Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
21:57 (GMT +7)

Gây dựng lại nền kịch nói Thái Nguyên

VNTN- Đó là mong muốn thiết tha của các nghệ sĩ kịch nói Thái Nguyên tại cuộc gặp mặt  nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Đoàn kịch nói Bắc Thái (18/10/1978 – 18/10/2023).

/uploads/2023/10/gay-dung-lai-nen-kich-noi-thai-nguyen-3-2112x1801.jpg
Đạo diễn Trịnh Tích (bên phải) - trưởng đoàn đầu tiên của Đoàn Kịch nói Bắc Thái và NSƯT Nguyễn Văn Bộ - nguyên trưởng Đoàn kịch nói Bắc Thái - Thái Nguyên giao lưu tại sân khấu.

 Hơn 40 nghệ sĩ từng công tác tại Đoàn kịch nói Bắc Thái – Thái Nguyên qua các thời kỳ và nhiều nghệ sĩ sân khấu ở một số tỉnh thành đã về dự. Cuộc gặp mặt do Câu lạc bộ Nghệ sĩ kịch nói Thái Nguyên tổ chức tại TP. Thái Nguyên ngày 14/10.

Thành lập năm 1978 từ một tổ chuyên môn của đoàn văn công tổng hợp thuộc Ty Văn hóa Bắc Thái, với đội ngũ diễn viên được cử từ các Đoàn: Chèo, Cải lương, Ca múa, vào thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, Đoàn Kịch nói Bắc Thái đã chinh phục được sự mến mộ của đồng bào chiến sĩ trong và ngoài tỉnh, đồng nghiệp cả nước.

Những vở diễn: “Đại đội trưởng của tôi”, “Câu chuyện tình yêu”, “Những người thợ cả”, “Hà My của tôi”, “Nhân danh công lý”, “Bản tình ca màu xanh”, “Lời thề thứ 9”… gắn với dấu ấn sáng tạo và thành công của các nghệ sĩ Trịnh Tích, Ma Kim Ly, Lê Mạnh Hùng, Thu An, Hồng Sơn, Văn Tiến, Kim Hoa, Trần Bình, Văn Bộ… cùng tập thể nghệ sĩ diễn viên của Đoàn.

Với 45 vở diễn trong toàn bộ sự nghiệp cống hiến cho nhân dân, Đoàn Kịch nói Bắc Thái được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý.

Gây dựng lại nền kịch nói Thái Nguyên
Các nghệ sĩ thể hiện quyết tâm cùng Hội VHNT tỉnh "đánh thức" nền kịch nói Thái Nguyên

Tháng 10 năm 2002, Đoàn Kịch nói, Đoàn Chèo, Đoàn Ca múa nhạc Thái Nguyên sáp nhập thành Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên. Hiện nay Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên là đơn vị tổ chức biểu diễn các ngành này, trong đó Ca múa nhạc và Chèo duy trì hoạt động chuyên nghiệp, còn kịch nói chủ yếu phục vụ hoạt động văn hóa cơ sở.

Lịch sử Đoàn Kịch nói Bắc Thái còn gắn với sự kiện bi thảm mùa hè 1986, khi 23 cán bộ diễn viên và người thân tử nạn do đắm tàu tại Hồ Núi Cốc.

Kỷ niệm 45 năm lịch sử Đoàn Kịch nói Bắc Thái, các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn có dịp ôn lại truyền thống rất đỗi tự hào của một đoàn nghệ thuật lớn, chia sẻ những vui buồn nghề nghiệp và mong ước gây dựng lại nền kịch nói Thái Nguyên.

Một trong những động thái thiết thực góp phần đưa kịch nói trở lại sân khấu Thái Nguyên là chủ trương đặt hàng hội viên sáng tác và dàn dựng các vở kịch ngắn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, đã được nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội và NSƯT Nguyễn Văn Bộ - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trình bày tại cuộc gặp mặt, đem lại nhiều hứng khởi cho các nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ là hội viên của Hội, cựu diễn viên của Đoàn đã bày tỏ niềm vui mừng và sẵn sàng nhận vai diễn nếu được giao.

Là khách mời danh dự tại cuộc gặp mặt, NSƯT Lê Chức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng nhiều nghệ sĩ nguyên là lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật ở trung ương, các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình … đã đánh giá cao chủ trương của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và sẵn lòng tư vấn chuyên môn để các vở diễn đạt giá trị nghệ thuật cao nhất.

Gây dựng lại nền kịch nói Thái Nguyên
Các thế hệ nghệ sĩ kịch nói và khách mời chụp ảnh lưu niệm

Hiện tại, các nhà văn của Hội VHNT tỉnh đã hoàn thành và chuyển đạo diễn một số kịch bản để lựa chọn dàn dựng với hy vọng kịp góp mặt trong chương trình nghệ thuật Hoa Núi 2023.

Diệu Anh

3 đã tặng

1

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy