Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:03 (GMT +7)

Gió đồng làng Am

Trích tiểu thuyết của Ngọc Thị Kẹo

Nếu ai bảo người nông dân sau khi gặt hái xong, thóc khô đã nằm gọn ghẽ trong bồ, trong cót, rơm rạ đã lên đống trong vườn là hết việc của một năm thì người đó chưa hiểu hết về họ chút nào!

Họ nhiều việc lắm, làm oằn lưng quanh năm suốt tháng cũng chẳng bao giờ hết việc. Cánh đồng sau khi đã được dọn sạch hàng ty tỷ cây lúa đem về làng, chỉ còn trơ lại những chân rạ ngắn còn khoảng dăm ba phân, được giữ lại bởi những chùm rễ bám chắc xuống đất thì việc cày vỡ để chuẩn bị cho mùa sau mới lại bắt đầu!

Cánh đồng lại xôn xao, những con trâu, con bò sau hàng nửa tháng được ăn rơm mới ngọt thơm và những bờ cỏ non rờn bị mấy tháng khuất lấp bởi những ruộng lúa, nay chúng béo núc, đứng ngoan ngoãn cho các ông chủ đóng ách, lắp vai chuẩn bị xuống đồng cày lên những đường cày mới.

Những tiếng "vặt, diệt" điều khiển trâu, bò của các lão nông cứ xen kẽ nhau làm cho cánh đồng bừng thức, tỉnh táo, sung mãn, khoe ra những lớp đất màu mỡ chứa đầy phù sa của con sông Cầu.

Tuy nhiên, bản chất của người nông dân chẳng bao giờ phụ công những gì đã đem lại ấm no cho họ, ngoài lớp phù sa thiên nhiên vô tư đem lại cho cánh đồng thì người nông dân còn chăm bón thêm cho nó, họ tận dụng tất cả các nguồn phân lợn, phân trâu bò... ủ mục, gánh ra vãi đều lên mặt ruộng, vừa sạch làng, vừa làm cho đất đai của cánh đồng càng thêm màu mỡ.

Non trưa, họ gọi nhau cùng giải lao, để nguyên những con trâu ở dưới ruộng trong tư thế đứng im không phải kéo cày, chúng tranh thủ ợ một ít cỏ trong dạ dày lên miệng để nhai lại cho đỡ phí công đứng nghỉ, còn chủ của chúng tập trung ngồi vào góc ruộng nhà tay Phẩm. Thằng cha đi cày sớm hơn mọi người nên thửa ruộng nhà hắn chỉ còn già một nửa, ba gói thuốc lào của nhà các ông nào chẳng biết đã thành của chung cho cả nhóm. Tay Vĩnh không có thuốc nên cười cười rút ra từ túi áo nâu nắm đóm tre ngâm, góp vào nhóm, hắn để cạnh cái điếu cày có khắc hình “con thằn lằn” ở thân điếu của ông Bùng. Thực ra, là ông Bùng muốn khắc con rồng, ông cởi trần hì hục suốt ba buổi trưa và mất toi ba cái tầm điếu bị hỏng, đến cái thứ tư mới thành công nhưng thành quả nó lại giống mấy loài con, sửa đi sửa lại, cuối cùng nó cũng gần giống con thằn lằn. Thế nên, có người dí dỏm hỏi ông:

- Ông khắc con giun hay con rắn có chân đây?

Để giữ thể diện, ông bảo:

- Tôi thích khắc con thằn lằn vì nó gần gũi với đời sống của con người mình hơn!

Lão Găng gãi gãi vào hai bắp chân đen như hai cục sắt bĩu môi:

- Thà ông cứ nói mẹ nó ra rằng mình không có tài cho nó xong, thằng chó nào chẳng thích khắc con rồng hơn con thằn lằn!

Tay Vĩnh đón cái điếu từ tay lão Thọ, vừa nạp thuốc vừa phân bua:

- Nhà em hết thuốc từ hôm qua, phải sang xin nhà ông Chắt một nhúm, chia ra được sáu điếu, hút vừa hết, sáng nay mới bảo mẹ nó đi chợ mua, đến trưa mới về, chẳng biết có nhớ không, hay lại chỉ mua thức ăn rồi về thì chết em. Năm ngày mới có hai phiên chợ.

Lão Găng vê vê điếu thuốc bằng ngón tay cái và ngón tay giữa, đón đợi cho tay Vĩnh hút xong thì đến lượt mình, lão lại bĩu môi liếc ngang sang nhìn Vĩnh, giọng kẻ cả:

- Nhưng mà dặn vợ vào lúc nà…ào? Các bà ấy thì dặn vào lúc nào cũng nhớ, riêng dặn vào cái lúc đang "ấy" thì coi như chưa dặn!

Nói xong lão vừa đón cái điếu từ tay Vĩnh vừa xỉa đám răng "9-6-3-0" tối om lên trời cười khầng khậc, tay vẫn cầm cái đóm đưa cho ông Phẩm.

Tay Vĩnh thật thà:

- Không! Em dặn sáng nay, em làm chuyện ấy từ đêm cơ!

Cả tốp phá lên cười, lão Găng sặc thuốc, cười nôn ra khói.

Lão Bùng bồi thêm để trêu tay Vĩnh:

- Sao chú ngốc thế! Cái khoản ấy dư vị nó đeo bám các bà ấy đến suốt ngày hôm sau ấy chứ lị, có nhiều bà quên lời dặn của chồng cho đến tận lúc "ấy" lần sau vẫn chưa nhớ được đấy!

Lão Găng bật bật cái đóm cười khinh thường:

- Đèo mẹ! Ông nói thế thì các bà ấy thành các hòn đất à? Chưa kịp nhớ thì lại "bồi" thêm lần mới, để rồi lại "tiếp" một lần mới nữa, liên tiếp nhau thì còn thời gian đếch nào nữa mà để nhớ, thằng Vĩnh nó tin chứ tôi thì còn lâu, nhá! Vợ tôi đẻ 7 năm, 7 lần, được cả 7 đứa kia, mà có quên bao giờ đâu , tối qua sắp đi ngủ bà ấy còn nhắc tôi:

- Đêm hôm kia còn được 3 lần, đêm qua được có 2, tháng này thua tháng trước đấy, tôi giật mình, thế là sáng nay trước khi đi cày tôi phải làm đúp một cái nữa để đền bù thiệt hại cho bà ấy đấy, hớ …hớ… hớ ... đấy, các bà ấy chẳng bao giờ quên cái gì đâu!

Phẩm tròn mắt nhìn lão Găng nói, nửa tin nửa ngờ rồi nói giọng tiếc rẻ:

- Thật không? Chẳng bù cho con mẹ nhà em, trốn chồng như chạch, hàng tuần mới sờ đến mà còn ngấm nguýt dấm dẳn chán rồi mới cho, nằm cạnh vợ lắm lúc tưởng nằm cạnh khúc gỗ!

- Tại vì ông không có bài, thế thôi! Không phải cái gì nó cũng bày sẵn ra cho ông ăn, nhá! Nói trắng ra như thế cho nó có tuần tự, hiểu không?

Phẩm thắc mắc:

-Chuyện ấy mà cũng phải có bài à? Nó thế nào?

Mấy ông cùng phá lên cười, lão Găng được đà quay sang Phẩm:

-Cái gì cũng phải có bài hết, nhỏ như con gà, gà trống muốn phủ gà mái nó cũng phải có bài đấy, không nghe các cụ truyền lại cho à?

Phẩm cự lại:

-Ông nói phét, tôi chứng kiến gà phủ nhau đến toét cả mắt ra mà có thấy chúng có bài gì đâu? Cụ nào truyền lại?

Tất cả lại cười.

Lão Găng hứng chí, ngửa cổ cười, hai chiếc răng cửa đã gẫy làm cho miệng lão nhìn sâu hoẳm, đen xì, một tay lão rót nước, bàn tay kia giơ ra trước mặt Phẩm như muốn bảo hãy từ từ nghe đây, uống xong chén nước, lão thong thả:

-Khổ, hết mẹ nó đời rồi mà vẫn chưa biết nịnh vợ ư? Đây này, khi con gà trống nó muốn gà mái, nó phải hỏi cho chắc đã, nó vươn cổ, vỗ cánh, dõng dạc hỏi: “ò ó o… o... dịch ra tiếng người tức là: Gà mái có nhà khơ… ông?, và giống cái bao giờ chẳng mau mồm, liền trả lời: Coóc coóc coóc coóc... dịch ra tiếng người tức là có có có có, rồi các chị chạy đến xem ai hỏi mình.

Các ông cười sặc sụa:

-Ừ, nghĩ kỹ thì đúng thế đấy nhỉ, rồi sau thế nào?

Lão Găng khoái chí nói tiếp:

-Được miếng mồi nào thì anh chàng gà trống chén hết rồi còn đâu, nên nó nghĩ ra cách là mổ một hạt sạn, nó mổ lên đặt xuống liên tục nhanh như làm trò ảo thuật rồi mồm luyến thoắng: “Ò óc, ò óc, ò óc… dịch ra tiếng người tức là: Ồ thóc, ồ thóc, ồ thóc.

Các bố lại được một trận cười mặc cho tay Phẩm nhìn như dính mắt vào mồm lão Găng, một người giục:

-Sao tôi đếch để ý chuyện ấy nhỉ, sau làm sao hả ông?

Lão Găng im một lúc lâu để tất cả mọi khuôn mặt nghếch về phía lão, bấy giờ lão mới dõng dạc:

-Còn làm sao nữa, các chị gà mái mải rúc đầu vào ngực nó mà tìm hạt thóc thì nó tranh thủ nhảy phắt lên lưng một con mà gù mỹ mãn chứ còn làm sao nữa.

Các ông ớ người rồi cười nghiêng ngả, họ công nhận những hình ảnh ấy ở gà là có thật nhưng cũng có người bảo lão Găng khéo bịa. Bịa hay nghe người khác kể lão chẳng quan tâm, nêm điếu thuốc, nhả đám khói lên trời rồi lão tiếp:

-Chưa hết chuyện đâu nhá, cái giống đàn ông cũng bạc lắm chứ tưởng à, gọi người ta, nịnh người ta, xong việc của mình rồi, khi nhảy khỏi lưng gà mái xuống, anh chàng còn nhả ra một câu thật phũ phàng rằng: “ậc ờ ờ..” dịch ra tiếng người tức là: Bị lừa rồi!

Lại một trận cười nữa rộ lên, khen giống đực khôn ranh, thương giống cái nhẹ dạ.

Lão Bùng khen:

-Chuyện hôm nay ông kể nghe được đấy, còn chuyện nào ông kể thêm chuyện nữa đi!

Lão Găng vênh mặt lên tự đắc:

-Thì chuyện này đã hết đâu mà các ông đã đòi kể chuyện khác?

Câu hỏi xúm xít:

-Chuyện ấy vẫn còn à, ôi, thế còn thế nào nữa?

Lão Găng gật gật đầu:

-Chuyện như vừa rồi thì con gà trống bạc quá phải không? Không đâu, nó cũng tốt lắm đấy, nghe này, khi con gà mái đau đớn co người, đỏ mặt rặn ra được quả trứng, cô nàng nhảy khỏi ổ và kêu toáng lên: “Cục, cục, cục ta cục tác, cục, cục, cục ta cục tác…” dịch ra tiếng người tức là: Nhục, nhục, vừa đau vừa rát…”, thì lập tức gà trống cũng vội xông ra động viên, nó cũng cục tác theo gà mái nhưng to hơn để nói với gà mái rằng: Chuyện kêu la này, anh gánh cho em được, em không phải kêu nữa để bảo vệ sức khỏe.

Lão bỗng quay sang tay Phẩm:

-Đấy, con gà nó còn biết lựa nhau như thế, vậy mà ông cứ thẳng băng như mực tàu thì đến mùng thất các bà ấy mới ngoan ngoãn chiều ông, nghe không? Thôi kể câu chuyện mất bố nó năm đường cày rồi đấy, giải tán!

Họ cứ tán dóc với nhau như thế rồi cười hả hê cho phần nào đỡ nỗi mệt nhọc, họ luân phiên nhau chiếc điếu, đưa cho nhau bát nước chè xanh rót ra từ chiếc tích đại bằng sứ quai nhôm của nhà lão Thọ mà sáng nay thằng con út 12 tuổi của lão phải phụ giúp lệ khệ mang ra tận ruộng cho lão bởi lão còn phải vừa vác cày vừa dắt con trâu đực mới được hơn hai tuổi nhưng gần đây thả đồng Soi, không có trâu cái nên nó hay bướng bỉnh, phá ngang, nó chỉ sợ mỗi mình lão khi lão điều khiển nó thôi.

Ai lại tản về ruộng nhà mình cày tiếp, những con chim sáo đen và những con chim bồ các khoang đen trắng, mặc cho các ông cầm roi hối thúc cùng những tiếng hô vặt, diệt chúng vẫn thản nhiên nhảy nhót, lấy mỏ bới tìm những ký sinh nhỏ bé sống trong đám lông trên lưng những con trâu đang cày.

Những luống đất cứ thẳng băng, lật lên một màu nâu mịn, chúng sẽ được phơi nắng phơi sương cho chết sâu bọ và khô ròn, cày ải lần nữa rồi đợi ngâm nước cho tơi ra, đón những khóm mạ non cắm xuống.

***

Đám cưới Tàng và Toan được tổ chức là việc bình thường và là lẽ đương nhiên, bởi bố con Tàng đã đánh tiếng với dân làng từ lâu, xóm trên xóm dưới ai mà chẳng biết, thì còn ai dám đem con trai mình chen chân vào nữa, dân làng chỉ bình luận rằng đã "cải cách" được mấy năm rồi mà nhà trai vẫn làm cỗ to thế, ai đời lại thịt cả bò, đã ba con lợn tạ béo núc lại cho người lên tận mạn ngược mua một con bò thiến 3 tuổi, ăn miếng thịt bò mạn ngược cứ ngọt thỉu như thịt hươu rừng! Thuê người làng Thượng đến chế biến thành 18 món tất cả, không thể bày vào mâm mà phải bày vào 4 tàu lá chuối trải ra mới hết, mượn chiếu của nửa làng để ngồi, rượu gạo nếp, 5 thanh niên múc từ chum ra chai cứ kìn kìn, uống ngọt sắc mà say lúc nào không biết, ba ngày liền, cả làng chẳng nhà ai phải nấu cơm, già trẻ lớn bé sang nhà đám ăn tuốt, hai bữa một ngày, rầm rập như hội, ai muốn ăn ở nhà trai hay nhà gái thì ăn.

-Nhà gái cỗ không to bằng cỗ nhà trai nhưng cũng bát ngát món, bát ngát say vì tiền thách cưới cao phá lệ làng cơ mà.

Trong bữa ăn có vài người còn thầm thì với nhau như thế!.

Có một số đám cưới, vì nhà gái thách cao mà chưa làm đám cưới, hai nhà thông gia đã mất đoàn kết, nhưng đám cưới của Tàng và Toan đã được hai thông gia bàn bạc và nhất trí cao, vui vẻ và đoàn kết đầy hoan hỷ bởi hai nhà đều muốn thể hiện cái sự "của chìm của nổi" nhà mình với dân làng.

Tay Đĩ Bẻm và tay Ba Gồ chẳng mấy khi được uống nhiều rượu đến thế, nay được uống thả phanh, mâm của các vị đã gọi tiếp đến năm lần rượu, nên chưa tàn bữa, hai người đã khoác tay nhau ra bờ sông nằm lăn ra bãi cỏ rồi thi nhau cười khầng khậc như điên, chán rồi lại cùng nhau ngồi dậy ôm nhau khóc ông ổng. Đĩ Bẻm nhìn thấy vợ hắn thế quái nào lại ôm ông bố chú rể đứng trước mặt hắn nhăn nhở cười rồi lại ôm thít lấy nhau, âu yếm nhau, sờ sịt nhau, hắn điên tiết lổm ngổm đứng dậy, dạng chân, cởi phăng chiếc áo đã rách như cái giẻ lau quật xuống bãi cỏ rồi đùng đùng chõ mồm ra giữa sông mà gào thét chửi hai kẻ dâm ô. Hắn chửi vợ hắn là con đĩ bạc tình, hắn chửi bố của Tàng là lừa hắn, cho hắn uống bữa rượu với thịt bò mạn ngược để rồi đú đởn với vợ hắn, xoa khắp người vợ hắn… Bởi vì trong cơn say, hắn nhìn bụi tre in bóng xuống dòng sông, gió đu đưa làm cho bụi tre cứ nhún nhẩy lắc lư, nhổm lên chằn xuống, hắn cứ tưởng là vợ hắn đang ôm bố Tàng và đứng ngay trước mặt hắn, trêu ngươi hắn.

Tức khí, Ba Gồ cũng góp mồm chửi hộ, phòng khi bố Tàng ôm cả vợ mình.

Hai bố khóc chán, chửi chán rồi hai bố lại ôm nhau ngủ như chết trên bãi cỏ ấy cho đến khi đám kiến càng đánh hơi thấy mùi rượu ngòn ngọt, thơm thơm, chúng hô con, hét cháu kéo đến bu quanh mép hai bố mà nhâm nhi bằng những chiếc răng sắc nhọn làm cho hai bố đau điếng và tỉnh rượu, xua được đám kiến, xoa xuýt mép đau rồi nhìn nhau cười như hai con nghê đá, để rồi lại quay vào nhà đám ăn uống tiếp.

Đám cưới thì ăn to khác mọi nhà như thế, nhưng bất luận gì cũng phải giữ những cái căn bản của lệ làng, trong việc đón đưa dâu mà từ ngàn xưa làng Am vẫn phải thế, đó là:

Khi đưa dâu về nhà chồng, cô dâu bắt buộc phải mặc một bộ quần áo cũ, chiếc áo có vài miếng vá ở vạt, ở vai và ở lưng và phải đội một chiếc nón đã cũ, đội một chiếc khăn cũ và đi chân đất để nói lên rằng: "Em về nhà anh, em chẳng có gì, từ nay, anh sẽ là chỗ dựa của em, anh giàu, em được nhờ, anh nghèo, em cùng chịu..." mặc dù trong chiếc túi cô phù dâu đeo giúp cô dâu đi bên cạnh căng phồng những quần áo lành lặn, đẹp đẽ để từ ngày mai cưới xong, cô dâu lại tha hồ trưng diện.

Ý các cụ ngày xưa cũng không phải không có căn cứ rằng đã ngầm trao trách nhiệm cho người chồng phải là người trụ cột bảo đảm cuộc sống cho vợ con từ đây và cũng từ đây, người vợ phải dựa vào chồng mà vun vén cho chồng con, cho gia đình...!

Nhìn đoàn người rồng rắn đưa Toan về nhà Tàng, nét mặt ai cũng hân hoan, nhưng đâu đó vẫn có những lời xì xầm bình luận, có nhóm tiếc cho anh chàng Thắng học cao, chơi với Toan từ bé, nó cũng có ý định với cái Toan nhưng chẳng hiểu sao lại không thành. Có nhóm lại rỉ tai nhau rằng ông bà Minh ở xóm Dốc Đình cũng định thu hoạch lúa má xong thì đến hỏi Toan cho con trai, thế là lại trượt. Lại có nhóm xuýt xoa tiếc cho thằng Hà học giỏi nhất làng lại đẹp trai như hoàng tử, chỉ tội nhà quá nghèo nên dù có thích cái Toan đến mấy cũng đành cam chịu,vv...

Rồi họ thở dài kết luận:

-Thời nào cũng thế, cái anh nhà giàu và cái anh khôn vặt cứ mạnh tấn công là phần thắng sẽ về họ, cái anh ý tứ nhẫn nhịn thì hay bị thiệt thòi!

Toan khép nép đi bên Tàng trong bộ đồ cũ kỹ nhìn rõ tội nghiệp, mắt đỏ hoe. Cô khóc vì từ nay không được sống thoải mái cùng cha mẹ của mình, không được đi học cùng các bạn nữa, hay cô khóc theo phong tục của làng rằng "không ai lại cười hơn hớn đi về nhà chồng để lại phía sau là những giọt nước mắt của mẹ, của những người máu mủ của mình...". Nhưng khi bàn tay Tàng thò sang xiết chặt tay Toan, cô lại mỉm cười và liếc nhanh Tàng một cái!

Tác giả Ngọc thị Kẹo, sinh năm 1948 - Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên - là cây bút sáng tác nhiều thể loại: Truyện ngắn, thơ, truyện cười, kịch bản phim và tiểu thuyết, trong đó phải kể đến tiểu thuyết Nhật ký cô văn thư, viết về Đội Thanh niên xung phong Bắc Thái, mà tác giả trực tiếp tham gia (NXB Thanh niên, tái bản 2011).

Năm 2018 này, tác giả sẽ cho ra mắt tiểu thuyết: “Gió đồng làng Am”. Tác phẩm viết về một vùng quê bên con sông Cầu thơ mộng có những con người thật thà chân chất, mộc mạc đến đáng yêu, có cánh đồng ngọt thơm hương lúa, có gió sông đem cả tình người trong không gian trong trẻo. Ở đó có cái thiện đồng thời cũng tồn tại cả điều ác, nhưng như một chân lí ngàn đời của cha ông ta, cái ác bao giờ cũng phải khuất phục…

Với giọng văn dí dỏm, nhẹ nhàng, những câu chuyện chân chất, hóm hỉnh của Ngọc Thị Kẹo đã mang đến cho độc giả những tiếng cười sảng khoái, quên hết muộn phiền.

VNTN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trích đoạn của tiểu thuyết này.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước