Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
05:22 (GMT +7)

Hiện thực nào cho giấc mơ đô thị hai bờ sông Cầu?

VNTN - Đã từ lâu người dân thành phố Thái Nguyên mong ước được sở hữu một đô thị hiện đại, văn minh hai bên bờ sông Cầu thơ mộng. Và ý tưởng xây dựng đô thị hai bên sông giống như bao thành phố nổi tiếng khác đã được các thế hệ lãnh đạo tỉnh và thành phố đề xuất thực hiện, song đáng buồn là nhiều năm qua ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng. Mãi tới những ngày gần đây, ý tưởng nung nấu bấy lâu đó mới thật sự có cơ hội trở thành hiện thực...


 

Dự án “4 trong 1”

Quả thật, từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình không hề đơn giản, nhất là với một ý tưởng đòi hỏi nguồn lực thực hiện lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ý tưởng xây dựng đô thị hai bờ sông Cầu đã được hiện thực hóa bước đầu bằng “Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu - thành phố Thái Nguyên” (gọi tắt là Dự án đô thị bên bờ sông Cầu). Dự án này hiện nay đã được Tỉnh ủy xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIII này. Dự án được xây dựng trên quan điểm lấy sông Cầu làm trục trung tâm, phát triển đô thị theo hướng mở rộng bờ tả sông Cầu.

Thực tế cho thấy, 16km sông Cầu chảy qua địa bàn thành phố Thái Nguyên là một điều kiện tự nhiên thuận lợi để có thể hình thành một đô thị bên sông tuyệt đẹp mà không phải địa phương nào cũng có. Nhưng lâu nay, thay vì phát huy công năng, chính sông Cầu đang khiến bộ mặt đô thị thành phố trở nên nhom nhem, các nhiệm vụ chính là thoát lũ, giao thông đường thủy, cấp nước sinh hoạt, sản xuất và tạo cảnh quan môi trường của dòng sông đều chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Trong một cuộc họp của UBND tỉnh với nhà đầu tư và hội đồng tư vấn thiết kế xây dựng Dự án đô thị bên bờ sông Cầu mới đây cho thấy, các nhà tư vấn thiết kế đã tính toán rất kỹ khả năng đáp ứng các mục tiêu đề ra của Dự án. Theo đó, một dự án nhưng đồng thời giải quyết được ít nhất bốn mục tiêu lớn mà thực tế đang đòi hỏi. Mục tiêu đầu tiên của Dự án là chỉnh trị dòng sông Cầu, giảm thiểu các ảnh hưởng do lũ lụt gây ra hàng năm. Mục tiêu này cực kỳ quan trọng, nếu không thực hiện được sẽ không thể có một đô thị hiện đại, văn minh và an toàn hai bên bờ sông.

Thành phố bên Sông Cầu Ảnh: Tuấn Anh

Các hạng mục chính được đề xuất, tính toán để thực hiện mục tiêu này đã được đưa ra lấy ý kiến, gồm: Xây dựng hai tuyến đê tả, hữu sông Cầu kết hợp làm đường giao thông; mở rộng đập Thác Huống, nâng cao mực nước đập lên 2m so với công trình cũ và xây dựng đập dâng Quang Vinh; xây mới 6 cây cầu cứng và mở rộng cầu Gia Bảy để gia tăng khả năng thoát lũ; nạo vét lòng sông từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chỉnh trị dòng sông sẽ thực hiện mục tiêu mở rộng hệ thống giao thông đường thủy, xây kè cứng hai bên bờ sông. Tiếp đó, sẽ quy hoạch và xây dựng các khu dân cư, khu đô thị bên sông để hình thành diện mạo mới cho đô thị thành phố. Khi lòng sông được điều tiết, mực nước đảm bảo sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, trên bến, dưới thuyền giống như nhiều thành phố bên sông khác. Theo ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng thì nếu không hoàn thành được 4 mục tiêu lớn này coi như Dự án chưa thành công.

Và năng lực chủ đầu tư

Hiện nay, trình độ của các nhà tư vấn, thiết kế là không phải bàn cãi, ngay cả các nhà tư vấn trong nước cũng có thể thiết kế những công trình, dự án đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, có thiết kế hoàn hảo, có sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, sự đồng thuận của chính quyền cũng như nhân dân sở tại vẫn chưa phải tất cả, điều mà chúng ta quan tâm là chủ đầu tư nào và khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư đó ra sao? Người ta nghiệm ra rằng, tính khả thi của một dự án lại phụ thuộc rất nhiều vào thực lực và khả năng huy động vốn của chủ đầu tư. Theo tính toán, để thực hiện Dự án này, nguồn lực đầu tư sẽ lên tới trên 18.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Vậy, nhà đầu tư nào có thể cáng đáng, nguồn vốn huy động từ đâu và hình thức đầu tư nào phù hợp?

Nhà đầu tư được lựa chọn giới thiệu và đứng ra xây dựng Dự án đô thị bên bờ sông Cầu chính là liên doanh Tập đoàn Phúc Lộc (Ninh Bình) và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cenco 8). Theo thẩm định của cơ quan chuyên môn thì đây là nhà đầu tư có năng lực thực sự: Tập đoàn Phúc Lộc hoạt động đa ngành nghề gồm 26 công ty thành viên với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Tập đoàn này đã tham gia thực hiện thành công các dự án quy mô lớn như: Dự án cầu Bạch Đằng 7.300 tỷ đồng; Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Dự án đầu tư tuyến đường Lào Cai - Sapa 2.500 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường Long Vân - Long Mỹ và khu đô thị đối ứng 560ha với tổng đầu tư 6.200 tỷ đồng; thực hiện các dự án nạo vét sông Hoàng Long, sông Hậu, xây dựng Cảng quân sự Cam Ranh, sân bay Cát Bi… Cenco 8 là đơn vị chuyên xây dựng công trình giao thông gồm 24 công ty thành viên, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đơn vị này đã tham gia thực hiện thành công nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì…

Theo đề xuất của nhà đầu tư, Dự án đô thị bên bờ sông Cầu sẽ được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP) nghĩa là Nhà nước và nhà đầu tư cùng bỏ vốn phối hợp thực hiện. Nhà đầu tư cũng đề xuất phương án hợp đồng theo hình thức đầu tư chuyển giao (BT) có hỗ trợ ngân sách Nhà nước và bố trí dùng quỹ đất để nhà đầu tư kinh doanh thu hồi vốn. Theo hình thức này, nhà đầu tư ứng vốn trước để xây dựng công trình, đổi lại nhà đầu tư được thực hiện các dự án khu đô thị và kinh doanh.

Ông Lương Minh Tường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc cho rằng, hình thức BT là phù hợp với Dự án này vì sẽ mở rộng khả năng xây dựng, giảm áp lực ngân sách, đồng thời thu hút được vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Ông Tường cũng khẳng định sẽ huy động đủ nguồn vốn 12.600 tỷ đồng hợp pháp, còn lại trên 5.600 tỷ đồng vốn ngân sách đối ứng chủ yếu dành cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Chủ đầu tư cam kết ứng trước vốn và bố trí nhân lực để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Đừng để người dân thất vọng

Tiền lệ ở tỉnh ta đã có một số dự án triển khai giống như “bánh vẽ” nên với dự án này, dư luận nhân dân địa phương không khỏi lo lắng, nhìn với thái độ dò xét, cẩn trọng. Mặc dù đã được tỉnh xem xét và dành sự đồng thuận cao, song nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện một cách cẩn thận, theo đúng quy trình trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, nhất là về khả năng sử dụng vốn ngân sách đối ứng thực hiện Dự án. Một số ý kiến cho rằng cần phải tổ chức hội thảo khoa học về dự án này để trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín. Cũng nên tham khảo ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nhất là những hộ sẽ chịu tác động trực tiếp.

Dự án được triển khai sẽ có phạm vi ảnh hưởng trên 1.500ha, trong đó có 1/3 diện tích đất ở đô thị, còn lại là đất nông nghiệp. Nhà đầu tư sẽ sử dụng khoảng 700ha để khai thác, kinh doanh thu hồi vốn. Theo ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên thì địa phương có thể đáp ứng được tiến độ về giải phóng mặt bằng Dự án nếu nguồn lực được nhà đầu tư ứng trước và kịp thời. Về phía nhà đầu tư cũng cam kết triển khai Dự án nhóm A này ngay trong năm 2017 và hoàn thành vào năm 2021 nếu được tỉnh thông qua sớm và được Chính phủ phê duyệt.

Đây là Dự án không chỉ cư dân thành phố Thái Nguyên mà nhân dân trong toàn tỉnh mong đợi và kỳ vọng nhiều. Với quyết tâm chính trị cao của tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân cùng với những phương án và lời cam kết có trọng lượng của nhà đầu tư, hy vọng Dự án sẽ thành hiện thực, xóa tan những nghi hoặc trong dư luận quần chúng, tạo diện mạo mới cho đô thị Thái Nguyên.

Trường Lâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy