Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”
Dòng thơ theo dấu chân Người
Từ lâu, nhiều vần thơ về Bác Hồ kính yêu đã đi vào tâm trí các thế hệ người Việt Nam, trong đó có thế hệ chúng tôi qua những trang sách học đường hay trên báo chí: Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ), Sáng tháng Năm (Tố Hữu), Người đi tìm hình của nước, Người thay đổi đời tôi (Chế Lan Viên), Đọc thơ Bác (Hoàng Trung Thông), Bộ đội Ông Cụ (Nông Quốc Chấn), Giữa quê hương Bác (Lưu Trùng Dương)...
Những tháng ngày hành quân mải miết vượt Trường Sơn vào chiến trường khu Năm, nhiều trang thơ về Bác (nhất là những bài ra đời trong dịp Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng) của nhiều tác giả lại vang vọng trong tôi.
Vốn đã tập làm thơ từ khi còn nhỏ tuổi, ngày Bác đi xa, tôi có làm một bài thơ, nhưng khi được đọc những bài thơ rất hay về Bác: Bác ơi (Tố Hữu), Gửi lòng con đến cùng Cha (Thu Bồn), Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương (Việt Phương), Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi (Hải Như)..., tôi cảm thấy những câu thơ của mình thật vụng về, bé nhỏ nên đành gác lại.
Nhưng rồi, hình ảnh vị lãnh tụ với tầm tư tưởng vĩ đại và đạo đức trong sáng tuyệt vời đã tạo nên một lực hút kỳ lạ trong tôi, thôi thúc tôi mạnh dạn cầm bút viết về Người để bày tỏ cảm nghĩ, lòng biết ơn và kính phục về Bác kính yêu.
Tôi không có cái may mắn là được gặp Bác lúc Người còn sống, nhưng qua sách báo, phim ảnh hoặc qua lời kể của những người được gặp Bác, tôi có cảm giác như thấy Bác luôn gần gũi động viên mình. Và cũng từ đó, tôi tự đề ra cho mình là trong điều kiện cho phép, tôi sẽ hành hương theo những nẻo đường Bác đã từng qua trên mảnh đất quê nhà để gặp gỡ thiên nhiên và con người, để mường tượng ra hình bóng Bác ngày nào, những mong thể hiện những ý thơ về Người.
Những dòng thơ đầu tiên của tôi về Bác kính yêu gắn với những năm tháng tôi tham gia quân đội. Năm 1972, Đoàn 1040 của chúng tôi đang trên đường hành quân vào chiến trường. Một đêm cuối hè đầu thu, chúng tôi tới Nam Hòa, cách Kim Liên quê Bác không xa. Đã quá khuya, nhiều người trong tiểu đội tôi không ngủ, tranh thủ băng đồng về thăm nhà Bác: “Quá nửa đêm vẫn tìm tới làng Sen/ Đường Trường Sơn dốc đèo đang vẫy gọi.../ Đâu chỉ nghĩ: sa trường một đi không trở lại/ Mà muốn rèn thêm lửa sáng niềm tin” (Trên đường ra trận). Một câu nói của Bác do Đại tướng kể lại khiến chúng tôi luôn ghi nhớ và là động lực để băng lên phía trước: “Giữa trận ốm thập tử nhất sinh, Bác vẫn dặn mọi người: Dù đốt cháy Trường Sơn cũng quyết giành Độc lập!/ Triệu chúng con vượt đường mòn, trong tim vang lời Bác/ Để chói lọi sao vàng ngày toàn thắng, Bác Hồ ơi!” (Theo ý chí Người).
Năm 1975, tôi có may mắn tới Bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước năm xưa. Thật khó tả nỗi niềm xúc động trong tôi. Tôi hỏi một chiến sĩ đứng gác bên bến cảng còn rất trẻ, trông như sinh viên mới nhập học thì được trả lời là đơn vị anh mới được lệnh hành quân cấp tốc bằng máy bay để kịp tiếp quản thành phố. Tôi nói với người chiến sĩ đó là bạn có hạnh phúc hơn rất nhiều đồng đội khác. Quả thực, có nhiều người, cả đời lính lăn lộn trên các chiến trường nhưng vào thời điểm Tháng Tư lịch sử đó, đơn vị anh còn làm nhiệm vụ khác, ở một nơi khác, không được “tiến về Sài Gòn”, không được tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa anh chiến sĩ trẻ lại là một trong những người có vinh dự đứng gác trên bến cảng, nơi xưa Bác Hồ cũng vào tầm tuổi anh bây giờ, ra đi tìm đường cứu nước, ngay trong những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Sài Gòn ngày ấy chưa chính thức mang tên là thành phố Hồ Chí Minh nhưng câu thơ của Tố Hữu cứ vang vọng trong đầu tôi: “Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô thành phố/ Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng”. Không khí chiến thắng, niềm vui thống nhất đất nước, đoàn tụ lòng người như chắp cánh cho thành phố bay cao. Tôi đã kịp ghi lại cảm xúc của mình trong bài thơ Con về nơi Bác ra đi, trong đó xúc động và tự hào nhất là khi nhớ tới Bác Hồ kính yêu: “Sáu tư năm, sóng trăm bề/ Hôm nay trọn vẹn câu thề, Bác ơi!/ Non sông giặc giã tan rồi/ Sài Gòn lộng lẫy đón Người, vui thay/ Bác đang ngời giữa cờ bay/ Bác đang vẫy, triệu bàn tay vẫy mừng”.
Bài thơ có địa danh như cầu Bắc Bình Vương là tên gọi từ ngày ấy. Sau này, tôi vào thành phố bốn lần nữa, lần nào tôi cũng tới thăm Bến Nhà Rồng nhưng không còn gặp tấm biển mang tên ấy nữa, có thể cây cầu đã mang tên mới. Mặc dù vậy, tôi vẫn giữ nguyên câu thơ “Vượt qua cầu Bắc Bình Vương/ Bồi hồi như giữa quê hương ngày về”, như một kỷ niệm không quên. Tôi cũng còn giữ lại được tờ Chứng từ đổi tiền (bàn số 1240, Quận 10), đổi 19.700 đồng, tiền Sài Gòn (của chính quyền cũ) sang tiền Ngân hàng Việt Nam (của chính quyền cách mạng, thường gọi là tiền Giải phóng), được 39 đồng 40 xu.
Vào dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến đi thực tế xuyên Việt, chúng tôi tìm ra tận Rạch Tàu - Đất Mũi (Cà Mau). Xuồng máy chạy qua vùng kênh rạch Viên An, chúng tôi gặp một phủ thờ Bác Hồ, nơi thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của đồng bào ở nơi tận cùng của đất nước hướng về vị cha già của toàn dân tộc: “Đước với tràm sóng sánh nước trong/ Phủ thờ Bác sáng một trời thương nhớ/ Bom đạn giặc ngày nào không phút giây ngừng nổ/ Đền vẫn vẹn toàn bởi tạc giữa lòng dân” (Ở nơi cuối nước).
Nhiều năm nay tôi làm công tác giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại ở Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Những dịp hướng dẫn sinh viên đi thực tế, thực tập sư phạm, nhất là từ năm 1993, khi đó tôi là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tôi có dịp được đặt chân tới nhiều vùng miền của đất nước, nhất là miền núi và trung du phía Bắc nước ta. Đến công tác tại các tỉnh, có điều kiện là tôi tranh thủ đi về các huyện, trong đó có nhiều nơi là căn cứ địa cách mạng và kháng chiến, nơi từng in dấu chân của Bác Hồ và các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối. Đất và người, quá khứ và hiện tại đã gợi mở, đã chắp cánh cho nhiều bài trong tập thơ Núi ấm tình Người (*).
Gần hai mươi lần lên với Cao Bằng, mỗi lần ở đó từ 7 đến 10 ngày, nhiều lần tôi được lên Pắc Bó, thăm hang sâu, núi cao, suối trong và lán Khuổi Nặm: “Sáo chiều Khuổi Nặm còn ngân/ Suối Lê-nin vẫn muôn lần biếc xanh”. Tìm lên Đông Khê, Thất Khê, qua đèo Bông Lau theo đường số 4 sang Na Sầm... bồi hồi nhớ những ngày Bác đi chiến dịch. Vào Nguyên Bình, qua Tà Sa lại nhớ câu thơ đầy tài hoa của nhà thơ Chế Lan Viên: “Rừng ơi, khép suối cho trăng ngủ/ Thủy điện Tà Sa đủ sáng rừng" (Điện và trăng). Và rồi thầy trò chúng tôi được mải mê ngắm cảnh rừng cây đang gọi gió về như ngày nào hội quân buổi đầu theo chỉ thị của Người để từ đó trưởng thành và làm nên những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc: “Giọt nắng trong lọc qua tán cây già/ Theo lời Bác, đồng chí Văn truyền lệnh.../ Sáu mươi năm theo Đường Kách Mệnh/ Để bây giờ rừng thắm đầy hoa” (Trong rừng Trần Hưng Đạo).
Thái Nguyên và Tuyên Quang, An toàn khu Định Hóa và Tân Trào gắn với nhau liền một dải mãi mãi in hình bóng Bác. Cứ mỗi lần lên thăm là lại thêm một lần tôi khôn ngăn nỗi niềm xúc động: “Lại về với bóng đa cao/ Với đình Hồng Thái tự hào bấy lâu” và “Nà Lừa, rừng mát bóng cây/ Đây rồi lán Bác những ngày năm xưa”. Hoặc là: “Chiều một thoáng mà chan đầy năm tháng/ Gặp một lần để tình mãi chung chiêng”...
Gần ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XI, sinh viên ở Tuyên Quang đưa tôi về thăm xã Kim Bình (thuộc xã Vinh Quang trước đây), nơi họp đại hội Đảng lần thứ II. Bên Hội trường lớn, bên rừng cọ xanh um, và đặc biệt là bên lán Bác ở trong thời gian chuẩn bị và tiến hành đại hội, chúng tôi không khỏi bồn chồn: “Sáng lên, gió nhẹ nâng mình/ Chiều về, trĩu nặng ân tình chiến khu”. Và đến lúc rời xa: “Chân đi, lòng nhớ... mái đình/ Mắt trông, núi tạc dáng hình... cây đa/ Nhớ chiều Bó Củng mờ xa/ Làn mây mỏng mảnh cho ta xiêu lòng”.
Hà Giang là nơi địa đầu của Tổ quốc ta. Từ hơn chục năm nay, mỗi năm tôi lên dạy học trên đó chừng trên dưới một tháng. Tôi đã đi khắp các huyện trong tỉnh (có huyện lỵ cách xa tỉnh lỵ 150 cây số đèo dốc, chưa kể từ thị trấn huyện lên các xã vùng biên) để tìm hiểu đời sống của đồng bào vùng cao sau mấy chục năm đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ. Từ câu nói về nhiệm vụ thiết yếu của vùng cao là “điện, đường, trường, trạm” mà tôi đã viết hai bài thơ sau: “Thương đồng bào vùng cao vất vả/ Bác dặn mở to thêm những con đường/ Người đi xa … xe len vào bản nhỏ/ Bởi có đường khởi nguồn tự tình thương” (Mở đường). Và: “Người thường dạy: muốn non sông rạng rỡ/ Phải chăm lo thế hệ tương lai/ Trường xây mới, cờ hồng tung trước gió/ Bé thấy Bác cười trong nắng ban mai” (Trường mới).
Giữa mùa nước Nam đầy sóng và bão giông, cùng một nhóm sinh viên miền biển, tôi tìm ra tận đảo Cô Tô. Có lẽ đây là miền hải đảo xa xôi nhất của Tổ quốc mà sinh thời Bác Hồ từng đặt chân tới. Đứng bên tượng Bác, đọc câu nói của Bác với đồng bào khi ra thăm đảo, tôi càng hiểu thêm tầm nhìn chiến lược của Người về biển đảo nước nhà.
Dù ở nơi đây hay ở làng chài nhỏ của huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, hoặc ở vùng biển Thanh Hóa, nơi Bác từng tới thăm đồng bào mới khẩn hoang, từng cùng lão ngư kéo lưới... hay những bản nhỏ vùng cao, ân tình của Người, tư tưởng và đạo đức Bác Hồ sáng soi và nồng ấm trong nụ cười và ánh mắt của mỗi người dân bình thường. Chất liệu hiện thực đó đã thôi thúc tôi cầm bút sáng tạo.
Ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06-CT/TW, tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (trước đó là Chỉ thị số 23 - CT/TW của Ban Bí thư về việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh). Nhận thấy đây là cuộc vận động lớn, có ý nghĩa sâu sắc và đây cũng là dịp tốt để bản thân có thêm tài liệu, có thêm thời gian chiêm nghiệm về vấn đề mình tâm đắc lâu nay là đạo đức Hồ Chí Minh nên tôi hoàn thành một loạt bài (bằng thể thơ tứ tuyệt mở rộng) về chủ đề này, bởi lẽ: “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo” (Chỉ thị 06 - CT/TW).
Nhiều câu chuyện cảm động về đạo đức Hồ Chí Minh lưu truyền trong nhân dân hoặc do các tác giả kể trên sách báo đã được tôi thể nghiệm “kể” lại bằng nghệ thuật ngôn từ nhưng cũng là để gửi gắm niềm tâm sự và rút ra bài học cho mình. Chẳng hạn, một câu chuyện về chụp ảnh: “Ảnh ghi lại đời thường của Người không nhiều lắm/ Bởi Bác khuyên dành chụp cho chiến sĩ, đồng bào/ Sáng nay giở anbom, ảnh mình nhiều vô kể/ Vội gập vào, con xấu hổ nhường bao” (Chụp ảnh).
Đạo đức sáng ngời của Bác mà tôi luôn tâm niệm là ý chí, là tinh thần và nghị lực phi thường vượt lên mọi hoàn cảnh để phụng sự cho lợi ích của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời đó còn là lòng nhân ái bao la của Người dành cho đồng bào, đồng chí, bè bạn và nhất là cho các cháu thiếu nhi. Trong những lần lên thăm Phú Đình (Định Hóa - Thái Nguyên), được nghe các cụ già đã vào tuổi “cổ lai hy” kể lại những Tết Trung thu trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, các cụ được Bác chia quà, đã sáu mươi năm, cứ vào đêm trăng ngàn tròn nhất trong năm, các cụ lại bồi hồi sống trong tâm trạng: “An toàn khu kháng chiến bộn bề/ Người gửi tình thương cho đàn cháu nhỏ/ Sáu mươi năm, bé xưa đầu bạc... gió/ Vẫn ngóng Bác về chia quà Tết Trung thu" (Trung Thu nhớ Bác).
Hiếm có vị lãnh tụ nào lại sống mãi trong trái tim, trong khối óc của mọi tầng lớp nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc sống thực hàng ngày đã kết cho tôi những dòng thơ sau đây: “Bốn tuổi tròn, bé chưa biết chữ đâu/ Mà đã thuộc câu: Tháp Mười đẹp nhất.../ Giọng trong trẻo ngân nga gọi Bác.../ Làm cả nhà xúc động nhẩm theo" (Từ chưa biết chữ).
Khi viết thơ về Bác đòi hỏi người cầm bút phải có tấm lòng thành bởi cuộc đời Bác “trong như ánh sáng”, “trong suốt như pha lê”. Người viết nhiều lúc phải nâng mình lên để thể nghiệm những cảm nghĩ của lãnh tụ bởi tầm cao về tư tưởng, đạo đức của Người sánh ngang tầm vóc núi sông.
Năm 1970, nhà thơ Xuân Diệu lên thăm, nói chuyện với cán bộ giảng dạy và sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên). Ông nói về thơ Bác, thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng khác và về thơ ông. Có một câu chuyện ông kể làm tôi nhớ mãi: Một lần, đêm đã khuya, đèn đã tắt mà trên nhà sàn của Bác, tiếng ra-đi-ô vẫn vọng xuống. Thời chiến tranh, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh 24/24 giờ. Tưởng Bác đã ngủ mà quên tắt đài nên một đồng chí phục vụ nhẹ nhàng đi lên cầu thang định tắt đài đi. Bác khẽ nói: Cháu ơi đừng tắt. Đồng chí phục vụ thưa: Dạ, cháu tắt đài để Bác ngủ ngon giấc ạ. Bác ôn tồn nói: Cứ để vậy để phòng Bác có tiếng người cháu ạ. Câu chuyện chỉ có vậy mà tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về “tiếng người”, tiếng đời đó. Đài truyền tin suốt đêm về chiến công của hai miền, Bác muốn nhận tin vui đó và đưa cả vào trong giấc ngủ của Người. Sự thật thì những năm tháng ấy, Bác có ngủ yên đâu! Nhưng còn một lẽ khác, Bác là một con người thực sự là con người, luôn gắn với cuộc đời này: “Nhà sàn khuya vẫn vẳng tiếng đài/ Lo Bác ngủ không yên, có người đi lên gác …/ Bác khẽ bảo: Cháu ơi, đừng tắt!/ Để thâu đêm nhà còn ấm tiếng người" (Tiếng người).
Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi là một đối tượng thẩm mĩ cao đẹp đòi hỏi nhiều bút lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tôi mong muốn và hy vọng rồi đây sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật ngôn từ cũng như nhiều tác phẩm của các ngành nghệ thuật khác để hình tượng Hồ Chí Minh thêm phong phú, sống động, xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của Người.
Nguyễn Long
-----
(*) Tập thơ Núi ấm tình Người đã được Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trao giải Xuất sắc.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...