Họ vẫn cười giữa “địa ngục trần gian”
Nhà tù Phú Quốc nằm tại xã An Thới, đảo Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc). Nhà tù này được ví như “địa ngục trần gian” giam cầm hàng chục nghìn tù nhân yêu nước trong thời kỳ chiến tranh. Những màn tra tấn dã man, những câu chuyện khủng khiếp về nhà tù, hay cả những cuộc vượt ngục đã được tái hiện trong rất nhiều hồi kí, ghi chép. Một trong những tù nhân bị giam cầm tại đây là ông Nguyễn Ngô Nam, nguyên là cán bộ Phòng Tổ chức Lao động - Công ty Gang thép Thái Nguyên, sinh sống tại tổ 3 phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên, hiện ông là Thường trực Ban liên lạc Chiến sĩ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày của tỉnh Thái Nguyên, Phó trưởng Ban liên lạc của TP Thái Nguyên.
Kinh hoàng “địa ngục trần gian”
Trở về từ chuyến tham quan Trại tù binh Cộng sản Phú Quốc, nỗi ám ảnh về chết chóc khi đặt chân lên khu trại giam khiến tôi đến thăm ngay ông Nguyễn Ngô Nam, dù không hẹn trước. Ông Nam sinh năm 1950, quê ở Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong nhiều năm, ông là cấp trên của tôi khi công tác tại Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Tiếp tôi trong ngôi nhà nhỏ được sửa chữa đôi chút từ căn hộ tập thể của Phòng Tổ chức lao động Công ty, câu chuyện của ông về những năm tháng bị giam cầm làm tôi vô cùng xúc động. Ông cho biết mình nhập ngũ tháng 1/1970 và chiến đấu trên địa bàn Long Khánh, Bà Rịa Vũng Tàu tại đơn vị đặc công C24, E33. Tháng 6/1971, trong một lần đi điều nghiên, tốp chiến sĩ 4 người bị địch phục kích. Người chiến sĩ đi đầu trúng đạn hy sinh. Ông vừa siết cò súng thì một quầng lửa bùng lên trước mặt làm ông không biết gì nữa. (2 chiến sĩ khác đi cùng đến giờ ông không nhận được thông tin). Ông Nam tỉnh lại trong Bệnh viện Cộng Hòa, Sài Gòn. Vết thương tạm ổn định, chúng đưa ông về trại tạm giam của Phòng Nhì Sài Gòn, rồi Trại giam Hố Nai. Tháng 6/1972 chúng đày ông ra Phú Quốc và bị giam tại nhà giam D11, nhà giam này có khoảng trên 1000 tù nhân.
Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc vốn là nhà lao do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt Nam yêu nước. Năm 1967 với sự gia tăng can thiệp của Mỹ cùng đội quân chư hầu vào chiến trường Việt Nam, chính quyền Sài Gòn cho xây dựng một trại giam rộng khoảng 400 hecta ở thung lũng An Thới. Có thời điểm chúng giam giữ tới gần 40.000 tù binh. Mỗi dãy nhà giam có diện tích 100m2, giam giữ từ 100 đến 120 người. Nhà giam khung sắt, mái tôn, nền xi măng nên ban ngày rất nóng.
Khu di tích ngày nay chỉ phục dựng một phần, nằm trên khu vực chính của trại giam cũ, hiện vật đều nguyên gốc và hầu như giữ nguyên vị trí. Những chuồng cọp, hàng rào gai nhọn, nơi đã giam cầm ý chí cách mạng và thực hiện những màn tra tấn tù binh cộng sản một cách dã man và tàn ác nhất. Di tích còn có tượng đài hình nắm tay, là biểu tượng của sự đàn áp khốc liệt và tinh thần hiên ngang vùng lên phá xiềng của tù binh Phú Quốc. Năm 1995 Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Nhà tù Phú Quốc là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Ngô Nam kể, bọn cai tù có rất nhiều thủ đoạn tàn bạo tra khảo buộc tù nhân phải cung khai như: nhốt chuồng cọp, đó là chuồng được làm hoàn toàn bằng dây thép gai, để ngoài trời. Chúng bắt các tù binh cởi hết quần áo chỉ được mặc quần cộc dầm mưa dãi nắng suốt ngày đêm. Tù nhân không đứng thẳng, cũng không ngồi được. Hoặc tra tấn bằng hình thức đóng đinh: chúng dùng những chiếc đinh 3 phân, 7 phân để đóng vào ngón tay, các khớp xương cổ, đầu gối… để tra tấn. Sau khi bị đóng đinh thì xương của người tù sẽ vỡ.
Ông Nam đã chứng kiến tinh thần bất khuất của người bạn tù có tên là Khoánh. Khi quản tù sắp đóng đinh, ông Khoánh đã tự mình cắm đinh vào mười ngón tay rồi giập xuống bàn, thà chết nhất định không khai. Nhiều tù nhân bị đặt nằm trên ghế, sau đó cai ngục dùng một chiếc đèn cao áp đặt ngay trên mắt, ép tù nhân mở to mắt cho đến khi mắt bị chín, nhiều người bị phát nổ con ngươi mắt…
Hình thức tra tấn lộn vỉ sắt cũng vô cùng khủng khiếp. Chúng bắt người tù cởi áo, lộn đầu trên đoạn vỉ sắt dài, đầy các mấu sắt mắc vào nhau. Sau vài lần lật là lưng người tù sẽ tróc da, chảy máu. Hoặc chúng cho tù nhân vào thùng phuy chứa đầy nước: Một tên ấn đầu tù nhân xuống cho ngập nước, tên kia dùng búa gõ mạnh vào thùng phuy, khiến nhiều tù nhân vỡ tai, sặc nước tới chết.
Màn tra tấn gây tổn thương lâu dài được chúng nghĩ ra để tra tấn các tù nhân là đục răng. Một chiếc gậy nhỏ được kê vào răng tù nhân, sau đó gõ búa vào đầu gậy. Muốn đục răng hàm trên thì đánh xuống, đục răng hàm dưới thì đánh lên. Một khi răng đã rơi ra thì tù nhân phải nuốt ngay máu, có người còn bị bắt nuốt luôn cả răng xuống dạ dày. Nhiều tù binh phải chịu đục liền một lúc hai, ba, thậm chí đến chục chiếc răng.
Một hình thức tra tấn man rợ khác là luộc sống tù nhân. Cai tù đút tù nhân vào bao tải, sau đó bỏ lên chảo nước đang sôi. Bất chấp cơ thể bỏng rát đau đớn, các tù nhân vẫn kiên quyết không hé răng hay kêu gào đau đớn, coi khinh những đòn tra tấn của quản tù. Chúng còn dùng gậy đập nát ngón chân, ngón tay của tù nhân để đe dọa và buộc cung khai.
Ngoài ra còn nhiều hình thức tra tấn khác như nhét vào bao bố rồi cho vào chảo nóng, treo ngược người rồi đánh, chích điện hay thậm chí là chôn sống...
Ông Nam cho biết mình từng bị tra tấn bằng hình thức rọi đèn cao áp vào mắt và bị chích điện 15 vôn. Chích điện 15 vôn không chết, nhưng khi bị chúng đấu điện quay, toàn thân như bị xé toạc… Đến giờ nhiều khi nhìn bóng đèn điện trên tường ông vẫn bất giác rùng mình.
Khí phách người Cộng sản chốn lao tù
Hơn 4000 tù binh cộng sản đã chết, hàng chục nghìn người bị tàn phế vì kẻ thù dùng mọi nhục hình man rợ tra tấn. Các chiến sĩ của ta không chịu khuất phục. Nhiều người thà chết chứ nhất quyết không khai các cơ sở cách mạng, không phản bội đồng đội và nhân dân, thể hiện chí khí chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng tại Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc.
Giữa địa ngục trần gian, họ đã vì đất nước mà “bát cơm chan máu”. Nấm mồ của những người đã chết, chính là lời tuyên thệ của những người con ưu tú đối với Tổ quốc và Nhân dân.
- Điều gì khiến các tù binh của ta có dũng khí trước vô vàn nhục hình tàn khốc như vậy? – Cân nhắc mãi tôi mới dám hỏi ông Nguyễn Ngô Nam.
- Một khi đã cầm súng đánh giặc, dưới bom đạn cái chết luôn cận kề gang tấc. Sa vào tay kẻ thù, sự sống lại càng mong manh, không ai dám nghĩ đến ngày trở về. Dù bị tra tấn dã man tất cả đều vững tin vào ngày chiến thắng của dân tộc. Thà chết chứ nhất định không để mang tiếng là kẻ phản bội. Bên đồng đội cùng bị giam cầm, sự hèn nhát là nỗi nhục khó gột rửa. Mặt khác, Đảng bộ nhà tù của ta có nhiều cách động viên giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng.
- Đảng bộ hay chi bộ? Thực sự rất ít tài liệu nói về vấn đề này! – Tôi không khỏi băn khoăn nên hỏi lại cho rõ.
- Nhà giam D11 có Đảng bộ - Ông Nam khẳng định: - Lẽ dĩ nhiên, giữa chốn lao tù ấy, Đảng bộ do các đảng viên trung kiên tự thành lập, mọi hoạt động đều phải giữ bí mật tuyệt đối, nếu lộ ra bị chúng giết ngay. Các đảng viên chỉ liên hệ với nhau theo nhóm nhỏ 1 – 3 người và là nòng cốt đối phó với mọi âm mưu thủ đoạn của địch. Sau khi trao trả tù binh, tôi mới biết Bí thư Đảng bộ nhà tù là đồng chí Hùng. Cũng nhờ có Đảng bộ nhà tù xác nhận, khi về trại điều dưỡng tôi được xét chuyển Đảng chính thức, bởi trước đây tôi được kết nạp Đảng khi đi B. Đầu năm 1973, thông tin ta liên tiếp giành thắng lợi trên các mặt trận được chuyển vào trại giam, kẻ địch có biểu hiện hoang mang, tổ chức Đảng nhà tù đã vận động tù nhân tuyệt thực. Sau 14 ngày, lo sợ tù nhân chết không đủ số lượng trao đổi tù binh, chúng đành nhượng bộ một số yêu sách.
Tôi ấn tượng với chuyện vượt ngục nên muốn ông Nam chia sẻ, ông trầm tư: Sau ngày trao trả tù binh anh em mới nói về các chuyến vượt ngục trước đó. Thời gian ông bị giam, năm 1972 ta tổ chức cho một số anh em vượt ngục nhưng không thành công. Thường buổi sáng chúng cho tù nhân khiêng các thùng phân ra bìa rừng đổ. Một tù nhân nằm xuống dưới thùng, anh em phủ mảnh ni lông rồi đổ phân lên trên mang đi. Do việc liên hệ với du kích bên kia sông khó khăn, ba hôm sau họ bị bắt lại. Bọn cai tù cho vào biệt giam đánh đập bắt khai cách trốn trại, họ trả lời trốn ngay dưới hàng rào thép gai vọng gác. Chúng bắt thao tác, anh em nói thẳng: “Chúng tao là người Cộng sản chống lại chúng mày, bắt chúng tao chui ra giữa hàng rào, chúng mày bắn, chụp ảnh rồi đổ tội bắt quả tang trốn trại, bọn tao chả dại…”. Chúng tra khảo mãi nhưng thấy có lý cũng chịu.
Không chỉ tra tấn lấy lời khai, bọn cai tù còn nghĩ ra đủ trò đánh đập bất cứ lúc nào. Có khi chúng cầm cốc nhựa hỏi cốc tròn hay méo, nếu nói tròn nó bóp méo lại rồi đánh. Anh em ta luôn bàn bạc, trao đổi với nhau cách xử trí để chúng không thể mượn cớ đánh đập. Trường hợp như thế tù nhân nói: “Mày bóp lại nó méo, để nguyên thì tròn”.
Giữa chốn lao tù, hoạt động văn hóa văn nghệ vẫn lặng lẽ diễn ra từ nhà giam này sang nhà giam khác. Nhiều bài thơ mỗi người làm một câu rồi cùng nhau chắp nối lại. Các bài không có tiêu đề nhưng ai cũng thuộc. Dù đã mấy chục năm thoát khỏi “địa ngục trần gian”, ông Nam vẫn đọc rành rọt từng bài. Thân phận tù nhân dưới mũi súng kẻ thù sẵn sàng nhả đạn, song họ vẫn lạc quan, không hề sợ hãi: “Bài thơ trong tù tôi viết/ Viết cho người còn sống nhưng hôm nay vĩnh biệt/ Tôi viết bài thơ và cả một giấc mơ/ Của anh Thụ, chị Minh Khai, anh Trỗi/ Tôi viết bài thơ trên bãi cát cuồng phong/ Bên hàng chục lớp rào kẽm gai và hàng cảnh sát/ Bút mực giấy tờ chẳng có gì đâu/ Bút bằng que, giấy mực là bãi cát bên hè nóng bỏng/ Cảnh lao tù như không còn sự sống/ Chúng cấm cả nụ cười, tiếng hát, lời thơ”. Tinh thần bất khuất không chỉ thể hiện qua mọi bài thơ của những người sáng tác, mà truyền sang hàng ngàn tù nhân. Dù chưa là đảng viên, họ vẫn tự nhận mình là những người Cộng sản: “Chúng biến nơi đây thành bãi tha ma/ Thể xác sống nhưng tâm hồn đã chết/ Chúng muốn ta phải gục đầu quên hết/ Bập bềnh như cánh bèo trôi/ Lênh đênh dạt vào cõi bờ ô nhục/ Không thể được! Người Cộng sản không bao giờ khuất phục/ Tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ vĩ đại/ Sẽ có một mùa xuân vang khúc khải hoàn”.
Ông Nam cho biết mọi người còn sáng tác một số bài hát. Ông và anh em không biết nhạc, nhưng hát mãi thành giai điệu. Bài hát anh em hay hát nhất là bài “Phú Quốc vùng lên”. Dù không ai phổ nhạc, gần tới ngày trao trả tù bình, hàng ngàn tù nhân đều thuộc và hát công khai. Bằng chất giọng chắc khỏe, ông gõ nhịp xuống mặt bàn, hào hứng cất tiếng hát, ông cho phép tôi ghi âm để giúp lưu giữ cả lời và giai điệu, bởi tuổi ông chưa thật cao, nhưng sức khỏe đã yếu: “Dù máu rơi, dù xích xiềng cầm giam/ Đồng chí ơi vững lòng kết đoàn/ Ta bên nhau siết chặt cánh tay/ Cùng tranh đấu, súng thù đâu khuất phục được lòng ta/ Những nấm mồ xanh u uất ngàn năm khắc sâu mối thù quân giết người/ Đinh đóng đầy thân xương tan thịt nát đâu sờn lòng ta/ Dù hy sinh quyết không vương vấn/ Đời chúng ta là tranh đấu giành sự sống/ Thà chết hiên ngang còn hơn kiếp sống hèn/ Trên đường tranh đấu ngàn khó nguy ta ngại chi/ Phú Quốc ơi vùng lên/ Luyện thép gang nơi xiềng gông/ Nguyện hiến dâng cho Đảng ta/ Bao trái tim của tuổi xuân rỉ máu trong lao tù/ Phú Quốc ơi vùng lên”. Ông cho biết thêm: Anh em còn dạy nhau các làn điệu chèo, cải lương. Anh Lượng, người Thái Bình là người dạy nhiều làn điệu chèo như Trúc cẩm hoài vân, sắp qua cầu… Buổi tối khi bọn địch tắt điện là lúc tù nhân đọc thơ, hát và diễn cả kịch. Tất nhiên chỉ thể hiện vừa đủ nghe. Nhiều lần bọn cai tù phát hiện chửi bới, nhưng tối om chẳng biết ai nên chúng không làm gì được.
Các nhà giam tù nhân vẫn dạy nhau học, không phải học xóa mù chữ mà học văn hóa các cấp. Giấy bút chỉ bằng que và nền đất. Có lần anh em giảng đạo hàm, bọn chúng nghe tưởng ta bàn “đào hầm” trốn trại liền đánh đập tra khảo…
Ngày nào tù nhân cũng bị hành hạ tra tấn, nhiều người máu me đầy mình nhưng vẫn tỏ ra hết sức bình thản. Đòn roi, cái chết không lung lạc được ý chí của những người tù. Ngay cả người trước khi chết vẫn nhếch miệng cười nhìn kẻ thù khinh bỉ.
Bên ông Nguyễn Ngô Nam và xem lại những bức bức ảnh chụp từ Di tích Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc, tôi thấy mình thật bé nhỏ trước những cống hiến hy sinh của thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến giành Độc lập - Tự do cho Tổ quốc.
Ký ức về những ngày giữa chốn lao tù của ông Nam tôi chỉ ghi lại sơ lược, bởi có viết nhiều trang giấy cũng không thể lột tả hết tội ác kinh hoàng của bè lũ Mỹ - Ngụy tại nơi được coi là “địa ngục trần gian” ấy. Khí phách của một thế hệ dấn thân vì lý tưởng cao đẹp cho tôi hiểu thêm nhiều điều về những người Cộng sản và vững tin vào công cuộc đổi mới theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh? Câu hỏi đó chắc nhiều người cũng giống như tôi, vẫn ngày ngày tự vấn.
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...