Gió dưới giàn hoa lý
Truyện ngắn. Phan Đình Minh
Như bao buổi sáng, ông Đại dọn hàng sớm. Gió hắt chéo từ hồ nước thoáng đãng phía đầu đường ùa vào lùa mọi thứ bức bối chật chội của khu nhà tập thể tung đi đâu hết, nhường chỗ cho cái mát se se lấy từ hồ. Hàng nước ông Đại nép gọn vào góc tường cạnh cổng của khu nhà. Mấy dây thiên lý nhà ông thợ chữa xe đạp vươn xuống lắc lẻo chỗ ông Đại ngồi. Uống nước trà ở hàng ông Đại rồi lại được tận hưởng mùi hương của hoa thiên lý nữa thì thật là thư thái hiếm có.
Người đàn bà trạc ba mươi tuổi ngồi ở hàng ông Đại đã lâu. Chén trà ông Đại rót vẫn đầy sóng sánh. Không biết chị ta chờ ai? Mỗi lần có người qua lại chị lại thảng thốt nhìn lên, đôi mắt thất thần mệt mỏi lắm. Ông Đại không để ý. Ông vẫn ngồi lau ấm chén luôn tay.
-Thưa bác, ở trong khu ta có ai trông trẻ thuê?
Người đàn bà rụt rè hỏi ông lão.
- Có chứ, bây giờ ở đâu chả có người trông trẻ.
Ông Đại vừa làm vừa trả lời khó nhọc.
- Trẻ năm tuổi có... không bác?
- Năm tuổi thì đi mẫu giáo việc gì gửi tư cho tốn kém.
Người đàn bà thoắt cúi xuống vân vê quai túi xắc, thỉnh thoảng chị lại nhìn sang phía ông Đại như cân nhắc điều gì đó. Cứ như thế một lúc khá lâu rồi chị đứng dậy trả tiền và lên xe. Ông Đại cầm chén nước người khách không nhấp môi. Đuôi mắt ông nhíu lại. Chậm rãi đổ chén trà nguội vào cái xô nhựa đặt dưới gậm bàn, tráng nước lã, lấy khăn lau khô rồi úp vào khay. Hình ảnh người đàn bà đến hàng hỏi vài câu bâng quơ, không uống nước trà mà vẫn gọi chẳng để lại trong ông một điều gì cả.
Tuổi ông Đại đã ngoài sáu mươi. Xưa chiến tranh, ông là một trong những người mở con đường xuyên biển tiếp tế súng đạn, quân trang quân dụng cho miền Nam. Khi ông bị thương rồi xuất ngũ, quân hàm mới vừa thượng sĩ. Vợ ông là bà Hảo. Hai người được mỗi một mình cái Thúy. Lớn lên nó học trung cấp tài chính, sau đó vào tận Lâm Đồng công tác và lấy chồng ở hẳn trong ấy. Bà Hảo vào thăm đứa cháu ngoại mới sinh về đến nhà thì lâm bệnh rồi qua đời. Ông Đại giờ ở một mình ngoài này mặc dù cô con gái mấy lần đề đạt muốn đón cha vào phụng dưỡng. Nó đâu biết, ông còn canh cánh về phần mộ của mẹ nó. Đi thì ai nhang khói. Giờ, sinh hoạt chẳng tốn kém gì, trợ cấp mất sức cộng với tiền rút ra từ quyển sổ tiết kiệm bà vợ để lại, ông Đại sống tàm tạm. Kể ra không cần phải mở hàng nước bán nhưng ông muốn mượn chén trà cho có bạn, để thổ lộ nỗi lòng vì sự cô đơn cứ hun hút ngày tháng.
Hôm sau, người đàn bà lại đến. Chị khẽ chào ông Đại mà âm thanh chỉ phát bung búng trong miệng. Ông Đại gật đầu rồi thủng thẳng:
- Nếu có uống nước thì hẵng gọi, không, rót rồi bỏ phí.
- Cho con xin một chén.
Ông Đại sững người. “Nghe giống giọng con gái ông thế không biết!”. Khách ăn phở ở quán bà Bằng đã xong, ầm ào ngồi cả xuống hàng nước trà của ông Đại. Người đàn bà ý tứ ngồi dịch sang một bên. Ông Đại bị cuốn theo câu chuyện của mấy ông khách lạ. Cái thú nhất trong ngày của ông là lúc này. Khi tốp khách đứng dậy trả tiền, ông Đại mới để ý tới người đàn bà. Chị ta vẫn ngồi vân vê quai túi xắc, còn chén nước trà thì đã cạn lúc nào.
- Chị dùng nữa tôi rót?
Giọng ông trầm xuống, như ý hỏi điều gì.
- Dạ. Con cảm ơn.
Ngồi thêm một lúc và vẫn không nói câu nào, người đàn bà lại đứng dậy ra đi như lần trước. Ông Đại tần ngần nhìn theo. “Sao dáng người chị này cũng giống cái Thúy thế”.
Bẵng đi vài ngày, hôm nay người đàn bà lại đến. Chị khẽ chào ông Đại, rồi mạnh dạn:
- Thấy ông phúc hậu. Con muốn nhờ một việc.
Mấy ngón tay run run rịn giọt mồ hôi cứ miết mãi vào chiếc quai túi, mặt chị bỗng cúi gằm. Chị nói nhanh, cứ như muốn chạy trốn trước ông lão chạc tuổi bố mình.
- Nó là sự đau khổ của con. Con có tội với nó nhưng đành phải xa một thời gian. Khi nào trở về, con sẽ đón nó lại.
Hai vai người phụ nữ rung lên.
- Bình tĩnh, cháu muốn nhờ gì?
Ông Đại cầm cái quạt giấy phẩy phẩy nhẹ vào vai người đàn bà.
- Con nhờ gửi giúp cháu, cái Quy. Xin ông đừng hỏi tại sao con lại làm thế.
Người phụ nữ nấc lên lần nữa. Ông Đại chạnh lòng, ông bỗng liên tưởng nếu một ngày con gái ông cũng ngồi ở đâu đó, cũng khóc như mưa như gió và nói với ai đó xin gửi con nó với thái độ như lìa bỏ thế này. Ông thoắt rùng mình...
Nhà chị Ngọc ở cùng dãy với nhà ông Đại. Chị treo một cái biển trông giữ xe đạp, chữ viết nguệch ngoạc. Rồi chị trông thêm đám trẻ con trong khu tập thể. Phố bên cạnh, ai nói khó chị cũng nhận. Vất vả nhất là trông con nhà Bớt dãy trong và thằng Quốc (mọi người gọi là cuốc lủi) con cô Tân ở gác tư. Chị Ngọc nghỉ hưu non đã được gần mười năm rồi. Thằng Dương con chị hiện đang học Đại học Nông nghiệp khoa Trồng trọt. Chẳng biết ai hướng nghiệp cho thằng bé mà nó say đắm cái nghề vốn dĩ chưa hề biết một tí gì cả. Ngày học hết lớp mười hai, bố nó khuyên thế nào nó cũng không chịu, cứ nằng nặc xin cho thi vào trường Nông nghiệp. Anh Trung trước sau vẫn khăng khăng một điều, dù thời bình hay thời chiến bao giờ cũng: “nhất sỹ nhì nông chứ không thể nhất nông được”. Thật may cu cậu đỗ cao, chỉ thua anh chàng thủ khoa có nửa điểm. Thế là yên ổn.
- Thôi được rồi, thế nó bao nhiêu tuổi? Giờ ở đâu? Định gửi bao nhiêu lâu?
Ông Đại gấp gáp hỏi người đàn bà mà như hỏi con gái mình.
- Cháu năm tuổi nhưng nó còi bé lắm, cũng bởi không được chăm sóc tử tế. Có thể vài tháng, con sẽ về đón cháu mà.
Chị ta nói vội và không dám nhìn ông Đại.
Cơn mưa rào lúc tang tảng sáng làm cây cối như vừa được tắm gội. Mặt đường nhựa loáng bóng nước, thỉnh thoảng vài ba chiếc ôtô chạy qua rẹt rẹt. Giàn hoa thiên lý nhà ông thợ sửa xe đạp gặp mưa, dây nào dây ấy cứ mơn mởn.
Con bé giống mẹ y đặt, cũng có cái mũi thẳng, cao, cặp mắt vẽ lúc nào cũng ngấn nước. Nó cất tiếng chào ông Đại rồi cúi mặt. Trán ông Đại nhăn lại. Ông Đại đưa hai mẹ con con bé vào nhà chị Ngọc. Chị Ngọc ra tận cửa đón. Khi đã ngồi yên vị, mẹ con bé cất giọng như cầu khẩn:
- Chị trông cháu hộ em, em bận làm ăn xa, mọi điều em đã nói hết với ông Đại đây. Tiền công em gửi chị luôn ba tháng. Cháu nó gầy còm nhưng được cái không ốm vặt. Đồ dùng, quần áo cháu đủ cả, chị không phải lo gì.
- Cứ yên tâm, có gì chị sẽ bảo bác Đại. Chủ nhật, theo chị em nên đón cháu, làm ăn thì cũng phải dành thời gian cho con chứ. Chúng cần hơi ấm của mẹ như cần không khí ấy.
- Thôi, con ở với bác, ngoan mẹ thương, bữa nào mẹ sẽ mua nhiều quà cho. Mà từ hôm qua, con chưa trả lời mẹ về cô Hoạt đấy...
Nói chưa hết câu, Thoa (tên người phụ nữ) ôm chặt con Quy vào lòng, nấc từng chập. Chị Ngọc cười hì hì cố khỏa đi sự xúc động của hai mẹ con.
- Sao phải khóc, cứ yên tâm, không chừng tuần sau về, em thấy con béo ra. Nhà này đang thiếu con gái, bác Trung cưng phải biết.
Những lời nói vô tình, như khứa vào lòng mẹ con Còm. Chị buông nó rồi bước vội ra cửa, đi thẳng, quên cả chào ông Đại. Con Còm nhìn mẹ nó khuất hút sau bức tường góc cổng. Nó sựng người, oà khóc. Được vài khắc thì nó nín, chỉ thấy run run thổn thức. Xong, nó dựa lưng vào cái tường nhà mốc hoen từ từ truội người ngồi xuống. Khuôn mặt nó mệt mỏi, xanh xao quá. Cứ thế, con Còm lặng ngồi nhìn mãi con mèo nhà chị Ngọc đang nằm gọn trên miếng giẻ lau. Bầu trời bên ngoài sầm tối. Không gian như bị xé toang bởi tiếng còi tầu từ đâu vọng tới.
Ông Đại nghỉ bán hàng từ sớm. Ông về nhà rồi lên giường đi nằm. Ông cứ phân vân không biết việc làm ban sáng có đúng không? Con Còm bị mẹ nó bỏ không còn nghi ngờ gì nữa. Có điều, nếu mà xua đuổi người phụ nữ kia thì số phận con Còm chẳng biết sẽ thế nào. Mẹ nó dứt nó mà như lìa bỏ ấy. Ngẫm ngợi một lúc lâu, ông Đại thoắt ngồi dậy đi ra khỏi nhà. Ông rón rén nép vào cửa sổ của nhà chị Ngọc. Như một tên ăn trộm. Chắc ai trong khu mà bắt gặp ông lúc này thì người đó sẽ tá hỏa tam tinh vì một người đáng trọng như ông Đại sao lại đang làm cái việc lén lén lút lút khó hiểu như vậy. Ông Đại thấy trong nhà, con bé Còm đang ngồi trên chiếc ghế đi văng. Nó cứ mở to mắt nhìn anh Trung nói, thỉnh thoảng nó lại nghển cổ ngó ngó cái ống chân dài nguềnh chưa có bắp của thằng Dương bỏ thõng xuống cái cửa chui lọt một thân người lên gác xép.
- Quy sẽ là cục cưng của anh Dương nhỉ. Quy thật là xinh, xinh hơn chị Thủy Ly nhà chú Tài nhiều. Hôm nào chị Thủy Ly ở quê lên, bác sẽ giới thiệu. Chị Thủy Ly vẽ giỏi lắm nhé, chị sẽ dậy bé Quy vẽ hình của bố này, của mẹ này.
Anh Trung cứ nựng nó mãi mà không để ý cái huých chân của chị Ngọc. Tuy mẹ nó không nói nhưng chị Ngọc đoán con Còm này không có bố. Anh Trung chẳng biết gì cả. Thì anh cũng thường nựng thằng Mic, thằng Lâm cả cái Bống con chị Mỹ Toe. Đứa nào được chị Ngọc trông, anh Trung cũng quý và đều nựng chúng như thế cả. Cái Còm cứ trố mắt nhìn anh Trung. Nó không hiểu, những lời đó chẳng đến được tai nó mà như chảy xuống đầu, tượt qua làn tóc tơ truội xuống đôi vai bé nhỏ và biến đi đâu mất. Con bé vô cảm, không dễ buồn tủi mà cũng không dễ xúc động trước những gì người đời dành cho. Ông Đại không dám ghé mắt nhìn thêm nữa. Ông nén lồng ngực để làn hơi bên trong từ từ xuội ra. Ông không muốn để ai nghe thấy ông thở dài hay ông không muốn cả chính mình biết! Cơn gió buổi tối mùa hè ngoằn nghèo luồn qua mấy cái ngách nhà tràn ra khoảng sân kề bên cửa sổ nhà chị Ngọc. Thoang thoảng mùi hương của hoa thiên lý nhà ông chữa xe đạp. Ông Đại nghển nghển cổ như cố hớp mùi hoa lý cho dịu lồng ngực đang có ngọn lửa ở bên trong. Trên gác ba, eo ẻo giọng nữ thuyết minh bộ phim video “Mối tình Thượng Hải” nghe nhão nhoẹt.
Nhà con Thủy Ly cũng ở cuối dãy này. Nó học lớp ba rồi. Bố mẹ nó chỉ có mỗi nó. So với mấy đứa cùng lứa, con Thủy Ly lớn hơn nhiều, đã đứng đến vai mẹ. Ở nhà, không lúc nào thấy con bé Thủy Ly rảnh rang. Nào học vẽ thứ bảy, học đàn vào thứ ba còn chủ nhật thì học thêm ngoại ngữ. Nếu tính sức lực bỏ ra của con trẻ bây giờ dành cho sự học và các hướng nghiệp của bố, của mẹ có khi cả hướng nghiệp “bạn của dì” thì còn hơn người lớn! Con Thủy Ly được nhiều thứ đồ chơi, nó có một gia đình gấu bông, gấu bố, gấu mẹ gấu con, nó có một gia đình gà, gà mẹ, gà bố, gà con. Con Thủy Ly còn có một bộ đồ chơi khám bệnh, gồm đủ ống nghe, cặp nhiệt độ. Con Còm thèm mấy thứ đồ chơi của chị Thủy Ly, đêm ngủ nó thường thấy mấy chú gà, chú gấu cả bé búp bê Mary bay lượn trong giấc mơ nhỏ nhoi, làm lúc tỉnh dậy cái Còm tiếc ngơ ngẩn.
- Còm thích gì chị cho.
Một hôm con Thủy Ly nói - rồi ghé sát vào tai con Còm:
- Mấy thứ này là của chị, em cứ lấy đi. Hôm qua chị xin phép mẹ rồi. Chị cho Quy chú gấu này, hay con gà choai anh cả?
Con Còm lắc đầu. Mắt nó nhìn xa xăm, buồn.
- Em không lấy đâu, để chúng ở nhà.
Con Thủy Ly làm sao mà hiểu được sự trống vắng, không gia đình của con Còm lúc này. Con Còm sợ cái cô đơn của nó sẽ lây sang cả gấu em hay gà anh!
Buổi sáng, con bé Còm thơ thẩn ra cổng sắt của khu nhà tập thể. Nó ngóng ra đường cái, nhìn hàng trăm, hàng trăm người qua lại xem có ai giống mẹ nó. Nó biết giờ mẹ đang ở xa lắm, không về được với nó. Con Còm khẽ khàng nâng lên một chùm hoa thiên lý rụng. Những cánh hoa như những con chuồn chuồn kim mỏng mảnh bé tí xíu. Chùm hoa trắng ngần, con Còm đặt nhẹ vào lòng bàn tay bé bỏng. Nó nâng niu như sợ đau mấy cánh hoa. Thằng bé to béo như em chã (nhân vật trong phim Số Đỏ) lừ lừ tiến đến. Nó vươn cánh tay mập mạp cướp chùm hoa lý con Còm đang cầm. Con bé giật mình đứng sựng. Những cánh hoa bị thằng bé bóp vụn tả tơi. Mặt thằng em chã nhăn lại. Nó nhe mấy chiếc răng sún. Mắt hấp háy nhìn con Còm giễu cợt. Con Còm đứng chết lặng. Bỗng người con Còm gồng lên, run rẩy. Nó rít lên mấy tiếng như tiếng sói con. Nó xông vào thằng bé lớn gấp ba mình. Chỉ một cái ẩy nhẹ của thằng em chã con Còm đã bị ngã văng vào cổng sắt. Đầu con bé đập vào mấy cái chấn song sưng vù, máu rịn ra. Con Còm mắt vẫn ráo hoảnh. Nó gườm gườm nhìn thằng béo trước mặt rồi bất ngờ lao cả người vào bụng thằng bé. Thằng bé béo phục phịch ngã soài, giẫy đành đạch, khóc loa lên. Bố mẹ nó ở góc khuất ngôi nhà bên cạnh nghe tiếng kêu nhao vội đến. Mẹ thằng béo giậm chân bành bách, xỉa xói chửi bới cái Còm. Còn bố thằng em chã cứ mải phủi phủi quần áo, rồi nựng thằng con mà không để ý đến con bé gầy guộc đang lồm cồm bên cạnh. Bố thằng béo đoán hết mọi chuyện. Ông ta biết tính ngỗ ngược của thằng con. Máu ở trên đầu con Còm rịn ra đau buốt. Con bé một tay bưng vết thương một tay cầm mấy bông hoa lý rụng, từ từ đứng lên đi về nhà. Lúc đó ông Đại mới lạch xạch trên tay mấy chiếc ghế nhựa từ trong đi ra. Ông ôm cái Còm vào lòng rồi dúm dúm tí thuốc lào rịt vào chỗ đau cho nó.
Người đàn ông dắt vội thằng em chã xuống đường, trèo lên một chiếc ôtô. Khi chiếc xe gần chạy, ông ta lại lật đật bước xuống, rút ví để lên mặt bàn nước ông Đại một tờ giấy bạc mầu xanh. Một cơn gió nhẹ bỗng thổi qua làm tờ tiền lật nghiêng rơi xuống chậu nước tráng rửa ấm chén dưới đất.
Ông Đại vừa rịt tí thuốc lào vào vết thương vừa nói với con bé Còm.
- Sao sớm thế mà con đã ra đây đứng?
Con Còm cúi xuống, giọng nó run run không ra tiếng:
- Con, nhớ mẹ.
- Ừ, ông biết. Thôi, con vào nhà, rồi ông tính.
Ông Đại quay đi. Khóe mắt ông rịn ra hai giọt nước. Ông Đại lại thấy bức bối, cảm giác trong ngực như có ngọn lửa dâng lên.
Đã hơn nửa năm qua rồi, mẹ con Còm bặt vô âm tín. Ông Đại chẳng dám nói điều gì với vợ chồng chị Ngọc. Thỉnh thoảng đi qua khung cửa sổ vàng vàng bên trong ép lưới sắt, ông Đại cố nín thở lắng nghe xem trong nhà có chuyện. Và cái ngày chị Ngọc anh Trung đay nghiến nhau cũng đến tai ông. Bây giờ, cả nhà mới biết đích xác mẹ con Còm bỏ nó. Phần vì nể ông Đại, biết ông cũng vì cái tình. Phần sợ con trẻ mủi lòng vợ chồng chị Ngọc bên ngoài vẫn phải vui coi như không có chuyện gì xảy ra, nhưng bên trong thì như củ khoai hà, vô cớ là trách cứ nhau, đến khổ. Ai giữ trẻ lấy tiền lại muốn nuôi luôn trẻ bao giờ? Thật không biết làm sao.
Thằng Dương tốt nghiệp xong, nhà trường điều về Cửa Ông công tác. Thật ngẫu nhiên quê nội nó cũng ở Cửa Ông. Anh Trung cũng mới có quyết định nghỉ hưu. Anh định sẽ về quê sinh sống. Ở nhà dinh cơ, vườn cây có, ao cá có. Lâu nay gửi chú em họ trông nom. Năm ngoái anh lại nhờ “bỏ” thêm cá giống. Mười cây nhãn mới bói, vườn rộng hàng sào đất, mùa nào thức ấy. Cuộc sống ở quê thực sự là thiên đường mong ước của cả nhà. Việc nhựơng căn nhà tập thể, xuống dưới Cửa Ông càng sớm càng tốt ai cũng thấy như hiện ra trước mắt. Nhưng giờ còn con Còm? Ông Đại hiểu mọi điều, bụng dạ ông cứ rối bời. Nhận được thư con gái báo tin, cháu ngoại ông đạt giải nhì thi toán toàn tỉnh. Vườn cà phê nhà nó năm nay trúng to, thu nhập hơn trăm triệu chỉ làm ông vui được nửa ngày.
Bẵng đi vài hôm không thấy hàng nước ông Đại mở. Ông lật đật đi đâu từ sáng đến tối mới về. Thế rồi một ngày, ông Đại quyết định sang nhà chị Ngọc.
- Tôi xin lỗi anh chị. Thực tình đâu biết cơ sự thế này. Mấy ngày nay tôi mới rõ... cũng tội cho mẹ con Còm. Anh chị cứ về quê đi, để nó tôi trông. Chị Ngọc không phải lo lắng gì cả.
Ông Đại tránh nhìn vào mặt anh Trung. Ông cứ ngước cặp mắt kèm nhèm lên cửa sổ nhà ai ở gác ba. Bếp than tổ ong trên đó ai dóm khói um ùm làm táp cả mấy cây hoa giấy của nhà bên cạnh.
Ông Đại nói vội, nhưng trong lòng dường lại sợ mọi người nghe thấy: Mới lại, hơn tháng nữa mẹ nó sẽ ở nước ngoài về.
Anh Trung đưa tay nắm nắm mãi tay ông Đại ra chiều thông cảm.
Năm ngày sau con Còm sang ở với ông Đại. Hôm chia tay chị Ngọc anh Trung về quê thật là quyến luyến. Chị Ngọc cứ ôm con Còm vào lòng không muốn rời xa nó.
- Con sang ở với ông Đại, vài bữa nữa có việc bác lên. Tối đi ngủ nhớ đánh răng. Quanh quẩn ở nhà chơi thôi, đừng ra cổng nhiều lỡ lại gặp thằng em chã... Tháng sáu này nếu mẹ chưa về bác sẽ xin phép ông Đại đón con xuống Cửa Ông.
Chị dúi vào tay nó con lợn nhựa. Con lợn đựng mấy chục ngàn tiền mừng tuổi tết vừa rồi. Tối nào con Còm cũng ôm con lợn, lâu thành quen, không có con lợn nhựa bên cạnh là nó trằn trọc không sao ngủ được. Thế là hai ông cháu lụi cụi ở với nhau từ hôm ấy. Bữa cơm hàng ngày của ông Đại có thêm quả trứng, khi con cá bống kho, không như trước vài hột lạc rang bỏ nước mắm cũng xong. Tối tối ông Đại thường kể chuyện cổ tích cho con bé nghe, chuyện nào ông kể cũng có cái Còm... Thời gian kẽo kẹt trôi. Bốn tháng sau ông Đại thấy mình kém ngủ, nhiều lúc mệt giấc, rồi tức ngực đau như xé bên trong. Bệnh viện nói ông bị ung thư phổi thời kỳ cuối rồi. Căn bệnh ác nghiệt hành hạ ông đêm ngày. Có lẽ ông chẳng còn sống là bao. Ông Đại nghĩ, sống chết là lẽ thường, cưỡng cũng không được và ông biết ngày gặp bà vợ chẳng còn bao xa.
Một hôm, đường đột thấy chị Ngọc lên. Chị bước vào nhà rồi ngồi xuống cạnh giường bệnh của ông Đại. Sau khi thăm hỏi bệnh tình của ông cụ. Chị Ngọc ngập ngừng:
- Con lên thăm ông ốm và cũng muốn thưa với ông. Cũng là chuyện con Quy thôi - Chị Ngọc dừng lại một lúc khá lâu rồi nói mạch lạc: Từ hôm về dưới Cửa Ông, mọi chuyện gia đình con đều thuận lợi, nhất là việc công tác của thằng Dương. Nhưng có điều, anh Trung cứ buồn rượi. Nhiều bữa bỏ cơm. Anh ấy nhớ con Quy. Thôi thì không là máu mủ nhưng con Còm cũng gắn bó với gia đình nhà con. Anh Trung khấn khoái bảo lần này lên xin ông cho con Quy xuống ở hẳn với vợ chồng con. Cân nhắc mãi con mới dám thưa chuyện, xin ông thông cảm. Cặp mắt kèm nhèm của ông Đại bỗng ánh lên những tia sáng. Ông nặng nhọc cất từng lời với chị Ngọc như trao gửi niềm tâm sự. “Nghe chị nói tôi cũng yên tâm, vơi nhẹ trong lòng. Nếu không, chắc tôi... Mẹ con Quy ấy, chẳng biết đến bao giờ mới về nước. Bữa nọ tôi lại nói dối chị. Tôi đoán mẹ con Quy cũng như gã đàn ông bố nó, họ đã hy sinh con bé vì những đứa con kia. Họ cố quên con bé Còm tội nghiệp để giữ cuộc sống bình yên”.
Ông Đại như vận hết sức để làm nốt công việc cuối cùng là nói với chị Ngọc sự thật.
... Hai vợ chồng Thoa có cửa hàng kinh doanh ở nước ngoài. Mấy năm nay người qua lại nhiều, các mối hàng chuyển sang đều bán được. Chồng của Thoa vốn giỏi giang quê ở Hải Phòng, nhà ba đời trên phố. Cái gien buôn bán vốn dĩ đã ngấm vào trong máu. Một năm lao tâm khổ tứ ở xứ người anh có thể kiếm ra tiền tỷ. Thoa thì núp bóng cây tùng. Chị sợ chồng và kính nể anh. Hiềm một nỗi anh rất là gia trưởng. Đã từ lâu chị có thói quen phục tùng, phục tùng đến cả ý nghĩ của anh. Một năm, đột xuất, chồng sai Thoa về nước điều hành mối hàng để gửi đi. Trời xui khiến sao, cô phải lòng rồi có chửa với một gã chủ salon ôtô cũng đã có gia đình. Cái Quy là kết quả của mối tình. Nó sinh ra không hề ai biết ngoài cô bạn cùng buôn bán tên là Hoạt và người đàn ông chăn gối với Thoa. Gã ta thì đã trốn tránh trách nhiệm và phó mặc mọi điều tự cô. Khi cái Quy được bốn tháng tuổi, Thoa phải ra nước ngoài gấp theo lệnh của chồng. Thế là đứa con lầm lỡ phải gửi lại trong nước cho chị bạn nuôi. Cái Quy lớn lên trong sự ghẻ lạnh, nuôi nấng được chăng hay chớ. Lợi dụng hoàn cảnh. Chị bạn con chấy cắn đôi của Thoa ra sức làm tiền. Chị ta giữ gìn sự tồn tại của con bé Quy như một vật báu trong nhà hòng duy trì nguồn lợi đều đều hàng tháng bốn năm trăm đôla Thoa giấu chồng gửi về. Con Quy lớn lên trong roi vọt và khi cái biết định hình trong đầu, thì nó được an ủi thêm bởi những cú điện thoại về đêm mẹ ở bên kia gọi vụng về. Ngẫu nhiên Thoa phát hiện cô bạn vàng hành hạ con mình và chỉ lợi dụng hoàn cảnh trớ trêu... Lại nói dối chồng về nước chuyển mộ cho bố đẻ. Thoa đón con ra khỏi cái hang sói, chấm dứt số phận chim mồi ê chề của con Còm. Đến một ngày cuối tháng tư khi những cơn mưa rào chợt đến rồi đi. Những chùm hoa phượng vĩ đầu mùa đỏ sớm, lũ trẻ con đang hối hả đến trường để kết thúc năm học thì mẹ cái Quy đành cất bước đưa chân đưa con đến hàng nước trà cạnh giàn hoa thiên lý của ông già.
Câu chuyện về con Còm ông Đại kể mấy lần mới hết.
Cả buổi sáng trôi qua. Chị Ngọc thấy như có một đoàn tàu đang rình rịch chạy trong đầu. Trái tim chị đập loạn nhịp đi.
Mặt ông Đại trắng bệch. Ông thở khó nhọc, ngắt quãng. Ông không còn hơi sức để nói thêm được nữa. Con Còm vừa sang bên hàng xóm chơi, về thấy bác Ngọc, nó mừng quýnh, ngồi sát người vào chị. Nó không hiểu và không chú ý những gì ông Đại kể. “Người lớn sao mà lắm điều nói với nhau thế?!”.
Ông Đại giấu bệnh tật mình với cô con gái trong Lâm Đồng. Sợ ảnh hưởng dịp dạy cuối kỳ của Thúy. Rồi cách đây một tháng thấy ruột gan nóng rát, cô con gái xin nghỉ mấy ngày về thăm cha. May, còn kịp. Cô cứ khóc vụng, ân hận không chăm sóc được nhiều cho cha khi bệnh tình ông Đại đã như cơn gió cuối mùa.
Hai cánh tay ông Đại giơ lên cố xoa xoa tấm lưng bé bỏng của cái Quy. Hướng ánh mắt lờ mờ, ông Đại bảo con gái cầm con lợn nhựa để trong ngăn kính tủ ly ra. Con lợn nhựa cầm nặng tay. Lọc ọc toàn tiền lẻ. Ông Đại nhớ, ông đút vào cho con Còm được một trăm mười sáu nghìn rồi. Chị Thúy cầm con lợn nhựa đưa cho con bé. Đầu ông Đại gật gật khó nhọc. Ông Đại đẩy đẩy con Còm lại phía chị Ngọc. Cái miệng vốn thường tóp lại của ông trệu trệu thật là khó nhọc:
“Chị biết không. Tháng trước vô tình tôi gặp cậu lái xe cho người đàn ông để lại tờ tiền ngày nọ, tôi mới biết. Còn cái thằng béo, thằng em chã, đấy...”.
Mắt ông lão bán nước trà nhắm nghiền, bàn tay ông run run toát những giọt mồ hôi lạnh. Những câu cuối cùng ông nói nghe như tiếng gió...
Ở chơi đến chiều thì chị Ngọc phải ra xe về Cửa Ông. Ông Đại cố dướn người nhìn theo hai bác cháu. Con Còm cứ giơ tay vẫy vẫy ông Đại. Đến lúc những bước chân lật bật con Còm khuất hút ở mé cổng sắt ông Đại mới khó nhọc ngả người xuống giường. Ông Đại thấy lòng mình đang nhẹ nhàng, ấm ấm.
Hai ngày sau thì ông mất.
***
Giàn hoa thiên lý nhà ông thợ sửa xe đạp độ này xanh mơn mởn. Gần năm nay vắng bóng ông Đại, ông thợ sửa xe đạp trông buồn hẳn. Cái vườn nhỏ của ông có thêm chậu hoa trồng khóm huệ để sát chỗ ông Đại ngồi mọi khi. Hôm nào tưới cây, ông cũng đều bắt đầu từ khóm huệ này.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...