Góc trời… – Tản văn: Mai Đình
VNTN - Mùa đông năm nay thật lạ, nhiều ngày nắng gắt gỏng, nhưng chỉ qua ít phút chợp mắt ban trưa, buổi chiều đã tái tê rét mướt. Người cứ vật vã, tư duy như đi vắng, cơ thể lười biếng nằm ủ ê trong chăn ấm, nghĩ về những chú gấu bắc cực ngủ đông, chợt thấy mình thật là buồn cười!
Lạnh, nhưng thích ra bờ hồ nhâm nhi một ly cam vắt, những chiếc thuyền vợt rác rong ruổi vẻ điệu nhàn nhã, sau lưng con đường cong vòng vẫn ồn ào xe chạy. Sau dáng vẻ xô bồ hỗn tạp phố xá, Hà Nội chiều lạnh lãng mạn khi được tô điểm bằng những chiếc xe đạp cũ chất đầy cúc họa mi nối đuôi nhau thong dong lề phố. Gió rít, hoa thơm và những nụ cười mời mua hoa. Hoa trao qua tấm kính xe ô tô, hoa trên tay cô gái tuổi đôi mươi, chúng được chăm chút nâng niu bởi đôi tay gầy guộc, chai sần của những người đàn bà lam lũ…, Hà Nội chiều ấy, đẹp đến nao lòng.
Nhiều năm rồi không đi tàu hỏa, cảm giác vừa quen vừa lạ. Người đi cùng toa tàu í ới: Lạnh quá, tắt điều hòa giúp em được không anh quản toa ơi! Vậy chứ em cần bao nhiêu độ. Anh lại ngồi cạnh em cho ấm nhé?... Câu chuyện tếu táo, họ chỉ cười nói với nhau vài câu, toa tàu ấm áp băng qua những thửa ruộng nghi ngút khói đốt đồng. Nếu mà sống ở làng quê, trong khí gió heo may hun hút này, cạnh những thửa ruộng đã thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ, đám trẻ chăn trâu sẽ chỉ ngồi đốt lửa trên bờ cỏ, tận hưởng gió trêu đùa trên tóc trên da. Sự khoái cảm cực kỳ hấp dẫn, ấy là cảm giác về sự bình yên, nằm vật trên cỏ thơm mềm, ngứa ngáy, mơn man, thích thú... Vẳng trong vi vu gió, từng tiếng xoèn xoẹt, xoèn xoẹt đều đều. Các bà, các mẹ đi cắt rạ về đun. Ở những thửa ruộng vùng trũng còn nhộn nhoạn bùn, chị tìm hái rau bợ xanh non. Canh rau bợ có mùi thanh thanh, vị ngọt lạ lùng. Chuồn chuồn theo gió heo may rong chơi nhiều lắm, cái thú bắt chuồn có thể khiến đám trẻ quên ăn quên ngủ. Chớm đông, làng quê nhỏ bé ấy như cũng ngủ vùi. Mẹ đủng đỉnh ngồi bắt be bọ cho chú chó già, khu vườn nhỏ bắt đầu xanh những cụm cây su hào, bắp cải, rau xà lách. Trong cái rét se ngọt, rau xà lách và rau mùi quện trong nước sốt cà chua thì ngon mê ly, đưa cơm phải biết.
Nhưng, ngày rét mướt cũng là ngày nồi cơm không trắng tinh tươm. Ngày ngày là sắn, khoai khô, ngô xay trộn lẫn, thức ăn là cá mắm mặn rát lưỡi. Đám trẻ không hiểu chuyện cứ phụng phịu: mới thu lúa xong mà đã ăn độn, chán quá mẹ ơi! Đôi mắt mẹ sẫm buồn. Nhiều ngày sau, những bát cơm của lũ trẻ vơi dần thức độn, nhưng bát cơm của mẹ chỉ toàn sắn khoai. Trước mỗi mùa đông, bố lại kì cạch trộn đất sét, trát lại những mảng tường nứt nẻ. Bữa cơm chiều con trẻ giúp nhau nấu sớm rồi ra ngõ trông ngóng, gặp ai cũng hỏi xem họ có thấy cha mẹ đã về? Ôi, con trẻ! Có biết cha phải ngâm chân trong nước giá đến đỏ tím, mẹ phải cong lưng cả ngày dài đến nỗi khuôn mặt húp sưng, đôi bàn tay tái nhợt hơ vào bếp lửa cứng đờ… Tất thảy là vì cả đàn con nheo nhóc đang cần được ăn no, cần phải đến trường. Ngày mới mười lăm, chị nghỉ học tìm đường ra phố. Mấy năm tết đến chẳng về, giọng mẹ nghẹn lại qua điện thoại: về đi con, nhà mình rau cháo có nhau. Chị thở dài: không có tiền, yêu thương có mài ra mà ăn được không? Mẹ kìm tiếng nấc: về xem mẹ già đến thế nào rồi? Chị nói như chỉ để mình chị nghe: Mẹ đừng thế, con đau lòng!
Đã hơn mười năm con gái ra phố. Một mình về nhà sau những chuyến đi. Một mình loay hoay với những vụn vỡ, một mình gồng gánh bao nỗi tủi thân buồn giận. Nước ấm chảy tràn thân thể bằng vòi hoa sen nhưng không thấy sướng vui bằng cảm giác mấy chị em giành nhau nước nóng mẹ đun, tắm gội một cách e dè. Cái mùi nước lắm khi khen khét, lắm khi sành sạch thoảng hương bồ kết thơm nồng. Thứ mùi hương quý giá, nhớ xao xác, thiết tha.
Mười năm ở phố, con gái vô tâm không nhận ra lòng ích kỷ mỗi khi to tiếng, giận dữ với cha vì không đồng quan điểm; đã cằn nhằn với mẹ khi thấy bà ăn mặc không chỉn chu; đã áp đặt suy nghĩ với em… Ở thời khắc nghĩ mình tìm thấy một “cây bách cây tùng” của cuộc đời, con gái đã sống, yêu và hi sinh như sinh mệnh. Thấy một manh áo đẹp, một chiếc khăn ấm, một đôi giày, một chiếc đồng hồ…, con gái cũng đều nghĩ đến người ấy trước nhất. Nhưng rồi thứ mà con gái gọi là tình yêu, là một, là riêng, là thứ nhất, dù thân thuộc mấy khi rời xa cũng thành xa lạ. Chỉ có cha luôn lắng nghe những cơn mệt mỏi, những lời cáu gắt và nói rằng: cứ nói ra đi, để cha cởi bỏ cho con. Con gái yếu đuối: con xin lỗi, con nào biết gắt gỏng với ai được. Lời ngọt ngào ai chẳng muốn nghe, nhưng lời đắng cay chỉ những người thân yêu mới thấu hiểu.
Hôm nay, con gái đem cất kỷ vật tình yêu vào ngăn tủ, và mỉm cười. Còn bao điều đẹp đẽ để sống, còn bao yêu thương con gái bỏ quên chưa trao trọn cho những người xứng đáng bên mình, cớ gì phải buồn đau. Trong chín mươi triệu dân trên dải đất hình chữ S này, mỗi ngày có khoảng hai mươi tư người ra khỏi nhà và không trở về. Người ta thống kê, người ta đâu thể biết khi nào là ngày cuối cùng của cuộc đời. Hôm qua, nụ cười ấy, giọng cười ấy còn lấp lánh ồn ào, hôm nay người nằm đó, vĩnh viễn chỉ còn gặp lại trong ký ức và những giấc mơ. Con gái thấy tiếc nuối tháng ngày qua vội, tự bắt mình sống nhanh hơn, gấp gáp hơn để đắp đền bao khoảng trống đã lãng quên.
Hôm nay con gái mua tặng bạn một chậu cây xinh xắn. Bạn ngại ngần không nhận, bạn bảo cây cối có linh hồn, bạn sợ cái ngày cây sẽ chết. Con gái mang theo lên tàu về nhà, miên man nghĩ về sự sống các giống loài. Khi ta chăm nom tất cả chúng bằng tình yêu và hi vọng, thì dù một ngày cái chết có đến, đó cũng sẽ là điềm lành. Nghĩ thế, thấy lòng nhẹ bẫng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...