Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:35 (GMT +7)

Hành động quân sự đơn phương của Donald Trump và phản ứng quốc tế

VNTN - Sau 3 tháng cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh phá bỏ hầu hết các di sản của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Về phương diện quân sự, Donald Trump đã có hàng loạt các hành động đơn phương, phớt lờ cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các cam kết với Nga và Trung Quốc. Đó là các hành động tiến công lực lượng khủng bố Al-Qaeda ở Yemen (29/1/2017); bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria (7/4/2017); ném bom mang mật danh “Mẹ của các loại bom” xuống khu vực căn cứ của Taliban ở quận Achin, phía Đông Afghanistan (13/4/2017) và điều 3 tàu sân bay đến vùng biển Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên.

Tiến công lực lượng khủng bố Al-Qaeda ở Yemen

Vào ngày 29/1/2017, lực lượng tác chiến đặc biệt hải quân SEAL Team 6 thuộc Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt liên quân (JSOC) Mỹ đã bất ngờ đột nhập vào một căn cứ của lực lượng khủng bố Al-Qaeda tại ngôi làng al Ghayil, thuộc tỉnh al Bayda, Yemen. Đây được coi là hành động quân sự đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc tiến công này, lực lượng Mỹ có 01 binh sĩ thiệt mạng; 3 người bị thương và 23 dân thường, trong đó có 8 phụ nữ và 7 trẻ em bị chết, ngoài ra cuộc tiến công còn gây thiệt hại nặng về vật chất cho các trường học, bệnh viện và nhà thờ Hồi giáo trong khu vực. Mỹ thông báo đã tiêu diệt 14 tay súng Taliban. Trong quá trình hạ cánh vận chuyển binh sĩ Mỹ bị thương, một chiếc V-22 Osprey đã va chạm mạnh với mặt đất và bị hư hỏng nặng, khiến máy bay không thể cất cánh. Không quân Mỹ đã buộc phải dùng tên lửa phá hủy chiếc máy bay này để không rơi vào tay lực lượng khủng bố và có thể trở thành công cụ tuyên truyền nhằm công kích và hạ thấp uy tín của Mỹ. Cuộc tiến công này đã thu hút sự quan tâm chú ý của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đáng chú ý Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng “không thể coi kết quả một trận đánh là chiến thắng khi có binh sĩ Mỹ bị chết hoặc bị thương”.

Tiến công Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk

Sáng 7/4/2017, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho hai tàu khu trục USS Ross và USS Poter ở Đông Địa Trung Hải phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một số mục tiêu ở căn cứ Shayrat, tỉnh Homs, Syria, với lý do trả đũa cuộc tiến công vũ khí hóa học của Syria. Mục tiêu tiến công của các tên lửa Tomahawk là các máy bay, trạm xăng, hệ thống phòng không và ra đa, kho hậu cần, đạn dược…. Cuộc tiến công diễn ra trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang họp để ra nghị quyết về vấn đề tiến công vũ khí hóa học. Cuộc tiến công hóa học tại Syria mới chỉ đang trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận chính thức từ các tổ chức quốc tế. Thậm chí đã có thông tin nghi ngờ rằng cuộc tiến công hóa học đó là do phe đối lập tại Syria tiến hành chứ không phải là do chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện.

Trước những thất bại quân sự của phe đối lập trên chiến trường Syria, từ Aleppo tới Damascus, một trong những mục tiêu của cuộc tiến công của Mỹ vào một sân bay của Syria là để ngăn cản không quân của chính phủ Syria tiến hành các cuộc không kích tiếp theo nhằm vào vị trí của phe đối lập. Trong thời gian qua, Syria đã sử dụng không quân tiến công các vị trí của lực lượng đối lập, gần đây bắt đầu gặp nhiều khó khăn và thất bại trên chiến trường. Cuộc tiến công của Mỹ cũng nhằm gây sức ép với các nước Ả Rập trong giải pháp về vấn đề Syria, trong bối cảnh một số lãnh đạo cấp cao của các nước Ả Rập sắp gặp Donald Trump. Đặc biệt, cuộc tiến công diễn ra trong thời gian Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Mỹ. Vụ tiến công là hành động phô trương sức mạnh, không chỉ nhắm vào Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà còn vào Iran và Triều Tiên. Trước những thất bại trong chính sách đối nội (cải cách Obamacare, những nghi ngờ về quan hệ với Nga…), Donald Trump muốn dư luận Mỹ hướng ra bên ngoài, “tạm quên” đi những thất bại trong nước.

Tên lửa hành trình tấn công Syria được phóng từ Địa Trung Hải. 

Ném bom Afghanistan

Ngày 13/4/2017, một máy bay MC-130 của không quân Mỹ đã ném quả bom có tên gọi “Mẹ của các loại bom” (MOAB), trọng lượng khoảng 10 tấn, xuống một khu vực thuộc tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Vụ ném bom đã phá hủy một số hang động, kho cất giấu vũ khí đạn dược và tiêu diệt 90 tay súng Taliban. Vụ ném bom có thể được coi là một phần nỗ lực nhằm đảo ngược tình thế của cuộc chiến không mấy suôn sẻ của chính phủ Afghanistan và Mỹ. Trên thực tế, cuộc chiến ở Afghanistan đang ở giai đoạn xấu nhất đối với cả hai nước, kể từ khi Taliban bị lật đổ vài tháng sau vụ khủng bố 11/9. Hiện nay, Taliban đang kiểm soát khoảng 1/3 dân số của Afghanistan, tương đương 10 triệu người, nhiều hơn số dân IS kiểm soát được ở Syria và Irắc. Cả Al-Qaeda và IS đã thiết lập được những địa điểm đóng quân chắc chắn ở Afghanistan và thường xuyên thực hiện các cuộc tiến công vào các cơ quan chính phủ, quân đội, cảnh sát và dân thường Afghanistan, gây mất ổn định xã hội. Vì vậy, vụ ném bom của Mỹ ngoài việc nhằm tiêu diệt lực lượng Taliban, phá hủy cơ sở vật chất, kho tàng, còn nhằm khẳng định cam kết của Mỹ đối với Afghanistan trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Afghanistan đến năm 2024.

Điều 03 tàu sân bay đến vùng biển Hàn Quốc

Ngày 16/4/2017, một ngày sau lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đường đạn tầm trung, tuy nhiên, vụ thử tên lửa đã thất bại do tên lửa phát nổ trong vòng 4-5 giây sau khi phóng. Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang trên đường tới thủ đô Seoul để thảo luận với Hàn Quốc cách đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, trước đó ngày 8/4/2017, Đô đốc Harry B. Harris Jr., Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) đã ra lệnh cho cụm tàu tác chiến, bao gồm tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson đang di chuyển từ Singapore sang phía Tây Thái Bình Dương chuyển hướng về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Trong cụm chiến đấu này ngoài tàu sân bay USS Carl Vinson, còn có hai tàu khu trục và một tàu tuần dương mang tên lửa có điều khiển.

Việc công khai thay đổi bất ngờ kế hoạch của cụm chiến đấu tàu sân bay của hải quân Mỹ là một động thái hiếm thấy, nhằm đáp trả hành động phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Việc cụm tàu chiến đấu tàu sân bay Mỹ đột ngột thay đổi lộ trình hướng về bán đảo Triều Tiên chứng minh cho điều đó. Động thái này cũng cho thấy sự cảnh giác cao độ và sự gia tăng áp lực trong tương lai của Mỹ đối với Triều Tiên. Cùng với tàu sân bay USS Carl Vinson, hai tàu sân bay khác là USS Ronald Reagan và USS Nimitz cũng đang tiến vào biển Nhật Bản. Việc Mỹ huy động cùng một lúc 3 tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên là điều bất thường, khiến không ít người quan ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trong lần xuất hiện trên Biển Đông đầu tháng 3-2017 - Ảnh: Reuters

Phản ứng quốc tế

Trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra những chính sách, dự luật sai lầm và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của không chỉ nhân dân Mỹ, mà cả cộng đồng quốc tế. Những hành động quân sự đơn phương của Donald Trump đã gây ra phản ứng trái chiều, cả trong và ngoài nước. Một số nhà phân tích cho rằng, các hành động quân sự của Mỹ vừa qua được thực hiện dưới sức ép của giới tân bảo thủ trong chính quyền Mỹ. Ở phương diện chính trị đối ngoại, Donald Trump được coi là “con rối” cho lực lượng này. Khi đưa ra quyết định được cho là quá vội vàng này, Donald Trump đang muốn khẳng định và chứng tỏ bản thân là một nhà lãnh đạo có thể “là chỗ dựa tin cậy của nhân dân Mỹ”, đưa ra những quyết định trọng đại, liên quan đến lợi ích của nước Mỹ nói riêng và vận mệnh của thế giới nói chung!

Trước những hành động quân sự đơn phương của Mỹ, nhất là vụ tiến công Syria bằng tên lửa hành trình, Tổng thống Nga Putin gọi đây là “hành động xâm lược đối với một quốc gia có chủ quyền”, còn Thủ tướng Nga Medvedev tuyên bố rằng “Mỹ đang đứng trên ranh giới đụng độ quân sự với Nga”. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, Yury Shvitkin cho rằng, hành động của Mỹ không kích Syria cho thấy, Washington đang sử dụng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm công cụ để triển khai các lợi ích địa chính trị của họ và rằng việc Mỹ tiến công Syria chỉ có lợi cho lực lượng phiến quân cực đoan tạo ra những mối đe dọa tới an ninh khu vực và toàn cầu. Mỹ đã sử dụng “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ quốc tế. Trung tâm chỉ huy chung của Nga, Iran, Syria và các lực lượng liên minh (bao gồm lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon và các phe phái thân chính phủ khác) đã ra tuyên bố lên án cuộc tiến công quân sự của Mỹ vào các lực lượng Syria. Tuyên bố nhấn mạnh vụ Mỹ tiến công Syria đã “vượt qua giới hạn đỏ” và “Nga và đồng minh sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi hành động gây hấn ở Syria và sẽ không cho phép Mỹ thống trị thế giới”. Ngay sau khi Mỹ tiến công tên lửa vào Syria, Nga đã cử một tuần dương hạm trang bị tên lửa hành trình tới cảng ở phía Tây Syria trong một động thái nhằm phô trương lực lượng để đáp trả lại hành động của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã bị bất ngờ trong vụ Mỹ tiến công tên lửa vào Syria do vụ tiến công diễn ra trong lúc Tổng thống Donald Trump tiếp vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago. Trung Quốc cho rằng, hành động trên của Mỹ là “vội vàng và liều lĩnh” trước khi sự thật về vụ tiến công vũ khí hóa học ở Syria ngày 4/4 được làm rõ. Vụ tiến công tên lửa vào Syria của Mỹ được coi là một thử thách, “nắn gân” đối với Trung Quốc về ngoại giao, khi chính quyền ông Tập Cận Bình ngày càng cứng rắn hơn trên vũ đài chính trị khu vực và quốc tế.

Suốt 7 năm qua, bất chấp chiến tranh xung đột liên miên ở Syria, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động của đại sứ quán tại Damascus và hợp tác thương mại song phương với Syria. Thậm chí Trung Quốc còn mở rộng sự hiện diện tại Syria bên cạnh chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, bằng cách giúp đào tạo nhân sự và viện trợ nhân đạo. Cách đây khoảng 1 tháng, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), Tổng thống Bashar al-Assad cho rằng, “Trung Quốc là một người bạn thực sự, một trong những người bạn chính quyền Syria có thể dựa vào”. Chính vì vậy, việc Mỹ tiến hành cuộc tiến công tên lửa vào Syria trong khi tiếp ông Tập Cận Bình có khả năng làm Trung Quốc tức giận. Trong thời gian tới, lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế như biển Đông, Bắc Triều Tiên có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trước phản ứng của Mỹ.

Đối với Triều Tiên, quyết định triển khai các tàu sân bay của Mỹ đến vùng biển gần Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiến công tên lửa vào Syria, nên đây được coi là hành động “biểu dương lực lượng” với Triều Tiên của chính quyền Donald Trump. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ sẵn sàng can thiệp để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, nếu Trung Quốc không thuyết phục được Triều Tiên từ bỏ tham vọng này. Trước những diễn biến phức tạp ở Triều Tiên, Mỹ đã ra tuyên bố cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả sử dụng sức mạnh quân sự và ngoại giao, trước hết là biện pháp ngoại giao và kinh tế; đồng thời cảnh báo biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên có thể do cả Mỹ và Liên hợp quốc thực hiện, tùy thuộc vào hành động của Triều Tiên...

Trước sự việc trên, ngày 11/4/2017, Triều Tiên đã lên án Mỹ điều 3 tàu sân bay và các tàu chiến hướng về khu vực biển gần Triều Tiên và tuyên bố sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Mỹ. Triều Tiên tuyên bố, trong trường hợp bị Mỹ xâm lược, Triều Tiên sẽ biến các căn cứ quân sự của Mỹ như Osan, Gunsan và Pyeongtaek tại Nhật Bản, Hàn Quốc và dinh tổng thống Cheong Wa Dae ở Seoul “thành tro bụi chỉ trong vài phút”. Thậm chí còn cảnh báo tầm bắn của các tên lửa của Triều Tiên có thể tiêu diệt các mục tiêu của Mỹ trên đất Nhật Bản và Mỹ. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn tuyên bố sẵn sàng tiến công các tàu sân bay của Mỹ.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 2 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước