Gìn giữ giá trị di tích lịch sử Đền thờ Vua Lý Nam Đế
Nhắc đến đức vua Lý Nam Đế là thêm khắc sâu niềm tự hào của người dân Thái Nguyên về một danh nhân có quê gốc ở Phổ Yên. Ông là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc Lương thắng lợi từ năm 544, xưng vương khẳng định chủ quyền, đặt dấu mốc cho nền độc lập Vạn Xuân. Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, TP. Phổ Yên được nhân dân địa phương lập nên để tưởng nhớ và thờ phụng ông - vị Anh hùng dân tộc. Với ý nghĩa to lớn của công trình, việc HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết nhằm tu bổ, tôn tạo di tích đã đáp ứng được mong mỏi của cử tri.
Quê hương của vị vua xưng đế đầu tiên của nước ta
Lý Bí - Lý Nam Đế, vị Anh hùng dân tộc đánh đuổi giặc Lương ở phương Bắc, lập nên nhà nước Vạn Xuân giữa thế kỷ thứ VI đã tạo nên một dấu mốc đột phá trong lịch sử chống sự đô hộ của các triều đại phương Bắc đối với nhân dân ta.
Từ cuộc hội thảo về quê hương Lý Nam Đế, với sự tham gia của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử uy tín của đất nước năm 2012, dựa trên những luận cứ khoa học đã xác định Vua Lý Nam Đế có quê gốc là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên), tỉnh Thái Nguyên.
Tương truyền khi ông được 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp Tổ thiền sư đưa vào chùa Hương Ấp, ở thôn Cổ Pháp để nuôi dưỡng. Năm 13 tuổi, Lý Bí theo Pháp Tổ thiền sư về chùa Linh Bảo, làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội. Vốn thông minh sáng dạ, lại được vị thiền sư dày công chỉ bảo, đèn sách chuyên cần, Lý Bí sớm nổi danh là người tài đức, học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, ông được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.
Năm 542, ông đã liên kết các hào kiệt, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương. Nhằm tiết trời Xuân tháng Giêng năm Giáp Tý năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân; thành lập triều đình với hai ban văn, võ; dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội; chính thức chấm dứt ách đô hộ của ngoại bang, xác lập chủ quyền quốc gia, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Khu di tích Lý Nam Đế (gồm đền Mục, chùa Hương Ấp, chùa Mãn Tăng), phường Tiên Phong là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử về Vua Lý Nam Đế. Trong đó, Chùa Hương Ấp và Đền Mục – nơi thờ Lý Bí là điểm di tích quan trọng giúp các nhà sử học có cơ sở nghiên cứu và khẳng định quê hương gốc của vị vua đầu tiên xưng đế của nước ta. Đồng thời đây cũng là nơi tôn vinh, ghi nhận công lao của người Anh hùng dân tộc Lý Nam Đế.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, năm 2014, Đền Mục và Chùa Hương Ấp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia; năm 2016, chùa Mãn Tăng được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, Di tích phải chịu nhiều tác động của thiên nhiên, các hạng mục công trình trong quần thể khu di tích ở tình trạng chắp vá, phần lớn các cấu kiện gỗ, kết cấu chịu lực đã bị mối, mọt và xuống cấp nghiêm trọng mặc dù đã được các cấp chính quyền quan tâm giữ gìn và tu sửa nhưng vẫn chưa ngăn chặn được sự xuống cấp và hoàn trả lại những kiến trúc vốn có của di tích.
Do đó, việc đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo di tích là rất cần thiết. Công trình không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc, tình cảm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với vị vua xưng đế đầu tiên của nước ta mà đồng thời để giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên quê hương Thái Nguyên và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của các tầng lớp nhân dân.
Để công trình xứng tầm với ý nghĩa của Di tích
Thể theo nguyện vọng của cử tri, HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định số 232/HĐND-KTNS ngày 25/8/2016 Quyết định chủ trương đầu tư dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 07/9/2016 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Với mục tiêu của dự án là tu bổ, tôn tạo di tích nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, quý giá của di tích, đảm bảo sự tồn tại và bền vững lâu dài cho di tích; góp phần vào phát triển du lịch, kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung; qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Các hạng mục tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế gồm: Nghi môn; Bình phong; Cột cờ; Tả vu - Hữu vu; Tháp chuông, Tháp trống; Tiền tế - Trung từ - Hậu cung; Đền Mẫu; Lầu cô, Lầu cậu; Lầu hóa sớ; Lư hương đá; Nhà khách, nhà vệ sinh; Tường rào; Cảnh quan sân vườn; Hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông; San nền - Thoát nước mưa; Hệ thống cấp nước; Hệ thống cấp điện; Hệ thống thoát nước thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường; nhà bảo quản cấu kiện phục vụ thi công). Tổng diện tích đất quy hoạch: 7.500 m2. Là công trình văn hoá, nhóm B có tổng mức đầu tư dự án: 60.000 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2016 - 2020.
Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 09/5/2019 với quy mô 54,6 ha. Trong đó Đền Mục được chọn làm trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích có quy mô 44,06 ha, điểm di tích chùa Hương Ấp 5 ha, điểm di tích chùa Mãn Tăng 5 ha. Ngoài các hạng mục chính, còn có các hạng mục chức năng khác như: Tượng đài Lý Nam Đế, khu công viên cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ, vườn hoa, hồ cảnh quan…
Ngày 10/5/2020, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với thị xã Phổ Yên tổ chức Lễ khởi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục), tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên. Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình văn hóa và Công ty Cổ phần Đầu tư NAM - INVEST. Công trình sẽ được phục hồi, tôn tạo chống xuống cấp đảm bảo kiến trúc phù hợp trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng vốn có.
Tại kỳ họp thứ mười bốn (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khoá XIV ngày 31/8 vừa qua, theo đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế được đề nghị điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư lên 76,250 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ có mục tiêu (Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa) 24,788 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 51,462 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh kéo dài đến hết năm 2024.
Về lý do điều chỉnh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Dự án được lập và phê duyệt từ năm 2016, nhưng đến năm 2019 dự án mới được bố trí vốn để khởi công bởi vậy việc kinh phí để thực hiện dự án buộc phải điều chỉnh lại. Cụ thể, việc khái toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tại thời điểm lập dự án chưa tính toán được so với thực tế là nguyên nhân làm tăng kinh phí giải phóng mặt bằng.
Để triển khai thực hiện dự án đảm bảo theo đúng mục tiêu, quy mô đầu tư đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại văn bản số 232/HĐND-KTNS ngày 25/8/2016, tại Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 31/8/2023 của HĐND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) xã Tiên Phong, TP. Phổ Yên. Việc điều chỉnh phân kỳ vốn đầu tư (các năm 2019 đến năm 2024): Theo tình hình thực tế triển khai thực hiện dự án và đảm bảo phù hợp với nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).
Đề xuất này đã được các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và thống nhất thông qua. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-HĐND phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, nay là TP. Phổ Yên.
Theo Nghị quyết, tổng mức đầu tư dự án sẽ được điều chỉnh lên 76.250 triệu đồng so với nghị quyết năm 2016 (tăng 16.250 triệu đồng). Trong đó, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và phân kỳ đầu tư từ nguồn ngân sách hỗ trợ mục tiêu (Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa): 24.788 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 (nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung): 51.462 triệu đồng.
Về điều chỉnh phân kỳ vốn đầu tư (các năm 2019 đến năm 2024) được thực hiện theo tình hình thực tế triển khai thực hiện dự án và đảm bảo phù hợp với nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), đã giao cho dự án tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh và các Quyết định giao kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh Thái Nguyên.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...