Giữ hồn quê từ các sản phẩm OCOP
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với lợi thế là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh, những năm qua số sản phẩm OCOP của huyện Phú Bình tuy chưa nhiều, nhưng lại đa dạng nhất tỉnh. Phú Bình cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh có sản phẩm OCOP từ chăn nuôi. Trong xây dựng các sản phẩm OCOP, Phú Bình tập trung vào những sản phẩm có sẵn nguồn nguyên liệu và là thế mạnh của huyện. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm được chế biến sâu, mang đậm “hồn quê” và thân thiện với môi trường.
Của một đồng, công một nén
Hiện nay, huyện Phú Bình đã có 25 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó có 1 sản phẩm (Cao ngựa bạch Trường Nguyên) được chứng nhận OCOP 4 sao, 24 sản phẩm còn lại đạt OCOP 3 sao. Ngoài 4 sản phẩm OCOP là gạo, thì các sản phẩm OCOP khác của huyện đều được chế biến sâu, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, Gạo nếp Thầu Dầu, Tương Úc Kỳ là những sản phẩm OCOP có tiếng của huyện Phú Bình. Ngoài ra, sản phẩm bánh tẻ xã Thanh Ninh, bánh đa xã Kha Sơn cũng là những sản phẩm OCOP được coi là sản phẩm đặc trưng, được địa phương chú trọng phát triển trong thời gian qua.
Bánh tẻ gia truyền Nụ Tin (xã Thanh Ninh) được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Sản phẩm bánh đa Trọng Liên xã Kha Sơn đang được hoàn thiện hồ sơ để công nhận là sản phẩm OCOP trong năm 2024. Điểm chung của 2 loại sản phẩm này là đều được làm hoàn toàn theo cách truyền thống và qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, cần mẫn.
Đến thăm cơ sở bánh tẻ gia truyền Nụ Tin vào một ngày đầu mùa hạ, cơn mưa rào khiến tuyến đường về xã Thanh Ninh trở nên vắng vẻ. Vậy nhưng tại cơ sở sản xuất bánh tẻ của bà Trương Thị Nụ không khí lao động đang rất nhộn nhịp, mỗi người một công đoạn như: sắp lá, gói bánh, buộc dây, đóng gói… Bà Nụ, chủ cơ sở chia sẻ: Cơ sở đang hoàn thiện mẻ bánh 500 chiếc để gửi cho một nhà hàng ở thành phố Thái Nguyên. Để sản xuất bánh tẻ đạt chất lượng, các nguyên liệu từ gạo, nhân bánh, đến lá bánh và lạt buộc bánh đều được lựa chọn kỹ lưỡng và tỷ mỉ. Theo đó, nguyên liệu được lựa chọn để làm bánh tẻ, chủ yếu là gạo U17 (vì loại gạo này có độ dẻo, không dính). Gạo sau khi ngâm sẽ được nghiền thành bột nước. Sau nghiền, công đoạn ráo bột tốn nhiều thời gian có vai trò quan trọng để tạo một chiếc bánh ngon. Theo đó, bột nước sẽ được đổ vào một nồi gang và đặt trong một chậu nước rồi đưa lên bếp ráo. Khi ráo, bột phải được khuấy đều tay liên tục trong khoảng 3 tiếng đến khi cô đặc. Bột đạt yêu cầu là bột không quá đặc, cũng không nhão, không bị vón cục.
Ngoài phần bột bánh, nhân bánh cũng được lựa chọn những nguyên liệu như thịt vai, mộc nhĩ và hành đảm bảo chất lượng, cân đối theo tỷ lệ và nêm gia vị vừa phải trước khi đem gói. Phần thịt làm nhân bánh bắt buộc phải được thái bằng tay, chứ không được xay, như vậy mới đảm bảo nhân không bị chảy nước giúp nâng cao chất lượng, thẩm mỹ của sản phẩm. Khi gói bánh ngoài việc đảm bảo độ đồng đều còn phải khéo léo để nhân bánh nằm giữa bên trong vỏ bánh thì chiếc bánh mới đẹp mắt và đạt tiêu chuẩn.
Không giống như bánh tẻ, đối với quá trình làm bánh đa thì khâu pha bột và nướng bánh là công đoạn quan trọng để có sản phẩm đạt chất lượng. Đó là kinh nghiệm của chị Đỗ Thị Liên, chủ cơ sở Bánh đa Trọng Liên xóm Tân Thành xã Kha Sơn, sau hơn 10 năm nối nghiệp bố mẹ. Chị Liên chia sẻ: mặc dù biết nghề này vất vả nhưng tôi vẫn quyết giữ nghề và đang hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của gia đình.
Để có chiếc bánh đa giòn, xốp, thì gạo được sử dụng làm bánh chủ yếu là gạo Khang Dân, loại gạo này giúp bánh có độ nở tốt và khi tráng không bị dính. Bột bánh sau khi xay sẽ được pha theo công thức gia truyền gồm: mật mía, muối, đường. Mỗi chiếc bánh khi tráng xong được cho phơi trên tấm phên tre dưới trời nắng. Khi bánh khô thì sẽ được nướng trên than củi. Đây là công đoạn khó và vất vả, nhất là vào mùa hè. Người quạt bánh phải ngồi bên chậu than hồng, khéo léo lật bánh đều tay và phải biết cách uốn bánh để bánh được chín vàng đều.
Nghề làm bánh đa bận rộn như “con mọn” và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày nào chị Liên cũng phải xem dự báo thời tiết, để chuẩn bị ngâm gạo cho mẻ bánh ngày hôm sau. Những hôm trời nắng, cả buổi sáng gia đình chị sẽ tập trung tráng bánh để phơi. Buổi chiều người phơi bánh, người mang bánh đi giao. Tối đến lại ngồi quạt bánh, có hôm đến tận khua, để kịp trả đơn hàng đúng hẹn.
Để “quà quê” rộng đường đến với người tiêu dùng
Những năm gần đây, mặc dù ngày càng nhiều cơ sở sản xuất bánh đa trên thị trường đã sử dụng máy móc để tráng và nướng bánh bằng điện, nhằm tiết kiệm sức lao động, nhưng gia đình chị Liên vẫn giữ nguyên cách làm thủ công, là tráng bánh bằng tay và nướng bánh bằng than củi.
Chị Vũ Thị Xuyên, chủ cửa hàng ăn uống ở xã Xuân Phương cho hay: Thực khách của cửa hàng tôi rất thích món bánh đa do hộ chị Liên sản xuất. Bánh được làm theo phương pháp truyền thống nên có sự khác biệt rõ rệt, bánh có độ nở, giòn xốp và thơm hơn so với nướng bằng điện. Trung bình mỗi tháng, tôi nhập gần 1 nghìn chiếc bánh của gia đình chị Liên.
Giữ cách làm truyền thống đã giúp sản lượng bánh của gia đình chị Liên tăng dần mỗi năm. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình chị Liên sử dụng gần 1 tấn gạo, để sản xuất ra khoảng 15 nghìn chiếc bánh đa. Vào mùa hè, tháng cao điểm làm được 1,5 đến 2 tấn gạo. Sản phẩm làm ra đã được tiêu thụ ở các nhà hàng, cửa hàng, đại lý ở trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Nhanh tay xếp bánh vào thùng cho khách, bà Nụ phấn khởi khoe: OCOP đã giúp thương hiệu “Bánh tẻ gia truyền Nụ Tin” bay xa khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nếu như trước đây, bánh tẻ chỉ được tiêu dùng trong huyện, cùng lắm là trong tỉnh, thì nay bánh đã được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Điện Biên, Sơn La... thậm chí vào tận miền Nam. Ngoài nhận đơn hàng từ các đám cưới hỏi, hội nghị, sản phẩm được còn được nhiều khách hàng sử dụng làm quà biếu. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, cơ sở đã xuất ra thị trường 18.000 - 20.000 chiếc bánh tẻ, tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm 2023.
Một trong những yếu tố để sản phẩm bánh tẻ gia tăng về số lượng và mở rộng thị trường là do nhờ sự thay đổi trong hình thức sản xuất. Trước đây, bánh tẻ luôn được luộc chín rồi mới đưa đến người tiêu dùng. Điều này khiến việc bảo quản bánh chỉ được 1 - 2 ngày, gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Nhưng từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao (tháng 10 năm 2023), cơ sở của bà Nụ đã thực hiện cấp đông sản phẩm bánh tẻ ngay sau khi gói, mà không luộc như trước kia. Nhờ đó, thời gian bảo quản bánh có thể kéo dài được từ 30 - 40 ngày mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm.
Để sản phẩm bánh tẻ gia truyền mang đậm “chất quê”, cơ sở không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mà các nguyên liệu lá gói bánh, lạt buộc cũng được quan tâm. Theo đó, lá bánh được chọn là lá dong được rửa sạch, lạt buộc là bẹ chuối được sơ chế tỉ mỉ.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân sống tại tỉnh Long An cho biết: Tết nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua chị có về quê Thái Nguyên và được thưởng thức món bánh tẻ Thanh Ninh. Là người đã từng đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món bánh khác nhau, nhưng chị thấy món bánh tẻ gia truyền Nụ Tin có vị rất riêng. Đó là độ dẻo dai của bánh, vị của nhân vừa vặn, kết hợp với mùi thơm của lá dong khiến chị thực sự ấn tượng. Từ đó, lần nào về quê, chị cũng lựa chọn bánh tẻ để làm quà biếu cho anh em bạn bè ở Long An và thành phố Hồ Chí Minh.
Còn anh Nguyễn Hồng Định, chủ nhà hàng Bảo Định, thành phố Phổ Yên, một khách hàng thường xuyên đặt hàng bánh tẻ của gia đình bà Nụ cho biết: Tháng 11/2023, anh được tham gia hội chợ “Xúc tiến và quảng bá thương mại các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Thái Nguyên” tổ chức tại huyện Phú Bình. Tại đây, anh được thưởng thức món bánh tẻ gia truyền Nụ Tin. Ấn tượng với món bánh này, vì được làm theo cách truyền thống, tỉ mỉ, sạch sẽ và đặc biệt là bột bánh được làm nguyên chất, không bị pha trộn các nguyên liệu, hay phụ gia. Liên tục từ đó đến nay, món bánh tẻ gia truyền Nụ Tin được nhà hàng anh lựa chọn thường xuyên trong thực đơn và được khách hàng đánh giá cao.
Tiềm năng cần được phát huy
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, nên Phú Bình là địa phương đầu tiên của tỉnh có sản phẩm OCOP từ chăn nuôi và cũng là đơn vị có sản phẩm OCOP đa dạng nhất tỉnh, với 25 sản phẩm. Trong đó, có nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất theo phương thức truyền thống, mang đậm “chất quê” như: tương Úc Kỳ, bánh tẻ Thanh Ninh, bánh đa Kha Sơn… được người tiêu dùng đánh giá cao và góp phần cải thiện nguồn thu nhập cho chủ cơ sở.
Anh Dương Văn Duy, Giám đốc HTX Hồng Kỳ xã Úc Kỳ, đơn vị có 2 sản phẩm (tương Úc Kỳ và tương nếp Hồng Kỳ) đã được công nhận OCOP cho biết: Gia đình nhà tôi đã có 3 đời làm tương. Trước đây mẹ tôi làm tương chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình và bán với số lượng rất ít. Năm 2012, sản phẩm lúa nếp Thầu Dầu được công nhận nhãn hiệu tập thể. Để phát huy nghề làm tương truyền thống ở địa phương và phát triển nhãn hiệu tập thể lúa nếp Thầu Dầu, tôi đã tiếp nối nghề làm tương gia truyền và xây dựng sản phẩm tương nếp Úc Kỳ thành sản phẩm OCOP.
Kiên trì theo đuổi, đến năm 2022 sản phẩm Tương nếp Úc Kỳ đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận OCOP, sản phẩm ngày càng gia tăng về số lượng sản xuất: Năm 2023, HTX Hồng Kỳ xuất ra thị trường gần 12.000 lít tương, tăng trên 4.000 lít so với năm 2021. Để gia tăng số lượng sản phẩm mà vẫn nâng cao chất lượng, HTX chọn cách giữ nguyên phương thức sản xuất tương truyền thống và đầu tư thêm các loại máy móc: máy rang đỗ, xay đỗ, nồi hơi để nấu cơm làm mốc tương. Nhờ đó, HTX đã có những đơn hàng lâu dài ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: Từ trước đến nay nông nghiệp Phú Bình thường gắn với thế mạnh “Lúa - Lang - Lạc - Lợn”. Đó cũng là hướng để huyện tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển các sản phẩm có lợi thế huyện Phú Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, huyện sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP được chế biến sâu từ gạo, thịt gia súc, gia cầm và các loại đậu đỗ. Khi xác định được mục tiêu này, huyện sẽ xây dựng thành vùng nguyên liệu theo tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, để từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ khâu sản xuất - tiêu thụ - chế biến. Đối với các sản phẩm OCOP, hay sản phẩm chủ lực, yêu cầu các chủ cơ sở đầu tư hơn trong việc thiết kế bao bì, quy cách đói gói, mẫu mã sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường, mang đậm “chất quê”.
Có thể thấy rằng, việc xây dựng sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ là hướng đi đúng đắn, mở ra nhiều cơ hội, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, Phú Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp, có nhiều loại sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền như tương nếp Úc Kỳ, trám Hà Châu, một số sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như: Gà đồi Phú Bình, lúa nếp Thầu Dầu… Để phát huy những tiềm năng này, Phú Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP. Đồng thời tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được công nhận; xây dựng các điểm giới thiệu, bán hàng; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, tập thể tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…
Nguyễn Chi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...