Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
06:33 (GMT +7)

Họ sống để thương nhau

Nên vợ nên chồng đến nay đã hơn 40 năm, song mỗi lần nghĩ lại mối nhân duyên này, bà Đào Thị Bích Thủy sinh sống tại tổ 10, phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên vẫn không thôi cảm thán: “từ lúc tôi và ông ấy quen nhau đến lấy nhau cứ như người ta chơi rượt bắt vậy”.

Bà Đào Thị Bích Thủy có cuộc sống viên mãn bên người chồng cùng là lính Trường Sơn
Bà Đào Thị Bích Thủy có cuộc sống viên mãn bên người chồng cùng là lính Trường Sơn

Quê ở tỉnh Hà Nam, năm 16 tuổi khi còn đang đi học, biết có đợt tuyển quân, cô bé Thủy nung nấu ý định phải nhập ngũ. Nhưng ngặt nỗi, vóc dáng quá nhỏ bé, nếu đi khám chắc chắn trượt.

Thủy nghĩ ra cách, nhờ cô em họ lớn hơn mình đi khám hộ hai vòng đầu để đo chiều cao, cân nặng. Đến vòng thứ 3, cán bộ tuyển quân nhìn Thủy với ánh mắt dò xét, hoài nghi cô gái nhỏ xíu trước mặt mình lại đủ tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng như kết quả khám hai vòng trước đó.

Trước sự nghi hoặc của cán bộ, Thủy một mực khẳng định mình đủ tiêu chuẩn như giấy khám sơ tuyển đã ghi và bày tỏ ý nguyện được nhập ngũ cháy bỏng. Trước sự quả quyết của cô cán bộ tuyển quân chấp nhận kết quả xét tuyển hai vòng khám đầu.

Vài ngày sau, giấy gọi nhập ngũ được đưa tới nhà, nhân lúc mẹ đi làm đồng ở mãi bên kia con sông Đáy, Thủy giấu nhẹm tờ giấy báo và vẫn đi học bình thường.

Đến ngày cấp trên thông báo ra xã tập trung để lên đường về đơn vị, Thủy ra xã nhận 2,5 kg thịt lợn (tiêu chuẩn ở địa phương khi đó phát cho nhà có người nhập ngũ). Thủy đi lĩnh thịt về cắt ra một miếng nhỏ, thái rồi rang lên, nấu cơm cho 2 đứa em ăn, dặn các em ở nhà ngoan để chị đi ra ủy ban có việc.

Nhớ lại thời điểm đó, bà Thủy kể: Khi tôi ra đến ủy ban tập trung thì mẹ tôi hớt hải chạy đến. Không biết ai nói cho mẹ tôi biết mà mẹ tôi vừa chạy vừa khóc, quần xắn ống thấp, ống cao.

Mẹ tôi chạy ào vào sân ủy ban khóc “ối giời ơi! Nó còn bé lắm, còn đang đi học mà sao cho nó đi bộ đội được”. Thấy vậy, mấy chú cán bộ bảo, nếu cháu còn đi học, mẹ cháu cũng không đồng ý cho đi thì cháu phải ở nhà, các chú không lấy cháu đi đâu. Rồi các chú khuyên tôi về. Nhưng tôi cứng đầu không nghe, chạy tọt lên xe ngồi trước khi xe kịp lăn bánh.

Sau 6 tháng huấn luyện tại Ninh Bình, đơn vị của Thủy chuyển vào Thanh Hóa rồi hành quân tới Binh trạm 12 Trường Sơn. Hồi tưởng lại quãng thời gian đó, bà cười sảng khoái kể lại kỷ niệm lúc mới nhập ngũ.

Lúc mới xuống Ninh Bình tập kết cùng đơn vị, người bé, quần áo phát lại dài. Tôi mượn nhà ông chủ nhà con dao, tôi túm 2 ống quần lại, xén đi. Huấn luyện được 6 tháng đơn vị cho về thăm nhà mấy hôm, quần cộc lên tận lưng gióng chân.

Chả là đi bộ đội ăn sướng hơn ở nhà, nên tôi lớn nhanh như thổi. Lần ấy về mẹ tôi vẫn giận, không nói chuyện. Tôi chỉ nghe lén mẹ bảo với chị tôi, sao quần nó cộc ngổng thế.

Chị tôi kể lại việc tôi lấy dao cắt bớt gấu quần, mẹ tôi mắng, cha bố nó, sao không biết lấy kim chỉ mà khâu gấp lên chứ ai lại cắt đi như thế. Nghe thế là tôi biết, mẹ tôi đã hết giận.

Sau lần về thăm nhà đó, đơn vị Thuỷ nhận nhiệm vụ, hành quân vào đóng tại Binh trạm 12 Trường Sơn. Nhiệm vụ của Thủy lúc bấy giờ là đón quân vào và đưa quân ra.

Đường đi hiểm trở, đói, rét, bệnh tật là những gì người lính Trường Sơn nói chung và những cô gái Trường Sơn nói riêng phải ngày ngày đối mặt.

Đường Trường Sơn dốc đá cheo leo, với nam giới hành quân đã nhọc nhằn khó lòng kể hết, với những cô gái chân yếu tay mềm thì còn vất vả gấp bội phần. Thế nhưng những cô giao liên như bà Thủy năm xưa lại chưa một lần nhụt chí, vẫn hừng hực khí thế đưa đoàn quân ra, rồi lại dẫn đoàn quân trở vào. Dẫu những mỏm đá sắc nhọn có làm đôi bàn chân sai sần gỉ máu, sốt rét có làm mái tóc xuân rụng đến xác xơ, họ vẫn một lòng “ra đi giữ trọn lời thề, chưa thắng giặc Mĩ chưa về quê hương”.

Nhắc đến Trường Sơn, cả một trời tuổi trẻ như ùa về trong tâm trí bà Thủy. Cái thời mà một quả bồ kết cũng là ước mơ của mọi cô gái nơi chiến trận. Cái thời mà đói lòng có khi chỉ được lót dạ bằng nắm rau dại bên bờ suối chẳng biết được tên. Đó là vào thời điểm năm 1972 khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ đang vào hồi ác liệt. Bộ đội ở các Binh trạm Trường Sơn như bà Thủy phải ở trong hầm kèo, chứ không thể ở lán, trại.

Đó là những căn hầm chữ A, bên trong căng tăng che cho nước khỏi nhỏ xuống chỗ nằm. Muốn ngủ được trong hầm, bộ đội phải chặt gỗ rải xuống nền đất, lấy tre đập dập rải lên làm dát giường, chỗ cửa hầm đào sâu xuống một hố để nước trong hầm chảy ra. Những hôm mưa, để người trong hầm có thể ngủ, bên ngoài những người gác phải liên tục múc nước từ chiếc hố đó đổ đi để nước không chảy ngược vào phía trong. Nơi cửa hầm có giá chắn bom bi, để bom không thể lăn vào hầm.

Nghe bà kể, tôi bất chợt nghĩ, không biết người phụ nữ trước mặt tôi và những người phụ nữ Trường Sơn năm xưa lấy đâu ra được sức lực nhiều đến vậy. Chỉ cái đói, cái rét ở Trường Sơn tôi được biết qua sách vở đã khủng khiếp lắm rồi, chưa tính đến bom đạn, thú dữ, nhất là sói đói vẫn ngày ngày đi vòng quanh hầm trú ẩn, chưa nói đến biệt kích, thám báo rình rập đêm ngày, họ vẫn thay nhau canh gác. Cái chết với họ khi ấy nhẹ tựa lông hồng. Bà Thủy bảo: Lựa chọn đi bộ đội là tôi đã xác định có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Chúng tôi thời đó sống vô tư lắm, chẳng biết sợ chết là gì.

Một thời gian sau, cô giao liên Thủy được điều về làm quân nhu, cấp phát quân tư trang. Thời gian này, mối lương duyên với anh bộ đội tên Đề bắt đầu hé mở nhưng chính cô cũng không mảy may nghĩ tới chuyện xa xôi sau này.

Thông thường trên đường Trường Sơn, bộ đội hành quân một ngày, tối đến dừng chân nghỉ lại Binh trạm một đêm rồi sáng sớm hôm sau lại lên đường. Lần ấy, có công văn từ Trung ương lệnh xuống, đơn vị nào đi đến đâu thì sẽ nghỉ tại chỗ ba ngày rồi mới hành quân tiếp. Tại Binh trạm 12, trong ba ngày đó, những người ở các bộ phận khác như bà Thủy đều hỗ trợ nhà bếp phục vụ hậu cần cho đoàn quân Nam tiến.

Ba ngày trôi qua, các anh bộ đội phải hành quân tiếp với một lời hẹn trong veo của những chàng trai thời chiến: “thôi các anh đi vào, các em ở lại công tác tốt. Nếu bọn anh còn sống trở về, anh em mình sẽ đến nhà nhau chơi”.

Hẹn thì hẹn thế thôi chứ làm gì ai biết địa chỉ của nhau, làm gì có phương thức gì để liên lạc. Thế nên, cuộc gặp gỡ chớp nhoáng trong vài bữa cơm ấy không làm cô gái trẻ suy nghĩ, vấn vương gì. Càng chẳng dám tin trong số những bóng lưng đang rầm rập tiến về phía trước kia sẽ có một người ăn đời ở kiếp với mình. Đó là mùa khô năm 1972.

Ba năm sau, lúc ấy bà Thủy đã được điều trở ra làm việc tại một Trạm điều dưỡng ở Thanh Hóa thì mối lương duyên lại một nữa như được ông trời sắp đặt.

Trong một lần đón tiếp đoàn thương binh với rất nhiều thương binh nặng, người mất chân, mất tay, người cả bộ ruột lòi ra bên ngoài phải lấy băng quấn giữ, có một người thương binh tên Đề bị mất một chân và thêm một vết thương trên ngực. Nhiệm vụ của bà Thủy khi đó là này ngày đi thu hồ sơ ở các phòng bệnh mang cho bác sĩ xem, rồi lại từ chỗ bác sĩ đi đặt lại hồ sơ của từng bệnh nhân ở giường bệnh.

Bà Thủy nhớ lại: Mấy ngày đầu xuống phòng bệnh, tôi thấy một gương mặt cứ quen quen, anh ấy chắc cũng có cảm giác thế nên hay nhìn tôi như để cố nhớ ra điều gì. Được hai, ba hôm thì anh ấy chủ động bắt chuyện bảo thấy tôi rất quen. Tôi cũng đáp lại là em cũng nhìn anh thấy quen và hỏi anh ấy có dừng chân ở Binh trạm 12 Trường Sơn không. Hai anh em ôn lại kỷ niệm, nhận ra nhau chuyện trò vui vẻ lắm.

Mọi chuyện cũng chỉ dừng ở đấy. Sau khoảng 10 ngày thì tôi rời bệnh xá đi tuyển quân cho đơn vị, anh ấy vẫn ở lại, trị thương, điều dưỡng. Hai người lại chia tay nhau và vẫn giữ trong mình tình cảm anh em, đồng chí vô cùng trong sáng, không hẹn ngày gặp lại.

Sau nhiệm vụ tuyển quân, bà Thủy được xuất ngũ và nhận công tác mới tại công ty Xây lắp 2 (huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái). Tại đây, bà có cuộc gặp định mệnh lần thứ 3 với anh lính tên Đề. Bà hồi tưởng:

Thời tem phiếu, gần Tết, tôi đi xếp hàng tại một cửa hàng nhận gia công để làm ít bánh bích quy mang về làm quà cho gia đình. Ngày thứ 2, đang ngồi xếp hàng đợi đến lượt thì tôi nghe tiếng hỏi “có phải Thủy không?”. Thì ra đó là Bình, cô bạn cùng quê Hà Nam với tôi, cùng nhập ngũ một đợt.

Hai đứa mừng rỡ khi nhận ra nhau, ríu rít hỏi han tình hình của nhau. Bỗng Bình hỏi tôi “mày có biết anh Đề bên C2 không? Bị hỏi bất chợt, tôi hơi sững lại. Lúc ấy, cái tên Đề có vụt qua tâm trí tôi nhưng gương mặt anh thế nào quả thực tôi chưa hình dung ra ngay. Bình nhanh nhảu bảo “Anh ấy cũng đang ở đây đấy”, rồi kéo tôi ra chỗ anh ấy ngồi.

Anh em gặp lại mừng rỡ, hỏi han nhau. Tôi được biết Bình bạn tôi và anh Đề đều đang học Trường Kinh tế 1 tại Cải Đan (nay thuộc TP. Sông Công). Sau lần gặp anh ở Trạm điều dưỡng, anh xuất ngũ và được điều lên Thái Nguyên học tập.

Và cũng từ ấy, cứ cuối tuần Bình và anh Đề hay vào chỗ tôi chơi, anh em tíu tít kể cho nhau nghe đủ chuyện. Trưa đến, không có gì ngoài mấy con cá mắm và nắm rau tự trồng, nấu cơm xì xụp ăn với nhau.

Tình cảm của hai người được bồi đắp một cách tự nhiên và trong trẻo qua thời gian. Cho đến năm 1980, hai người nên vợ nên chồng. Mảnh đất Thái Nguyên chính thức trở thành quê hương thứ hai của chàng trai người Hà Tĩnh và cô gái quê Hà Nam.

Tôi chú ý đến cặp vợ chồng già từ trước khi biết đến mối lương duyên có lẽ được "ông Tơ bà Nguyệt" se từ đỉnh Trường Sơn cho họ. Tôi chú ý đến ông bà bởi những cử chỉ ân cần, chu đáo của người vợ dành cho chồng và ngược lại mà đồng đội của ông bà hay nhắc tới, đại ý rằng “ở đời mấy cặp vợ chồng nào thương nhau, chăm nhau được như vợ chồng ông bà Thủy, Đề. Hơn 40 năm nay, bữa cơm nào bà cũng ngồi gỡ từng miếng thịt, bóc từng con tôm bỏ vào bát mời ông. Bà có việc đi đâu, chưa bao giờ phải quan tâm, mình sẽ mặc bộ quần áo nào, có phù hợp thời tiết không vì đã có ông lo hết cho bà.

Trong căn nhà ấm áp của vợ chồng ông bà tại phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên, trên tường treo kín giấy khen trong công tác xã hội của ông, bà. Tôi thực sự xúc động khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông, hỏi thăm về vết thương trên thân thể người lính can trường năm xưa. Bà Thủy, vợ ông trong khoảnh khắc không thể xác định được bên chân bị cắt bỏ của chồng mình là chân phải hay chân trái, bởi với bà, việc ấy chưa bao giờ bà coi là khiếm khuyết của chồng. Vì ông, bà cũng tình nguyện quên đi khái niệm chân phải, chân trái của một con người.

à Thủy trao đổi là kế hoạch làm từ thiện của Ban liên lạc nữ Trường Sơn với đại diện Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh
Bà Thủy trao đổi kế hoạch làm từ thiện của Ban liên lạc Nữ Trường Sơn với đại diện Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh

Đồng đội bảo ông may mắn khi có bà chăm sóc tận tâm, yêu thương chồng hết mực nên tuy phải mang vết thương nặng trên cơ thể nhưng ông luôn được khỏe mạnh, phong độ. Còn bà Thủy, bà tự nhận mình là người may mắn khi được làm vợ ông.

Bà chia sẻ: Bao năm nay, tôi tham gia công tác xã hội từ địa phương đến đơn vị, ông ấy đều hết lòng ủng hộ. Giả sử ngày mai tôi có phải đi họp ở đâu thì tối nay ông ấy sẽ lấy quần áo của tôi là phẳng phiu rồi cẩn thận gắn từng chiếc huy chương lên đó, treo gọn ghẽ ở một chỗ để tôi không phải tìm. Hễ tôi có phải làm báo cáo gì thì chỉ cần nói thôi, ông ấy sẽ đánh máy, chỉnh sửa, góp ý cho tôi nên làm cái này, thêm cái kia… Tóm lại là việc gì của tôi ông ấy cũng chăm lo cho tôi hết…

Mỗi dịp địa phương tổ chức họat động gì như văn nghệ thì tối đến ông bà luôn luôn song hành cùng nhau đi tập luyện, hỗ trợ bất cứ điều gì người kia cần.

Ngưỡng mộ tình cảm đẹp như trong truyện cổ tích ấy, tôi hỏi bà Thủy “bí quyết” để vun đắp được tình cảm vợ chồng bền chặt, khăng khít đến như vậy. Bà cười bảo, bà nào có bí quyết gì, chỉ biết yêu ông hết lòng, thương ông hết dạ. Ông đối với bà chắc cũng là như thế! Và, bởi ông với bà ngoài là vợ chồng thì họ còn là những người đồng chí, từng vào sinh ra tử, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, thì hà cớ gì trong thời bình họ không sống để thương nhau.

Kim Ngân

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy