Hát qua mạng - một phong trào vui chơi đại chúng
Cùng bao trò vui chơi giải trí qua mạng, thì hát qua Facebook cũng nổi lên như cồn mấy năm trở lại đây. Không biết cái tính năng ấy có trên nhà mạng từ khi nào, nhưng có lẽ phong trào này nở rộ từ khi có dịch Covid. Người ta đã tận dụng tính năng của Facebook để hát cá nhân trên trang của mình, thỏa sức với niềm đam mê âm nhạc. Rồi dần dần thành lập nhóm, mà ta vẫn gọi là câu lạc bộ (CLB) lên đến hàng nghìn người để hát giao lưu với nhau. Cũng thời gian này thiết bị để hát bán rất nhiều trên mạng với đủ các loại tính năng, giá cả.
Hiện nay, chỉ tính sơ trên địa bàn Thái Nguyên cũng có hàng chục câu lạc bộ thường xuyên hoạt động. Xin kể mấy câu lạc bộ mà tôi quen biết trong địa bàn thành phố Thái Nguyên: CLB Tiếng hát mãi còn xanh; CLB Bolero Thái Nguyên; CLB Nhạc xưa Sao Mai; CLB Đam mê ca hát Phú Thái; CLB Âm nhạc kết nối toàn cầu; CLB Yêu ca hát Gang Thép Thái Nguyên; CLB Vui là hát thỏa thích niềm đam mê; CLB Đam mê ca hát kết nối bốn phương…
Tôi biết các huyện cũng có rất nhiều CLB đã hoạt động vài năm nay, như Định Hóa có: CLB Ca hát ngàn hoa Định Hóa Thái nguyên; CLB Cựu chiến binh ATK Định Hóa kết nối bốn phương; CLB Định Hóa Thái Nguyên yêu ca hát 2… Huyện Đại Từ, Võ Nhai, thành phố Sông Công, Phổ Yên đều có mấy CLB đang hoạt động. CLB ít thì có vài ba trăm, nhiều vài ba nghìn người. Tuy vậy con số tham gia thường ảo rất nhiều. Nhiều thành viên vui thì bấm phím tham gia nhưng không thường xuyên vào trang CLB. Còn rất nhiều người ở Thái Nguyên nhưng tham gia các CLB khác trên cả nước. Như vậy có thể thấy số lượng người tham gia vui hát trên mạng hiện nay rất đông.
Tính trên cả nước, thì số CLB ca hát nhiều không đếm xuể. Tất cả các lĩnh vực đều có. Nào CLB hát của Cựu chiến binh, Nông dân, Dân ca và Chèo, các CLB hát Then, hát Soọng cô, hát Vọng cổ… Cứ có người đam mê lĩnh vực nào thì đứng lên làm chủ trang, thành lập CLB mời gọi mọi người có cùng sở thích tham gia. Việc thao tác thành lập nhóm trên mạng dễ dàng nên ai cũng có thể thành lập CLB và đứng chủ trang. Tất nhiên CLB nào cũng phải tuân thủ các quy định nhà mạng, tuân thủ các quy định của nhà nước đề ra. Vì thế Câu lạc bộ nào cũng có tiêu chí, quy định hoạt động cụ thể tùy theo tính chất của mỗi riêng. Thí dụ: Các CLB của cựu chiến binh thường quy định không hát nhạc “Bolero”. CLB nào cũng cấm hát những bài hát có nội dung không lành mạnh, hoặc đưa các nội dung ngoài sinh hoạt văn nghệ lên trang. Chủ trang và các Quản trị viên sẽ xóa ngay những nội dung không hợp lệ. Nếu nặng sẽ chặn các thành viên đó khỏi trang của mình.
Hiện nay đang có hai hình thức hát trên mạng sau: Hát trên Facebook và trên Google. Hát trên Facebook lại có hai cách là hát trên trang cá nhân và hát theo nhóm (Câu lạc bộ). Nếu hát trên trang cá nhân thì hình thức này đơn giản. Chỉ có những người đã kết bạn xem được và tương tác, và chỉ cần chiếc điện thoại của mình bạn đã có thể hát lên trang những bài hát mình thích. Bạn có thể phát trên video sau đó đưa lên trang và cũng có thể phát trực tiếp lên trang luôn. Nếu thêm một chiếc điện thoại nữa để lấy nhạc thì phần hát của bạn chất lượng hơn. Bởi có thêm mic và tai nghe giúp bạn nghe rõ nhạc hơn, âm thanh tốt hơn. Trong lúc hát bạn nhìn thấy ngay những ai đang tương tác với mình để chào hỏi, tương tác lại.
Nếu hát trên CLB thì bạn lại phải được sự phê duyệt là thành viên CLB đó. Các CLB lại có hai hình thức phát sóng trên mạng. Đó là nhóm riêng tư (nhóm kín) và nhóm công khai. CLB nào thuộc nhóm riêng tư thì chỉ những thành viên trong nhóm đó vào hát và tương tác được với nhau. CLB dạng này thành viên vào hát lúc nào cũng được vì thuộc nhóm kín không phải kiểm duyệt trước lúc lên trang. Nếu có gì không hợp lệ Ban kiểm duyệt vẫn kịp thời xóa khỏi trang. Còn CLB thuộc nhóm công khai thì mọi người đều có thể vào xem, mọi biểu hiện của các thành viên trên trang được phát đi rộng rãi, vì thế phải có chủ trang và các Quản trị viên kiểm duyệt trước khi lên sóng. Nếu là các thành viên của CLB, người kiểm duyệt mới mở trang để các thành viên vào giao lưu. Một CLB muốn chuyển từ riêng tư sang công khai hay ngược lại đều được, nhưng có quy định giới hạn thành viên. Thí dụ từ riêng tư chuyển chế độ công khai chỉ khi dưới năm nghìn thành viên, quá là không chuyển được.
Hình thức hát trên mạng thứ hai là hát trên Google. Mạng đã có sẵn mục này, bạn chỉ cần gõ “hát Ka Ka” và cài đặt theo hướng dẫn là có thể vào hát. Hình thức này có thêm sự giao lưu với rất nhiều người trên mạng cùng vào mục “hát Ka Ka”. Bạn có thể hát một mình hay mời một bạn hát song ca. Cũng có thể hát song ca với bất kỳ ai khi họ đã hát sẵn phần của họ và để phần hát chờ cho ai muốn hát cùng.
Để chuẩn bị cho các buổi giao lưu có chất lượng, ngoài chuẩn bị các ca khúc hay các nhóm hát cần trang bị tốt cho phần âm thanh, ánh sáng, và cả trang phục nữa. Hiện đang có nhiều cách đầu tư trang thiết bị cho việc hát của mình. Nhóm chỉ cần một chiếc mic, hai chiếc điện thoại thông minh (một chiếc lấy nhạc, một chiếc phát trực tiếp) là đã lên sóng bình thường. Tuy vậy phải hát theo phần lời và nhạc qua điện thoại nên chữ nhỏ, khó đọc. Âm lượng phần nhạc phụ thuộc âm lượng tối đa của điện thoại nên âm thanh phần nhạc bị hạn chế. Nhóm hát trên điện thoại thường chỉ một đến ba người, đông hơn khó thực hiện vì phải cùng đứng gần nhìn lời qua điện thoại. Việc chỉnh hình ở máy phát cũng không thuận lợi. Tuy vậy, hình thức hát này không mất nhiều tiền, chỉ vài ba trăm là được. Với các nhóm đông từ bốn người trở lên sẽ lấy nhạc qua màn hình vô tuyến. Cần một hoặc nhiều mic tùy theo khả năng đầu tư. Tối thiểu cần một chiếc mic C10 hay C11, 5 đến 10 mét dây chuyên dụng, 3 - 4 bộ tai nghe, một chiếc điện thoại phát là buổi phát của nhóm đã bay đi khắp năm châu rồi. Tiền đầu tư tối thiểu cho nhóm nếu gia đình đã có vô tuyến thế hệ mới và điện thoại, chỉ phải mua chiếc mic C11 khoảng hơn hai trăm là đã đủ kết nối cho buổi hát. Hát lấy nhạc qua màn hình tivi chữ to, rõ, âm lượng muốn tăng lên rất dễ dàng. Muốn không phụ thuộc vào sự phập phù của mạng để buổi phát ổn định, có thể tải bài hát vào USB hoặc máy tính trước. Hiện nay các phương tiện hỗ trợ việc phát trực tiếp trên thị trường thì rất nhiều. Có loại vài trăm, có loại vài triệu hoặc hơn tùy theo khả năng từng nhóm.
Nếu đi sâu vào sinh hoạt của một CLB thuộc nhóm riêng tư hay công khai đều có một cơ cấu và sinh hoạt như nhau. Về tổ chức: CLB nào cũng có Ban chủ nhiệm bao gồm Chủ nhiệm và các Phó chủ nhiệm. Chủ nhiệm thường là người chủ trang, đam mê ca hát đứng lên thành lập CLB. Các Phó chủ nhiệm giúp việc như lên lịch lên sóng hàng ngày cho các nhóm, phụ trách tài chính, theo dõi thi đua. Ban quản trị gồm các quản trị viên giúp Ban chủ nhiệm quản trị trang và là nòng cốt của CLB.
Khi một CLB đã hình thành sẽ có lịch cho các nhóm lên giao lưu được đăng lên trang hàng ngày. Việc đăng thông báo này các quản trị viên quay vòng thay nhau làm. Việc thông báo chủ yếu tên, tuổi, quê hương của các thành viên sẽ giao lưu để mọi người biết và làm quen nhau. Các nhóm sẽ được Ban chủ nhiệm thông báo ngày lên giao lưu trước khoảng nửa tháng. Nhóm căn cứ công việc riêng của mình để thống nhất ngày giao lưu với Ban chủ nhiệm. Đến ngày giao lưu, đúng giờ là vào trang CLB để phát trực tiếp. Thời gian giao lưu thường từ một tiếng đến một tiếng ba mươi phút tùy theo lượng thành viên của nhóm. Từ hai người trở xuống thường một tiếng, ba người trở lên tiếng rưỡi. Trong khi một nhóm phát thì các thành viên trong CLB vào xem và cổ vũ. Hình thức cổ vũ là tặng hoa và bình luận. Hoa và các trạng thái biểu lộ tình cảm có đầy trong mạng, ta cứ việc tải về tặng nhau. Suốt quá trình hát các bình luận và tặng hoa chạy liên tục trên màn hình. Nhóm hát vừa hát vừa dành thời gian chào hỏi mọi người. Các thành viên trong CLB luôn nhìn thấy tên nhau và chào hỏi nhau qua phần bình luận. Nói chung, mỗi buổi giao lưu như thế rất vui.
Mỗi CLB có hàng nghìn thành viên, nhưng trên thực tế hàng đêm chỉ có từ ba chục đến hơn trăm thành viên trực tiếp vào trang CLB. Số người vào trực tiếp này được báo ở “mắt thần” trên đầu trang. Rất nhiều người vào trang xem, nhưng không kích trực tiếp vào trang nên “mắt thần” không báo. Nhà mạng chỉ báo lượt người xem bên dưới. Vì vậy có thể có hiện tượng số người xem trực tiếp chỉ mấy chục người, nhưng số lượt người xem cứ tăng dần sau đó lên hàng nghìn người. Ban chủ nhiệm đã có nhà mạng giúp trong việc theo dõi thành viên nào vào trực tiếp nhiều trong tháng để sắp xếp ưu tiên khi lên lịch hát. Có nhiều thành viên đam mê nhưng họ không có điều kiện hát nên họ chỉ là khán giả xem cho vui. Mỗi tháng các CLB đều có chủ đề như hướng về các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm của đất nước để các nhóm sưu tầm các ca khúc phù hợp để lên sóng. Các bản phối karaoke các thể loại nhạc đều có trên mạng. Vì thế rất thuận lợi cho sân chơi đại chúng này.
Trước đây con cháu tỏ ra không thích bố mẹ say vào hát hò lắm. Rồi chúng cũng thấy đây là nhu cầu vui chơi chính đáng của tuổi già, chúng lại cổ vũ nhiệt tình. Với bên ngoài, các CLB dân vũ, khiêu vũ, hội lớp nổi lên như cồn, cũng toàn người có tuổi nên ủng hộ ca hát như một phong trào của xã hội. Các CLB tôi sinh hoạt có đến hơn chín mươi phần trăm độ tuổi từ năm mươi trở lên. Chỉ có mấy thành viên hơn bốn mươi tuổi. Các chủ trang cũng đều ở lứa tuổi ấy. Vì thế, có một sự cảm thông, luôn động viên nhau trong niềm vui tinh thần hàng ngày. Các CLB đều có phương châm “Bạn hát tôi nghe, Tôi hát bạn nghe”. Đó là sự cổ vũ lẫn nhau. Không thể tránh khỏi những lời khen nhau thái quá, nhưng ai cũng biết, đó là từ lòng yêu mến nhau nào có mất gì. Hàng tối gặp nhau trên mạng, quen mặt, quen tên nhau trên khắp mọi miền. Nhiều thành viên người Việt ở Đài Loan, ở Đức, ở Mỹ vẫn vào sinh hoạt CLB. Thường hàng năm sẽ có một ngày gặp mặt nhau để kỷ niệm ngày thành lập. Địa điểm có thể ở tỉnh nào nhiều thành viên nhất, hoặc nơi chủ trang sinh sống. Đây là dịp gặp gỡ nhau và là ngày vui nhất trong năm. Các thành viên coi như một dịp du lịch. Ban chủ nhiệm lo nơi ăn nghỉ cho các thành viên ở xa, hội trường giao lưu, sắp xếp chương trình văn nghệ của các nhóm. Kinh phí gặp mặt do các thành viên đóng góp và cả những mạnh thường quân tài trợ.
Có thể nói, hát trên mạng cũng là một sân chơi đại chúng. Nó đem lại nhiều niềm vui cho mọi đối tượng, kể cả những người cao tuổi một thời mải mê mưu sinh, nuôi nấng con cái giờ mới thảnh thơi tìm niềm vui cho riêng mình. Nó cũng phần nào góp phần xây dựng một phong trào văn hóa, những con người văn hóa trong đời sống tinh thần hiện nay.
Phạm Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...