Hình tượng Đảng và Bác Hồ trong thơ Trần Cầu
Trong nền Văn học Việt Nam, có nhiều nhà văn, nhà thơ dành phần lớn thời gian, tình cảm, tâm huyết viết về Đảng và Bác Hồ. Ở Thái Nguyên, một số nhà thơ cũng tập trung viết về đề tài này và đạt được thành công bước đầu như nhà thơ Ma Trường Nguyên, Nguyễn Long và một số nhà thơ khác. Đọc các tập thơ của Trần Cầu, bên cạnh những bài viết về tình yêu quê hương đất nước, người lính và chiến tranh, những ký ức theo dòng lịch sử thì ông có khá nhiều bài thơ viết về Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Lâu nay, viết thơ, làm thơ về Đảng và Bác Hồ thường rất khó. Thậm chí nếu không khéo, bài thơ sẽ sa vào lối kể lể, đậm chất tuyên truyền. Trong số hơn 10 bài thơ viết về Đảng và Bác Hồ của nhà thơ Trần Cầu trong 5 tập thơ “Về bên nôi” (2005); “Miền quê thương nhớ” (2007); “Thủng thẳng cùng thu” (2012), “Miền lửa riêng” (2017); “Phù sa bến cũ” (2021), có những câu thơ, khổ thơ rơi vào tình trạng như thế. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các bài thơ viết về Đảng và Bác Hồ của Trần Cầu đều thể hiện được tình cảm trân trọng, kính yêu của tác giả đối với Đảng, Bác Hồ, trong đó, có những bài đã thể hiện được lối viết riêng, sáng tạo và lấp lánh ý thơ.
1.Kể từ khi được thành lập (3/2/1930) cho tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, cả thời chiến cũng như thời bình. Tình cảm thiết tha, sâu nặng với Đảng đã được nhà thơ Trần Cầu gửi gắm trong nhiều bài thơ với những cảm nhận sâu sắc về vai trò quan trọng của Đảng đối với cuộc đời mỗi con người, rộng ra là đối với cả dân tộc: Đảng chỉ đường ta tự giải phóng cho ta/ Đường cách mạng dâng sóng trào bão dậy/ Đỏ rực trời thu sao cờ lộng lẫy/ Nắng Ba Đình tôn dáng đứng Việt Nam (Lửa thiêng).
Trong thơ Trần Cầu, hình ảnh Đảng hiện lên thật gần gũi, giản dị như một người mẹ hiền luôn bao dung, độ lượng, chở che: Đảng ở bên ta/ Trong mỗi ngày thường…/ Có ai đó, mềm lòng vấp ngã/ Đảng hiền từ nhắc nhở bao dung/ Không chấp nhận những thấp hèn vị kỷ/ Thức tỉnh tình người Đảng chỉ hướng phía bình minh…/ Dân với Đảng ân tình chung thủy/ Mãi xanh trong cùng ngọn suối đầu nguồn (Nghĩ về Đảng).
Trong rất nhiều bài thơ, nhà thơ Trần Cầu trên cơ sở những sự kiện lịch sử đã “mềm hóa” thành những câu thơ khiến người đọc dễ nhớ: Giữa đêm đen không che nổi tầm nhìn/ “Người cùng khổ” tìm ra đường cứu nước/ Cờ búa liềm thắp khắp miền xuôi ngược/ Ngọn lửa thiêng bùng cháy sáng lòa/… Đặc biệt, khi nhắc tới sự kiện thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, tác giả viết: Trong tối tăm vượt lên định mệnh/ Gió chuyển mùa thấp thoáng một con đường/ Đồng Lau Sau mịt mù sương trắng/ Đốm lửa hồng thắp sáng La Bằng/… Chắt chiu nước trong mạch nguồn cội rễ/ Dâng sóng trào, sấm dậy đỏ sắc cờ/ Ruộng bậc thang cũng trở mình tăng vụ/ Người gọi nắng về thúc nở ước mơ (Ngọn lửa bền).
Không dùng lối nói trực tiếp mà nhà thơ mượn những hình ảnh ẩn dụ để làm sáng tỏ công lao của Đảng giúp thay đổi cuộc sống người dân. Có những câu thơ mềm mại, sáng tạo đến bất ngờ, nâng bổng ý thơ: Tôi gói lửa La Bằng về thành phố/ Sắc núi Hồng sưởi ấm những chiều mưa” (Ngọn lửa bền); Như sợi chỉ hồng xuyên suốt thời gian/ Vui đã đến tận thôn cùng bản vắng/ Sắc thắm sắc đậm đà hồn dân tộc/ Hương dậy hương lan tỏa khắp không gian (Nghĩ về Đảng).
2.Cùng với Đảng, hình ảnh Bác Hồ được tác giả Trần Cầu nhắc đến nhiều trong các bài thơ của mình với tình cảm kính trọng và yêu mến. Đặc biệt, Thái Nguyên là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã có nhiều năm tháng ở và làm việc trong kháng chiến chống Pháp. Mỗi bước chân người đi, những tình cảm của Người với nhân dân nơi đây được nhà thơ khắc họa bằng những câu thơ chan chứa ân tình: Giữa rừng Định Hóa - Thái Nguyên/ Bác Hồ dạo Thái cực quyền hôm mai/ Ung dung nhịp bước khoan thai/ Tay vờn vuốt gió đan cài trong sương/… Gió lay bông bụt chao nghiêng/ Bóng Người tỏa sáng khắp miền nhân gian (Bác Hồ tập Thái Cực quyền). Đọc những câu thơ trên chúng ta đều hình dung ra hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc thật gần gũi, giản dị yêu thương trong những năm Bác ở Thái Nguyên.
Xúc động trước từng sự kiện, nhà thơ Trần Cầu lại gửi nỗi niềm sâu lắng vào thơ như trong một lần ông đọc bức điện mà Bác Hồ gửi họ Nguyễn Sinh. Tác giả có những câu thơ thật xúc động: Lời thư buồn như lá rứt vòm xanh/ Vẫn canh cánh bên lòng trung với hiếu/ Việc nước nặng nhiều đường quê khuất nẻo/ Bác lặng ngồi tạ lỗi trước hồn anh/…Những câu chuyện còn dư âm động mãi/ Trang sách đời con đọc thấm từng lời (Đọc bức điện Bác gửi họ Nguyễn Sinh).
Là người sống nội tâm, nhà thơ Trần Cầu luôn trăn trở trước những điều được chứng kiến, được nghe kể. Mỗi câu chuyện về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách để mỗi người học tập và noi theo: Vầng sáng tiên tri, trong vắt vần thơ/ Chúng cháu uống mạch nguồn trong thơ Bác/ Theo bước Người đi không thể nào đổi khác/ Nay đã thực rồi đời lại đẹp như mơ/ Ta soi ta trong muôn ngàn mắt lá/ Qua ánh trăng ngân trong sáng lên nhiều…(Nguyên tiêu nhớ Bác).
Nhà thơ Trần Cầu có nhiều năm công tác, gắn bó trong ngành luyện kim. Ông luôn tự hào về nơi được Bác Hồ thăm và căn dặn cán bộ, công nhân Gang Thép. Sự kiện này cũng được nhà thơ nhắc đến trong các bài thơ với giọng điệu thủ thỉ như kể lại ngày Bác Hồ về thăm: Bên lò cao, Bác cháu quây quần/ Bác hỏi việc học, việc làm, nơi ăn chốn ở/ Người cời lên tưng bừng ngọn lửa/ Lửa ròng luyện thép, luyện người (Miền lửa riêng). Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thành phố thép, của công ty nơi làm việc, tác giả luôn đinh ninh, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: Thành phố thênh thang bước chuyển mùa/ Xóm vắng đón bình minh khúc ca vui cộng hưởng/ Điện sáng thung mây, thép tìm về bản/ Ngọn lửa ròng, lời di chúc còn in…(Miền lửa riêng).
Đôi khi, chỉ ngắm bức ảnh Bác Hồ chụp với công nhân lò cao, nhà thơ cũng bồi hồi xúc động viết nên bài thơ: Thiêng liêng, rạng rỡ tấm hình/ Bác Hồ với công nhân lò cao số 1/ Người căn dặn: Để làm ra gang thép tốt/ Ánh mắt dịu hiền, từng câu chữ âm vang (Xuân về nơi Bác đến năm xưa). Sau những câu thơ mang giọng điệu như kể lể, giãi bày, tác giả đã khéo léo lồng ghép những hình ảnh thơ giúp bài thơ trở nên mềm mại và ý nghĩa hơn: Thép đã tôi trong thương trường khốc liệt/ Một bờ xuân xoa dịu những nhọc nhằn/ Dàn máy cán rì rầm ôn chuyện cũ/ Xuân lại về nơi Bác đến năm xưa (Xuân về nơi Bác đến năm xưa).
Những lần Bác Hồ về thăm Thái Nguyên cứ in đậm trong tâm trí nhà thơ. Mỗi lần nhìn lại trang nhật ký, nhà thơ lại trào dâng nỗi nhớ Bác, nhớ về một thời gắn bó với công việc ở lò luyện thép: Tôi nâng niu lật giở từng trang. Gặp lại mẻ gang ngày đón Bác/ Trầm ấm giọng Người - giọt xuân ấm áp/ Để tin yêu đi tiếp một con đường (Đọc lại nhật ký giao ca). Mỗi hình ảnh, mỗi nơi Bác ở và làm việc hay đi qua đều đọng lại trong tác giả nhiều kỷ niệm. Có một lần thăm nhà tưởng niệm Bác ở Đèo De, Phú Đình, Định Hóa, tác giả xúc động viết nên những vần thơ: Trong ngôi nhà màu nắng đơn sơ/ Kỷ vật tĩnh mà dáng hình sinh động/ Giọt giọt thời gian đọng ấm hơi Người/ Vòng tay Bác rộng hơn vòm trời rộng/ Chia sẻ yêu thương san lấp mọi khoảng buồn (Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Đèo De).
Trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật từ trước đến nay, Đảng luôn gắn với những sắc thái tích cực, tôn kính, tin yêu, trang trọng. Nhà thơ Trần Cầu đã có những phát hiện, tìm tòi sáng tạo khi biểu hiện về hình tượng Đảng, Bác Hồ trong thơ với cách biểu đạt riêng. Chỉ với hơn 10 bài thơ viết về Đảng, Bác Hồ trong số hàng trăm bài thơ mà nhà thơ Trần Cầu viết cũng đủ khẳng định ông là một trong những nhà thơ Thái Nguyên thành công khi viết về đề tài rất khó này. Mỗi bài thơ là sắc thái cảm xúc riêng và nhà thơ Trần Cầu đã nói hộ người đọc những tình cảm với Đảng và Bác Hồ bằng những vần thơ mộc mạc, giản dị dễ đi vào lòng người như thế.
Dương Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...