Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:35 (GMT +7)

Hành trình nhân quả trong những huyền thoại Hua Tát

Nguyễn Huy Thiệp không còn nữa nhưng con chữ của ông và “những ngọn gió Hua Tát” thì thổi mãi. Gần đây, để tưởng nhớ nhà văn, một mảng rừng đã được tạo dựng ở Hua Tát, mang tên Nguyễn Huy Thiệp, “từ những tấm lòng dành cho Nguyễn Huy Thiệp, một cánh rừng đã thành hình ở Hua Tát, không chỉ bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân mà còn gia tăng giá trị văn hóa cho nơi đây” (tuoitre.vn).

Những ngọn gió Hua Tát là tập truyện đầu tiên in dấu ấn tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp và báo hiệu một tài danh. Mười câu chuyện mang âm hưởng folklore chính là cuộc hành trình nhân quả. Mở đầu tập truyện, nhà văn đã đúc kết đạo đức nhân quả ở đời: “Đến Hua Tát,… nếu khách là một người công minh, chính trực, chủ nhà sẽ mời khách nghe một câu chuyện cổ. Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người”. Những câu chuyện cổ ở vùng núi Hua Tát phản ánh đặc trưng cư trú của người miền núi (săn bắt, hái lượm, nương rẫy, tin vào sự trừng phạt của then, ma chài, tục cúng ma, ma thuật …). Đằng sau mỗi câu chuyện phủ chất huyền thoại là các vỉa tầng văn hóa của một tộc người, là nỗi niềm của nhà văn.

Mỹ học sinh thái không xem con người ở vị trí trung tâm mà vạn vật đều bình đẳng. Đây cũng là minh triết của phương Đông. Con người là một mảnh nhỏ của tự nhiên. Triết học Trung Hoa cổ đại quan niệm “vạn vật nhất thể”, “thiên nhân hợp nhất”. “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, và Đạo thuận theo tự nhiên” (Lão Tử). Trong giáo lí Phật giáo, ý niệm về mối tương hòa giữa thiên nhiên, con người, thế giới trở thành lời răn về đạo đức sinh thái. “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”; “Vật ngã nhất như” (mọi vật với ta như một), “Ái vật hộ sinh” (yêu và bảo vệ sinh mạng của vạn vật) là nguyên tắc sống mang bản chất từ bi, thấu cảm cùng mọi sinh linh. Giữa con người, tự nhiên, vũ trụ luôn có sự hòa hợp trong mối tương quan sinh tồn.

12 - Copy.jpg

(Tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp)

Những trang văn đẹp và nhân văn của Nguyễn Huy Thiệp luôn nói về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Ở bản Hua Tát con người đắm mình vào, nghe được tiếng gọi của thiên nhiên. Núi rừng thanh bình đẹp như tranh “quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc”; “hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt”; “Thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm”, “Rừng hào phóng và bao dung với tất cả mọi người” (Nàng Bua). Thuận với tự nhiên thì Đất nở hoa; nghịch thì Đất Trời cuồng nộ. Trong Đất quên, thế giới tự nhiên thuận theo hành vi của con người. Khi có được tình cảm chân thành, thiên nhiên hòa điệu. “Họ đứng như thế giữa đồi cỏ gianh, xung quanh mưa đá sấm rền. Ông Pành ngợp trong diệu huyền… Cảm giác này như là hạnh phúc… Khi trời mưa tạnh thì trên cao bắt đầu le lói một thứ ánh hồng mờ ảo”. Nhưng để có được hạnh phúc thật sự, động đến rừng, ông lão 80 phải trả giá. Ở Mường Lưm “có những khu rừng nguyên sinh từ thời thượng cổ, cây cối bạt ngàn, chim thú nhiều vô kể”, có một cây gỗ lim “vòng gốc của nó tám người đứng ôm không xuể. Nó mọc trên đỉnh núi đá vôi cao đến nỗi đứng ở trên ấy nhìn xuống thì bản Mường Lưm chỉ bé như mái nhà sàn”. Làm theo lời thách cưới, “… ông Pành leo lên đỉnh núi, bập được nhát rìu đầu tiên vào gốc cây lim thì ông kiệt sức. Ông chết vì bị vỡ tim” (Đất quên). Khi con người tàn hại thiên nhiên, giết hại động vật thì sẽ trở thành tội đồ và phải trả giá cho tội ác của mình.

Giết hại động vật là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái. Theo các nhà tâm lí học, “khoái cảm săn bắn” là một trong những hành vi bóc lột tự nhiên. Viết nhiều về chủ đề săn bắn, Nguyễn Huy Thiệp thường có kiểu nhân vật luôn kiêu hãnh trong niềm khoái cảm này và luôn phải trả giá. Cuộc đối đầu sinh tử giữa con người, động vật và tự nhiên thật khốc liệt. Ở đó con người bộc lộ không che đậy bản năng thú của mình. Trong truyện Con thú lớn nhất, nhà văn dồn chứa hành trình nhân quả qua hai bi kịch lớn. Lão thợ săn như là hiện thân thần Chết của rừng, “mỗi khi khẩu súng giơ lên, ít khi có chim chóc hoặc thú rừng nào thoát chết”. Không gian sinh tồn của vợ chồng lão trở thành nấm mồ chôn thú rừng, như một vùng đất chết – “Đằng sau nhà lão, lông chim, xương thú chất đầy thành đống. Những đống lông chim xơ xác đen xỉn như màu mực tàu, còn những đống xương thú màu đá vôi thì lốm đốm những vệt nước tủy vàng khè, hôi hám. Những đống ấy to như những cái mả”.

Có lần lão không ngần ngại giương súng bắn một con công đang xòe cánh múa, “con công ngã gục, cái cánh có ánh cầu vồng ngũ sắc nhòe máu”. Công là biểu tượng cho cái đẹp tinh khôi, tuyệt mĩ. Giết con công đang xòe cánh múa là hủy hoại cái đẹp, bức hại môi sinh. Hành vi đó dẫn đến bi kịch giết vợ (là hành vi vô thức. Do ẩn ức nhiều ngày không thoả mãn cơn thèm khát giết chóc, lão giương súng bắn vợ lúc trời nhá nhem tối và vợ đang cầm nắm lông công). Từ bi kịch vô thức dẫn đến bi kịch tự ý thức; sau khi dùng xác vợ nhử mồi không có kết quả, cuối cùng, lão tự bắn mình; và chua xót là “lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình”. Nhìn từ thuyết nhân quả, con người phải chịu trách nhiệm với những hành vi của chính mình. Cái chết của lão thợ săn là bi kịch chấm dứt một kiếp đời vô minh, khi con người buông thả theo dục vọng, không còn khả năng nhận thức thế giới tự nhiên. Nhìn từ giáo lí Phật giáo, đó là “sự đốn ngộ sinh thái”. Nhưng cái giá mà lão thợ săn phải trả vì sự vô minh, tận diệt tự nhiên là quá lớn.

Mỹ học sinh thái bác bỏ quan niệm cho rằng con người đứng cao hơn vạn vật. Do con người độc chiếm tự nhiên, hủy hoại môi sinh mà nhận phải quả đắng. Nhân quả báo ứng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Thiên nhiên bị con người tàn phá và hệ quả tất yếu là con người phải trả giá, phải bị trừng phạt. Trong Sói trả thù, vì thờ ơ trước lời khuyên của các bô lão trong làng (“Hãy để thằng San qua tuổi mười ba là tuổi ma bắt. Hãy biết sợ rừng, cho nó vào rừng sớm quá là không tốt đâu!”), Hoàng Văn Nhân, người thợ săn kiêu hãnh trước rừng đã nhận lấy kết cục đau thương vì những gì đã gây ra trước đó. Trong một lần đi săn sói, người cha đã không ngần ngại giết con sói đầu đàn và lia súng vào đàn sói con đang chụm vào nhau. Thằng San gỡ con sói con trong miệng của con sói mẹ mang về.

Con sói được nuôi thuần thục như chó nhà. Nhưng thật không ngờ, đúng sinh nhật của đứa con, sự báo ứng của rừng thật rùng rợn. Con sói nhà đã cắn nát cổ thằng San. Trong cả quãng đời tàn hại rừng với niềm kiêu hãnh của một dòng tộc luôn chiến thắng tự nhiên, lần đầu tiên trong đời, người cha thức tỉnh. Đây là khoảnh khắc đốn ngộ sinh thái – “Ông Nhân cầm rìu tiến về con sói nước mắt ròng ròng (…) Con sói rúm lại, xích quấn vào dưới cầu thang. Dừng lại một lát, bỗng nhiên ông Nhân vung rìu lên và cứ liên hồi chém vào sợi dây xích sắt. Lưỡi rìu quằn lại, các sợi xích đứt tung. Con sói tru lên một tiếng rồi phóng chạy về phía rừng”, còn người cha thì “buông rìu quỳ xuống xác đứa con duy nhất, những ngón tay gầy trơ cả khớp xương cày trên mặt đất bê bết máu” (Sói trả thù).

Săn bắt là tập quán của người dân miền núi cổ xưa, khi con người còn cho mình đứng cao hơn tự nhiên mà tự nhiên thì quá hào phóng, ưu đãi con người. Nhưng hành vi hủy hoại, tận diệt động vật sẽ dẫn đến hậu quả. “Cuối năm ấy, ở Hua Tát động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không có dấu chân một con thú nào trong rừng. Đến một con chim sâu, thậm chí một con bướm lão cũng không thấy. Chưa bao giờ người Hua Tát sống vất vả đến thế” (Con thú lớn nhất).

Trong Trái tim hổ, để có được trái tim hổ (chỉ bằng hòn sỏi và trong suốt, trái tim ấy là bùa hộ mệnh, cũng là vị thuốc thần) nhiều trai tráng trong bản làng phải đền mạng. Hơn mười người chết vì con hổ dữ, kể cả chàng Khó, người giết được hổ dữ vì muốn có được trái tim mầu nhiệm để chữa bệnh cho Pùa. Trái tim hổ thu hút ham muốn của nhiều người nhưng cuối cùng là phù du. Con hổ chết vì có trái tim quý. Pùa chết vì không có tim hổ để chữa bệnh. Khó chết vì bị hổ vồ, tơi tả hơn vì nỗi đau phù trần gian dối, sân si. “Trách họ thế nào? Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao nhiêu phù du?”, “Tiếng khóc than lẫn với tiếng gió hú dài âm âm trong bản”. Đời người như gió qua. Gió cuốn phù sinh. Gió trở thành một mã thẩm mĩ sinh thái trong truyện ngắn của nhà văn.

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những người có thiện tâm thường sẽ nhận được kết quả tốt lành. Chàng Hặc xấu xí, dị dạng nhưng đã vượt qua hết mọi chàng trai khác trong thách cưới bởi tấm lòng trung thực của Hặc đã lay động được đất trời. Từ cảm quan của người miền núi, nhà văn sử dụng hình thức ma thuật như một phép thử lòng người. Theo phong tục, tín ngưỡng dân gian, ma thuật được thực hiện khi con người rơi vào hoàn cảnh khủng hoảng sinh thái, mất mùa, bệnh dịch, thiên tai… Hình thức ma thuật nói lên sự tôn trọng tự nhiên, biểu hiện niềm tin vào vạn vật hữu linh. Nghi lễ cầu đảo ở bản Hua Tát được Nguyễn Huy Thiệp giải thiêng; người thực hiện nghi lễ không phải già làng hay thầy mo mà là chàng Hặc nghèo khó, lễ vật thách cưới chỉ là sự trung thực làm cầu nối giao cảm với Trời Đất, Thần linh.

Nghi thức ma thuật/cầu đảo vừa phù hợp với căn cước một tộc người, vừa biểu hiện được sự hài hòa giữa con người và vũ trụ, lắng nghe tiếng nói của tự nhiên tất yếu sẽ được tự nhiên đáp lời. “- Con sống trung thực,… nếu lòng trung thực chuộc được tội lỗi và mang tình yêu đến được cho thế gian này, xin trời mưa xuống”; “Trời cao tĩnh lặng. Bỗng nhiên từ đâu đó xa xôi có một cơn gió mơ hồ thổi về. Tất cả ngọn cây trên rừng xào xạc. Mặt đất bắt đầu xuất hiện những cơn lốc nhỏ. Buổi chiều, bầu trời đầy mây vần vũ và khi đêm xuống thì mưa như trút” (Tiệc xòe vui nhất). Ngoài ra, biểu tượng “đá thiêng” cũng được nhà văn sử dụng như một phép thử cái tâm thiện lành của người dân bản làng (ở bản Hua Tát có “những viên đá cuội trắng có gân đỏ, mảnh như sợi chỉ nằm kín đáo nơi lòng suối”; trái tim hổ bằng hòn sỏi và trong suốt; hòn đá trong miếu thờ “ban đêm có người trông thấy hòn đá tỏa sáng như một cục lửa. Những nỗi đau khổ, những lời cầu xin tích tụ trong hòn đá nhỏ”).

Trong Nàng Sinh, cô gái xấu xí của bản Hua Tát đã được dân làng đặt tên đường bởi cô mang trong lồng ngực một trái tim trong trẻo. Cái tâm thuần khiết đó (nhân lành) khiến cô có thể nhấc bổng viên đá một cách dễ dàng (quả ngọt), điều mà trong bản không ai làm được. Bằng đôi tay chai sạn, ngón không ra ngón, Sinh “bóp khẽ vào cái ngẫu vật thiêng liêng. Hòn đá bỗng tan thành nước trước mắt mọi người. Những giọt nước ấy trong như nước mắt, chảy qua kẽ tay nàng rơi xuống mặt đất, in hình trên đó như những ngôi sao”. Và dân gian đã gọi “con đường rải đá đi ra bên ngoài thung lũng, con đường nhỏ, vừa lối đi, hai bên đầy cây mè loi, tre, vầu, bứa, muỗm và hàng trăm thứ cây dây leo…” là Đường Nàng Sinh (Nàng Sinh).

Trong truyện ngắn Sạ, nhân vật cùng tên bị người làng gọi là “thằng điên”, “thằng rồ”, “thằng khùng” vì chàng có trái tim và hành động khác với đám đông. Có lần bản Hua Tát vất vả một ngày mới bắt hết số cá thả ở dưới hồ lên thuyền. Chỉ còn chờ lúc chia cá thì Sạ lập úp thuyền xuống nước. “Mặc kệ những lời kêu la chửi rủa, Sạ cười sằng sặc, chàng nhảy xổ vào đám cá trắng bạc đang quẫy tứ tung chàng vừa phóng thích”. Nhưng khi Sạ rời bản lên đường, bản Hua Tát vắng nụ cười, thậm chí “đến cả chim chóc bay qua bầu trời Hua Tát vỗ cánh cũng như uể oải” (Sạ).

Truyện Nguyễn Huy Thiệp đậm chất triết lí. Những triết lí về nhân sinh, về đạo đức sinh thái, được biểu hiện bằng giọng điệu có vẻ thờ ơ, lạnh lùng, có khi giễu cợt nhưng sâu sắc. “Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng sinh vật quả thật nặng nề” (Muối của rừng), “Trách họ thế nào? Đời người ta, ai chẳng từng săn đuổi bao điều phù du” (Trái tim hổ); triết lí về qui luật tử sinh: “Chúng ta là gì ở thế gian này? Trước sau thì tôi cũng chết! Chị cũng chết! Đàn lợn của chị cũng đều chết ráo!” (Đất quên) v.v.. Nguyễn Huy Thiệp nhìn nhận thân phận bé mọn của con người trước thiên nhiên khi con người hạ nhục thiên nhiên và trở thành tội đồ: “Rừng vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Tất cả đều đẩy con người về nơi tận cùng ý thức cá nhân của chính nó. Con người tự co lại như con sâu, cái kiến, thúc thủ trong phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, vừa bất lực” (Mưa Nhã Nam).

Trong Muối của rừng, ông Diểu cố giết con khỉ và hậu quả phải chịu là mất hết; phơi ra trước thiên nhiên, ông trở thành “tên ám sát”, “tình thế của ông thật là lố bịch”, “thành một trò cười cho thiên hạ”. Con người trở nên nhỏ bé, trơ trụi giữa chốn rừng sâu cùng nỗi bất an sinh thái. “Từ dưới miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông vừa kinh dị, vừa đầy tử khí. Sương mù len vào từng chân bụi cây và xóa rất nhanh cảnh vật. Thoắt nhiên, đất đá từ lưng chừng núi sụt xuống rào rào như có sức mạnh nào đấy xô đẩy. Núi lở!”. Nhưng khi ông Diểu buông bỏ, về với tự nhiên trong trạng thái trần truồng ông được nhìn thấy những điều huyền diệu của đất trời. Ông sững sờ phát hiện ra loài hoa tử huyền, cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn – “Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc. Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi” (trạng thái khỏa thân là lúc con người tìm lại bản lai diện mục. Trong một chừng mực, nó hướng đến sự tận thiện, tận mỹ).

Những ngọn gió Hua Tát mới chỉ là khơi nguồn cho một lối viết độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng từ bước khởi đầu, nhà văn đã ghi dấu vân tay trên những trang văn vừa huyền ảo, mơ mộng vừa khắc khoải nỗi đau trần thế. Cổ tích mà hiện đại. Từ những câu chuyện lấp lánh, pha trộn chất huyền thoại của Nguyễn Huy Thiệp, nỗi buồn sinh thái ám trên những trang văn mang theo nỗi bất an của con người thời hiện đại.

7 đã tặng

1

0

2

4

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy