đi! Đi làm với chị em vừa vui vừa biết cái nhà ga, cái nhà máy gang thép chứ. Thích lắm mé à.

Đêm hôm sau, bà Phương vừa ăn cơm tối xong thì có còi báo động, bà lại thấy ruột gan cồn cào vì giờ này mà mấy đứa cùng đơn vị vẫn chưa về. Chỉ ít phút sau thì tiếng bom cùng tiếng gầm rú của máy bay đã rung chuyển mặt đất. Cây hoa ngọc lan lại rung lên, những bông hoa ào ạt rụng trước mặt bà. Cả một vệt lửa đỏ rực phía nam thành phố, lại có tiếng người lao xao: B52 nó ném bom phía gang thép rồi. Bà Phương ngồi nhìn những bông ngọc lan rụng trắng mà lòng hoang mang, lo lắng, ruột gan nóng như lửa đốt. Gần sáng thì cả xóm Bến Đò đã biết tin. Sáu mươi con người ra đi sáng hôm ấy đã không về. Bà Phương nghe tin này, bíu vào thành ghế rồi ngồi sụn xuống, mắt nhìn chăm chắm vào những chiếc ba lô còn xếp gọn gàng trên giá rồi nhòe đi, giọng nấc lên: “Các con ơi! Đâu hết cả rồi. Sao chẳng đứa nào về thế này”. Cả xóm Bến Đò hôm đó đều lặng đi trong nỗi thương đau.

Đêm Nô-en, Nguyên về và lại ngồi như cái bóng suốt đêm bên gốc ngọc lan. Vậy là lời hứa sẽ chụp những tấm hình cho các em sẽ không bao giờ thực hiện được. Trong vòng ba tháng trời mà mất đi cả năm con người thân thương như ruột thịt trong ngôi nhà Nguyên, có cả mối tình chớm nở của Nguyên thì nỗi buồn nào sánh được. Nỗi đau trong mất mát chiến tranh còn ám ảnh trong lòng Nguyên gấp bội khi thịt xương những con người ấy đâu còn toàn vẹn. Nguyên đã đặt những bông hoa ngọc lan trên sáu mươi ngôi mộ đất còn mới nguyên hàng hàng bên nhau mà lòng nén một sự xúc động khôn cùng.

6. Bốn mươi sáu năm sau, có một cuộc phát động của tỉnh sưu tầm các di vật của những đội viên thanh niên xung phong thuộc đại đội 915 đã hy sinh đêm 24-12-1972. Trong đoàn người trở về xóm Bến Đò có đại đội trưởng Nhân và mấy người cựu thanh niên xung phong đã ở đây năm xưa. Điều mọi người trăn trở nhất là rất khó khăn trong việc tìm lại được chân dung từng đội viên vì nhiều người chưa một lần chụp ảnh. Và, ông họa sĩ Nguyên đã ngồi lặng lẽ bên giá vẽ cạnh gốc ngọc lan cả tuần liền.

Rồi một ngày cuối năm, khi Khu tưởng niệm sáu mươi đội viên thanh niên xung phong 915 vừa trùng tu xong, có một người đàn ông dắt tay một bà cụ vào thắp hương. Ông đã trao tặng khu tưởng niệm tám bức vẽ mà ông đã dành tất cả tâm huyết để hoàn thành. Một bức là đoàn thanh niên xung phong đang vác cuốc xẻng đi làm nhiệm vụ dưới đêm trăng, những gương mặt, những cánh tay, những bắp chân trần, những bông ngọc lan cài trên tóc như phát sáng dưới ánh trăng mờ ảo. Một bức vẽ cảnh bom nổ với một quầng lửa đỏ rực cùng những cột khói bốc cao, lẫn trong đất đá bay lên còn có cả những cánh hoa lan màu trắng. Một bức lại vẽ cảnh sáu mươi ngôi mộ tươi màu đất mới, đang nghi ngút khói nhang và trên mỗi ngôi mộ vẫn có một bông ngọc lan. Năm bức còn lại là chân dung của Quyên, Thái, Diện, Xuân, Lường mà ông vẽ lại bằng trí nhớ của mình. Khi nhìn thấy các bức vẽ này tất cả các cựu thanh niên xung phong 915 và thân nhân các liệt sỹ đều òa khóc. Họ nâng các bức chân dung của năm cô gái và đều kêu lên: Chúng nó đây rồi, đúng hình ảnh của chúng nó đây rồi, các em ơi!

Trên những bức chân dung ông vẽ, cô gái nào cũng vẫn có một bông hoa ngọc lan trên mái tóc.

Truyện ngắn. Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước