Đụng lợn tết – Tản văn. Du An
VNTN - Tết đến nơi rồi. Thời gian sồng sộc sau lưng. Vừa mới hôm nào gặt mùa, vèo một cái đã tháng chạp, chả mấy mà mùng 1, mùng 2. Lo, tết nào cũng thế, biết trước mà vẫn lo. Những thứ chuẩn bị được trước thì đã tinh tươm. Lá dong, bọn trẻ lấy từ mùng 5 đã dựng sau bể nước. Thóc nếp, sau mấy cái giỗ, còn gần một bao… không đụng vào, hăm lăm này mới xay giã cho nó thơm. Đỗ xanh, măng, miến… gia giảm cũng gói từng gói kĩ càng, đợi ngày thịt lợn về là lên cỗ.
Khoản lớn nhất tết là thịt lợn. Chăn nuôi, năm nay kém quá, hai lần bắt giống mà chả đâu vào đâu. Con đầu từ dạo tháng giêng đã tính, nuôi sáu tháng bét cũng được bốn năm chục cân, bán cho hợp tác xã là xong nghĩa vụ. Rồi con sau chỉ để ăn tết, năm nay quyết ăn cả con. Người tính thế nhưng trời không nghe; con đầu nuôi được hai tháng thì lăn đùng ra, sùi bọt mép giãy đành đạch. Vợ chồng khóc than, nhìn lợn nhìn nhau một lúc thì đi báo chính quyền. Mổ. Nhà ăn một nửa, biếu chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã hai cái mông, cái anh hóng hớt một đĩa lòng. Tiếp theo dội nước sôi, rắc vôi bột, chuồng nghỉ một tháng, thì bắt tiếp một con lợn lang, ra giống đã 11 cân cho chắc chắn. Chú lang này ăn sốc, nhiều bữa hết cám toàn cây chuối vẫn pạp pạp như là cháo gà. Ăn thế mà vẫn lớn, tháng được dững bảy cân. Mừng quá, như thế vẫn còn kịp, cả nghĩa vụ với nhà nước, cả nhà mình ăn tết. Bữa cơm bố mẹ hay nói chuyện lợn, mặt tươi, cười cười, nghèn nghẹn. Bố bảo, từ bé ta mới thấy con này, vừa đẹp mã vừa chóng nhớn, nhà mình cứ nuôi thành con trâu be cho khoái. Nhưng… giời vẫn đi vắng chưa về, buổi chiều tôi đang mồi giun vào ống lươn thì nghe tiếng hộc lạ. Hộc hộc hộc mấy cái nữa thì tắt lịm. Tôi chạy lại chuồng thì… ôi thôi lợn ngủ mất rồi. Tôi chạy ra đồng gọi bố mẹ. Bố mẹ hớt hải chạy về. Xoa dầu, đánh gió, vỗ nựng, gọi vía… nhưng kết cục em lợn vẫn phải một liều “sun phát đờ dao”. Thấy mổ lợn, anh em chúng tôi sướng lắm, loanh quanh cười nói líu lo, tưởng tượng lúc ngồi mâm đũa díu vào nhau, cắn phập, nhoàm nhoàm miếng dồi, mỡ ánh trên môi. Mấy đứa hàng xóm thính tai, tự lúc nào cũng đến, túm quanh xem mổ lợn. Đứa bảo, đây là cái bong bóng, đứa bảo cái dạ dày… cãi nhau ỏm tỏi. Bố chợt dừng tay, kêu lên, chết rồi, về ngay mổ lợn này không được xem. Bố vằn mắt, dậm chân, rất lo lắng. Tôi chẳng hiểu ra làm sao, cũng theo đà bố - về ngay… về ngay… chúng mày về ngay... Bọn trẻ ngần ngừ, tiếc rẻ rồi cũng phải về. Lúc này bố mới nói… không phải lợn tết, xã biết là gay go đấy. Bố còn giải thích nữa nhưng anh em chúng tôi chả hiểu gì chỉ sốt ruột, sao bố không nhanh nhanh lên, còn xào nấu, thèm lắm rồi.
… Thế là tết ấy, nhà tôi không có lợn tết. Không có thì đi đụng, có mấy nhà đã ăn hẳn một con. Anh em chúng tôi chả phải lo, từ dạo tháng 9, tháng 10 âm, bố đã hỏi mấy nhà vừa kinh tế khá vừa mát tay nuôi. Theo như bố thông báo khẽ thì tết này nhà tôi sẽ đụng nửa đùi con lợn tầm năm mươi cân nhà ông Hoách. Kế hoạch đã thống nhất là - sáng hăm tám, bố mang dao, rổ đến mổ, chia, mang thịt về. Tưởng cứ như thế, đến ngày là éc éc nhưng một buổi tối, ông Hoách đến. Sau mấy câu hỏi thăm, mấy điếu thuốc lào, thì ông Hoách hắng giọng - thật khó nghĩ quá, đã hứa với cô chú rồi, người lớn với nhau rồi… nhưng thằng em tôi trong Sài Gòn vừa biên thư, tết này cả vợ con nó về quê ăn tết. Cô chú thông cảm đi hỏi chỗ khác vậy. Bố ngồi thừ một lúc mới nói, gay rồi, bây giờ biết hỏi đâu đây. Mẹ chắc từ nãy nghe thủng câu chuyện, từ dưới bếp đi lên nói mát, … vâng, em biết nhà em năm nay đen đủi, thôi thì ông đã nói vậy chả nhẽ đi tranh nhau mấy miếng thịt à.
Hôm sau, bố bỏ buổi đồng, đến trưa về hồ hởi thông báo - được rồi, bác Xoán cho mình đụng lợn nhà bác rồi. Bao nhiêu? Một phần tư đùi. Sao kém thế, năm nay con nó lớn rồi, cả năm có ba ngày tết cũng phải cho nó đàng hoàng. Mẹ mày tưởng ít à… tôi ra tận chuồng xem rồi, cân vứt đi cũng có tám chục kí. Mẹ lẩm nhẩm… tám mươi chia cho bốn bằng hai mươi, hai mươi chia bốn bằng năm… như vậy là nhà mình năm cân hơi. Thôi thế cũng được… nhưng con này có béo không? Béo, chả đứng lên được. Ừ, tôi sẽ lọc hết mỡ rán, còn lại phải đầy đủ các món - nhân bánh chưng cho thật thoải mái vào này, rồi nửa cái giò; nem chả, nồi đông, xương ninh… ít nhưng thứ nào cũng có cho con nó khỏi tủi. Bữa đầu chỉ ăn lòng, tiết canh, còn để dành, sáng ba mươi mới bắt đầu ăn tết đấy nhá. Bố cười cười nghe mẹ tính toán, tôi thì nước miếng đang tứa ra, không ngăn lại được.
Hai bố con ra đường, trời vẫn tối om, nhưng đã thấy có người, nói cười trong gió rét. Mổ đâu mà đi mà sớm thế? Em đụng trong xóm cây Thị bác ạ. Nhà này trong Chướm, có con lợn bốn mươi cân mà ông Thanh ông ấy cứ bắt bốn nhà bốn người, tết nhất bận quá đi mất. Thì nhà nào chả bận, xong cái khoản lợn này, về gói bánh là coi như xong ý mà. Có mà xong bụi lá dong, nhà cửa đây chưa dọn dẹp tí nào, vẫn lung tung beng. Tết nào cũng cuống cả lên, nhưng rồi chiều ba mươi là đâu khắc vào đấy.
Tôi nghe người lớn nói chuyện với nhau thấy sốt ruột. Nhưng như thế thì lại nhanh, trời tang tảng sáng từ lúc nào, hai bố con đã đến cổng nhà ông Xoán. Sao đông người thế, nói cười, xuỵt xuỵt xuýt xoa vì rét. Góc sân có một cái bếp, lửa ngần ngật, liếm quanh cái nồi 100. Nước được rồi đấy, nào bắt đầu thôi, ông Xoán nói và tất cả đi ra chuồng lợn.
Trong chuồng chú lợn vẫn ngủ khì, người đầy xung quanh mà chả ý kiến gì. Mấy người lăm lăm dây thừng, lạt, đòn… chực xông vào tóm, ông Xoán xua tay. Ông vào chuồng, ngồi xuống bên lợn, vỗ vỗ, lầm rầm… Tôi không nghe được rõ, chỉ thấy nét mặt ông thành kính nghiêm trang, đôi mắt ầng ậc nước.
Sau phần “nghi lễ”, chú lợn nhanh chóng được rước ra, đặt nằm ngửa cổ trên chiếc cối đá đã chuẩn bị từ trước. Người cắt tiết, người giữ chân, người nhiệm vụ đánh tiết canh, người chả có việc gì cứ xúm quanh chỉ chỏ, bình luận. Éc éc éc lại vang lên như thông báo, … sau đây tết sẽ bắt đầu. Mấy bà đến sau, mấy đứa nách em vẹo người muốn sán vào thật gần. Mấy chú Ky, chú Mích ngửa mặt lên giời, giọng sủa rất chi là ngạc nhiên.
Việc xử lý bong bóng, mấy tết trước tôi đã thạo rồi. Chỉ việc lộn ra, rửa một tí hết mùi khai khai, lộn trả lại, bơm căng, buộc chặt… là chơi ngon lành.
Nhà tôi cùng bốn nhà phải chia tiếp. Bố làm trưởng nhóm, con dao, đôi tay thoăn thoắt. Một loáng đã thấy bốn phần vào bốn rổ, đầy đủ, bằng nhau. Nào xem đã được chưa, bố đứng lên đấm lưng và hỏi. Được rồi, có giỏi chênh nhau một lai.
Hai bố con tôi về, trời có vẻ hanh hanh nắng. Dọc đường, dưới kênh có đám đang làm lòng, có người đang rửa lá dong, đãi đỗ. Đâu đây có tiếng pháo lẹt đẹt nổ. Chân tôi như có đôi cánh, tiếng hát. Một loáng đã về đến nhà, mẹ đang lụi hụi trong bếp “kháp” đỗ. Bố đặt rổ thịt xuống, bảo sao không cho vào cối mà xay. Mẹ vẫn lăn lăn cái chai trên thớt, nói - đỗ tết không được vỡ vụn, phải mười mảnh như nhau cả mười chứ. Bố lấy cái thớt to làm luôn thịt. Tôi và ba đứa em cứ loanh quanh, thấy sốt ruột quá. Mẹ đã ngâm xong đỗ, mang nồi nước vào bắc lên bếp rồi hỏi bố, nào luộc lòng luôn chứ. Bố vẫn không ngẩng lên, bảo, đúng rồi nhưng xào thêm một ít thịt mỡ mới đủ.
Tết năm ấy, nhà tôi chỉ một phần tư đùi thịt lợn đụng mà ấm cúng đủ đầy. Hồi ấy tôi chỉ biết háo hức, thậm chí phụng phịu, so bì khi thấy có nhà năm nào cũng mổ lợn, ăn nửa con, cả con. Tôi đâu biết rằng mỗi lần sắp tết, là đêm mẹ chả ngủ, chong chong lên đình màn đen sẫm.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...