Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:15 (GMT +7)

Hình tượng người chiến sĩ và chiến tranh trong thơ Trần Cầu

Trần Cầu - Tác giả thơ khá quen thuộc ở Thái Nguyên. Ông là kỹ sư cấp cao về luyện kim. Tưởng rằng nghề nghiệp khô khan ấy,  khó cho ông có cảm xúc về thơ. Trái lại ông say sưa làm thơ và đạt được kết quả rất đáng trân trọng…

Có lẽ miền quê mà ông được sinh ra và lớn lên: Kim Động, Hưng Yên - “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì phố Hiến”. Với con sông Hồng thơ mộng chảy qua và vùng đất phì nhiêu với bao truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời đã góp phần vun đắp nên hồn thơ trong ông.

 …Cũng như bao nhiêu người làm thơ khác, thơ của ông đa dạng về nội dung, chủ đề, về cách thể hiện. Riêng đề tài về người chiến sĩ và chiến tranh xuất hiện trong thơ Trần Cầu không nhiều, nhưng lại là một đề tài khá thành công của ông. Những câu thơ với cảm nhận khá tinh tế của ông đã để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc.

Với cuộc đời người chiến sĩ, ông đã trải qua chỉ trên 3 năm (so với thời gian công tác trên 40 năm của ông, là khoảng thời gian khá ngắn). Từ người chiến sĩ, ông cùng đồng đội hành quân từ Hưng Yên băng rừng vượt suối lên ATK Tuyên Quang rồi lên Điện Biên tham gia chiến dịch lịch sử. Tiếp đến là những ngày cùng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô. Hoà bình lập lại, cho đến những năm gần đây, bấy nhiêu năm trời, với bao công việc bộn bề, ông vẫn nhớ: “Cõi nhớ trong tôi một thời chinh chiến/ Đêm xuyên rừng cành mục giắt ba lô/ Súng chắc trong tay bốn bề sương lạnh/ Sóng quân đi trùng điệp nhấp nhô” (Cõi nhớ). Người chiến sĩ hành quân trong rừng ban đêm, để khỏi lạc nhau, họ giắt cành mục có ánh lân tinh phát sáng vào ba lô, để người sau nhìn thấy mà đi.

Ai đã trải qua thời gian quân ngũ, với mỗi đợt hành quân xuyên rừng, xuyên suối, với bao thử thách gian nguy, kể cả cái chết đang rình rập. Nhưng người chiến sĩ vẫn luôn lạc quan tin tưởng. Nếu ở điều kiện bình thường, không thể cảm nhận được: “Mô đá nhỏ giữa khe suối nhỏ/ Gạch nối liền – Hai phía không gian/ Chồng chất dấu chân mòn đá sắc/ Vượt cung đường đua với thời gian” “Xuyên dọc đêm bom hơi thở gấp/ Đá ghé vai nâng bước quân đi/ Vết chân khắc hằn sâu nốt nhạc/ Bản hùng ca mở lối diệu kỳ” (Dấu chân trên đá). Chắc chỉ có cái nhìn và sự lạc quan của người chiến sĩ, mới thấy được “Dấu chân làm mòn đá sắc” “Vết chân khắc hằn sâu nốt nhạc”. Những nốt nhạc tạo nên bản hùng ca về người chiến sĩ rất đáng tự hào, sẽ còn lưu mãi với thời gian.

Chuyện khó khăn, kéo pháo ra, kéo pháo vào ở mặt trận Điện Biên Phủ, để bảo đảm cho chiến dịch chắc thắng. Mà sau này vị Tổng tư lệnh tối cao của mặt trận Võ Nguyên Giáp đã nói “Đó là một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi”. Nhà thơ Trần Cầu đã khắc hoạ hình tượng những chiến sĩ pháo binh: “Các anh tạc vào thời gian/ Những chiến sĩ đại đoàn công pháo/ Chân bám lõm mặt đường/ Tay rộp phồng tứa máu/ Đưa pháo vào Điện Biên” (Trước tượng đài kéo pháo).

Dưới ngòi bút của Trần Cầu, cuộc sống của người chiến sĩ đâu chỉ có gian nan, vất vả hi sinh, mà còn có những giờ phút rất đời thường, thể hiện tâm thế vững vàng, lạc quan của những người chiến sĩ trước thứ thách lớn lao: Giữa cái sống và cái chết: “Ký ức ùa vào chiến hào xuất kích/ Ngách hầm sâu xúm xít đọc thư nhà/ Mây xô nghiêng lật nắng chiều trăn trở/ Đất đỡ bạn mình ngã xuống hôm qua” (Điện Biên ngày trở lại).

Trần Cầu có cái nhìn và sự liên tưởng sâu sắc sự việc với phạm vi khá lớn, để càng thấy ý nghĩa hơn những việc làm mà mình đã được chứng kiến và tham gia: “Hầm Đờ Cát ố hoen trang sử Pháp/ Xe tăng thù gục bên lối ta qua/ Đài chiến thắng vươn vút tầm thời đại/ Huyền thoại Điện Biên kết nối bạn gần xa” (Điện Biên ngày trở lại).

Trần Cầu là người sống có tình, có nghĩa, có trước, có sau. Trở lại nơi tập trận những năm đã xa, nơi ấy ông và đồng đội đã đổ bao công sức, mồ hôi để rèn luyện trở thành người chiến sĩ toàn diện “chân sắt vai đồng” trước khi vào mặt trận, ông viết: “Đồng Thịnh bóng chiều nghiêng núi đợi/ Một người về se lại ước mơ xanh/ Mắt lá long lanh cười rạng rỡ/ Phút giao thoa đồng cảm núi ru mình” (Về vùng tập trận năm xưa).

Không chỉ vậy, ông còn là người biết bước qua khó khăn, để lại chấp nhận khó khăn mới: “Ra quân về những xa xăm/ Đời thường bươn chải khó khăn chất chồng” (Hoài niệm) hay: “Vai hằn vết súng tuổi xuân/ Thép nung nắng hạ, bước dần vào đông” (Thơ viết tặng tuổi mình). Vì ông đã nhận ra một chân lý: “Ở đâu cũng đất cha ông/ Hạt thơm ươm nắng, ánh hồng rạng mây/ Mặc cho sông nước vơi đầy/ Ta giàu có những tháng ngày vô tư” (Hoài niệm). Người ta tự hào giàu về tiền, bạc, giàu đất đai, tài sản… còn Trần Cầu tự hào giàu có: “Với tháng ngày vô tư”. Có lẽ chỉ có người chiến sĩ từng trải mới có cảm nhận về sự giàu sang như vậy.

Khi mái đầu đã pha sương, thanh thản với cuộc sống hưu trí, dư âm những ngày hành quân, vẫn tươi mãi trong ông: “Thời gian sẽ xanh đồng ấm bạc/ Tiếng chim gù xao xuyến bước hành quân” (Cõi nhớ) và “Vượt đỉnh Pha Đin xe trôi vào tranh/ Hoa ban trắng ngược triền xuân Tây Bắc/ Thăm thẳm âm thanh mùa chiến dịch/ Người cựu binh đi trong chiều Mường Thanh” (Điện Biên ngày trở lại). Cái đọng lại trong ông suốt những năm tháng dài, không chỉ là tiếng bom, đạn, mịt mù khói lửa chiến tranh. Mà còn là “Tiếng chim gù xao xuyến” “Âm thanh thăm thẳm mùa chiến dịch”.

***

…Đọc những câu thơ của Trần Cầu về chiến tranh ta nhận thấy rõ sự rung cảm trái tim của người làm thơ, hoà quyện với cảm nhận của người đã được tham gia trong cuộc chiến tranh và một phần sự mất mát ngay trong gia đình, người thân của mình.

Độ dài của cuộc chiến tranh, Trần Cầu không đo bằng năm tháng, mà ông đo bằng đời người: “Em lên đường chiến đấu/ Từ trạm biến thế Ba La/ Ngày con em chừng một tuổi/ Bây giờ cháu đã lên bà” (Tìm em). Trên thế gian này, có lẽ ít có ở đâu cuộc chiến nối tiếp cuộc chiến dài như ở Việt Nam của chúng ta. “Cha mẹ già không chờ em được nữa/ Phút lâm chung vẫn hua tay về phía trời xa” (Tìm em). Một hình ảnh bi thương không chỉ trong gia đình, quê hương nhà thơ Trần Cầu, mà còn khá phổ biến trên cả đất nước chúng ta. Suốt bao nhiêu năm qua, trong thời chiến, cũng như thời bình.

Người chiến sĩ ra đi vào chiến trường, đối mặt với cái sống và cái chết, nhưng vẫn đầy lạc quan tin tưởng: “Ngày anh đi chiến trường xa/ Mầm sống phập phồng trong em/ Nhịp nôi đưa trong đợi chờ hi vọng” (Thăng bằng).

Cảm nhận về chiến tranh trong thơ Trần Cầu, ông ít nói về chiến thắng huy hoàng, cờ hoa rực rỡ mà nhiều người đã thấy. Mà ông dành phần nhiều cảm nhận, chia sẻ sâu sắc nỗi mất mát hi sinh, nhất là đối với người phụ nữ - Sự mất mát hi sinh ấy đã góp phần vô cùng quan trọng tạo nên chiến thắng: “Bức thư đẫm máu anh/ Chị mỗi năm đến ngày này lại đọc/ Khoảng tĩnh lặng nối hai bờ hư-thực” (Nỗi niềm của chị). Và: “Ai cười trong nước mắt rưng rưng/ Gặp lại người xưa vẫn đợi/ Ai thành Tô Thị nhớ nhung/ Mải mòn nhắn tìm đồng đội” (Giữa lòng thu Hà Nội). Có một nỗi đau, nỗi buồn của người vợ liệt sĩ kéo dài không thể dứt, kể cả khi chị đã đi bước nữa, ngỡ đã tìm được một chút nguồn vui mới: “Nửa nhớ anh, giọt dài lặn trong vạt áo/ Nửa thương chồng vất vả bốn mùa trôi” (Nỗi niềm của chị). Câu thơ làm cho người đọc cứ day dứt, khôn nguôi.

Thơ Trần Cầu không nặng về chữ nghĩa, không có những tứ thơ, câu thơ khó hiểu, để cho người đọc phải “vắt óc” suy nghĩ. Thơ ông điềm đạm hiền lành, giản dị như cuộc đời ông. Người đọc có cảm nhận những câu thơ của ông được sinh ra hết sức tự nhiên từ cuộc đời từng trải và trái tim giàu cảm xúc của ông. Chính vì vậy thơ của ông được người đọc tiếp nhận hết sức tự nhiên, chân thành và sâu sắc…

Phan Thức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục