Guadra, Bồ Đào Nha, địa chỉ hành hương của người Việt
Cuối tháng 11 năm 2023, một nhóm hai mươi người Việt do giáo sư Nguyễn Đăng Hưng dẫn đầu, đã tự nguyện bỏ tiền túi, đã cùng quyên góp từng giọt đồng đúc một tượng đài biểu trưng một con thuyền buồm thời phục hưng, rồi làm cuộc hành hương tới thành phố Guarda, Bồ Đào Nha, quê hương của giáo sỹ Francisco de Pina, để tri ân người thầy đầu tiên góp công tạo tác chữ Việt hiện đại. Biểu trưng nặng hơn 500 kilogam đồng, cao 3 mét, dài 1,6 mét, rộng 0,5 mét, được nghệ nhân siêu hạng Dương Ngọc Tiến đúc từ xưởng chế tác đồng truyền thống Phước Kiều, Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam, nơi phát tích chữ Quốc ngữ, rồi chính mình bay sang Guarda để cùng các chuyên gia sở tại lắp đặt tại vườn hoa thư viện trung tâm thành phố.
Trước đó, cách đây 5 năm, ngày 5 tháng 11, năm 2018, cũng nhóm người Việt Nam này, do giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Chủ tịch Quỹ Tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ, dẫn đầu, đã đến Isfahan, Iran, dựng bia tri ân tại mộ cha Alecxandre de Rhodes, người học trò tiếng Việt của cha Francisco de Pina, người đầu tiên soạn thảo Bộ từ điển Việt - Bồ - La, bộ từ điển tiếng Việt đầu tiên, cùng cuốn sách Phép giảng tám ngày, in tại La Mã năm 1651.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, quốc tịch Bỉ, có bốn mươi năm giảng dạy tại trường đại học L'iege, chuyên ngành cơ học tính toán và không gian vũ trụ, sau năm 1976 đã làm cầu nối, đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang Bỉ học tập và nghiên cứu trở thành các nhà khoa học bậc cao, khi về hưu đã trở lại quê nhà, góp phần xây dựng đất nước. Là người con của quê hương Điện Bàn, Quảng Nam, nơi có nhà thờ Phước Kiều, Thanh Chiêm, chiếc nôi của chữ Quốc ngữ, xa quê du học và định cư tại châu Âu từ năm 1966, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng luôn đau đáu ghi ơn những người đã góp công tạo tác ra chữ Việt hiện đại.
Như một cơ duyên và sứ mệnh, nhiều năm tìm kiếm và nghiền ngẫm, ông đã tìm ra nơi cha Alecxandre de Rhodes yên nghỉ, đó là nghĩa trang của người công giáo gốc Armenia tại ngoại ô thành phố Isfahan, Iran. Và, để tỏ lòng tri ân người có công lớn tạo tác ra chữ Quốc ngữ, những người Việt đầu tiên đã tạc một tấm bia đá hoa cương quê hương Quảng Nam, ghi công ơn của ông bằng ba thứ tiếng Pháp, Việt, Anh, vượt hơn mười ngàn cây số đường không, đến đặt tại mộ cha Alecxandre de Rhodes.
Isfahan, vốn là kinh đô cũ của Đế quốc Ba Tư với dân số hơn 2,5 triệu người, được UNESCO vinh danh là thành phố thủ công mỹ nghệ lâu đời của Iran, một thành phố xinh đẹp và cổ kính còn lưu giữ nhiều cung điện, lâu đài cổ kính. Isfahan, từ năm 2018, lại có thêm một tấm bia lịch sử: Bia vinh danh của người Việt trên mộ chí cha Alecxandre de Rhodes.
***
Các tài liệu về quá trình truyền giáo ở Việt Nam của các cha dòng Tên, thuộc Tòa thánh La Mã đã ghi lại:
Năm 1615, nhóm các cha dòng Tên người Bồ Đào Nha, Ý,... dẫn đầu là các cha Francisco Buzomi (Ý), Diego Carvalho và thầy Antonio Dias (cùng người Bồ Đào Nha) từ Áo Môn (Ma Cao, Trung Quốc) đến Đàng Trong (Cửa Hàn), mở đầu quá trình truyền đạo Kito vào Việt Nam. Nếu không có lòng trắc ẩn và sự bao bọc của quan tuần phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa thì Cha Francisco Buzomi và các đồng sự không thể tồn tại và trụ lại được ở Đàng Trong. Cha F. Buzomi thực sự là là người dẫn dắt, cánh chim đầu đàn. Hai năm sau, có thêm cha Francisco de Pina và các cha dòng Tên khác đến Nước Mặn (Quy Nhơn), Thanh Chiêm (Quảng Nam) hình thành hai trung tâm truyền giáo và tạo tác chữ Việt hiện đại đầu tiên tại Đại Việt. Năm 1620, cha De Pina là người châu Âu đầu tiên biết nói tiếng Việt, giảng kinh bằng tiếng Việt.
Từ năm 1617 đến năm 1625, là thời kỳ cha Francisco de Pina cùng các đồng sự học thông thạo tiếng Việt và nghiền nghẫm cách dùng chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt, giúp các thầy giảng người Việt và con chiên có thể đọc tài liệu, ghi và nghe bài giảng của bề trên. Rất tiếc, ngày 15/12/1625, khi từ Cửa Đại ra tàu buôn đón đồ hàng từ Bồ Đào Nha sang, cha Francisco de Pina đã bị tử nạn do sóng lớn. Thi hài cha được an táng tại nhà thờ Phước Kiều, Quảng Nam.
Từ 1625 đến 1651 là thời kỳ sau De Pina, các cha dòng Tên cùng các thầy giảng, các trí thức người Việt, các con chiên người Việt,… hoàn thiện việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latinh để các cha Gaspa d'Anmaral (1592 – 1645) soạn thảo cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (1632, đã thất lạc) và Antonio Barbosa (1594 - 1647) soạn thảo Từ điển Bồ - Việt (1636 - 1642, đã thất lạc). Chính từ các công trình của Francisco de Pina, Gaspa d'Amaral, Antonio Barbosa và hàng trăm giáo sĩ, thầy giảng, con chiên,… Alecxandre de Rhodes đã biên soạn công trình vĩ đại chữ quốc ngữ đầu tiên: Bộ từ điển Việt-Bồ-La và Phép giảng Tám ngày. (Sách Phép giảng tám ngày bản gốc hiện lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên)
***
Giáo sư người Bồ Đào Nha, Antonio Salvado Morgado, sau nhiều năm nghiên cứu các tài liệu tin cậy tại thư viện Lisbon và các kho lưu trữ ở Roma, đã khẳng định: Giáo sĩ Francisco de Pina, nhà ngôn ngữ học, nhà xã hội học, là người châu Âu đầu tiên thông thạo tiếng Việt, người đầu tiên nghĩ ra cách dùng ký tự Latinh để chế tác ra chữ Việt hiện đại (chữ Quốc ngữ). Những trước tác của Francisco de Pina đúc kết trong tám năm (từ 1617 đến 1625) là một công trình khoa học kỳ công về tiếng Việt và việc dùng chữ cái Latinh để ghi lại, dùng các con dấu chữ Hy Lạp, Bồ Đào Nha,… dùng các khuông nhạc để ghi sáu thanh âm của tiếng Việt. Điều này trùng hợp với ghi nhận của cha Alecxandre de Rhodes, khi biên soạn Bộ từ điển Việt - Bồ - La và sách Phép giảng tám ngày, xuất bản lần đầu tiên tại La Mã, 1651. Trong lời đề tựa Bộ từ điển Việt-Bồ-La, A. de Rhodes ghi rõ là mình đã học tiếng Việt với Francisco de Pina. Cuộc gặp gỡ định mệnh ngắn ngủi giữa hai nhà khai sáng ở Thanh Chiêm, trước vụ đắm thuyền ở Cửa Đại, chỉ vỏn vẹn hơn một năm (1624 - 1625), cũng đủ cho Alcxandre de Rhodes lĩnh hội toàn bộ kiến thức và di sản mà cha Francisco de Pina để lại, để đến năm 1651, cùng với các công trình của các cha dòng Tên, các thầy giảng và con chiên người Việt, đã giúp ông hoàn thành bộ từ điển tiếng Việt đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ.
***
Ngày 26/11/2023, cả thủ đô Lisbon, cả thành phố Guarda hân hoan chào mừng phái đoàn Việt Nam. Thành phố cử trợ lý thị trưởng và phụ trách văn hóa điều một xe lớn vượt bốn trăm cây số cao tốc, ra tận sân bay Lisbon đón đoàn. Trước đó, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và nghệ nhân Dương Ngọc Tiến, thợ cả đúc đồng siêu hạng làng Phước Kiều, tác giả thiết kế, đã đi tiền trạm để cùng các chuyên gia thành phố lắp đặt tượng đài (được chuyển bằng đường biển từ một tháng trước). Dương Ngọc Tiến lần đầu đi Tây, ngoài câu OK và Thank you, không biết thêm tiếng Tây nào, bị lạc giáo sư Nguyễn Đăng Hưng ở ga tàu điện, may mà kịp gọi điện về Việt Nam, nhờ kết nối điện thoại, ba tiếng sau hai người mới gặp được nhau.
Ngày 26 tháng 11 năm 2023, một ngày trọng đại của thành phố Guarda, trùng với dịp lễ kỷ niệm 824 năm thành lập thành phố, buổi sáng cả đoàn ra vườn hoa thư viện duyệt tượng đài trước khi khánh thành, tập bài hát Tiếng Nước tôi của nhạc sỹ Phạm Duy để trình diễn với áo dài, nón lá, lễ phục. Đầu giờ chiều, tại hội trường thư viện trung tâm, đã diễn ra cuộc Hội thảo: Cuộc trở về của Francisco de Pina từ Việt Nam. Hội trường hơn trăm chỗ chật ních người, nhiều người đến sau phải đứng ra tận hành lang. Thị trưởng Sergio Costa thông tuệ, lịch duyệt cùng bà tiến sỹ Suzana Menezes, Giám đốc Văn hóa khu vực, giáo sư Antonio Salvado Morgado, cùng giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chủ trì hội thảo.
Bài phát biểu của ngài thị trưởng Sergo Cotsa khiến hội trường lúc im phắc, lúc trào lên tiếng vỗ tay nồng nhiệt: “Hãy để tôi nhấn mạnh đến hành động này của Quỹ Tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ, một hành động vô cùng dũng cảm, thiết lập tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa hai dân tộc, sự tri ân về nguồn gốc của chữ Quốc ngữ….
… Ngày nay, tiếng Việt là minh chứng sống động cho cuộc gặp gỡ văn hóa giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha, là ngôn ngữ sớm nhất Viễn Đông sử dụng chữ cái Latinh. Sự tưởng nhớ ông, được mang đến Guarda từ Việt Nam không chỉ là một tượng đài. Nó là biểu tượng của lòng biết ơn sự nhìn nhận sự kiện lịch sử này. Con thuyền lướt trên sóng biển hiện diện trong đài tưởng niệm, không chỉ gợi nên chuyến hành trình của người Bồ Đào Nha mà còn gợi nên hành trình về cuộc đời dũng cảm của Francisco de Pina. Một người Bồ Đào Nha, một người đã vượt qua vùng biển vô định đầy rẫy nguy hiểm và bão tố, để khám phá những thực tế và nền văn hóa mới và khác biệt. Nhưng hãy để tôi nhấn mạnh đến hành động này của Quỹ Tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc Ngữ, một hành động vô cùng dũng cảm, thiết lập tình hữu nghị cả sự hiểu biết giữa hai dân tộc về nguồn gốc của chữ quốc ngữ”.
Tiếng vỗ tay không ngớt tưởng thưởng lời phát biểu của ngài thị trưởng thành phố Guarda, tưởng thưởng sự tri ân của những truyền nhân chữ Quốc ngữ đối với người Thầy Francisco de Pina.
***
Guarda, thành phố cổ hơn 800 tuổi, nóc nhà của Bồ Đào Nha, nằm ở độ cao 1056 mét trên mực nước biển, phía đông bắc đất nước, cách thủ đô 400 km, đẹp đến huyền ảo với những đường phố uốn lượn, lâu đài cổ kính, là nơi sinh Francisco de Pina. Nơi đây có khu nhà thờ đá trầm mặc, có khu hầm mộ của dòng họ De Pina nổi tiếng, nhiều đời gắn bó với nhà thờ, có ngôi nhà của De Pina mới được thành phố gắn biển 500 năm tuổi. Không còn một tấm hình lưu giữ, không còn dấu ấn tuổi thơ, bởi ngài xa quê hương về Lisbon thụ giáo tại nhà thờ Belem để chuẩn bị cho cuộc dấn thân sang Viễn Đông truyền đức tin khi còn niên thiếu, nhưng hôm nay Francisco de Pina đã được trở về quê hương bởi tấm lòng và sự ghi ơn của người Việt. Đi trên những ngõ phố hun hút lát đá rêu phong, như thấy Francisco de Pina cùng hiện về, sau bốn trăm năm chìm khuất dưới sóng biển Cửa Đại, mất hút bởi sự quên lãng tưởng như vô vọng...
May thay, hàng triệu người Việt đang học chữ, đọc sách... vẫn nhớ đến những người đã góp phần tạo tác ra chữ Việt hiện đại hôm nay. Hai cuộc hành hương đến Isfahan, Iran năm 2018 và đến Guarga, Bồ Đào Nha, 2023, chỉ là những khởi động đầu tiên nhỏ lẻ cho nghĩa tình và lòng biết ơn.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...