Hậu chất vấn và băn khoăn của một đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên
VNTN - Cầm trên tay cuốn sách giáo khoa lớp 1, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên "truy" Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về sự lãng phí mỗi năm cả ngàn tỷ và việc độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Kim Thanh
Đó là khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp thứ 27 vừa bế mạc cuối tuần qua đãxem xét toàn cảnh "bức tranh" hậu chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 đến nay. Vắn tắt là "soi" các yêu cầu nêu tại nghị quyết của Quốc hội đã được những thành viên Chính phủ và những người từng được chọn trả lời chất vấn thực hiện như thế nào.
Trước đó, để phục vụ phiên họp này thì Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.
Với Uỷ ban Tư pháp, những phiên thẩm tra đó, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Lê Thị Nga đã ghi nhận những ý kiến rất thẳng thắn, đặc biệt là vấn đề phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng.
Trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp có mặt đầy đủ từ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và nhiều vị bộ trưởng, thứ trưởng khác, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh một số vấn đề mà theo bà là "phải hết sức quan tâm".
"Đối với các cơ quan tư pháp chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an và trưởng hai ngành (toà án và viện kiểm sát - PV) kể cả ngành thi hành án dân sự có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay chính trong lực lượng chuyên trách về phòng chống tội phạm để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và củng cố niềm tin của người dân. Đây là kiến nghị của chúng tôi vì vừa rồi xuất hiện tham nhũng nằm ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng"- bà Lê Thị Nga phát biểu.
Cụ thể hơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu thông tin vừa khởi tố bắt nguyên phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên có hành vi tham ô và một số các vụ án của các sỹ quan cao cấp trong lực lượng công an (liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ - PV).
Đề nghị tiếp theo của Chủ nhiệm Lê Thị Nga là tổng kiểm tra việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công là nhà đất đối với các tỉnh, thành phố lớn trên phạm vi cả nước. Đây cũng là vấn đề được nhiều thành viên Uỷ ban Tư pháp đề cập, mổ xẻ, liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ lấy được 31 nhà đất công tại Đà Nẵng.
Nhưng, không chỉ dừng ở lĩnh vực uỷ ban phụ trách, đại biểu Lê Thị Nga quay sang Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đang có mặt tại phòng họp và đề nghị rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, có giải pháp ngăn chặn các tiêu cực phát sinh.
"Việc này tác động đến dư luận, xã hội, đến các em học sinh rất lớn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ để tổng rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi", đại biểu Lê Thị Nga nói.
Cầm trên tay cuốn sách giáo khoa lớp 1, Chủ nhiệm Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về sách giáo khoa và sự lãng phí trong in ấn sách giáo khoa, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Chính phủ kiểm tra làm rõ những câu hỏi nghi ngại xung quanh việc độc quyền của Nhà xuất bản giáo dục.
"Tại sao bây giờ khác với các thế hệ trước một bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ, năm nay anh học, năm sau em học. Ví dụ quyển toán lớp 1 đây là sách giáo khoa nhưng rất khác, khi chúng tôi đi học thì có vở bài tập riêng. Bây giờ toán lớp 1 ghi luôn là luyện tập trung vào sách giáo khoa, nối đồng hồ với các ô thích hợp, kẻ thêm một đoạn thẳng để có một hình vuông hay hình tam giác...thì đương nhiên lớp sau không dùng được"- đại biểu Lê Thị Nga phân tích.
Vị đại biểu Thái Nguyên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ, thứ nhất là lý do vì sao để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ vào việc mua sách sau đó đến năm sau không dùng được nữa.
Liên quan đến những vấn đề đại biểu Lê Thị Nga đề cập, báo cáo tổng hợp của Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu nhiều hạn chế của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Báo cáo nêu rõ, mặc dù Bộ Giáo dục và đào tạo và các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để xử lý nghiêm các sai phạm nhưng những sự cố của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của ngành giáo dục và niềm tin của xã hội đối với chất lượng giáo dục. Đề nghị trong thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT phù hợp hơn, vừa đánh giá đúng thực chất năng lực, quá trình học tập của học sinh, vừa tiết kiệm, giảm tốn kém và bảo đảm tính ổn định lâu dài; sớm hoàn thiện, ban hành đề án về đổi mới thi trung học phổ thông bảo đảm tính khả thi. Trong đó tập trung chuẩn hoá ngân hàng câu hỏi thi, hoàn thiện quy trình thi THPT, có giải pháp hiệu quả trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các kỳ thi, khắc phục những tồn tại, hạn chế để có được kỳ thi THPT nghiêm túc, an toàn, chất lượng trong những năm tiếp theo.
Về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, theo báo cáo cũng còn nhiều băn khoăn về tiến độ và chất lượng. Báo cáo nêu rõ, theo kết quả giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng như phản ánh của các đại biểu Quốc hội, việc ban hành chương trình tổng thể và các chương trình bộ môn quá chậm, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng của khâu biên soạn và phê duyệt sách giáo khoa (bao gồm cả chương trình và tài liệu giáo dục địa phương) chưa thực sự tạo đồng thuận trong dư luận xã hội và trong chính đội ngũ giáo viên.
Những vấn đề Tổng thư ký báo cáo, nhất là những "điểm nhấn" được vị đại biểu Thái Nguyên - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh ở trên, chắc chắn sẽ trở lại nghị trường trong kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, sẽ khai mạc cuối tháng 10 tới.
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...