Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
20:34 (GMT +7)

Giấc mơ màu cỏ dại

Truyện ngắn. Minh Hằng

VNTN - Nước. Nước ập vào mặt, bít lấy mắt, mặn chát, sặc sụa. Tối. Đen kịt. Rét. Nó thét lên. Mẹ ơi! Bố ơi! Tiếng nước sôi lục bục. Lưng nó có người đẩy thúc lên. Ục một cái, nó bay lên, quay tít. Nhìn xuống, nó thấy mẹ, hai tay với về phía nó, gấu quần đen lướt xướt trên bùn. Lươn nhiều quá, to bằng bắp tay, châu đầu đồng loạt lè lưỡi đỏ dài ngoằng định nuốt chửng nó. A… a… A… mẹ ơi, cứu con, mẹ ơi…hu…hu…hu…

- Thằng mít ướt này, lại mơ rồi.

Cái tát đau điếng làm nó tỉnh hẳn. Lau dớt dãi tèm nhèm ngang má, nó hé mắt nhìn cái bóng chập chờn trước mắt, từ từ nhận ra thằng bạn cùng đội xe ôm “gờ ráp” nằm giường bên cạnh.

-Mấy giờ rồi mày? Nó quờ tay tìm điện thoại để đầu giường.

-Mới ba giờ sáng. Mưa to lắm. Ngủ thêm đi. Giờ này làm đếch có ma nào gọi xe.

-Tao cứ mở máy, biết đâu được mối chạy sớm.

Nó nhắm mắt nhưng giấc ngủ không trở lại. Không biết lần thứ bao nhiêu cơn mơ trên lại về. Lươn, sao mà nhiều lươn thế. Lươn to vàng ươm. Nó được tiếng sát lươn nhất xóm. Mỗi lần thấy nó xách cái chậu nhựa mẻ với cái thuổng vẹt lưỡi đi ngang xóm là râm ran người dặn mua lươn. Nó bước như cảnh sát tuần đường, mắt đăm đăm nhìn mặt ruộng. Thỉnh thoảng, nó quăng sợi dây cước có miếng mồi quăn queo xuống đâu đó rồi thản nhiên bỏ đi. Dạo một vòng ruộng quay về, nó kéo lên những con lươn bự mồm ngậm chặt lưỡi câu, oằn oèo giẫy dụa như dấu hỏi trên tay. Chân nó như có mắt. Đang đi thậm thình trên rệ cỏ, nó dừng phắt lại, đạp đạp xuống đất nghe ngóng. Xọc lưỡi thuổng xuống, moi moi một lúc, nó nhấc lên con lươn vàng óng. Ngón tay nó như gọng kìm, túm được rồi thì lươn trơn nhẫy chạy đằng trời. Lên lớp sáu, nó tự đóng học phí bằng tiền bán lươn. Hết cấp hai, nó đánh trâu cày ruộng băng băng, một mình cấy hái ba sào ruộng tiêu chuẩn. Mẹ nó lúc ấy mới dám nằm nhà đắp thuốc trị cái chân sâu quảng ăn mòn đến xương từ chục năm rồi.

Nó trở mình, kéo tấm chăn mỏng phủ kín người. Sắp sang thu, mưa xối nước rửa trời. Gió như đàn bà nổi cơn tam bành. Cơn mê kinh hãi hay chui vào giấc ngủ của nó những đêm như thế. Lố nhố bóng đen chạy đi chạy lại trong căn lều tối om. Cột tre mục gẫy gục, mái rạ ướt ghì lấy đầu. Nó nhoai ra, bò trên nền sân ngập nước mưa. Mẹ đâu rồi, mẹ ơi…mẹ ơi…hu hu…

Tít… tít…điện thoại nhấp nháy. Tổng đài “nổ” cuốc khách những hai mươi ki lô mét. Ngày mới có vẻ nhiều lộc đây. Nó choáng choàng ngồi dậy, xếp chăn màn, huýt sáo nhẹ, đảo mắt nhìn thằng giường bên quay lưng ngáy ò ò. Nó kín đáo thò tay vào thang giường thứ nhất, sờ thấy xệp giấy cồm cộm. Nó yên tâm chụp mũ bảo hiểm lên đầu, vuốt áo mưa sát vào người, lao xe ra đường.

***

Bà Vân lọ mọ trở dậy che cho mấy con thỏ sắp đến cữ thịt. Mưa to quá. Lưng đau muốn sụm xuống. Cái chân sâu quảng bôi thuốc từ tối lại lên cơn ngứa muốn phát điên. Trong ánh đèn dầu phập phồng, mắt đàn thỏ như đám giọt máu đu đưa. Lũ thỏ này, nuôi tưởng dễ mà hóa khó. Chúng thích uống nước nhưng chỉ cần lá rau lá cỏ dính tí nước ăn vào là đi ngoài, hao thịt, có con lăn ra chết. Thằng Phú nó dặn: “Nuôi thỏ nhàn mẹ ạ, chỉ cần ăn sạch, ở sạch, uống sạch là chúng lớn như thổi, đầu ra chẳng lo, con đã có mối trên Hà Nội. Việc của mẹ là dăm chục con thỏ đảo chuồng, ba sào ruộng vứt đấy, ai thuê thì thuê, không thuê cũng chẳng cần, vài chục cân gạo bọ, bằng con cố vài cuốc xe”. Bà kéo nắm lá cọ để sẵn ngoài hiên phủ mấy chỗ dột chuồng thỏ. Lụm khụm trở lại giường, bà tháo dây màn, rờ rẫm gập góc chiếu ướt, lấy chậu hứng dòng nước hối hả rơi xuống chỗ nằm. Bà vớ cái quạt mo đập muỗi phành phạch, thở dài nhìn màn đêm đen kịt. Mưa như xối bít lấy mắt, thi thoảng tia chớp như nhát chém sáng lóa ngang trời. Không biết thằng bé ăn ngủ thế nào? Lần trước về, nó gầy trơ quai hàm, da đen nhẻm. Bà gạn hỏi, nó gạt đi: “Con hai mươi hai tuổi rồi, ở nước ngoài tranh cử tổng thống được rồi, mẹ không phải lo. Con sẽ kiếm tiền xây cho mẹ cái nhà chắc chắn, xóm làng không khinh mình mẹ góa con côi”. Cha bố nó chứ. Mới đi Hà Nội có hơn năm mà khôn ranh cứng cỏi hơn hẳn. Bà cười mà nước mắt chảy ra. Nó gắt toáng lên: Việc của mẹ bây giờ là khỏe, đợi con báo hiếu. Ở trên Hà Nội ý à, phụ nữ năm tám năm chín tuổi như mẹ người ta trẻ khỏe lắm, mẹ đừng có nghĩ mẹ đã già. Khóc gì mà khóc, đúng là đàn bà.

Ừ thì mẹ là đàn bà, mẹ ngu ngốc, cả đời có nghĩ ra cái gì sáng láng đâu con. Bà rủ rỉ thì thầm vào bóng đêm. Mưa ầm ũng trút tức giận vô cớ lên mái cọ cùn. Tội nghiệp con không biết mặt bố. Mà cũng chả có cái ảnh nào cho nó nhìn. Bố con mũi cao, mắt sáng, thổi sáo hay lắm. Ông bà nội cắt cho sào ruộng với dăm vạt chè ngày bố mẹ về ở với nhau. Mẹ tuổi băm, sắp thành bà cô trong nhà. Bố mày xuất ngũ về làng, trông như hình nhân. Bà ngoại dúi cho đôi khuyên vàng gia bảo, mẹ giấu diếm bán đi, dựng lên cái túp này. Bố mày trông thế mà khỏe. Một mình ngả tre, đục đẽo, buộc dứng, quật bùn trát vách, đầm nền. Mẹ ậm ọe mang thai, bố không cho làm việc nặng, chỉ đun nước chè xanh cho bố uống. Những đêm sáng giăng bố mang sáo ra thổi “con cò… cò bay lả… lả bay la…”. Con mình ba tuổi anh dạy nó thổi sáo. Bố xoa tay lên bụng mẹ mơ màng.

Đêm sinh con, ông trời cũng làm mưa thế này. Bố khoác áo tơi chạy đi chạy lại mang lên trạm xá cho mẹ nồi cơm nóng, quả trứng luộc. Mẹ bảo, thôi anh về nghỉ đi, mai lên đón mẹ con em. Trời chưa sáng, mẹ đã nghe người làng lao xao, có ai gọi tên mẹ, tiếng gào khóc. Trời ơi, bố con chết ngồi trên thửa ruộng nhà, bên sườn giỏ cua lóc xóc, một tay vẫn xọc ngang khuỷu hang cua tun hút. Mẹ chôn bố ngay chỗ ông mất. Đám đất ấy năm sau nổi gồ như sống mũi người, cỏ xanh mướt. Chiều nào chăn trâu về con cũng nằm xoài ôm mũi bố, rồi về bảo mẹ: “Cỏ mật êm mà thơm lắm mẹ ạ”. Tiếng sáo vi vu, tha thiết lắm. À mà Phú ơi, ba sào ruộng nhà mình chả ai mướn, làng mình bạt ngàn ruộng hoang rồi. Nhìn cỏ dại xanh bời mẹ xót lắm. Ước gì cái lưng đỡ đau mẹ cố cấy hái được hạt gạo nào tốt hạt ấy. Ăn gạo mua nhạt lắm Phú à…

Như sực nhớ, bà Vân vội luồn tay dưới gối. Sờ thấy cái bọc con con vuông vức, bà mỉm cười. Hai chục triệu đồng. Nó chạy xe ôm mới năm tháng mà tiết kiệm được ngần ấy. Mẹ cất kỹ nhé. Đủ năm trăm triệu con quật lên cái nhà. Nó thầm thì tính toán. Con tôn cao nền hơn hẳn một mét cho nước ngoài đường khỏi tràn vào. Nhà một tầng nhưng thật rộng, phòng khách trải chiếu được chục mâm ăn. Nền lát đá hoa xanh mẹ thích nhá. Ra vào phải bỏ dép ở ngoài thềm y như ngoài Hà Nội. Đêm mưa mẹ không phải dậy hứng nước trên giường nữa, cứ ngủ một mạch đến sáng. Gió bão chết cò cũng mặc kệ, nhà không lung lay. Nó cười hí hí. Đúng là tính cua trong lỗ. Nhưng mà anh cố vừa thôi, nhìn anh gầy lắm đấy, da nhăn như ông già. Rồi gặp gỡ bạn gái, lấy vợ cho mẹ có cháu bế chứ. Mẹ ơi, chuyện ấy dễ ợt. Con quật cái nhà lên thì gái xóm này theo con hết. Rồi mẹ xem. Phụ nữ bây giờ chả mơ mộng tiếng sáo đêm trăng như mẹ ngày xưa đâu. Cha bố cái thằng, trứng khôn hơn vịt. Bà chỉ biết nhìn theo bóng áo xanh có chữ gờ -ráp - bai của nó khuất sau lũy tre dày kịt ngõ nhà.

***

Xe nó chạy đã được dăm cây số. Người đàn ông to béo bịt mặt im lìm như khối đá.

- Sao bác đi sớm thế ạ - Nó gợi chuyện phá tan không khí như tảng băng.

Im lặng.

Mưa quất vào má bỏng rát, mắt cay xè, nó liếm nước mưa mằn mặn, ghì chặt tay lái. Chuyến xe đêm thế này không phải lần đầu. Buổi mới vào nghề, nó được công ty tuyển dụng bày cho dăm thế võ phòng thân. Mấy thằng đồng nghiệp truyền cho vài mánh lấy lòng khách. Chúng dặn: Khách phét lác gì ngứa tai đến mấy cũng cấm cãi, cứ vâng dạ, khen khách giỏi. Hiểu chưa? Khách trả tiền thừa một hai nghìn cũng “em xin” không được chê ít. Hiểu chưa? Khách mắng vì đi lạc hay phải hỏi đường chỉ được cười “anh/chị/cô/bác thông cảm, lần sau em/cháu xin rút kinh nghiệm”, cấm giải thích dài dòng là mình người nhà quê mới lên. Hiểu chưa?... Bài giảng đúc từ trường đời nó học trong hai phút mà ứng dụng ra trò. Ngay như hôm qua, một bà khách cảm động vì nó dùng mánh nhiệt tình chở bà vào tận cửa nhà, dù bà cứ nguây nguẩy bảo thôi, ngõ bé lắm, bà đi bộ được, bo cho nó năm nghìn đồng. Nó sướng rơn, vị chi cả ngày được dăm chục nghìn tiền bo, nó đổ đầy bình xăng.

Định vị trên điện thoại nhấp nháy cho biết nó sắp đến đích. Trời đã tang tảng sáng. Vị khách vẫn lặng phắc như đá tảng. Chỗ này ruộng đồng tơ hơ, gió thốc muốn đẩy nó ập xuống đất. Đường làng trắng nước, mấp mé bờ, nó căng mắt để xe không chệch bờ ruộng. Bỗng người ngồi sau áp lại, một vật cứng thọc vào sườn nó đau nhói:

- Dừng xe! Cấm kêu!

Cướp rồi. Nó nghĩ chớp lóe, đồng thời tung người tránh mũi dao sắc lẻm. Nhanh như cắt, tảng thịt nặng trịch ập xuống, dìm nghỉm nó. Mặt sấp trong nước, ngạt, ngạt, bọt phì lên lịch phịch như mỗi lần nó kéo con lươn khỏi bùn. Nó dùng hết sức nhoai lên. Bớ làng nước ơi, cướp…cướp… Bàn tay gọng kìm to tướng siết cái cổ cò hương. Này thì kêu, mày kêu đằng giời. Nó ặc ặc ngã xoài trong nước. Nó thấy người nhẹ bẫng, từ từ bay lên. Lươn, lươn, con nào con nấy vàng óng, to bằng bắp chân, thè lưỡi đỏ lòm liếm vào mặt nó. Phú, Phú ơi. Tiếng sáo vi vu vi vu, “con cò… cò bay lả… lả bay la…”. Phú, Phú ơi, gấu quần đen lướt xướt chấp chới. Con đây… con đây… bố mẹ ơi. Nó chao nghiêng trên chiếc võng cấp cứu. Chợt hé mắt, nó thấy thằng cướp to béo đầu ngoẹo thõng thượt bên mép ruộng, mồm sùi bọt nằm đè lên con rắn lưỡi đỏ lòm.

***

Đêm nay đúng cữ trăng mười sáu. Phú trải chiếu, pha ấm trà Thái mang ra hiên khoanh chân thưởng trăng. Khóm hoa quỳnh bên thềm e ấp mà bạo dạn. Những cánh trắng sứ đung đưa chạm vào má nó như hôn trộm. Trong tấm màn tuyn xanh, mẹ nó chốc chốc lại trở mình. Nó lững thững ra vườn, ngắm ngôi nhà lừng lững dưới trăng. Dãy chuồng thỏ bằng tre vuông vức lách chách tiếng gặm nhấm. Đúng mười năm, nó thực hiện lời hứa quật lên cái nhà cho mẹ mở mày mở mặt. Gần trăm khách dự tiệc nhà mới hôm nay, người nào cũng khen mẹ nó tốt phúc, sướng về già, khen nó có hiếu, vợ con sau này được nhờ. Những cặp mắt ngưỡng mộ ngắm không chán cái trần nhà thạch cao đắp nổi hoa cúc, tay mân mê cái cột tròn giả vân gỗ miệng nắc nỏm khen đẹp, khen hay. Trong bữa rượu, mấy bà đánh tiếng gả con cho nó. Mấy ông rên rỉ chửi đám con cháu nhà họ bất tài vô dụng. Thanh niên cả làng này, cả chục đứa cử nhân mới cả kỹ sư không bằng cái móng chân của mày Phú ạ. Mày cho chúng nó ra Hà Nội mà dìu dắt, chỉ cần bằng nửa mày chúng tao cũng mát mặt lắm rồi…

Gió ngọt quá. Ở Hà Nội mấy khi nó được uống gió ngọt thỏa thuê thế này. Mười năm chạy xe ôm, nó nhất định không thuê trọ, tá túc nhà chờ của công ty, đỡ được ối tiền. Nhưng mà muỗi như trấu và nóng kinh người. Có đêm nó ra hành lang dựa lưng vào tường ngồi ngủ hóng sợi gió hiếm hoi. Giờ nó đã thành sư phụ làng xe ôm. Nó thạo đường Hà Nội hơn người Hà Nội chính gốc. Tối qua, vừa rửa xong đám bát đũa ăn nhà mới thì đám trai làng ập đến. Chúng nó xin được làm quân anh Phú, lên Hà Nội lập công ty xe ôm làng mình, bầu anh Phú làm giám đốc.

Gió ủn chân nó ra nấm đất xanh um giữa ruộng. Nó quỳ xuống, hít hà đám cỏ mật thơm mùi sữa mẹ. Nó vòng tay ôm gò mộ, rờ rẫm gương mặt bố nó. Cái mũi cao này, đôi mắt sáng này, cả cây sáo đêm nào cũng vu vi vu vi “con cò… cò bay lả… lả bay la…”.

Ùng…ùng… tiếng sấm vang rền, trời đổ mưa bất chợt. Cơn mưa đêm nay không làm bà Vân mất ngủ như mọi bận. Bà yên trí trong tấm chăn mỏng mà chả cần lo che dột chỗ này, hứng nước chỗ kia. Giấc ngủ đến với bà thật nhẹ. Bà thấy thằng Phú răng lóe ánh trăng phóng xe máy đi đầu, sau nó vài chục thanh niên làng lốc nhốc. Anh Phú ơi, chờ em vớiiiii…, tiếng người lào phào, da diết. Đường làng quanh co, đoàn người hút khỏi tầm mắt bà. Chỉ còn tiếng cười của thằng Phú dội về, loang trên cánh đồng ngun ngút màu cỏ dại

Thái Nguyên, 12/11/2017

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 4 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước