Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
03:44 (GMT +7)

Du lịch Việt trước “làn sóng Covid thứ hai”

VNTN - Mấy ngày cuối tháng Bảy vừa qua, gặp một đồng nghiệp có công ty chuyên về lữ hành trong tình trạng mặt mũi hốc hác, bơ phờ. Không cần hỏi cũng đoán được là bạn lại đang phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền, dịch vụ, giải đáp, giải quyết các hợp đồng du lịch. Dịch bệnh mới được kiểm soát hơn một tháng, các công ty du lịch quay trở lại hoạt động, nhưng chẳng được bao lâu nay dịch quay trở lại, thế là lại phải bù tiền ra cho khách hàng. Không riêng gì công ty bạn tôi, mà đối với thị trường du lịch Việt hiện nay đi đến đâu cũng đều nghe thấy: hoãn - hoàn - hủy. Người dân thì kêu chán vì đã mua tour, chuyển tiền cho bên công ty lữ hành, do dịch Covid bùng phát trở lại mà phải hủy, hoặc hoãn mà không được hoàn lại tiền. Số tiền bỏ ra mua tour cũng thường từ 5 - 7 triệu/ cá nhân nên cũng là số tiền lớn trong bối cảnh hiện nay.

 

Ảnh minh họa

Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, các công ty du lịch lúc này luôn phải đàm phán với các hãng máy bay, cơ sở lưu trú, xe khách và các dịch vụ khác. Nhưng câu trả lời thường nhận được: các đối tác đều không hoàn tiền cho khách du lịch, ngoại trừ trường hợp những chuyến bay đến Đà Nẵng là được hoàn lại tiền. Ngoài ra, đa phần các hãng hàng không đều khuyến khích hành khách giữ vé chưa sử dụng để đổi sang ngày bay mới ngay khi có thể. Trong trường hợp hoàn vé, các hãng sẽ miễn phí hoàn vé đối với hình thức tự nguyện sang Travel Voucher (không hoàn tiền mà sẽ được thay thế bởi các dịch vụ hàng không khác như chuyển hàng, hoặc bay ngày khác với giá tương tự). Tôi có nhắn tin hỏi thăm các anh chị làm trong Saigon Tourist, Hanoi Tourist, Ben Thanh Tourist, Vietralvel, Saco Travel… cũng đều trong tình trạng giống với công ty của bạn tôi. Có điều, họ là các công ty lớn thì số tiền mất sẽ nhiều hơn nhiều lần. Lý do, các công ty này với số lượng khách lớn nên phải bao trọn tháng với một số cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng và các hãng máy bay, ngược lại, do làm ăn uy tín nên các công ty này cũng không cần tiền đặt cọc từ phía khách du lịch. Khi dịch Covid quay trở lại mấy ngày qua, công ty phải đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, “nếm mật nằm gai” bù tiền của công ty ra trả cho các đối tác.

Đứng trước tình hình tréo ngoe của dịch bệnh Covid, hiện các công ty du lịch đang phải bàn đến các giải pháp giúp giải quyết các vấn đề về nhân sự, về điểm du lịch, maketing du lịch…

Về vấn đề nhân sự, nếu là các công ty lữ hành nhỏ thì đây không phải là bài toán lớn, vì hầu hết các công ty du lịch không phải trả tiền lương hàng tháng cho nhân viên. Họ chỉ chi trả theo hợp đồng dẫn tour (hầu hết các công ty lữ hành ở Thái Nguyên tồn tại mô hình này). Còn tại các công ty lữ hành lớn và cơ sở lưu trú, nhà hàng thời điểm này nhiều nơi phải đưa ra biện pháp cắt giảm tiền lương, hoặc cho một số bộ phận nghỉ việc do không có khách hàng và tour du lịch.

Còn vấn đề điểm đến, ở thời điểm trước khi dịch Covid bùng phát quay trở lại thì từ giữa tháng 5/2020 Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp Viet Nam Airline xây dựng chương trình kích cầu với tinh thần mới triển khai chương trình trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận tải đều đồng loạt giảm giá dịch vụ từ 20 - 50% để khuyến khích du khách nội địa quay trở lại với các điểm đến quen thuộc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, các công ty du lịch đều phối hợp với nhau thực hiện các Famtrip khảo sát các tour có điểm du lịch mới, giá rẻ, hấp hẫn cho khách du lịch. Với biện pháp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và thực hiên “An toàn tại điểm đến” sẽ phần nào giải quyết được nhu cầu đi du lịch của người dân Việt khi dịch bệnh kiểm soát được.

Với hoạt động maketing du lịch, trong giai đoạn này với việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật, thông tin vào quảng bá hình ảnh điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng… đang được ưu tiên hàng đầu. Với kiểu du lịch truyền thống là phải đi thực tế bằng phương tiện di chuyển đến điểm tham quan, thì hiện nay du lịch thông minh, du lịch trực tuyến với sự hỗ trợ của các sản phẩm công nghệ như công nghệ thực tế ảo bằng kính 3D kết hợp với các video chất lượng 3D sẽ cho khách du lịch trải nghiệm với cảnh quan điểm đến, tham gia lễ hội, nghệ thuật biểu diễn. Hoặc các sản phẩm quay và chụp bằng máy chuyên dụng 360 độ, cũng giúp khách du lịch tìm hiểu được các khu di tích lịch sử, bảo tàng, khách sạn và resort.

Có thể nói, đại dịch đã khiến toàn bộ con tàu thương mại và du lịch nội địa cũng như quốc tế bị trật bánh từ đầu năm nay. Trên thế giới du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và hiện vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn khủng khiếp tưởng chừng không thể vượt qua. Theo báo cáo của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), tổng lượt khách du lịch quốc tế giảm 20% - 30% trong quý I năm nay và dự đoán giảm 60% - 80% cho cả năm 2020. Tổ chức này cũng đánh giá đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà du lịch quốc tế phải đối mặt từ năm 1950. Tại Việt Nam, theo số liệu được công bố từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 03/2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyễn Văn Tiến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy