VNTN - Con phố ấy mới mở nên hai bên đường chưa lấp kín nhà. Con đường cũng chưa được rải bê tông nóng, mới được nâng cấp bằng bê tông thường do nhân dân đóng góp và nhà nước hỗ trợ.
Đối diện với ngôi nhà hai tầng cũng mới xây, có một trụ đá không biết có từ bao giờ, chỗ ấy đất còn trống. Mấy ngày nay lúc nhập nhoạng tối người ta lại thấy ông bác sỹ Thông đã về hưu đến ngồi lặng phắc trên cái trụ đá đó, mắt nhìn sang bên đối diện. Đó là nhà chị Thục, căn nhà hai tầng mới xây. Nhiều người nói rằng căn nhà đó xây bằng tiền của ông Thông. Ông cũng có thời gian ở đấy với chị Thục, khi thì dăm ba ngày, lâu nhất là vài tuần.
Chồng chị Thục bỏ nhà đi làm ăn ở đâu, không ai rõ, từ lúc chị Thục còn ở nơi khác. Khi chị Thục đến mua đất xây nhà ở con phố này bà con dân phố đã không thấy chị có chồng con gì. Họ chỉ thấy lâu lâu xuất hiện ông bác sỹ đã về hưu. Rất nhiều giả thiết được đặt ra và bình luận xung quanh mối quan hệ ấy.
Sự việc đột ngột xảy ra vào lúc mọi nhà đang chuẩn bị cơm chiều. Anh chồng chị Thục bỗng xuất hiện. Có vẻ như anh ta đã nghiên cứu kỹ căn nhà của vợ. Anh ta vào nhà, rút một con dao sắc dài hơn một gang tay sáng lóa quát bác sỹ Thông: Ông cướp vợ tôi, tôi phải tống cổ ông ra khỏi nhà - ra ngay. Nếu không tôi xin tí tiết.
Ông Thông không kịp kêu thì anh chồng đã túm lấy cổ áo ông nhấc ông đứng dậy khỏi ghế, đẩy ông lùi ra ngoài cửa. Hai mắt ông mở to cầu cứu chị Thục. Chị Thục từ trên gác chạy xuống chưa kịp phản ứng gì thì ông Thông đã bị đẩy ra khỏi cửa. May mà ông không bị ngã ngửa. Cửa nhà đóng sập, ông quay người loạng choạng, xiêu vẹo bước qua con đường, ngồi xuống cái trụ đá, ông đã từng biết nó từ lâu.
Trong nhà chị Thục, tiếng xoong chảo bát đĩa va đập, tiếng quát tháo cũng vang lên một hồi lâu rồi mọi sự trở lại im ắng.
Cảm thấy một nỗi nhục nhã ê chề xâm chiếm cuộc đời mình, ông Thông ngồi bất động trên trụ đá rồi gọi một chiếc xe ôm chở ông đi đâu không ai rõ.
Sự việc ấy trở thành chuyện thời sự nóng bỏng và thu hút mọi người, mọi nhà trên con phố này, cùng với nó là rất nhiều lời bình luận. Ai bảo già rồi còn dại gái, đang yên đang lành thì đâm đầu theo cái con hồ ly tinh ấy, khổ chẳng trách ai được. Nhà chị Thục ấy nom rõ nhân hậu mà cũng hiểm, lừa được cái ông rõ trí thức. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào, già rồi mà còn dại. Nghe nói bà vợ cũ cấm cửa. Ông ấy giờ ở vạ vật nhờ bạn bè, không có chỗ đi về. Chuyện người ta biết đâu mà bình phẩm các bà ơi. Cứ thế, người nói thế này, người nói thế nọ, cái phố xá đang bình yên bỗng như sôi nổi hẳn lên.
Điều hơi lạ với mọi người, là ông bác sỹ Thông không biết do tiếc của hay tiếc nuối mối tình với chị Thục mà mỗi chiều lại đến ngồi trên cái trụ đá, đối diện với ngôi nhà hai tầng của chị Thục. Im lặng. Ngắm nhìn. Gật đầu chào mấy người có đôi lần gặp gỡ rồi lại lặng lẽ ra về.
Căn nhà chị Thục từ hôm ấy cũng đóng cửa im ỉm, chỉ mở khi vợ chồng người chủ nhà có việc ra vào. Không hề có người khách nào viếng thăm.
Một buổi chiều chạng vạng, bỗng có tiếng người kêu thất thanh, ông già bị ngất rồi. Ông già bị ngất rồi.
Tiếng kêu vang khá xa, nhiều người chạy xô lại. Nhiều nhà mở cửa xem chuyện gì đang xảy ra. Chị Thục cũng mở cửa khi nghe tiếng kêu, và chị hiểu ngay tai nạn đã xảy ra với ông bác sỹ đang ngồi đối diện nhà chị.
Chị chạy vội sang đường, nhìn thấy ông Thông nửa nằm, nửa ngồi. Có mấy người cố giữ ông trong tư thế ấy, để ông khỏi nằm lăn ra đất.
- Cho ông ấy vào nhà tôi! Nhiều người láng giềng không tin vào tai mình vì câu chuyện của gia đình chị Thục họ biết khá rõ. Họ khênh ông Thông vào nhà chị Thục, con mắt ai cũng tò mò và có phần e dè sợ có chuyện không lành xảy ra.
Không ai thấy chồng chị Thục đâu cả. Người xoa dầu, người giật tóc, người làm hô hấp nhân tạo. Nhưng ông Thông vẫn bất động, mặt tái ngoét, tay chân mềm oặt. Chị Thục gọi tắc xi, chị nhờ mấy ông hàng xóm khênh ông Thông ra xe. Chị khóa cửa rồi theo xe đưa ông Thông vào bệnh viện cấp cứu.
Lại một sự kiện nữa xảy ra làm mọi người bất ngờ. Mấy nhà cùng phố dò hỏi nhau. Họ trao đổi. Họ thắc mắc. Điều lạ lùng nhất với họ là chị Thục dám ngang nhiên đưa ông Thông đi cấp cứu ở bệnh viện. Họ đoán già, đoán non rồi lại có chuyện tày đình xảy ra trong căn nhà này, với người hàng xóm lạ lùng này.
Ở bệnh viện, Minh là bậc đàn em của ông Thông đang đúng phiên trực. Khi thấy một phụ nữ còn trẻ, ưa nhìn, đi theo xe cấp cứu, Minh biết đây đích xác là cô Thục mà ông đã nghe tên. Theo ông nhìn nhận hoàn cảnh của ông Thông hôm nay thì Thục đúng là người gây ra cảnh xáo trộn trong gia đình người bạn của ông.
Không biết ất giáp thế nào nhưng nhìn ông Thông, ông Minh thấy lòng mình như muốn sôi lên, ông biết tai nạn mà ông Thông đang gặp là hậu quả căng thẳng trong đầu óc ông Thông những ngày qua.
Cô là Thục à? Không chờ trả lời, ông Minh đã nói ngay: cô về đi. Tôi là người nhà của anh ấy. Thục phân bua. Tôi khó chấp nhận một người như cô là người nhà của ông Thông. Chắc cô hiểu ý tôi.
Một cảm giác rất khó xác định làm cho Thục gần như bàng hoàng và dường như từ con người kia chị chợt hiểu bao người xung quanh đều nhìn chị bằng con mắt ấy và nghĩ về chị cũng một ý nghĩ ấy, một đánh giá ấy. Chị vẫy xe ôm, chỉ kịp nói địa chỉ rồi gần như lả đi. Chị ôm chặt người lái xe. Chị có cảm giác nếu buông ra là ngã lăn quay xuống mặt đường. Lãi rồi! Lãi rồi. Lái xe thế kia tao lái suốt đời. Chị loáng thoáng thấy cánh lái xe ôm hò hét trêu chọc nhau. Chắc họ đang nói về chị. Chạy được một quãng, xe xóc khi gặp phải những đoạn gồ ghề, chị thấy ngực mình bị tức do núm vú tì sát vào lưng người lái xe ôm và bầu vú căng mẩy rưng rức. Chị biết thế nhưng không làm chủ được mọi hành động của mình. Mệt mỏi, như cố tìm một điểm tựa, chị càng áp chặt khuôn ngực vào người lái xe, ngửi thấy cả mồ hôi chua nồng từ tóc anh ta.
Trông thấy chị trở về trong trạng thái èo uột, mấy chị nhà bên cạnh chạy sang vừa đỡ chị vào nhà, giúp đôi việc cần làm và chính là thăm dò có chuyện gì đã xảy ra. Cái tập quán tắt lửa tối đèn có nhau vẫn được di truyền từ ngàn xưa đến nay, dù lửa và đèn ngày nay có khác xưa, lửa bếp ga và đèn điện treo trên trần nhà. Khi mọi người ra về, căn nhà còn lại một mình chị, Thục thấy đời chị cô độc đến thảm hại. Không ai chia sẻ được hoàn cảnh và nỗi lòng của chị lúc này.
Chị nhớ mãi ngày hôm ấy. Chị bị cảm nặng trên một chuyến xe từ huyện về thành phố, ông Thông bắt mạch thấy chị phải được cấp cứu ngay nếu không khó qua khỏi. Nhà xe dừng lại trước cửa bệnh viện. Chị một thân một mình, ông động lòng trắc ẩn xuống xe dìu chị vào phòng cấp cứu.
Chị bị tụt huyết áp và có triệu chứng chảy máu dạ dày. Tự nhận là người nhà của bệnh nhân, ông xem giấy tờ mới biết chị tên là Trần Hiền Thục, 43 tuổi, nhưng trong cái túi du lịch chỉ vẻn vẹn có mấy bộ quần áo cũ, một cái áo mưa rách và mấy đồng tiền lẻ nhàu nát. Ông Thông trong một hoàn cảnh bất khả kháng đã đứng ra trả các chi phí khám chữa bệnh cho chị.
Rồi chị qua khỏi cơn bạo bệnh. Chị hồi phục sức lực nhanh như bao phụ nữ lao động khác quen với nhọc nhằn, thiếu thốn. Gương mặt chị tươi tắn trở lại, giọng nói mềm và ấm. Chị ngàn lần biết công ơn cứu giúp của ông.
Ông hỏi chị đi đâu ở thành phố này, chị bảo chị đi tìm việc làm. Chị đã chia tay với chồng. Chồng chị đã bỏ nhà đi đâu mất tích bốn, năm năm nay, giao cho chị một món nợ cờ bạc phải trả. Con trai chị đi lao động làm thuê ở nước ngoài. Ra đây, chị tứ cố vô thân.
Nhìn chị nhanh nhẹn và sạch sẽ, một cửa hàng ăn nhận chị vào giúp việc nhưng không có chỗ ở. Đã thương thì thương cho trót, ông đồng ý cho chị mượn tiền thuê nhà trọ, chị hứa hoàn trả lại ông khi nhận được tiền công.
Lòng nhân từ gần như thuần khiết của ông bác sỹ tuổi 60 đã lay động và đánh thức những khát khao của người phụ nữ suốt cuộc đời gặp bao khổ đau và bất hạnh. Thật bất ngờ chị phát hiện ra người bác sỹ ấy dường như cũng đang cô độc giữa một thành phố nhộn nhịp ồn ã này.
Vợ ông Thông, một phụ nữ nhạy bén và năng động đã tìm được một cái cớ khi ông giúp đỡ chị Thục để tiến hành cuộc ly hôn mà bà ấp ủ từ lâu khi phát hiện ra người chồng vô tích sự.
Ông cũng tự cảm thấy càng ngày ông càng mất vai trò là người chủ gia đình khi bà vợ nói thẳng ra ông cứ lơ ngơ giữa cuộc sống thường ngày. Bà đã xoay sở để có đất, có nhà, có các tiện nghi trong sinh hoạt gia đình trong khi đồng lương còm cõi của ông chỉ đủ ăn cơm sinh viên, cơm bụi. Sự xung khắc nổ ra rất thời thượng giữa người làm ra tiền và người ăn theo, họ xung khắc theo kiểu một gia đình trí thức, không ồn ào, xô xát, bề ngoài phẳng lặng hạnh phúc, no đủ che giấu sự đổ vỡ lạnh lùng.
Sau khi chia tay bà vợ, ông cũng xin nghỉ hưu trước tuổi và được nhận một khoản tiền giảm biên theo chủ trương lúc bấy giờ. Ông Thông đã đưa cả số tiền đó cho chị Thục mong tìm được một nơi hạ cánh sau mấy chục năm đầy bất trắc.
Sau khi bị tai biến não, ông vẫn lơ mơ thấy tiếng nói của Thục, vẫn có cảm giác được mọi người dìu vào căn nhà ông đã có được những phút giây ấm áp nồng nàn của Thục. Khi nằm trên giường nệm trắng ông vẫn nhìn thấy lưỡi dao sáng lóa đầy hăm dọa lấp loáng trước mắt. Ông không sợ lưỡi dao. Điều chợt đến, chợt đi trong đầu óc của ông có thật là Thục đã phản bội ông hay không. Có phải những điều cô nói với ông đều là dối trá và giả tạo.
Những ngày ông Thông nằm viện, sáng nào Thục cũng đến hành lang phòng cấp cứu nhưng chị không vào. Chị theo dõi căn bệnh của ông qua gương mặt của những bác sỹ điều trị, qua những khai thác thông tin từ người hộ lý.
Phải hơn một tuần lễ, chính bác sỹ Minh phát hiện ra chị, cam chịu sự lên án của ông chỉ đứng ở đầu hành lang nhìn bệnh nhân với cặp mắt buồn bã. Hình như cùng đi với cô còn có một chàng trai trên 20 tuổi nom rất phong trần. Khi chuyển ông Thông sang phòng điều trị, chính bác sỹ Minh đã bảo chị vào chăm sóc bạn ông vì ông cảm nhận được, trong những phút giây hôn mê, bạn ông, bác sỹ Thông vẫn luôn nhắc đến tên cô. Ông cho chị vào chăm sóc ông Thông như một sự chiếu cố, một rộng lượng đối với chị.
Em muốn gặp anh, chị nói với bác sỹ Minh. Ông thấy người phụ nữ mạnh dạn và tự tin hơn lần đầu ông gặp. Ông mời chị vào phòng làm việc riêng của trưởng khoa. Ông rót nước mời chị và động viên, chắc cô có điều gì muốn nói với tôi. Vâng, hình như anh không hiểu em và không hiểu hết tình cảm của em đối với anh Thông. Cũng không thể trách anh được. Nhiều người cũng cho em là kẻ lừa đảo để chiếm đoạt tiền bạc của anh Thông. Họ còn độc mồm độc miệng nói em và chồng em dàn diễn một màn kịch để cướp tiền của anh ấy. Nhưng nếu anh là bạn thân của anh Thông, anh hãy nghe em nói. Vâng, cô cứ nói đi. Mấy ngày nay tôi chứng kiến sự kiên trì của cô với anh Thông cũng như tôi vẫn thấy trong lúc hôn mê, anh Thông vẫn gọi tên cô. Nét mặt chị Thục hơi ửng đỏ. Chị nói nhỏ nhẹ, em mang ơn cứu mạng của anh Thông trong một lần bệnh nặng trên đường ra thành phố. Và em cũng biết anh Thông không hạnh phúc. Thế là chúng em tìm thấy một hoàn cảnh chung có thể chia sẻ cho nhau được. Anh Thông nói với em, anh ấy cảm ơn cuộc đời đã đem em đến với anh ấy. Em nghĩ đó là điều nói thật của anh ấy.
Trong thời gian chúng em quan hệ với nhau, em cố gắng đem lại hạnh phúc mà anh ấy chưa có được từ tâm hồn của người phụ nữ. Thế còn chồng cô? Bác sỹ Minh dường như sốt ruột trước sự vòng vo của Thục. Chồng em à? Đây, anh xem những giấy tờ này, anh sẽ hiểu chồng em là người như thế nào.
Bác sỹ Minh đọc: Tôi tên là Trần Văn Tư, có nợ anh Lý Văn Nghi số tiền là 10.000.000đ (Mười triệu đồng). Nếu vợ tôi đồng ý lấy anh Nghi để trừ nợ, tôi cũng nhất trí, không kiện thưa gì.
Ký tên.
Đồ khốn nạn! Ông Minh dằn tiếng nói trong cổ họng. Thế mà cô chịu được à.
Anh còn đủ bình tĩnh xem tiếp không? Chị Thục nói trong nước mắt. Cô cứ đưa tôi xem chúng nó làm gì.
Ngày … tháng … năm … Trừ nợ cho Trần Văn Tư 500.000đ (Năm trăm ngàn đồng).
….
Ngày … tháng … năm …. Chị Thục đã trừ xong nợ cho Trần Văn Tư.
Chị nghẹn ngào nói, anh xem trang sau hắn ghi mới thấy hắn hạ nhục em thế nào. Ông lật trang sau. Trả bằng trừ nợ sau mỗi lần ngủ. Lý Văn Nghi ký.
Phía sau những tờ giấy này là những ngày ê chề, nhục nhã. Chị tức tưởi. Cả căn phòng lặng đi tới mấy giây. Sao cô không báo công an, chính quyền địa phương?
Đã nhục thế này, lại còn giơ mặt ra trước bàn dân thiên hạ được hả anh. Không trốn nợ được đâu. Bọn đâm thuê chém mướn, bọn đòi nợ thuê có mặt khắp nơi.
Chắc anh ghê tởm em? Chị Thục nghẹn ngào nấc lên.
Bây giờ tôi nhìn cô cũng có khác lần đầu tiên gặp cô. Thôi cô bỏ quá cho. Nhưng chả nhẽ cô không có một cơ quan pháp luật nào bảo vệ sao?
Vâng, em đã đến tòa án huyện, họ cũng hỏi em như vậy. Em đã muối mặt đưa các giấy tờ này xin ly dị với chồng em. Nhưng luật pháp là luật pháp. Tòa án tuy có đồng ý cho em ly hôn nhưng vẫn phải thông báo trên ti vi. Cũng may, thằng chồng em chắc nó không biết đến cái thông báo ấy nên nó không có đơn từ gì. Sau những tháng chờ đợi nơm nớp trong lo âu, em đã được tòa án cho ly hôn. Nhận được tờ chứng nhận ly hôn thì em kiệt sức, chính lúc ấy em gặp anh Thông. Em tứ cố vô thân, trong túi không có nổi mấy trăm ngàn, anh Thông có khác nào ông bụt hiện lên cứu em trong phút lâm bệnh. Em mang ơn anh ấy như người cứu mạng. Chắc anh tưởng em lừa anh ấy. Không, em không lừa anh ấy, em chịu ơn, kính phục anh ấy. Nhưng không ngờ…
Em chưa nói hết với anh Thông vì còn nhiều sự việc ràng buộc. Liệu nói hết ra, anh ấy còn tôn trọng em nữa hay không, hay lại coi thường em. Thằng chồng em nó về đột ngột như chui dưới đất lên. Em chưa kịp phản ứng gì thì anh Thông bị hắn gí dao hăm dọa, đẩy ra khỏi nhà. Bác sỹ Minh từ tốn hỏi: Sau sự việc đó, anh Thông nhiều ngày đến chỗ cô, sao cô không tỏ thái độ gì?
Anh thông cảm cho em vì em là một người mẹ. Con trai em đi lao động ở Libya. Những ngày ấy bên Libya nổ ra chiến tranh, hàng ngàn người tị nạn trên sa mạc, dưới bom đạn. Em còn bụng dạ nào nghĩ đến ai, ngoài con em. Ra vậy! Bác sỹ Minh gật gật đầu tỏ vẻ chấp nhận và dường như cũng có sự tha thứ cho người phụ nữ ngồi trước mặt ông đã đẩy bạn ông vào một cơn tai biến nặng nề, đến giờ vẫn chưa biết hậu quả sẽ ra sao.
Cô nói tiếp đi. Vâng, chị Thục gần như lấy lại được sự tự tin. Nhà nước ta có một cuộc giải cứu lao động. Một hôm trên ti vi, em nhìn thấy đúng là con em đang đứng gần lá cờ của nước mình, em bật khóc, khóc rưng rức không rõ vì mừng hay vì thương con. Mấy nhà hàng xóm nghe tiếng khóc chạy sang, mãi một lúc sau, em mới tĩnh tâm lại, nói để mọi người yên tâm. Thế cháu về chưa? Vâng em đã đi Hà Nội đón cháu về. Nó chỉ ở với em một hôm rồi cháu dứt khoát về quê, nó đứng về phía bố nó sau khi nghe các mối quan hệ của mẹ nó. Cũng chả trách cháu được.
Cực chẳng đã, em phải về quê và lần đầu tiên em tự coi con em như một người đàn ông, em đã xót xa kể hết mọi chuyện của bố nó đối với em, như em kể với anh vừa rồi. Khi đã hiểu được mọi chuyện, thằng con em nó gầm lên như một con hổ trong cũi, nó hét lên các người thật khốn nạn. Tôi đi làm khổ như một thằng tù, nhục như một con chó mà các người lại đối xử với nhau như bọn thổ phỉ, như bọn hải tặc. Cả bà nữa, nó trợn mắt nhìn em, chả lẽ cái xã hội này đốn mạt đến mức không cứu nổi danh dự cho một người đàn bà. Tôi sẽ đâm chết chúng nó. Bà đợi đấy.
Không biết tại sao tự dưng em thấy mình cứng rắn hẳn lên. Em nói : Con có biết mẹ chịu nhục nhã như vậy là vì ai không, vì con đấy. Em dồn luôn. Mẹ muốn con yên lòng nơi đất khách quê người, cố kiếm tiền mà quay về. Không có tiền thì thiên hạ người ta khinh rẻ, nhục nhã lắm, chỉ là phận rơm rác thôi. Chính mẹ là phận rơm rác chứ không phải ai khác.
Thằng con em đứng chết lặng, nhìn em trân trân như người mất hồn rồi nó ôm chầm lấy vai em, nó khóc. Khóc như một đứa trẻ. Con, con không ngờ. Con xin lỗi mẹ. Bao nỗi ê chề dường như đã trôi theo dòng nước mắt của con em.
Vừa lúc đó thằng chồng em ngật ngưỡng vào nhà không rõ là say rượu hay phê thuốc.
Con trai em, nó buông em ra, vào trong bếp rút một con dao nhọn. Nó quay ra đâm một nhát vào chiếc bàn gỗ giữa nhà, lưỡi dao cắm ngập đến tận chuôi.
Nó gầm lên, tôi báo cho ông biết, tôi sẽ hỏi tội lão Nghi, rồi tôi sẽ hỏi tội ông. Thằng chồng em mặt trắng bệch ra, đôi môi thâm sì mấp máy nói gì không rõ. Chắc hắn ta hiểu rõ mọi chuyện.
Thằng con em rút con dao ra nói, ông đi khỏi đây ngay, mẹ con tôi không còn dính líu gì đến ông nữa. Đất này của ông bà ngoại cho mẹ tôi. Đừng bao giờ ông đặt bàn chân bẩn thỉu đến đây nữa.
Thằng chồng em đi giật lùi, con em ném theo cái túi du lịch đựng quần áo cho bố nó.
Thế cô đã nói mọi chuyện về cô với anh Thông cho con cô nghe chưa? Minh hỏi. Em nói rồi. Cháu nói sao ?
Con em nói rằng nó sẽ đến tận nơi cảm ơn bác Thông. Nó còn nói thêm, con sẽ đón bác Thông về cho mẹ. Chị cảm thấy như mình vừa buột miệng lỡ lời, mặt đỏ bừng. Lát sau chị tiếp, hôm nay hai mẹ con em đã đến đây. May quá, anh Thông đã được chuyển đến phòng điều trị.
- Vâng. Cô với cháu vào đi.
Mấy ngày sau, dân cư ở con phố mới đã tận mắt nhìn thấy chiếc xe cứu thương chở ông bác sỹ Thông về lại nhà chị Thục. Hai mẹ con chị Thục đi sau chiếc cáng. Họ tíu tít đến thăm vẫn ẩn chứa sự tò mò. Ông bác sỹ Thông chỉ mới vượt qua được cơn nguy kịch. Ông chỉ mới chào mọi người và trả lời bằng mắt nhưng trên gương mặt ông đã sáng lên một nụ cười bình yên.
Cả chiều hôm ấy, cái sự kiện ấy trở thành tin thời sự nóng hổi của dân phố. Hình như họ bình luận về ông đã khác. Họ nhìn mối quan hệ giữa ông Thông và chị Thục có phần dè dặt hơn. Phải chăng có một tầng sâu trong cuộc đời mỗi con người không phải ai cũng nhìn thấy được. Dường như những tiếng xì xào của dân phố đã như một ngọn gió khác vừa mới thổi qua đây mấy hôm, một ngọn gió trái chiều.
Truyện ngắn. Lê Thế Thành
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...