Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
12:41 (GMT +7)

Giám khảo là "tấm kính lọc" của thế giới ảnh

VNTN - Khi gán công việc của người làm giám khảo cho chuyên ngành nhiếp ảnh một chức năng như của tấm kính lọc màu, thì người cầm máy đã hiểu ngay đến sự quy kết tượng trưng mang tính đặc thù. Nếu mỗi vị giám khảo tự mang một sắc thái căn bản riêng, khi để ba vị quây quanh một bàn tròn, người ta như đã thấy được một tổ hợp quang học RGB (red, green, blue). Liên tục xoay đổi vị trí của ba vị dưới nguồn sáng trắng - sẽ thấy hiện ra được ngay vẻ đẹp lung linh của cuộc sống muôn màu…

Giám khảo là tấm kính lọc của thế giới ảnh
 Ảnh minh họa: QK

Trước khi đi sâu vào nhiệm vụ của những vị giám khảo, thì bạn đọc cũng nên tìm hiểu sơ qua về họ. Ở Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ hai mươi và đầu thế kỷ hai mốt, mỗi kì đại hội của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có một Hội đồng nghệ thuật. Hội đồng nghệ thuật khóa này thì do hội viên bầu trực tiếp, khóa khác lại do Ban Chấp hành bình chọn ra.

Công việc trong năm thì nhiều, họ chỉ đủ sức giữ vai trò như người “cầm trịch” ở tầm vĩ mô. Vậy nên các Ban Giám khảo trong nhiều cuộc thi đã phải bổ sung thêm những NSNA nằm ngoài danh sách của Hội đồng nghệ thuật, thậm chí có cả một vài quan chức chuyên môn thuộc lĩnh vực nào đó… Trong quá khứ, đã xuất hiện một số nhà nhiếp ảnh gánh trọng trách cầm cân nảy mực đầy tài năng và bản lĩnh. Nói không sai, khi cho rằng họ vẫn còn ảnh hưởng tới tận ngày hôm nay như: Lâm Tấn Tài, Mạnh Đan, Đỗ Huân, Mai Nam, Văn Bảo…

Sau mỗi cuộc thi ảnh ở Việt Nam vào những năm xưa. Người ta ít thấy những ồn ào xung quanh các tác phẩm nhiếp ảnh được trao giải. Nhưng khoảng hơn chục năm gần đây thì sự yên ắng đã mất dần. Nếu nhìn sâu một chút vào mọi cuộc thi, thì người ta đều có thể thấy ra được không ít những bức ảnh còn mắc khiếm khuyết lẫn trong bộ giải. Những lỗi hữu hình và cả vô hình đáng tiếc lại cứ trùng lặp, giật cục - khó chịu như khi người ta ngồi trên chiếc xe đạp mà bánh trước có đoạn lốp bị bục, phải lấy dây cao su buộc lại để đi tạm.

Và nếu sự tạm bợ, chắp vá kéo dài, thì phải chỉ đích danh đó là lỗi của sự bần hàn. Hình ảnh một chàng phó nháy hào hoa, đi giày ba ta xanh, mặc sơ mi trắng, vai đeo máy ảnh và đắt vợ nhất làng… đang mờ dần trong ánh nhìn của nhân gian. Tìm hiểu những cuốn “Điều lệ & Quy chế Hội” mà Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ban hành sau các kỳ đại hội từ khóa V đến khóa IX, người ta phải vất vả lắm, mới nhận ra chút ít thay đổi trong vài ba hạng mục.

Phải làm gì để các Ban Giám khảo "kháng cự" lại cái hiệu ứng vô hình của căn bệnh trùng lặp vô thức đang lây nhiễm trong họ? Ấy là khi một Ban Giám khảo vùng X chấm thiên về những sản phẩm của flycam, thì giám khảo các vùng khác cũng liền chọn những góc nhìn của flycam làm chủ đạo. Tương tự là ảnh bộ, ảnh ý tưởng, thậm chí là ảnh với bóng đổ,  rồi ảnh có cờ Tổ quốc… Nó khiến người thưởng thức ảnh chỉ cần xem một cuộc liên hoan, là biết những cuộc liên hoan khác người ta sẽ bày ra “món” gì?

Đó là hậu quả của thứ mà chúng ta quen nghe đến từ thời bao cấp: Sóng phong trào. Nó hẳn có sức mạnh nhấn chìm cả một hòn đảo, nếu như người ta làm phép đồng quy những ngọn sóng lại với nhau! Nhưng cái sức mạnh cơ học còn chưa kịp tàn phá thứ gì, thì nó đã làm lụn bại cho tâm lý người xem triển lãm. 

Giám khảo là tấm kính lọc của thế giới ảnh
Bệnh trùng lặp của nhiếp ảnh Việt có thể thấy rõ từ một đề tài qua mạng internet. Ảnh chụp màn hình Google

Đời sống nhiếp ảnh đổi thay, công nghệ không ngừng được cải tiến và cuộc cách mạng số đã làm bùng nổ nhu cầu về nhiếp ảnh. Khi người tham gia với nhiếp ảnh tăng đột biến. Hàng ngàn những cuộc thi, triển lãm ở trong nước và ngoài nước liên tiếp mở ra. Rồi cả tỷ những trang mạng cá nhân đã dùng nhiếp ảnh kết nối, giao lưu như một thứ phương tiện để thấu hiểu nhau, bất chấp cả những khác biệt về ngôn ngữ, chữ viết. Chìm trong thế giới phẳng, nhiếp ảnh bằng mọi lối du nhập ào ạt vào Việt Nam và từ đó đã manh nha hình thành nên những định thế mới, nó đang làm cho chất và lượng của mọi hoạt động về nhiếp ảnh khác xưa rất nhiều. Thật đáng lo ngại, khi mà phương tiện hành nghề và tư duy nhiếp ảnh thay đổi theo những chu kỳ ngày một ngắn dần. Nhưng quản lý vĩ mô về nhiếp ảnh ở Việt Nam vẫn cứ ì ạch với khung hình xưa cũ.

Người làm giám khảo khi cầm lá phiếu để cho điểm một bức hình, mà chỉ mang theo tâm niệm rằng mình đang phục vụ người bầu? Hay phục vụ người cử? Hoàn thành nhiệm vụ thế nào thì sẽ được coi là “tốt” hay “chưa tốt”? Ưu tiên quyền lợi cho dòng sản phẩm nào? Ai được lợi và ai sẽ nằm trong số những người bị thua thiệt? Thì những vụn nghĩ ấy vẫn chỉ mang thuộc tính cá nhân. Còn khi trước đó nếu xác định rằng: Phàm đã nhuộm mình thành màu chuyên dụng để tham gia lọc ánh sáng, thì chức năng cội rễ là phải lấy sự nghiệp chung làm trọng. Bạn đồng nghiệp dù nằm trong mối quan hệ với cấp độ nào, cũng chỉ được xếp ở hàng thứ yếu. Không có nhiếp ảnh làm trụ và tạo lực hút, thì mọi thứ tình cảm đang gắn kết giữa những con người cầm máy sẽ bị tuột đứt mối quan hệ.

Một Ban Giám khảo được coi là thành công hay thất bại, nếu tìm được ra những tác phẩm triển lãm thỏa mãn đề tài của cuộc thi. Mỗi bức ảnh góp một tiếng nói riêng, không những mang vẻ đẹp độc đáo, phong phú, mà còn phản xạ được ánh sáng trí tuệ và mồ hôi của tác giả ẩn sâu trong đó. Khi lọc số ảnh gửi đến Ban Tổ chức để chỉ lấy 10 % số ảnh gửi dự thi, đồng nghĩa với việc đã “bức tử” 90% số ảnh còn lại. Nếu nói “đạo đức của nhiếp ảnh là tiết kiệm” thì người cầm cân, nảy mực phải có sự đồng cảm với những mất mát, thiệt thòi của 90% công sức, nỗ lực mà các nhà nhiếp ảnh đã bị uổng phí đó!

Giám khảo nhiếp ảnh nhất thiết phải giỏi chuyên môn. Nắm vững ngôn ngữ nhiếp ảnh. Xem ảnh nhiều để nhận ra ai là tác giả khai phá, rồi từ đó biết được những tác giả nhân rộng, nâng tầm chuyên mục hoặc đề tài. Giám khảo còn phải có hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi khi đưa một tác phẩm nhiếp ảnh ra trao giải, thì tác phẩm đó phải như một bài học cho lớp người trẻ và là thành quả đại diện của lớp người đương đại. Giải thưởng lưu giữ nụ cười mãn nguyện, tự hào của một bà đỡ mát tay. Hay nó lại hằn những vết sẹo chằng chịt không thể tẩy xóa, để khiến cả một Ban Giám khảo phải giấu mặt ở ngày khai trương (?).

Tác phẩm được gắn nơ, treo nơi trang trọng nhất của phòng triển lãm ảnh nghệ thuật và được Ban Tổ chức trao tặng bằng tiền hoặc vật chất lấy từ nguồn ngân sách quốc gia. Nó bình đẳng với các giá trị văn học nghệ thuật ở các chuyên ngành khác. Bởi vậy nó phải được soi rọi trong các tác phẩm lý luận phê bình, được phân tích để nâng tầm giá trị cho tác phẩm. Khi được hưởng tiếng vỗ tay chào mừng ở buổi khai mạc triển lãm, tác phẩm - tác giả - giám khảo cũng đồng thời phải chịu những phản ứng trái chiều vô tư của đồng nghiệp. Ngoài ra cũng phải chấp nhận sự đào thải nghiệt ngã âm thầm của thời gian… Sẽ là oan nghiệp, khi khoác cho một bức ảnh tấm áo quá rộng không đúng cỡ, làm vậy đã vô tình đẩy tác giả của nó phải đối mặt với những chỉ trích “đứa con tinh thần” từ mọi phía. Niềm vui thì ngắn mà rồi cả đời cứ phải lẩn tránh ánh nhìn của những người hiểu chuyện.

Phương pháp chấm ảnh trực tuyến những năm gần đây đang được cổ xúy và áp dụng đại trà, đã bắt đầu bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục. Ngoài các vấn đề về thiết bị, kỹ thuật không đồng bộ ra, một giám khảo độc lập sẽ bị tác động thế nào, khi bên cạnh có người nhắc: “ảnh này của bố!”, “cái đó của em!”… 

Rồi những thứ “tôi thích” của một vị giám khảo, biết đâu nó cũng đã được nhào chung với chút gia vị của những người hiếu kì vây xung quanh ấy (?). Đến nay chúng ta vẫn chưa áp đặt tỷ lệ % cho các thể loại nhiếp ảnh ở từng cuộc thi. Mục đích là để cho các tác giả tự do sáng tạo và phong trào được trải đều trên khắp mọi thể loại, thì ngay cả một cuộc thi ảnh tự do cũng phải khống chế. Ví dụ: Ảnh cuộc sống đời thường 30%, ảnh du lịch 20%, ảnh phong cảnh 20%, ảnh ý tưởng 10%, ảnh thuộc các đề tài khác 20%... Người chấm ảnh phải có đủ bề dày bươn chải với nghề, để khi một bức ảnh lướt nhanh qua mắt, anh ta đã lập tức nhận ra đó là cảnh thực, hay chỉ là tình huống được mô phỏng. Dù có thể không phải là “thánh photoshop”, nhưng giám khảo cần biết được các tính năng của photoshop sẽ tác động thế nào cho một bức hình. Rồi hiện nay nhiếp ảnh đang đứng trước đường biên sâu thẳm của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Thế giới AI sẽ lẳng lặng chui vào “bếp núc” của nghề: Nó sẽ tạo thói quen, rồi nó gây nghiện… Vậy Ban Chấp hành và Hội đồng nghệ thuật của Hội NSNA Việt Nam đã chuẩn bị hành lang pháp lý để đối mặt với ảnh AI chưa? Nếu cứ theo phong trào “sáng tác” ảnh như hiện nay, thì trí tuệ nhân tạo sẽ sớm khiến cái thực trong ảnh chỉ còn là điều xa xỉ. Và chắc chắn khi đó giá trị của nhiếp ảnh cũng không còn tồn tại - đơn giản bởi loài người không cần đến nó nữa!

Trách nhiệm luôn gắn liền với danh dự. Chủ tịch các Hội đồng giám khảo, hay Trưởng các Ban giám khảo phải chịu trách nhiệm chính ở một cuộc thi. Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam và Hội đồng Nghệ thuật còn phải chịu trách nhiệm suốt cả một nhiệm kỳ 5 năm. Họ phải đánh cược uy tín cá nhân và của cả nhóm cho chất lượng từng bức ảnh được trình làng.

Hội đồng nghệ thuật dù muốn hay không vẫn phải cầm trịch cuộc chơi ảnh ở trong nước. Để thích ứng thì không ngừng phải tự đổi mới. Góc nhìn của giám khảo phải là chuẩn mực, phải là tiêu chí để những bức ảnh không chỉ áp vào so sánh chiều kích nghệ thuật, mà còn phải là cái tem nhãn chất lượng để người yêu ảnh dựa vào trả giá cho một dòng sản phẩm tiêu dùng.

Nhiệm vụ và sứ mệnh được gán cho luôn có tính thách thức. Để "tấm kính lọc" được trong suốt không bị nhiễu sắc, đó là trách nhiệm của cá nhân. Hội viên hay những người yêu thích nhiếp ảnh có mặt ở khắp nơi, cũng đã thành thói quen luôn đặt kỳ vọng cao vào tổ chức và những người giữ trọng trách. Công bằng và nhớ dai - vừa là ưu điểm cũng vừa là nhược điểm của giới nhiếp ảnh.

Người viết bài này cho rằng một ngày trong tương lai không xa - khi mà tư duy của những người cầm máy đã nằm ở trạng thái độc lập cao. Những khoảnh khắc trong tự nhiên cùng những dải thang màu của hệ quang phổ sẽ được con người trả lại đúng giá trị bình đẳng với nhau thì các Hội đồng đang khoác lên mình tấm áo choàng nghệ thuật của mọi tổ chức nhiếp ảnh hẳn sẽ không còn tồn tại.

Ánh sáng tạo ra nhiếp ảnh và nhiếp ảnh để ngợi ca cái đẹp chứ không phải là để gia công ra cái đẹp.

Vũ Kim Khoa

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 17 giờ trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Son môi

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 3 ngày trước

Xác xơ những vườn đào sau lũ

Xem tin nổi bật 3 ngày trước