Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
22:38 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Hoa mía

Vài nét về tác giả:

Bùi Thị Như Lan, sinh năm 1967. Dân tộc Tày. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.

- Đã xuất bản 12 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, ký.

- Đã đoạt hơn 10 giải thưởng văn học ở trung ương và địa phương, trong đó có những giải thưởng quan trọng như Giải Nhì – Cuộc thi Truyện ngắn của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, năm 1999; Giải Ba (không có giải nhất) – Cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 2001 – 2002; Giải Ba - Tập Bút ký Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài giao thông của Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, năm 2015; Giải Tư - Cuộc thi truyện ngắn “Cây bút vàng” về đề tài Công an nhân dân của Hội Nhà văn kết hợp với Nhà Xuất bản Công an nhân dân, năm 2020 - 2021…

Hoa mía

Tác giả: Nhà văn Bùi Thị Như Lan

Mặt trời chìm xuống dãy Phja Khao. Bóng tối chậm chạp duềnh lên nhuốm hơi sương lành lạnh. Gộc củi trong bếp ngun ngún, âm ỉ cháy, chốc chốc lại bùng lên nổ lép bép giữa gian nhà hiu quạnh.

Ông Sùng Chứ chợt thở dài, đôi mắt lặng nhìn khung cửi có tấm vải dệt dang dở với những búi sợi rối lùng bùng nằm âm thầm trong quẩy tấu phủ đầy bụi thời gian. Tưởng như quanh quất đâu đây còn phảng phất hơi ấm của hai chị em Seo Mây, Seo Mỷ. Thế mà đã mười bốn năm rồi. Từ lúc thằng Sùng Choóng con trai ông mới được ba mùa mía cho mật. Chớp mắt một cái, nó đã thằng con trai vạm vỡ, bắp tay, bắp chân chắc như gỗ lim, gỗ nghiến. Ngày mai nó vuột khỏi tay ông mà đi trường đại học dưới Thái rồi. Nó như con ong đủ lớn chia đàn bay khỏi thung lũng Nặm Thàng. Ông nói với nó:

- Mày đi cho sáng cái đầu, cho tốt cái thân, để biết con sông Nậm Thoong đưa nước đến đâu. Bao giờ chồn chân mỏi gối thì về nhà.

Nó cười: - Cha à, con cố học thật nhiều, khi nào cái mắt tinh như con mang sao, cái đầu đựng nhiều điều hay, con mang cái chữ về quê mình thôi.

Sùng Choóng nói thì biết thế! Nó cũng giống ông đấy mà. Thời trẻ ông cầm súng đi đánh giặc, đến lúc trên mình mang nhiều dấu vết của một thời đạn bom, ông đã trở về với bãi mía ngờm ngợp, ngút ngàn.

Dải đất trồng mía quê ông rộng lắm. Mía nhà nọ nối mía nhà kia, như lớp thảm xanh màu diệp lục dài ngút ngát bơi từ dưới bờ sông Nậm Thoong đi qua bìa rừng rồi trườn lên triền núi. Đất quê ông phì nhiêu, mùa mưa con lũ tràn về cõng mùn từ núi xuống, dâng phù sa dưới lòng Nậm Thoong lên, trồng mía lớn nhanh như thổi. Người bản ông vùi ngọn mía xuống. Một đêm, hai đêm sương đi qua, những mầm mía bé xíu rụt rè đội đất ngoi lên. Từ trong thẳm sâu, cội rễ âm thầm len lỏi qua từng lớp đất, chắt chiu giọt sữa tinh túy cho cây sức bình sinh xòe lá, bừng bừng trỗi dậy. Cứ thế, cây lớn lên bằng đứa trẻ hai tuổi mới vun luống. Trồng nhiều mía, chẳng ai ngắm được, cái tay quen rồi vẫn thẳng hàng, đều tăm tắp như chăng sợi chỉ. Những cây mía mập mạp tròn lẳn, từng gióng, từng gióng đều nhau chằn chặn, óng ả mịn màng vươn mãi lên thinh không hít thở khí trời. Tầng tầng, lớp lớp mía đan xen nhau mà vẫn đủ để ánh sáng ấm áp của mặt trời rọi xuống dưới gốc, cho bạt ngàn cây nhân trần bé bỏng xòe chùm hoa tim tím, những ngọn bí đao nhân hậu chậm chạp bò tràn lan dưới mặt đất phủ đầy phấn hoa vàng… Lác đác đây đó, giữa những gốc cây đốt cháy nham nhở, những tảng đá lớn hình thù kì dị đánh dấu bãi mía của từng nhà là cây “pò mạy”, bụi lá quẫy um tùm để lũ trẻ chăn ngựa, chăn dê ăn thỏa thích.

Đến khi mía cao hơn đầu người, lá lòa xòa đan xen rậm rạp rủ bầy chim sẻ cánh nâu óng ả, chim cu cườm lông vàng trắng đỏm dáng về xây tổ là đến lúc thay áo mới cho mía. Những bẹ lá dài bàng bạc ngả màu bóc đi cây mía mới cho nhiều mật ngọt.

Mùa bóc lá, người bản ra bãi mía từ lúc thung lũng còn thở ra biển sương mù dày đặc. Nghe tiếng cười nói lao xao, tiếng bước chân ràn rạt đạp lên lá khô mải miết, mới biết có người đi phía trước, phía sau. Đến lúc mặt trời đủng đỉnh vươn ra sau dãy Phja Khao răng cưa là lúc bãi mía râm ran tiếng trêu nhau ơi ới của đám thanh niên. Trai gái tụ tập nhau đi làm đổi công, làm hết nhà mình đi làm hộ nhà người bản. Làm để còn được ngắm nhau, được thủ thỉ nói cho nhau nghe những lời thầm kín… Thế nên, chẳng mấy chốc, cả vạt mía rộng được bóc lớp áo cũ, bỗng lộ ra những đốt mía tròn trĩnh, vàng óng như bắp tay con gái tuổi dậy thì.

Ông gặp Seo Mây, mẹ của Sùng Choóng trúng vào mùa bóc áo mía. Hồi ấy, Seo Mây như con chim đẹp cả về bộ lông lẫn tiếng hót. Cái miệng Seo Mây hút hồn ông hết mùa mía này đến mùa mía khác. Cho tới lúc, tiếng sáo ông khản đặc lại thì Seo Mây mang gối đôi, chăn thổ cẩm về làm vợ ông. Bố mẹ Seo Mây bị con lũ cuốn trôi, nhà còn hai chị em thôi. Seo Mây về nhà ông mang theo em gái Seo Mỷ.

Hai vợ chồng ông, ăn ở với nhau chưa đầy một vụ mía, bụng Seo Mây chưa có đứa bé ngồi trong thì ông đi bộ đội, cầm súng đánh giặc biền biệt hơn chục năm mới trở về.

Hôm ấy vào trúng vụ thu mía về kéo mật. Ông mặc nguyên bộ quân phục bê bết bụi đường ôm chầm lấy Seo Mây, lăn tròn giữa những rãnh mía rậm rạp. Khắp người ông đến giờ vẫn như đang có vô vàn lông tơ rặm rặm của bẹ mía đâm vào. Ông vùi đầu vào ngực Seo Mây mà hít hà mùi mồ hôi mằn mặn, chua chua của vợ không dứt ra nổi. Cái lần ông bị thương nằm mê man bất tỉnh, lúc bay giữa dòng sao đêm nhấp nháy trên dương thế, lúc lang thang bên bờ cái chết cận kề. Đấy là lúc hồn ông đi mây về gió. Ông đã tới mép sông Mê Giang nước trong leo lẻo, lạnh giá, thăm thẳm. Trước mặt ông là bến lú lúc lở, lúc bồi. Xa xa thấp thoáng có bóng ông bà, cha mẹ tổ tiên trong khói hương bảng lảng mịt mùng của âm thế. Quả là lúc mơ màng, ông có thể đi trong hoàng hôn chạng vạng của cõi âm, ông lại đang chấp chới giữa sóng mía nơi quê núi, trôi trên lớp sương bồng bềnh từ trong rừng thẳm cứ ùn ùn kéo ngang, quây bọc lấy ông mà lắc. Ông mơ hồ nghe ở đâu có tiếng hươu sao tao tác gọi bầy… Lạ thật! Lúc tỉnh, lúc mê, bao giờ ông cũng thấy Seo Mây dắt tay Seo Mỷ mỉm cười e thẹn vít tàu lá mía loang lổ những sợi nắng vàng, đôi mắt đen tròn nhìn ông dịu dàng đắm đuối… Thế là ông chợt tỉnh. Ông biết mình còn sống mà trở về với Seo Mây đang mong chờ khắc khoải nơi thung lũng quê nhà.

Mặc cho những tàu lá cứa xát, rát bỏng, ông ôm ghì, hôn như mây như mưa lên khuôn mặt chan chứa nước mắt của Seo Mây, cảm giác ngây ngất của người đi xa trở về tổ ấm làm cho ông thấy mặt đất đang phập phồng trôi đi… Cho đến khi, có tiếng nấc nhẹ xao xác chợt dội lên, tiếng bước chân thậm thịch chạy xa dần và Seo Mây thoắt tái mặt thầm thì:

- Seo Mỷ nó tủi cái thân đấy.

Lúc ấy, ông ngỡ ngàng hỏi vợ:

- Seo Mỷ trao khăn cho người con trai nào chưa?

Vợ ông se sẽ lắc đầu, mắt buồn rười rượi…

Ngày ông đi. Seo Mỷ còn là đứa bé gái mặt mũi lấm lem, thập thò nấp sau khe liếp. Giờ Seo Mỷ lớn quá rồi. Thế mới biết, thời gian không đợi bước chân con người. Ông vuốt nhẹ những vệt nhăn mờ nơi khóe miệng, đuôi mắt của vợ, chợt thấy bụng cồn quặn nỗi xót xa…

Đã bao lâu rồi, đêm ấy ông lại được mặc bộ tà pủ, ôm Seo Mây trong vòng tay thủ thỉ, đắm đuối trong khát khao hạnh phúc. Giọt máu của ông cùng Seo Mây khai hoa kết nhụy sau những ngày mong đợi mỏi mòn. Giọt máu muộn mằn, nhỏ nhoi ấy là thằng Sùng Choóng bây giờ. Nó đang thủ thỉ ngoài bờ đá ngoài kia, nó chia tay với đứa con gái bản đấy. Tụi trẻ bây giờ khác ông. Chúng nó có kho chữ trong đầu khôn hơn tuổi ông ngày trước. Xem ra tụi nó bạo dạn mạnh mẽ. Chúng nó thủ thỉ đấy, tâm tình đấy, mà không biết có lấy nhau hay không? Thằng Sùng Choóng bảo với ông nó còn trẻ, còn phấn đấu, nó muốn thung lũng Nặm Thàng có quầng sáng tỏa ra bụi vàng giống dưới phố huyện. Ban đêm sáng như ban ngày. Nó còn huyên thuyên nói sau này kéo mía lấy mật không dùng trâu dùng ngựa. Thế dùng bằng cái gì? Nó bảo có quầng sáng rồi kéo bằng máy thôi. Úi chao! Nghe miệng lưỡi của nó, ông thấy chóng mặt, ù tai toàn những chuyện không thể hiểu nổi…

Sùng Choóng đã về từ lúc nào, cời than bếp thổi phù phù. Tàn lửa lốm đốm đỏ rực cuốn mãi lên giống như cái vách của bóng đêm bị ai đó xé thủng lỗ chỗ. Nó kéo tấm chăn thổ cẩm của Seo Mây làm ngày trước, phủ trùm ngực nó, đắp ngang người ông. Tay nó vò vò mớ tóc dựng ngược tua tủa như rễ vầu. Nó có điều gì khó nói đấy, những lúc có chuyện buồn nó hay làm thế.

Đêm càng khuya, trời càng lạnh. Gió thông thốc chạy hoang trong thung vắng. Trăng đầu tháng ướt hơi sương, cong cong lưng gầy, ôm đám mây vào lòng tư lự, đậu trên ngọn Phja Khao. Dòng sông Nậm Thoong vọng lại tiếng nước ầm ì. Xa xa, thảng thốt chập chờn là tiếng kêu khắc khoải, da diết của con chim sẻ núi lẻ bạn. Giống chim này đến lạ, nó sống có đôi. Nghe tiếng gọi giữa đêm khuya là biết con chim trống đi tìm con mái. Tiếng nó trầm đục thổn thức, bồn chồn. Dù biết con chim trống da diết gọi đến khản đặc giọng trong cuống cuồng và tuyệt vọng, thì con mái lẩn trốn đâu đó “gù gù”trong cổ họng thôi. Con chim mái chỉ cất tiếng hót ngọt ngào, quyến rũ lúc mặt trời đội mây, tưới nắng xuống rừng. Chợt nghe tiếng chim sẻ núi, người bản ai cũng nao nao trong lòng…

Đêm mông lung, thâm trầm, rợn ngợp.

Hơi thở của Sùng Choóng nồng ấm, hồn hậu.

Lửa chập chờn. Lửa lấp loáng rồi bừng sáng. Sùng Choóng nhìn sâu vào mắt ông. Đôi mắt tròn to miên man, thảng thốt giống Seo Mây quá thôi. Đột nhiên ông rùng mình, ớn lạnh, gai ốc sởn lên. Có lẽ ông đã thở dài hay rên rỉ vì Sùng Choóng bỗng hỏi ông có làm sao không? Ông lắc đầu nặng nề, tưởng như thời khắc dồn nén, chĩa vô số gai nhọn, cào cấu, bứt xé ông thành trăm mảnh vỡ nhức nhối.

Sùng Choóng nói cái điều bứt rứt trong bụng với ông. Nó nói mà không chờ xem ông có đồng ý không? Nó sợ ông lắc nhẹ mái đầu bàng bạc màu đá vỡ thì không còn dịp nào để bộc bạch với ông nữa. Ông biết lắm chứ. Nó lớn phổng trong vòng tay ông. Nó ngủ trên lưng ông. Ngày nó tập đi, ông vui như chính ông đang tập bước vậy. Nó vừa chạy, vừa reo trên mặt đất. Chân chập choạng ngã, nó nức nở khóc, cái miệng bé xíu bập bẹ “a…cha…cha”. Ông chưa kịp chảy nước mắt vì vui thì Seo Mây vợ ông, đã vội bỏ ông, bỏ con để đi vào lòng đất…

***

… Chuyện lâu rồi. Biết mấy mùa mía lên, mùa mía tàn. Những tưởng thời gian làm ông nguôi ngoai. Nào ngờ, ông càng bươn bả, lặn ngụp cố dồn tội lỗi, mặc cảm vào trong hang cùng, ngõ tận của nơi thâm sơn cùng cốc thì nỗi đau hơn chục năm trước như đốm lửa thiêng cháy âm ỉ, bốc khói trước khi rã rời ra biến thành than và lả tả rơi xuống đống tro nhức nhối trong lòng ông.

Hồi Sùng Choóng ba tuổi, năm ấy rừng động. Thoạt đầu ông nghe từ cõi xa lắc, những tiếng nổ lụp bụp, mặt đất bỗng rung lên bần bật như đứa trẻ kên cơn sài giật. Rồi đá chạy lộc cộc, ào ào, ràn rạt từ trên núi xuống. Đá nhảy lăn xả vào đứng ngồi chồm chỗm giữa vạt mía đang khoe tấm thân con gái óng ả. Gió gào thét hoang dại lật nghiêng rừng. Những cây lim già đen trũi, cây sến sù xì, cây chò chỉ cao lênh khênh bị đá dồn đuổi kéo lê từng vệt dài thăm thẳm… Đến lúc cơn say cuống cuồng của đất trời dầm mình trong yên ắng, thì bầy khỉ trên núi tràn xuống bãi mía cứ nhằm ngang thân cây mà bẻ. Mía đang mơn mởn bỗng xác xơ, từng dòng nhựa ứa ra thành vệt dài loang lổ, sùi bọt ngầu đỏ rồi héo quắt. Dưới gốc, lũ lợn lòi dũi đất bật tung chùm rễ trắng. Những ngọn bí đao mập mạp bị dẫm nát tơi tả. Thế này thì cái đói đổ ập vào từng nhà mất thôi. Dân bản hò nhau dựng chòi canh. Từng mái chòi cao lênh đênh giữa ngờm ngợp những mía là mía, được xích lại gần nhau bằng dây chão đeo mõ. Gió chạy xào xạc rủ những chiếc mõ treo lủng lẳng chốc chốc lại gióng lên liên hồi “Lôốc côốc…Lôốc côốc”.

Chập tối, khi lũ gà kéo nhau lên chuồng, ông Sùng Chứ kết bó đuốc to rồi cùng Seo Mỷ châm lửa, vẽ vệt đỏ ngoằn ngèo giữa bóng đêm ra chòi canh. Mỗi anh em ở một chòi, chỉ hú nhẹ là nghe tiếng nhau. Lúc buồn, rung mõ gọi mọi người tụ tập quanh bếp lửa, tí tách nhâm nhi chén rượu, thả lời tâm sự chuyện nhà, chuyện bản. Trong những đêm như thế, ông Sùng Chứ say sưa kể về một thời đã qua. Như nghe thấy đâu đây bước chân rầm rập, hối hả của đoàn quân đi qua những cánh rừng đầy bom rơi, đạn nổ… Từng lá thư từ hậu phương gửi vào nhòe ướt, chuyền tay nhau trước giờ xung trận. Giữa đường hành quân chỉ có một nụ cười thoáng qua, một ánh mắt xao xuyến cũng thêu lên tình yêu của người lính… Để rồi hôm nay, điểm mặt lại những đồng đội của ông giờ còn ai, ai mất? Mọi người hởi hả bảo thằng Sùng Choóng, con trai ông là đứa trẻ đầu tiên của bản được sinh ra sau chiến tranh. Nó hóm hỉnh, mập mạp như chồi mía non trỗi dậy từ mặt đất bình yên.

Những câu chuyện của ông Sùng Chứ chảy từ đêm này, qua đêm khác hút hồn, thu vía Seo Mỷ. Trái tim đa cảm của người con gái tật nguyền đập dồn dập, cháy lên ngọn lửa đam mê, khao khát…

Từ ngày anh rể về làm thay đổi hẳn nếp sống, cái nhìn của Seo Mỷ. Trước đây, cái mắt của Seo Mỷ thấy Nặm Thàng buồn lắm. Quanh năm chỉ nghe tiếng cối nước giã gạo dưới bờ sông lâu lâu lại đổ xòa xuống, rồi tiếng chày đập vào cối khô khan cất lên. Suốt tháng, Seo Mỷ ngồi bên khung cửi mà nhìn con thoi đơn điệu đưa đi, đưa lại… Tay Seo Mỷ trễ nải làm sợi bông xô dạt nhàu nhĩ. Tấm vải cô dệt, khi mịn mượt như thảm cỏ, lúc xù xì như da con cóc. Cái miệng Seo Mỷ thầm đếm tiếng chày giã gạo buồn tẻ…

Khác với vẻ đẹp ngời ngợi đậm đà của chị gái. Seo Mỷ như bông hoa dại bị bỏ quên trong lũng núi. Seo Mỷ có vẻ đẹp không hoàn hảo của người mang dị tật. Cái lưng Seo Mỷ gồ lên như mang nồi đồng. Cả mường trên, mường dưới tụi con trai mỗi khi nhìn Seo Mỷ, cái mắt hau háu dán chặt vào khuôn mặt rực rỡ, còn cái miệng gọi toáng lên “Mỷ gù”. Chúng nó ác mồm bảo Seo Mỷ không biết nằm trong chiếu, lấy cái nong nằm thôi. Bằng tuổi Seo Mỷ, tụi con gái được làm mẹ hết rồi, Seo Mỷ vẫn lủi thủi một mình, không có ai thổi sáo, thả lời tâm tình gọi Seo Mỷ. Người bản coi trọng cái lưng lắm. Lưng cõng gùi lên nương gieo hạt, địu bắp ngô, củ sắn, bó củi, cây mía mang về. Đến khi có con, địu con mà làm. Thế nên, cái lưng của Seo Mỷ không bắt mắt tụi con trai, không làm đẹp lòng người già. Seo Mỷ phải ở mãi nhà anh rể thôi…

Năm nào cũng thế. Đến độ cây mía cho mật nấu đường Seo Mỷ lại mang váy thêu, khăn đẹp, chăn đôi ấm của người con gái khéo tay chờ ngày về nhà chồng ra trầm ngâm, vuốt ve rồi gói lại, để năm sau lại lặng lẽ mở ra khe khẽ thở dài. Trên khuôn mặt đẹp như thiên thần thêm một nếp nhăn…

Thế rồi anh rể về. Anh rể cứng cỏi như cây tre, cây mai. Người anh găm đầy vết sẹo của bom đạn thằng giặc, nhưng đôi chân anh khỏe chắc, bước đi phầm phập như nhát cuốc. Anh rể đặt bước chân nhiều nơi, biết nhiều chuyện vừa hay vừa lạ. Anh biết bày cách cho người bản trồng cây mía tím ngọt mềm hơn mía de. Miệng anh rể nói với Seo Mỷ dịu ngọt như nước sông Nậm Thoong. Anh rể còn giỏi thổi sáo, nghe tiếng sáo của anh cất lên, chim rừng ngừng lời hót, gió đang rú rít cũng nhè nhẹ bay. Seo Mỷ nhìn mãi, không thấy người con trai nào bằng anh rể. Bóng anh rể lớn quá che mất tầm mắt của Seo Mỷ rồi. Anh rể giống cây lê, cây đào khỏe về vóc dáng lại ngọt ngào vị quả…

Đột nhiên, trong đầu Seo Mỷ có ý nghĩ quái lạ. Nó lớn dần lên, nhì nhằng như những tia chớp lửa trời băm vào núi lúc dội nước xuống. Sự ham muốn tột đỉnh lôi cuốn Seo Mỷ. Cuộc sống êm ấm trong nếp nhà này dường như đang khắc khoải đảo lộn. Đêm đêm, Seo Mỷ trằn trọc nghe tiếng cựa mình cót két, tiếng thủ thỉ xuýt xoa khe khẽ từ liếp buồng chị gái vọng ra… Bụng Seo Mỷ nhức nhối nỗi buồn, tim Seo Mỷ hổn hển đập khó nhọc. Cơ thể bừng bừng sức sống của Seo Mỷ như tan mềm trong thấp thỏm ao ước. Để rồi Seo Mỷ lơ đễnh đêm này qua đêm khác không cài cửa buồng, thao thức, phấp phỏng mong đợi…

Không biết từ lúc nào, Seo Mỷ thương thầm, nhớ trộm anh rể. Seo Mỷ ao ước, Seo Mỷ đam mê. Seo Mỷ như thấy trong lồng ngực có hàng trăm con suối đang cuồn cuộn chảy. Dòng nước bí ẩn ấy ồ ạt tràn ra muốn cuốn trôi hạnh phúc nhỏ nhoi của chị gái, muốn đẩy Seo Mỷ chới với giữa niềm vui và nỗi đau, giữa khoảnh khắc đắm đuối và hờ hững, giữa đam mê và ảo ảnh huyễn hoặc. Thời khắc như được vuốt dài ra, Seo Mỷ lạc vào rừng rậm mà quên mất đường đi lối về thật rồi.

Thế này thì không được. Sùng Chứ phải nói để Seo Mỷ hiểu thôi. Cuộc đời Seo Mỷ dài lắm đấy. Seo Mỷ sẽ gặp được người con trai tốt yêu thương Seo Mỷ như ông từng yêu Seo Mây. Seo Mỷ lắc đầu không chịu, đôi tai Seo Mỷ nút kín không nghe lời anh rể. Seo Mỷ muốn nước mắt chảy ngược. Không khí trong nhà tưởng như đang vón lại ngộp thở. Sự bày đặt trớ trêu khắc nghiệt của số phận đã đẩy tình cảm của ông, của Seo Mây, Seo Mỷ vào thẳm sâu im lặng.

Seo Mây hiểu điều Seo Mỷ muốn. Từ bé Seo Mỷ lặng lẽ sống theo ý mình. Cứ nhìn vào góc “giương” nhỏ của nó thì biết. Trong ấy đủ các thứ vụn vặt. Đấy là nửa chiếc lược sừng gãy, cái cặp ba lá hoen rỉ, con quay bằng gỗ bị sứt, gốc dương xỉ khô giống con chim bị gãy cánh… Nhiều thứ lắm. Những thứ không đáng giá ấy, thi thoảng lại được Seo Mỷ trò chuyện, thủ thỉ với trăm ngàn sự tưởng tượng lạ lùng… Seo Mỷ sống âm thầm như thứ quả xanh trên cây, náu mình trong tán lá dầy bị cớm nắng, không chín được…

Tình thương mà Seo Mây dành cho Seo Mỷ lớn lắm. Giống như mạch nước ngầm chảy từ bụng núi ra. Cô vừa là người cha, người mẹ, người chị… Nhưng cái điều Seo Mỷ muốn cha của Sùng Choóng làm Seo Mây nhức nhối, quặn đau giống như có ai cầm dao băm nát từng khúc ruột. Nếu Seo Mỷ là con gà, con dê thì đem vào rừng mà thả. Nếu Seo Mỷ là bụi gai thì nhổ đi. Đằng này, Seo Mỷ là máu thịt, là em gái, Seo Mây biết làm sao đây?

Hai vợ chồng ông Sùng Chứ vì em gái mà nhìn nhau lạnh nhạt. Cái miệng muốn nói cũng khó. Cả ba người trong nhà đều căng thẳng một cách thầm kín và bồn chồn. Chỉ có thằng Sùng Choóng bi bô nói cười, không biết có sự chuyển động phũ phàng đang diễn ra…

Không chịu nổi nữa. Ông Sùng Chứ ở lì ngoài chòi canh, cơm niêu, nước lọ, có hôm cả ngày chỉ uống rượu. Ông tự dằn vặt, tự mổ xẻ bụng mình với trăm ngàn câu hỏi mà không biết phải gỡ cái nút buộc thít chặt kia ở chỗ nào. Ngày nối ngày, ông đằm mình trong cảm giác nửa tỉnh, nửa say. Nỗi khổ trong nhà lớn gấp ngàn lần cái đau lúc ông bị thương ngoài mặt trận. Ông cười mà như mếu. Đôi mắt ông bây giờ trở nên lờ đờ, không thần sắc.

Cho đến một đêm. Thinh không chấp chới dàn đồng ca đả đớt, say sưa của bầy côn trùng hút ông vào dòng suy nghĩ miên man. Ông dốc cạn nậm rượu như muốn quên đi đôi mắt ngùn ngụt lửa của Seo Mỷ. Như muốn tạ tội với khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Seo Mây. Trong men say chếch choáng, ông thấy mình bay bổng cùng ngọn gió phiêu lãng đẫm hơi sương xào xạc chạy trên biển lá rập rềnh. Và bầy đom đóm ở đâu đó, túa ra xách đèn lồng chập chờn, hư ảo lúc tụ lại thành đóa hoa xanh bám diết người ông, lúc vẫy đôi cánh thiên thần mỏng mảnh, nhấp nháy bay tản ra như chơi trò đuổi bắt. Đất trời có hơi men quay cuồng, những vì sao trôi ngả nghiêng và Seo Mỷ chấp chới cười khoe lúm đồng tiền, ẩn dưới đôi má ưng ửng màu táo chín. Ham muốn tột cùng trong ông như con trăn gió cuồn cuộn lăng mình trên cây mà trườn, mà quăng quật gào thét ra gió bão. Cơ thể người đàn ông bừng bừng bốc lửa, xoắn xuýt lấy tấm thân trinh nữ rạo rực nhịp sóng khát khao. Để rồi tảng sáng, lúc tỉnh cơn giông, lương tâm ông bị dày vò hối hận và ông muốn làm nhẹ bớt nỗi lòng bằng cách kêu to lên một lần. Chỉ một lần thôi.

Ông có tội với Seo Mây, Seo Mỷ với cả Sùng Choóng nhỏ bé. Ông làm đổ vỡ cái yên ấm rồi. Trong bụng trĩu nặng nỗi buồn của nghịch cảnh, ông từ chòi canh trở về nhà… Dường như cơ thể mảnh mai của Seo Mây quá sức chịu đựng. Seo Mây đã nhìn thấy hết rồi, người cô héo hon như đang bị vắt kiệt nước. Seo Mây thẫn thờ ngồi trước xa quay, xé sợi nát vụn, rối tung lên từng búi to thả vào quẩy tấu. Đôi mắt Seo Mây tuôn nước như mưa rào tháng ba, cô nấc lên thổn thức, tóc tai xổ tung, tức tưởi, vụt chạy như hóa rồ vào khe núi. Đất đá dưới chân Seo Mây chao đảo, nóng hầm hập. Từ đâu đó dưới khe nứt của dãy Phja Khao, con rắn đá chúa to lừng lững lao xuống như cơn lốc, nhằm trúng bắp chân Seo Mây bập vào. Lúc ông Sùng Chứ chạy tới thì đã quá muộn. Nọc độc chạy khắp cơ thể vợ ông rồi. Gương mặt của Seo Mây bợt bạt, trắng bệch như sáp ong. Seo Mây mấp máy: “Anh…nuôi…con…đối tốt…với Seo Mỷ…” Rồi vợ ông ra đi. Cơ thể ông bỗng rệu rã, cứng đờ… Ông ôm Seo Mây, cắn chặt môi câm lặng. Lá rừng cựa mình rào rào như lời khóc than.

Cái chết của chị gái làm Seo Mỷ chìm vào hối hận. Ở đâu Seo Mỷ cũng thấy ánh mắt trách móc cùng tiếng thở dài khô lạnh, rợn như tiếng cây đổ của chị Seo Mây. Seo Mỷ sợ, ngồi bó gối suốt đêm bên bếp lửa. Cho tới một ngày, Seo Mỷ dắt con ngựa nâu thồ đường phên xuống chợ huyện, không trở về. Seo Mỷ nhờ miệng người bản nói với ông Sùng Chứ:

- Đừng lo cho Seo Mỷ. Bao giờ cái bụng vơi nỗi buồn, Seo Mỷ sẽ về.

Ông Sùng Chứ biết Seo Mỷ làm thế tốt cho ông, cho cả Seo Mỷ thôi.

* * *

Mới đấy mà đã mười bốn năm. Luống mía trước nhà Seo Mây trồng, ông không nỡ chặt, ông sợ cây mía nó đau. Nhìn vào mía ông như thấy Seo Mây trở về… Ngày ngày, Seo Mây vẫn thủ thỉ rì rầm nói chuyện với ông đấy thôi. Lạ thế! Ngần ấy cây mía, mỗi năm vào dịp ngày giỗ của Seo Mây mới có một cây trổ hoa trắng ngần. Bông hoa mềm mại, mảnh mai như cánh buồm đơn độc giữa biển sóng xanh vời vợi ấy, khiến lòng ông cháy lên nỗi nhớ, niềm ân hận tiếc nuối và giọt nước mắt hiếm muộn chợt tràn ra…

Bao nhiêu năm qua, không phải ông quên nghĩ đến Seo Mỷ. Nhưng, nỗi day dứt về sự ra đi oan uổng của vợ làm ông dằn vặt. Ông ít nói hẳn đi, cả ngày cặm cụi ngoài bãi mía. Cái cảnh gà trống nuôi con hiu quạnh, vất vả lắm. Nhưng ông đã quen rồi, không muốn thay đổi nếp sống nữa. Được cái thằng Sùng Choóng sớm biết thương ông. Nó chăm việc nhà, giỏi đưa cái chữ vào đầu. Mỗi khi thấy ông lặng lẽ trầm ngâm là nó biết ông đang chìm đắm nghĩ về quá khứ. Nó tìm đủ cách làm ông vui. Nếu thằng Sùng Choóng là đứa không biết nghĩ, thì không biết cuộc sống của ông sẽ ra sao nữa.

Thế mà đã gần tàn đêm rồi. Thằng Sùng Choóng ngồi sát vào ông, kéo ông trở về với thực tại. Tiếng nó đều đều như dòng nước chảy lóc róc trong máng. Nó bảo ông:

- Cha phải nghĩ khác thôi, mẹ con cũng muốn thế. Cha còn nhớ mẹ bảo cha đối tốt với dì Seo Mỷ. Cha không đón dì về thì mẹ nằm trên núi lạnh cũng không yên bụng. Mẹ giận cha nhiều đấy. Con muốn cha sống khác…

Thằng Sùng Choóng nhìn thấu nỗi đau trong lòng ông. Đôi tay ông chợt run lên bần bật, lồng ngực ông căng phồng, bọc lấy khoảng không chao đảo, ăm ắp những hẫng hụt. Ông phải nghĩ rộng hơn, xa hơn thật rồi. Bao mùa mía tàn, người chết nằm yên trong lòng đất. Người sống phải đối tốt với nhau mới đúng. Nước mắt chảy xuôi, nước mưa chảy chỗ trũng. Có thể bây giờ ông làm lại cũng đã muộn nhưng vẫn còn kịp.

Mà mới cách đây hai mùa con trăng lên. Một sáng, trong làn sương lành lạnh, ông chợt nghe ngựa hí gọi ngoài ngõ. Tiếng con ngựa nâu gọi ông đấy. Hơn chục năm rồi, ông vẫn nhớ cái nết của nó, nó gọi dồn dập hai ba tiếng liền như giục giã. Ông vội nhào xuống cầu thang, chỉ kịp nhìn bóng váy thổ cẩm nằm rạp trên mình ngựa, trôi vào màn sương rồi mất hút giữa thung lũng… Hôm ấy là ngày làm cơm cúng Seo Mây. Ông biết Seo Mỷ nhớ ngày chị gái mất mà về. Hơi thở nồng nàn của Seo Mỷ còn phảng phất trên luống mía trước nhà. Tục lệ của bản, ngày giỗ người đã khuất phải đeo tang cho cây trong vườn nhà. Seo Mỷ về thắt dây cho mía mà không để ông biết. Seo Mỷ sợ gợi lại nỗi đau. Seo Mỷ không muốn ông khổ. Trong ông bất chợt trào dâng cảm giác dịu êm, như có bàn tay nồng nàn đang xoa dịu vết thương nhức nhối. Để rồi sau đấy, từng đêm, từng đêm ông âm thầm day dứt, khắc khoải chờ mong tiếng bước chân xa vắng trở về…

***

Hẳn đã gần sáng rồi. Chân trời rừng đông ửng hồng. Ông Sùng Chứ vội giục con trai:

- Sùng Choóng à, mau cái chân đứng lên còn xuống huyện.

Nhìn cha dắt hai con ngựa trong chuồng ra, Sùng Choóng vui trong bụng lắm. Đã đành là cha đưa tiễn Sùng Choóng. Nhưng, còn một điều Sùng Choóng biết, cha đã chịu rời thung lũng để đi xuống núi.

Trong ban mai đầy ắp hơi sương, thoang thoảng hương hoa mía dịu ngọt. Lại thêm khóm mía đã qua thời con gái, để những dòng mật vón lại thành bấc, ẩn mình sau lớp vỏ đông cứng, rồi đẩy đôi chút ngọt ngào lên búp hoa trắng bồng bềnh… Từ giữa biển mía xanh mướt mát, có tiếng đôi chim sẻ núi ríu rít. Tiếng con chim trống trầm đục khe khẽ đệm cho tiếng con mái lảnh lót vút lên. Kìa! Đôi chim này, se sẽ cái mồm thôi. Đừng mải miết bay nhảy mà đểnh đoảng làm đau hoa mía đấy.

Lời bình của nhà văn Hồ Thủy Giang

“Hoa mía” là truyện ngắn viết về cuộc tình éo le trong một gia đình ở vùng dân tộc ít người. Một câu chuyện buồn, phảng phất phong vị dân gian. Chất dân gian đã tạo cho truyện ngắn một không khí như nửa thức, nửa mơ; nửa hiện đại, nửa hoang sơ; nửa hiện thực, nửa huyền ảo. Không gian địa lí của truyện là một vùng mía ở thung lũng Nặm Thàng. Cái không gian ấy luôn xuất hiện trong tác phẩm cùng bao sinh tử, nhọc nhằn, mất mát, khổ đau, hạnh phúc của những con người trong một gia đình. Trong văn chương đã có quá nhiều những chuyện về tình yêu tay ba. Bùi Thị Như Lan, một lần nữa, lại hướng ngòi bút vào vấn đề này: em gái yêu chồng của chị. Nhưng cái tình tay ba trong “Hoa mía” như một đặc sản. Không những không nhàm quen mà xoáy vào tận cùng tâm can người đọc. Một cô gái tật nguyền nhưng rạo rực, thanh xuân: “Seo Mỷ như bông hoa dại bị bỏ quên trong lũng núi”; khi thương thầm nhớ trộm anh rể thì “bụng Seo Mỷ nhức nhối nỗi buồn, tim Seo Mỷ hổn hển đập khó nhọc. Cơ thể bừng bừng sức sống của Seo Mỷ như tan mềm trong thấp thỏm ao ước (…) Seo Mỷ như thấy trong lồng ngực có hàng trăm con suối đang cuồn cuộn chảy”… Còn Seo Mây, người chị gái vốn có tình thương lớn lao dành cho đứa em tật nguyền “Giống như mạch nước ngầm chảy từ bụng núi ra. Cô vừa là người cha, người mẹ, người chị”, nhưng khi biết chuyện chồng và em gái có quan hệ với nhau, thì tâm trạng quằn quại giữa yêu thương và thù hận:“Cái điều Seo Mỷ muốn cha của Sùng Choóng làm Seo Mây nhức nhối, quặn đau giống như có ai cầm dao băm nát từng khúc ruột. Nếu Seo Mỷ là con gà, con dê thì đem vào rừng mà thả. Nếu Seo Mỷ là bụi gai thì nhổ đi. Đằng này, Seo Mỷ là máu thịt, là em gái, Seo Mây biết làm sao đây?”. Một hậu quả đau buồn đã xảy ra với cái gia đình bé nhỏ ấy. Seo Mây một lần tuyệt vọng đã “vụt chạy như hóa rồ vào khe núi” và bị con rắn đá cắn chết. Từ đấy, Sùng Chứ sống trong dằn vặt của tội lỗi: “Mới đấy mà đã mười bốn năm. Luống mía trước nhà Seo Mây trồng, ông không nỡ chặt, ông sợ cây mía nó đau. Nhìn vào mía ông như thấy Seo Mây trở về… Ngày ngày, Seo Mây vẫn thủ thỉ rì rầm nói chuyện với ông đấy thôi. Lạ thế! Ngần ấy cây mía, mỗi năm vào dịp ngày giỗ của Seo Mây mới có một cây trổ hoa trắng ngần. Bông hoa mềm mại, mảnh mai như cánh buồm đơn độc giữa biển sóng xanh vời vợi ấy, khiến lòng ông cháy lên nỗi nhớ, niềm ân hận tiếc nuối và giọt nước mắt hiếm muộn chợt tràn ra…”. Và Seo Mỷ, do quá ân hận đã “dắt con ngựa nâu thồ đường phên xuống chợ huyện, không trở về”. Biền biệt suốt mười bốn năm trời, Seo Mỷ không muốn nhìn thấy mặt ai trong gia đình. Những tình tiết trên như được Bùi Thị Như Lan rút ra từ một câu chuyện dân gian mà lại vô cùng hiện thực. Mười bốn năm, không gian vùng mía Nặm Thàng như chìm trong bóng tối, một nỗi buồn u ám, thê lương đeo bám tưởng chừng không dứt nổi. Nhưng rồi mọi chuyện đã đổi khác khi nhân vật Sùng Choóng hiện diện trong tác phẩm. Sùng Choóng, từ một đứa trẻ trở thành một chàng trai tuấn tú, “có kho chữ trong đầu khôn hơn tuổi ông ngày trước”, có hoài bão “muốn thung lũng Nặm Thàng có quầng sáng tỏa ra bụi vàng giống dưới phố huyện. Ban đêm sáng như ban ngày” sắp sửa trở thành sinh viên trường đại học. Cái không khí nặng nề kéo dài hàng chục năm ấy đã đến lúc được khép lại. Lời Sùng Choóng nói với cha “như dòng nước chảy lóc róc trong máng” làm sáng lên như một chân trời mới: “Cha phải nghĩ khác thôi, mẹ con cũng muốn thế. Cha còn nhớ mẹ bảo cha đối tốt với dì Seo Mỷ? Cha không đón dì về thì mẹ nằm trên núi lạnh cũng không yên bụng. Mẹ giận cha nhiều đấy. Con muốn cha sống khác.” Sống khác! Chính là tạo ra một không gian khác. Một không gian lạc quan, sáng sủa thay vào không gian trĩu nặng trên mái nhà của những người vốn rất thương yêu nhau. Cái không gian “sống khác” ấy là không gian của đổi mới, cũng là không gian tinh thần của tác phẩm. Ta bỗng có một cảm tưởng thung lũng Nặm Thàng vốn âm thầm bao năm tháng như được bừng lên trong nắng. Nó cuốn con người ra khỏi cõi âm u, mặc cảm, ra khỏi nỗi đau mê sảng của kiếp người. Sùng Choóng không phải là nhân vật chính, nhưng là “điểm sáng” của tác phẩm, kéo tư tưởng tác phẩm ra khỏi phạm trù bi kịch. Một điều dễ nhận thấy trong “Hoa mía” là tác giả sử dụng ít đối thoại nhưng lại là những đối thoại vô cùng sáng giá và đắc địa. Lan tỏa toàn truyện là những đoạn tả cảnh, những lớp không gian đầy biến ảo trong từng trang viết. Đấy cũng là bút pháp quen thuộc và đặc sắc của Nhà văn Bùi Thị Như Lan. Đoạn kết truyện đầy ắp các chi tiết biểu tượng. Những chi tiết làm nên chiều sâu đa nghĩa như thế thường chỉ xuất hiện ở những tác phẩm xuất sắc, ở những người viết có nghề. Sùng Chứ tiễn con đi nhập học trong một không gian “biển mía xanh mướt mát, có tiếng đôi chim sẻ ríu rít”. Vẫn là không gian của vùng mía quen thuộc nhưng đã là một không gian tươi sáng, rộng mở. Nhưng nếu chỉ có vậy thì truyện sẽ thiếu chiều sâu thẩm mĩ. Bùi Thị Như Lan đã xen vào cái không gian tươi sáng kia một chi tiết biểu tượng thật đắc địa: “Lại thêm khóm mía đã qua thời con gái, để những dòng mật vón lại thành bấc, ẩn mình sau lớp vỏ đông cứng, rồi đẩy đôi chút ngọt ngào lên búp hoa trắng bồng bềnh”. Búp hoa mía “trắng bồng bềnh” ấy là linh hồn Seo Mây, là nỗi sầu muộn không tan, là sự ngưng kết của nỗi ai oán và lòng trắc ẩn. Dù mang dấu ấn khắc nghiệt của sự tàn phai nhưng hoa mía vẫn vĩnh viễn trường tồn trong mọi kiếp nhân sinh. Thế là bên cạnh cái không gian kết truyện đầy tươi sáng kia, còn thấp thoáng một không gian tâm linh đầy xót xa. Cái không gian ấy vô hình có sức đeo bám khủng khiếp trong trái tim người. Bởi vậy “người kể chuyện” đã phải khéo nhẹ nhàng thủ thỉ: “Kìa! Đôi chim này, se sẽ cái mồm thôi. Đừng mải miết bay nhảy mà đểnh đoảng làm đau hoa mía đấy”. Câu kết là một lời nhắc nhở thấm đẫm nhân tình mà buồn hiu hắt.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 6 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước