Hạc trăng – Truyện ngắn. Phan Thái
VNTN - Tiếng còi báo động từ nhà máy bên kia sông rúc lên riết róng. Tiếng kẻng của hợp tác xã vang lên dồn dập. Tôi quăng quyển truyện đang đọc dở vào góc giường, lững thững đi trên mép hào giao thông dẫn tới căn hầm chữ A bên gốc cây duối cổ thụ. Từ ngày máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, đã có ti tỉ lần báo động, từ lúc báo động đến khi máy bay lượn trên đầu còn khướt, tội gì phải vội. Một tiếng quát giật giọng: “Muốn chết hả, xuống hầm ngay!”. Tôi chưa kịp phản xạ thì đã bị bế thốc xuống giao thông hào và dúi luôn vào hầm trú ẩn. Vừa lúc đó tiếng máy bay phản lực gầm rít và tiếng bom nổ đinh tai nhức óc. Căn hầm rung lên bần bật, đất rơi rụng lả tả, cành cây bị phạt ngọn bay cả vào cửa hầm. Tôi lấy tay bịt tai, mặt chúi vào góc hầm cho đỡ sợ. Chỉ một lát, không gian trở lại yên ắng. Tiếng người đàn ông trầm đục: “Sợ không con? Nó bỏ bom vào làng mình. Con ở đây chờ báo yên, ông ra ngoài xem có ai bị làm sao không”.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông, người họa sĩ về làng mới chỉ ít ngày. Nhà ông ở bên cánh đồng trận bên bìa rừng. Tôi nghe bà kể ngày xưa dải đồi rừng ấy quân ta lập phòng tuyến chặn bước xâm lược của giặc Tống. Khi lũ giặc tiến quân đến cánh đồng, quân ta dùng đủ loại vũ khí tiêu diệt cánh quân của địch. Sau trận đánh đó, xác giặc được gom lại phủ đất chôn cất thành từng đống. Các gò đất trên đồng người làng gọi là mả trận. Bọn trẻ tụi tôi hiếm khi dám ra khu cánh đồng trận này. Nghe nói những đêm trời mưa gió, hồn ma lưu lạc thường gào thét kêu than, chúng sẵn sàng dọa nạt, nhập vào bất cứ ai yếu bóng vía đi qua đó. Thời kỳ chống Pháp, bộ đội ta đóng quân bên cạnh cánh đồng trận, hiện còn rất nhiều cây ăn quả trồng từ thời đó. Căn nhà của ông họa sĩ dựng trên nền đất bộ đội ta san gạt khá bằng phẳng ngay mé chân đồi. Ấn tượng về giọng nói trầm đục và thân hình gầy guộc của ông họa sĩ ám ảnh tôi nhiều ngày sau.
Với bọn trẻ nông thôn khi khôn lớn, kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ thường là chăn trâu cắt cỏ, hoặc theo mẹ ra đồng…Tôi cũng vậy. Tuy nhiên từ buổi thoát chết trong gang tấc dưới trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ, tôi may mắn được làm quen với ông.
* * *
Tôi không rõ tại sao ông về làng và lại chọn dựng nhà ngay bìa rừng cạnh bên cánh đồng trận. Từ nhà tôi sang nhà ông phải đi qua một con suối nhỏ. Hôm đó tôi và mấy thằng bạn lùa trâu lên đồi chăn thả. Sau khi ních một bụng sắn nướng nhổ trộm, cả bọn nằm khểnh bên bụi sim, thằng Linh chợt như sực nhớ: “Hôm nọ tao qua nhà ông họa sĩ, quanh nhà đầy cây, thể nào cũng có cái ăn được. Bọn mày đi không?”. Tôi bàn lùi: “Thôi, vặt trộm hoa quả khu mả trận kinh lắm. Trong làng thiếu gì cây. Nhỡ ông họa sĩ có nhà…”. “Sợ đếch gì. Ông họa sĩ hiền cực, tạo gặp nói chuyện rồi”. Bọn tôi vòng qua đồi tụt dốc xuống nhà ông họa sĩ. Ông đang ngồi bên bộ bàn ghế làm bằng gốc cây cổ thụ đặt sát bờ ao vẽ ngôi nhà của mình. Ngôi nhà dựng bằng tre dưới những hàng cây sum sê, tuy nhỏ nhưng khá đẹp, vách nhà thưng bằng nứa, các ô cửa sổ đều được lắp các gióng trúc vàng óng. Thấy bọn tôi ông dừng tay, hấp háy mắt: “Chào các sĩ quan. Chăn trâu hả? Vào đây uống nước chơi với ông!” Mặc cho bọn tôi ngắm nghía bàn luận bức tranh vẽ dở, ông vào nhà mang ra chiếc ấm tích và một rổ ổi chín thơm lựng: “Các cháu ăn đi, ông vừa hái ngoài vườn định mang vào làng. Cây cối nhiều nhưng ít người vào hái, nó chín rụng đầy gốc”. Thằng Linh vừa nhai nhồm nhoàm vừa hỏi: “Cây ở mấy cái mả trận kia hả ông?”. “Ừ! Các cháu sợ à?”. “Cháu nghe nói ở đây có ma…”. Ông họa sỹ cười lớn: “Thế nên làng mình không ai dựng nhà nơi này chứ gì?”. Ông cầm quả ổi ăn ngon lành rồi gật gù: “Ông cũng nghe nói, nhưng chưa thấy ma bao giờ. Người sống mình không sợ, chết rồi thì có gì phải sợ?”. Tôi ngập ngừng: “Ông về đây chỉ vẽ thôi ạ?”. “Không! Ông về đây để sinh sống như mọi người. Lúc không làm ruộng vườn thì ông vẽ”. Một đứa buột miệng hỏi tại sao ông về đây một mình, ông trầm tư, ngước nhìn phía xa rồi nói lảng: “Mỗi người có một cuộc sống riêng cháu ạ! Điều quan trọng phải là chính mình”. Cả buổi chiều hôm ấy, ông không vẽ chỉ nói chuyện với bọn trẻ chúng tôi. Trong mắt ông có một cái gì đó thật lạ, tôi thấy cứ thăm thẳm, lấp lánh… Chiều muộn, ông dẫn bọn tôi ra mấy cây ổi, hồng xiêm cho thỏa sức trẩy và giục bọn tôi lùa trâu về. Từ bữa đó, ngôi nhà ông là điểm hẹn lí tưởng để bọn trẻ trâu tụi tôi tới xem ông vẽ, cùng ông câu cá và thỏa thê ăn mọi thứ vặt vãnh mình thích.
* * *
Người làng hầu như rất ngưỡng mộ khi nói về ông. Nhiều buổi tối trên manh chiếu trải bên thềm cùng cha tôi bàn luận thời cuộc, mấy ông hàng xóm tỏ vẻ kính nể khi nói về ông họa sĩ. Mẹ tôi bảo: “Ông ấy vốn là một nhà thơ, chả rõ viết lách thế nào đó phạm húy, ông ấy không viết nữa về đây chuyên tâm vẽ. Người tài thường lận đận”. Cha tôi dường như rất tâm đắc khi nói chuyện với ông họa sĩ. Nhiều bận cha tôi đánh trâu mang cày bừa làm giúp ông đám ruộng để gieo cấy. Thi thoảng, ông họa sĩ đến nhà tôi, khi thì cho xâu cá, giỏ cua, có hôm ông lễ mễ ôm tới quả mít to tướng. Ông bảo: “Lộc của làng, ông không bán. Khu vườn ấy ngày xưa bộ đội trồng, làng cho ông ở thì cây trái là của làng”. Lần nào tôi tạt sang nhà ông cũng thấy ông say mê vẽ. Chỉ với khay đựng màu nước và mấy cái bút lông (sau này tôi mới biết trong giới mĩ thuật còn gọi là cây cọ), trên mảnh vải toan trắng hiện lên cả một thế giới của màu sắc. Trong nhà ông bày la liệt các bức tranh đủ loại, có bức vẽ người, có bức vẽ tĩnh vật tôi xem không chán mắt. Một hôm trời nắng, ông nhờ tôi mang các ống bương đựng tranh đổ ra phơi. Tôi sửng sốt trước rất nhiều bức vẽ trên giấy, trên vải ông cất giữ, có bức dường như vẽ đã lâu, màu vải ngả màu… Ông bước rất chậm ngắm từng bức vẽ, mắt rưng rưng, môi mím chặt như kìm nén điều gì xúc động lắm.
Thấy tôi tỏ vẻ quý mến ông họa sĩ, cha tôi bảo: “Ông ấy là người tử tế, là bộ đội tham gia đánh trận Điện Biên Phủ. Thời thế, hoàn cảnh… nên mới về làng. Nhà ta giúp được việc gì nên giúp”. Nghe lời cha, tôi năng đến với ông hơn, nhưng chả giúp được gì ngoài lau rửa ấm chén, vứt rau lang vào chuồng cho lợn ăn. Lần nào đến tôi cũng thấy ông say sưa vẽ, có dạo ông còn vẽ cả bìa sách, minh họa cho báo và truyện tranh thiếu nhi, bày la liệt trên chiếc sạp nứa vẫn làm giường ngủ. Thấy tôi ngạc nhiên ông cười khà khà: “Họ thương ông vất vả nên tìm đến đặt hàng. Mà cũng chả nặng nhọc gì, mỗi cái bìa sách cũng được ngót chục cân gạo”. Tôi không biết ai đặt hàng ông, nhưng từ thành phố lặn lội về đây quả là sự lạ. Tôi đánh bạo hỏi: “Sao ông không ở luôn thành phố vẽ cho tiện?”. “Ông lại cười: “Không ai có thể chọn được nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn được cách sống. Ở đây ông cũng vẽ”. Trong nhà ông có nhiều bức vẽ về làng tôi, từ cây đa, bến thuyền, mái đình lên rêu tới khóm hoa nhài mọc đầu ngõ. Nhiều bức đã hoàn chỉnh, màu bột nước bóng mịn, một số bức mới chỉ là những phác thảo màu chì. Nhiều hôm tôi thấy ông cắp giá vẽ, xách chiếc ấm tích vẽ cánh đồng từ sáng tới tối mịt. Một bận mang mấy củ khoai luộc tới cho ông, tôi hỏi: “Hình như ông chưa vẽ bức nào về trận địa pháo của bộ đội trên đồi Duộc. Cháu lên đấy rồi, đẹp lắm ông ạ!”. Ông dừng tay, vuốt tóc tôi mỉm cười: “Bí mật quân sự, ông chưa được phép vào trận địa. Chắc chắn một lúc nào đó ông sẽ lên”.
Ở đời, người lớn có nhiều chuyện phức tạp mà trẻ con như tôi chịu không thể nghĩ ra. Tối đó, tay chủ nhiệm hợp tác xã đến nhà tôi, người nồng nặc mùi rượu, cắm cảu: “Ông giúp tên họa sĩ thì giúp nhưng một vừa hai phải. Lẽ ra hắn phải vào hợp tác xã, ăn công điểm như mọi người. Nhưng thấy cái thẻo đất mả trận bỏ hoang, với lại hắn tuổi cao sức yếu, xã cho tự làm tự ăn. Vợ chồng ông thành phần cơ bản, xã giao theo dõi giám sát chứ không làm nuôi báo cô hắn”. Cha tôi khảng khái: “Ông ấy bằng tuổi cha chú, anh không nên gọi như vậy. Người ta tội tình gì đã có nhà nước phân xử. Ai sống ở làng thì là người của làng”. Tay chủ nhiệm đập bàn: “Ông không phải dạy khôn tôi”. Cha tôi rót cốc nước đặt trước mặt tay chủ nhiệm cười nhẹ: “Tôi làm sao dám dạy khôn anh. Nhưng con người với nhau, phải có cái tình cái nghĩa”. “Tình nghĩa cái con khỉ. Tay chủ nhiệm nhỏm đít đứng dậy: - Ông cứ liều liệu. Quá thể đáng đừng trách tôi”. Tay chủ nhiệm vừa về thì ông họa sĩ đeo mấy cái ống bương và cầm chiếc hộp sơn mài nhỏ tới: “Tôi chả có của nả gì, nhưng phải đi vắng ít hôm, nhờ chú giữ hộ mấy ống tranh và chiếc hộp này. Nếu tôi có mệnh hệ gì, chú gửi cho người có tên tôi ghi sẵn đây”. Thấy cha tôi ngần ngừ, ông mở nắp hộp chìa cho cha tôi xem: “Gia sản một đời tôi đấy”. Tôi học bài trong buồng, không biết chiếc hộp đựng gì. Bà tôi đang ngồi ngoáy trầu, thấy vậy liền hỏi: “Vậy cửa giả ông làm lại cẩn thận chưa?”. “Dạ! Nhà có gì đâu mà cần cửa. Em cứ để vậy thôi”. Bà tôi ngừng ngoáy trầu: “Vậy ông cứ để đó, hàng ngày tôi đáo qua quét tước. Tối sang trông cho nó có hơi người. Ai lại nhà mình cứ làm như nhà hoang...”.
Không lẽ để bà dò dẫm một mình sang ngủ trông nhà cho ông họa sĩ, tối đến tôi cầm vở bài tập, xách chiếc đèn bão theo bà. Lần đầu tiên ngủ ở một nơi heo hút, đồng không mông quạnh bên bìa rừng, lại ngay cạnh khu mả trận tôi không tài nào chợp mắt. Mỗi lần nghe tiếng vạc kêu tôi lại sởn gai ốc, tưởng tượng muôn vàn thây ma mặc áo giáp sắt nhào tới đứng đầy cửa xin ăn. Thấy tôi trằn trọc, bà tôi rủ rỉ: “Cháu bà can đảm lên, không việc gì phải sợ. Ông họa sĩ sống một mình ở đây có sao. Ma mãnh nếu có, nó cũng chỉ dám hù dọa kẻ nhát gan. Con người ta lớn không phải ở tuổi tác, mà ở bản lĩnh, trí tuệ cháu ạ!”. Để tỏ ra mình lớn, không hề nhát gan, tôi trở dậy bước ra cửa vươn vai, giả vờ nghêu ngao hát. Ngoài trời đầy sao, gió hun hút tràn qua cánh đồng đập vào vách liếp. Một mùi hương ngái nồng từ đâu đó hắt ngược vào mặt làm tôi thoáng rợn ngợp. Nghĩ đến bà, tôi lấy hết sức bình sinh bước gần đến ngôi mả trận đầu tiên. Không gian yên ắng vắng lặng như tờ. Đúng như bà nói, chẳng hề có ma mãnh quái nào cả. Nằm nhắm mắt sợ hãi thì nó hiện ra, nhưng khi mình không sợ thì nó phải khiếp sợ mà biến. Nhặt viên đá nhỏ dưới chân, tôi ném thật mạnh ra phía bờ ao. Tiếng “bủm” vừa phát ra thì bất ngờ một âm thanh nháo nhác cất lên ngay bên cạnh. Thần hồn nát thần tính, tôi co chân làm một mạch vào nhà leo tót lên giường. Bà tôi khẽ khàng: “Tiếng vạc đấy cháu ạ! Mùa này vạc đi ăn đêm. Trong làng đã thưa tiếng vạc, ngoài này…- Bà ngập ngừng rồi chép miệng: - Rõ khổ! Cũng một kiếp người mà dâu bể trầm luân”.
Hôm sau tôi có trạng thái tâm lí tốt hơn, học bài xong đã khuya, tôi ra ngồi trên bộ gốc cây chờ nghe tiếng vạc kêu. Đêm ấy giấc mơ của tôi ngập tràn tiếng vạc.
* * *
Ít ngày sau, ông họa sĩ trở về làng cùng với một cô gái trẻ khá xinh xắn bụng đã lùm lùm. Ông đưa cô gái vào nhà to nhỏ điều gì đó có vẻ rất quan trọng với bà và bố mẹ tôi. Cô gái ở với ông trong ngôi nhà bên khu mả trận. Người làng thì thào bảo đấy là cô vợ bé của ông. Có người còn nói ông tốt giống, ngần ấy tuổi vẫn cuỗm được con mái chỉ đáng tuổi con. Nhiều câu chuyện được thêu dệt làm các bà các cô cười chảy nước mắt, tôi chả hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Một bận trong bữa cơm tôi buột miệng hỏi, bố tôi nghiêm mặt: “Chuyện người lớn, con không nên quan tâm. Cứ biết học hành cho tốt”. Thi thoảng đến nhà ông, tôi thấy cô ra đồng làm cỏ lúa. Chiếc quần lụa được xắn lên quá đầu gối, bắp chân thon gọn trắng ngần như được nặn bằng sáp. Con gái làm nông quê tôi không ai có bắp chân trắng thế.
Buổi chiều ấy nghỉ học, chả có chỗ nào chơi, tôi liền lội suối vòng sang nhà ông, dự định xin mấy bông hoa lan cho cô bạn gái ngồi cùng bàn. Vừa bước tới hàng dâm bụt, tôi được phen tá hỏa khi thấy bên bờ ao, cô gái đang ngồi làm mẫu cho ông vẽ, trên người không hề có một mảnh vải, thân hình lặng phắc nhấp nhánh trắng như tượng. Chưa từng nghe ai nói về chuyện này và cũng chưa hề biết đến nghệ thuật vẽ tranh khỏa thân. Tôi đứng như trời trồng, càng nhìn càng đâm hoảng, bèn rón rén lùi trở lại bờ suối chạy một mạch về nhà. Đàn bà cởi quần áo lên tranh bày trước thiên hạ dứt khoát là... Ông họa sĩ chắc chắn cũng chả tốt đẹp gì.
Bẵng đi một dạo, tôi không đến nhà ông họa sĩ, phần vì ngại gặp cảnh như bữa nọ, phần đã không còn thiện cảm với ông và cô gái. Hôm đó ăn cơm trưa xong, bà tôi sắp một ít trứng vào giỏ bảo tôi mang sang nhà ông họa sĩ cho cô gái tĩnh dưỡng. Lưỡng lự một lát tôi đành miễn cưỡng nghe lời bà. Cô gái đi đâu đó chỉ có ông họa sĩ ở nhà. Tôi sa sẩm mặt mày khi thấy trên tường treo các bức vẽ cô gái cởi trần đủ các kiểu. Trên giá vẽ còn bức hình vẽ dở cảnh cô gái đang nằm nghiêng bên dòng suối, tay đặt lên chiếc bụng bầu vẻ mãn nguyện hạnh phúc. Thấy tôi ngẩn người, ông kéo tôi ngồi xuống mép giường: “Mang cốt nhục của mình là một ân huệ trời ban cho người phụ nữ, đó cũng là một vẻ đẹp, một tuyệt tác của nhân loại. Nó chỉ xấu với những kẻ vô học. Ông tin một lúc nào đó, dòng tranh này sẽ có chỗ đứng. Con người ta không thể phủ nhận giá trị đích thực”. Ông còn nói rất nhiều nhưng tôi không hiểu và nhớ. Với một đứa trẻ nông thôn thời ấy, những khái niệm và nội hàm nghệ thuật, quả thực là một thứ quá xa xỉ, cao siêu. Lúc ra về ông dặn: “Cháu giữ kín cho ông chuyện này. Miệng lưỡi thế gian chả biết thế nào”. Giả dụ ông không dặn tôi cũng không nói. Khối người ở làng từng mang vạ từ những việc không đâu vào đâu. Chuyện tày đình như thế, trẻ ranh như tôi dễ gì dám tọc mạch.
Tôi bắt đầu thích những bức tranh khỏa thân ông vẽ. Dù còn e ngại, nhiều buổi tối vẫn kiếm cớ lai vãng đến nhà ông. Càng ngày ông vẽ càng nhiều hơn như muốn ghi lại toàn bộ những khoảnh khắc hiếm hoi trên cơ thể người phụ nữ mang thai. Tranh ông vẽ trên vải, trên lụa, trên giấy với chất liệu sơn dầu, bột màu nước và rất nhiều bức phác thảo chỉ bằng bút chì. Chắc ông đã nói trước với cô gái nên khi tôi đến, dẫu đang ngồi khỏa thân cho ông vẽ, cô không hề tỏ ra khó chịu mà còn nhìn tôi bằng ánh mắt thân thiện, trìu mến.
Tôi cũng bất ngờ khi thấy bà tôi quý cô gái như con. Nhiều buổi tối cô sang nhà, bà tôi tự kiếm nồi đun nước bồ kết gội đầu cho cô, dù sức khỏe bà đã yếu. Thấy bà và cô dí dỏm, tôi đùa: “Bà chả gội đầu cho cháu với”. Bà mắng yêu: “Cha bố anh, đừng có tị…”.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, hầu như ngày nào cũng vài ba lần còi báo động máy bay Mỹ kéo đến ném bom phá hoại. Để tránh tổn thất, các buổi làm đồng đều diễn ra vào sáng sớm hoặc cuối chiều. Xã viên được giao khoán đan ki sọt phục vụ bộ đội tại nhà. Giờ học của bọn tôi cũng được các thầy cô giáo bố trí giảng dạy vào buổi tối. Ông họa sĩ chắc nổi hứng với không khí lao động thời chiến, ông bện cho mình một chiếc mũ rơm, khoác chiếc túi to tổ chảng, cắp giá vẽ trông chả khác lão hành khất, suốt ngày lọ mọ đảo khắp bến sông, ngõ làng hí húi vẽ. Ông đi tới đâu, lũ trẻ con rều rệu kéo theo tới đó, nằm ngồi la liệt xem. Thấy bọn trẻ say sưa, ông nhỏ nhẹ: “Các cháu muốn học vẽ không?”.
“Có, cháu có ạ!”. Không cần suy nghĩ cả bọn nhao nhao trả lời. Quay sang tôi ông căn dặn: “Cháu lập danh sách các bạn yêu thích hội họa gửi cho ông. Ông sẽ dạy miễn phí. Kỳ hè này ta sẽ học luôn”. Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông.
Do bận ôn thi cuối năm, hơn một tuần sau tôi mới sang nhà ông. Cô gái đang lúi húi làm gì đó, thấy tôi cô mừng rỡ: “May quá cháu đây rồi. Cô đang định vào làng. Cô thấy người khác quá… Hình như sắp sinh em bé. Cháu cầm giúp cô cái túi”. Nhìn cô gái bụng chửa kềnh càng, tôi ái ngại: “Không được đâu cô ơi! Hôm nay nước suối to. Ông đi đâu rồi ạ?”. “Ông lên trận địa pháo từ hôm kia. Ông dặn cô sang bên bà và bố mẹ cháu, nhưng cô chưa biết nhờ ai trông nhà”. Ý tưởng lóe lên trong đầu kiểu thông minh đột xuất, tôi quả quyết: “Cô không phải đi đâu cả. Cháu chạy ù đi đón bà đỡ về đây”. Thật may bà Hợi, người chuyên đỡ đẻ của làng có nhà. Nghe tôi nói sơ về thể trạng cô gái, bà vội vã khoác túi đi ngay. Không cần khám kỹ, bà giật giọng: “Cô đẻ đến nơi rồi. Quay sang tôi đang thập thò ngoài cửa, bà ra lệnh:
“Thằng cu Tũn, đun cho bà mấy siêu nước. Mau!”. Tôi chẳng biết mấy siêu là bao nhiêu siêu, nên đun đổ đầy phích, lại đun ấm khác đổ ra chậu. Thấy tôi ở ngoài lâu, bà lật đật chạy ra: “Mày đun nước cho bà chưa, sao im thin thít thế hả?”. “Dạ cháu đun rồi, bà bảo mấy siêu nên cháu cứ đun, đổ đầy chậu rồi ạ”. Bà nhăn mặt: “Bố khỉ. Mày định tắm cho cả huyện hay sao hả? Thôi được rồi. Vào giúp bà một tay”. Tôi luống cuống theo bà vào nhà. Cô gái nằm trên phản chân rạng rộng, người cong lên từng chặp, mặt đầm đìa mồ hôi, môi cô mím chặt như kìm nén cơn đau. Chắc cô gái quá yếu không đủ sức rặn, bà bảo tôi lấy tay ấn lên phần bụng trên. Thấy tôi lóng ngóng bà quát: “Mày không chui từ đây ra hay sao mà phải ngượng.” Vừa lúc đó, tiếng còi và kẻng báo động vang lên dồn dập. Bà thoáng nhíu mày rồi quay sang tôi: “Kệ bà và cô ở đây, cháu đi ra hầm trú ẩn đi”. Không lí gì một thằng con trai như tôi lại sợ chết, bỏ bà và cô gái đang trở dạ để ra hầm. Tôi làm ra vẻ bất cần: “Bộ đội ngoài trận địa, ai người ta trú ẩn khi có máy bay. Bà mặc cháu”. Tôi mạnh bạo ấn từng nhịp nhẹ nhàng như bà bảo lên hai bên phần bụng cô gái. Trong tiếng máy bay gầm rít xen lẫn các loại pháo phòng không rền vang, tiếng bom nổ chát chúa rung chuyển mặt đất, em bé lọt lòng mẹ khóc oe oe, bà đỡ hồ hởi: “Con trai nhé. Tiên nhân ông. Chọn đúng lúc bom rơi đạn nổ thế này mà chui ra!”. Đêm ấy mẹ tôi sang ngủ với cô gái, bố tôi cũng đi đâu đó không về. Người tôi bỗng nhiên bứt rứt khó chịu và linh cảm có chuyện chẳng lành.
Sáng hôm sau tôi được tin chiều hôm trước, máy bay Mỹ ném bom trúng trận địa của bộ đội ta. Ông họa sĩ và nhiều chiến sỹ trong khẩu đội pháo hy sinh. Người cán bộ quân đội về làng chuẩn bị cho lễ truy điệu xúc động nói với bà con: Ông họa sĩ được cấp trên bố trí đi thực tế vẽ bộ đội ta trên trận địa. Máy bay địch oanh kích, ông vẫn ngồi bên miệng hầm phóng bút trên giá vẽ. Khi mấy chiến sĩ bị thương, ông lao ra tiếp đạn phục vụ chiến đấu. Một quả bom rơi trúng khẩu đội…
Phần mộ của ông được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ của xã. Sau ba loạt đạn đồng loạt bắn lên tiễn biệt của đội tiêu binh, bố tôi đặt chiếc hộp nhỏ của ông họa sĩ lên mộ và thắp hương vái lạy. Tôi ngỡ ngàng khi thấy trong đó lấp lánh những tấm huân chương và giấy chứng nhận mang tên ông.
* * *
Sau ngày ông họa sĩ mất, bố mẹ tôi đón hai mẹ con cô gái về nhà để tiện chăm sóc. Chẳng biết tại sao cô gái trẻ như vậy lại sống với một ông già, tôi gặng hỏi, mẹ tôi gạt đi: “Con còn bé, làm sao hiểu được mọi sự. Người ta ai cũng có lúc thế này thế khác. Hoạn nạn có nhau mới là cái lẽ ở đời”. Qua bà nội, tôi cũng chỉ biết phong thanh: Do người yêu cô nhận nhiệm vụ đặc biệt, tổ chức không đồng ý để hai người cưới, vì lí lịch gia đình cô gái có vấn đề. Cô biết mình có thai nhưng không muốn bỏ đứa bé. Ông họa sĩ vô tình gặp và cưu mang cô…
Mộ ông họa sĩ không thể cải táng. Bố tôi bảo lúc chôn cất, chỉ có chút mảnh thi thể nhỏ tìm được dính trong vạt áo…
Năm tôi tốt nghiệp đại học, triển lãm tranh của ông họa sĩ được tổ chức trang trọng tại trung tâm tổ chức sự kiện của thành phố. Những tác phẩm hội họa về người phụ nữ sắp đến kỳ khai hoa, mang tên “Hạc trăng” trở thành một hiện tượng đặc biệt, thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và công chúng.
Nhiều lần về thăm quê, đêm trăng tôi một mình tới nhà ông trong khu mả trận. Trong không gian hư ảo như bức tranh thủy mặc, thi thoảng tiếng vạc lại cất lên nháo nhác... Tiếng vạc đầm đìa trăng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...