
Góc biếm họa số 1+ 2 (2025)

Năm 2024 ngành du lịch tỉnh Thái Nguyên đón hơn 3,4 triệu lượt khách, tăng gần 40% so với năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với năm 2023. Không chỉ đóng góp về thu ngân sách, ngành du lịch còn trực tiếp quảng bá, lan tỏa, phát huy các giá trị di sản văn hóa đến du khách trong nước, quốc tế. Sự tương tác qua lại giữa di sản và hoạt động du lịch đã hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển, di sản được trao truyền, gìn giữ. Không thể phủ nhận một thực tế là ngành du lịch đã thổi hồn, nâng cao tầm giá trị di sản. Ngược lại, di sản trở thành nguồn tài nguyên vô giá phục vụ ngành du lịch phát triển.
Di tích đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa), nơi ở đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến.
“Mỏ vàng lộ thiên” phục vụ ngành du lịch phát triển
Hơn 1.000 di tích lịch sử - văn hóa đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích cấp Quốc gia và 241 di tích cấp tỉnh; hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm, trong đó có 23 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn của tỉnh, một “mỏ vàng lộ thiên”, nếu được khai thác bài bản, hiệu quả thì “trữ lượng”tài nguyên càng trở nên dồi dào.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Thịnh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp làm du lịch và địa phương có di sản, đó là cách giúp cho ngành du lịch phát triển, đồng thời tạo nguồn thu tại chỗ để “bồi bổ” cho di sản được nâng tầm.
Ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, là cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, là phên dậu, lá chắn che chở cho phía Bắc kinh thành Thăng Long, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một vùng rộng lớn thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên (gồm 4 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai) được Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, trong đó huyện Định Hóa là trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”. Thời gian như dòng sông cuộc đời, lặng lẽ trôi xuôi về biển lớn, nhưng để lại đôi bờ những di sản văn hóa vô giá.
Nét xưa cổ kính phải nhắc đến hệ thống đình, đền, chùa mang kiến trúc nghệ thuật Á Đông. Ví như chùa Phù Liễn; chùa Đán; chùa Hang (TP. Thái Nguyên); chùa Sơn Dược (Đại Từ); chùa Thuần Lương (TP. Sông Công); Đền Đuổm (Phú Lương); cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình); đền Xương Rồng (TP. Thái Nguyên)… Đó là các công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng, trùng tu, nâng cấp từ các nguồn xã hội hóa. Do khắc nghiệt của thời tiết và thời gian, do thực hiện tiêu thổ kháng chiến trong những năm đất nước có chiến tranh, nhiều công trình nghệ thuật phải dỡ bỏ phục vụ kháng chiến, rồi được phép xây dựng lại sau ngày đất nước hòa bình, đổi mới để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng trong nhân dân.
Ngoài ý nghĩa về kiến trúc văn hóa nghệ thuật, các công trình còn mang ý nghĩa tưởng nhớ tới những người anh hùng dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân. Điển hình như cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Đây được xem là cuộc khởi nghĩa vũ trang hào hùng vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Đó là niềm tự hào của người dân trên quê hương Thái Nguyên anh hùng. Các di tích lịch sử được xây dựng nhiều nhất chủ yếu ghi dấu ấn ở giai đoạn đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ, để những tên làng, tên đất như: Khau Tý (Điềm Mặc); Khuôn Tát (Phú Đình); Bảo Biên (Bảo Linh), Làng Quặng (Định Biên)... huyện Định Hóa trở thành nơi về nguồn của con dân đất Việt; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, khơi niềm tự hào cho các thế hệ cháu con.
Di tích Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hóa), nơi Hồ Chủ tịch ở, làm việc và chủ trì hội nghị Bộ Chính trị họp bàn Kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 - 1954.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên tâm đắc: Thông qua hoạt động du lịch, di sản được giới thiệu quảng bá rộng rãi đến nhân dân, du khách. Nhất là học sinh, sinh viên, trong quá trình trải nghiệm thực tế họ được hiểu rõ, đầy đủ hơn về một giai đoạn lịch sử của đất nước; về một nét đẹp văn hóa truyền thống của một dân tộc, một quốc gia.
Tất cả các địa danh ấy gắn liền với công cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trở thành một bộ phận của quần thể di tích “Chiến khu Việt Bắc”, được các nhà sử học đánh giá là quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau: Một mái lán trên đồi Khau Tý, nơi Chủ tịch Hồ Chí Mình đặt bước chân đầu tiên về Định Hóa lãnh đạo kháng chiến năm 1947. Rồi mái lán Tỉn Keo chứng kiến một quyết định trọng đại: Bộ Chính trị thông qua “Phương án tác chiến mùa xuân năm 1954” của Tổng Quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đình Làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa) chứng kiến việc hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân…
Vẫn còn đây những dấu tích anh hùng của thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sừng sững bên đầu cầu Gia Bảy bia ghi danh các chiến sĩ Trung đội Tự vệ Tiểu khu Hoàng Văn Thụ anh dũng hy sinh tại trận địa bảo vệ cầu Gia Bảy ngày 17 tháng 10 năm 1965. Và uy nghi, trang nghiêm khu tưởng niệm Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên). Cùng với đó, ở xã Thần Sa (Võ Nhai) có Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm - một di chỉ khảo cổ thuộc thời đại đá cũ với dấu tích của loài người sinh sống cách đây khoảng 41.500 năm.
Đặc biệt trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có 4 di sản văn hóa phi vật thể: Chữ Nôm của người Dao tỉnh Thái Nguyên; Nghệ thuật may, thêu trang phục của người Dao xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) và các xã Liên Minh, Nghinh Tường, Vũ Chấn (Võ Nhai); Hát Ví của người Tày (Định Hóa); Lễ hội đền Lục Giáp, phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên) được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Cùng hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử và khảo cổ học, trên vùng đất nửa đồng, nửa núi, Thái Nguyên còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, điển hình như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của người Sán Chay và Lễ cấp sắc của người Dao… Khi các di tích lịch sử trở thành điểm đến, thì các di sản văn hóa phi vật thể trở thành “món đặc sản” tinh thần được trình diễn, giao lưu giữa người dân địa phương với du khách. Tất cả các di sản đều là nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho ngành Du lịch phát triển.
Ngành du lịch góp phần nâng tầm giá trị di sản
Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và các di sản văn hóa phi vật thể chỉ thực sự trở thành “mỏ vàng” khi được sử dụng, khai thác hiệu quả. Với ngành du lịch Thái Nguyên thì đó cũng là một nguồn tài nguyên lớn đang được khai thác, sử dụng, góp phần quan trọng trong phát huy giá trị di sản. Thông qua hoạt động du lịch, di sản trở nên gần gũi, thân thiện hơn với con người, giúp mỗi người khi được tiếp cận có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giá trị di sản. Từ đó di sản trở thành viên ngọc quý, tỏa ánh hào quang trong đời sống văn hóa tinh thần của mọi người trong cộng đồng xã hội.
Lễ Hội Đền Đuổm, xã Động Đạt (Phú Lương) thu hút hàng vạn lượt nhân dân, du khách trong dịp đầu xuân hằng năm.
Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sĩ Mai Thị Hạnh, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Di sản tồn tại ở các dạng vật thể và phi vật thể. Nhưng nếu chỉ cất giữ, bảo quản thì di sản khó phát huy được giá trị, thậm chí trở thành vật vô nghĩa và nhanh chóng mai một theo dòng thời gian.
Điều dễ nhận thấy là nếu di sản được trao truyền, gìn giữ, bảo vệ cẩn trọng nhưng không được mang trưng bày, trình diễn phục vụ công chúng, chắc chắn sự nghiệt ngã của thời gian làm hư hại, xuống cấp, mai một và dần bị mất đi trong đời sống xã hội. Hát sường cô của đồng bào dân tộc Ngái Thái Nguyên là một minh chứng. Mờ nhạt đến mức gần như không còn tồn tại trong đời sống tinh thần của đồng bào. Chỉ khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc, mất nhiều tháng các nghệ nhân mới ghi chép ra được 5 bài hát của dân tộc mình. Thực tế có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử và một số nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc bị mai một, Nhà nước phải đầu tư hàng tỷ đồng cùng rất nhiều thời gian, công sức để phục dựng, bảo tồn.
Trong du lịch, đó là sự khám phá, tìm tòi, nghiên cứu về giá trị lịch sử; giá trị truyền thống. Những khác biệt, độc, lạ là chất xúc tác dẫn dụ du khách đến với di sản. Minh chứng thực tế là các di sản càng được ngành Du lịch khai thác, càng có sức sống mạnh mẽ. Thông qua du khách thập phương, giá trị di sản theo câu chuyện của du khách lan tỏa rộng rãi đến nhiều miền quê trong và ngoài nước. Thông các hoạt động liên quan đến du khách, ví như việc các doanh nghiệp làm du lịch đưa khách lên Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, thăm di tích đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc); mái lán Tỉn Keo, thác Khuôn Tát (xã Phú Đình)… ở đó, niềm tự hào về một giai đoạn lịch sử 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được khơi dậy.
Chùa Hang (phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên), một công trình có kiến trúc nghệ thuật Á Đông cổ kính.
Ngành du lịch phát triển, cơ hội đầu tư trở lại cho di sản cũng được quan tâm hơn. Hàng năm các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh và trong nhân dân được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng cho việc tôn tạo, nâng cấp, trao truyền, trình diễn và quảng bá. Đó là minh chứng sống động trong việc gắn kết giữa du lịch với phát huy giá trị di sản. Sự tương tác qua lại giữa du lịch và di sản văn hóa đã có tác động tích cực trong việc chuyển đổi tư duy, nhận thức của những người làm du lịch và người dân ở các địa phương có di sản.
Ghi nhận là hầu hết những hộ dân sinh sống ở khu vực có di tích, họ không ngần ngại hiến đất hương hỏa để cơ quan chức năng Nhà nước thực hiện mở rộng khuôn viên, đường vào di tích. Ông Ma Đình Soạn, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa) tự hào: Trong những ngày kháng chiến chống Pháp, lớp cha ông đã nhường nhà, nhường chỗ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị ở làm việc. Khi Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng di tích lịch sử, hậu sinh chúng tôi ngần ngại gì không hiến đất, hiến công. Với người dân địa phương có di tích như chúng tôi thì đó còn là niềm tự hào, nhất là hằng ngày được chứng kiến các đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, các trường học trong, ngoài tỉnh đưa đoàn học sinh về trải nghiệm. Vui nhất là một số đoàn du khách đến từ nhiều nước trên thế giới, sau tham quan, trải nghiệm tại di tích đã ở lại cùng bà con lên đồi hái chè, sao chè, chăn trâu, bắt cá, nấu ăn và mê đắm với tiếng đàn tính cùng câu hát then mang lời rừng, lời núi.
Ông Ma Đình Được, 83 tuổi, xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình (Định Hóa) làm đàn tính bán cho du khách.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được nhân dân gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị thông qua hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Điển hình như các di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Múa Tắc xình, hát Sấng cọ, Lễ hội cầu mùa (dân tộc Sán Chay), Lễ cấp sắc, Nghi lễ Tết nhảy, hát Pả dung (dân tộc Dao); rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ, Nghi lễ Then, Lễ hội Lồng Tồng, Lượn cọi (dân tộc Tày)… Đặc biệt tri thức dân gian trồng và chế biến chè ở vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nghệ nhân Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương phấn chấn: Mấy đời nhà tôi sống nhờ cây chè cũng mừng vì việc trồng chè, chế biến chè được liệt vào tri thức dân gian. Nhất là từ khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản, sản phẩm chè của vùng Tân Cương trở nên có giá trị hơn rất nhiều so với trước đây.
Xứ trà Thái Nguyên cũng bận rộn hơn với du khách. Nườm nượp, đông vui nhất là dịp đầu xuân, mùa lễ hội về, thúc gọi mọi người tham gia. Các di tích văn hóa, lịch sử; các đình, đền, chùa… người dân địa phương lại tất bật tổ chức hoạt động nghi lễ văn hóa truyền thống, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút nhân dân, du khách thập phương đến với lễ hội. Và ở đó nhiều nghi lễ, tập quán văn minh, các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số lại ngân lên rộn ràng. Thông qua trình diễn trong ngày hội, di sản văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể được lớp trước trao truyền lại cho thế hệ sau. Đồng thời du khách được tham gia chứng kiến, tiếp nhận, cảm thụ và mang câu chuyện về nét đẹp văn hóa ấy về các miền đất khác nhau, và kể cho người thân, bạn bè cùng thưởng thức.
Di tích khảo cổ học Thần Sa, xã Thần Sa (Võ Nhai), một điểm đến hấp dẫn đối với du khách
Trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Thái Nguyên vừa mời gọi nhà đầu tư đến hợp tác phát triển du lịch, vừa phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch đến du khách trong nước, quốc tế thông qua các ấn phẩm, tờ rơi và các nền tảng mạng xã hội. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đúc kết: Thông qua hoạt động du lịch, giá trị của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được nâng tầm, lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước, mà theo du khách đến nhiều châu lục trên thế giới.
Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Thái Nguyên cảnh quan hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, trong cộng đồng các dân tộc lưu giữ, trao truyền một kho tàng đồ sộ các di sản văn hóa phi vật thể, cùng đó là các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và di chỉ khảo cổ học. Đó là nguồn tài nguyên vô giá, một “mỏ vàng lộ thiên” mà ngành du lịch Thái Nguyênđang quản lý và khai thác.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...