Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
12:34 (GMT +7)

Đồng hồ thiên văn Praha và cây thánh giá vô hình

VNTN - Đến Praha, thủ phủ xứ Tiệp Khắc. Người Việt Nam ta bao năm vẫn quen gọi là Tiệp Khắc, trong khi từ năm 1993, nơi này đã lột xác trở thành Cộng hòa Séc rồi. Một không gian cổ kính ngoài sức tưởng tượng. Hơi ngạc nhiên là bởi tại làm sao người nơi này và người nơi khác đến thành phố này sum vầy và chỉ để chơi bời quanh năm nhiều đến thế. Lầu gác cổ, những cây cầu cổ đến mức có kẻ hài hước thốt lên: Nghĩ cho cùng, cây cầu chỉ là thứ bắc qua để giúp thiên hạ vượt sông được bằng đường bộ thôi mà, có nhất thiết phải cổ kính cầu kỳ xa hoa đến thế không? Xa hoa cả trong cái việc tiêu tốn hàng nhiều thế kỷ ngưng đọng ở trên các bức tượng và cụm tượng xám sẫm dựng hai bên thành cầu nữa chứ. Tôi thấy cây cầu Charles của Praha như trĩu xuống, như sắp quỵ ngã vì cõng trên mình nhiều trăm năm các giá trị văn hóa lịch sử.

Chẳng trách, trên quy mô toàn quả đất, Praha là thành phố đầu tiên được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới. Các danh xưng, “đô thành cổ tích”, “trái tim của châu Âu” cũng được trân trọng dành cho nơi này.

Chen vai thích cánh, nửa đêm xem 12 vị Thánh tông đồ cầu nguyện

Praha về đêm, thật ám ảnh. Quảng trường rộng thuênh lát đá. Cổ thành tráng lệ. Các di sản như cùng cất những giai điệu hùng thiêng của các Đế quốc từng làm nghiêng ngả địa cầu. Và chính lúc ấy, anh bạn già đã rủ tôi đi chờ ngắm đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới.

Thoạt nghe, cứ tưởng đi đài thiên văn. Trời ở đâu chả thế, nhà tôi cũng có kính thiên văn dài như nòng đại bác, những đêm trăng sáng, lũ trẻ nhìn thấy mặt trăng gồ ghề và hõm rãnh như sông suối cạn, đẹp mê tơi. Anh bạn cười mỉa: “Đây là đồng hồ thiên văn! Cứ đi rồi khắc biết”. Đúng là một cái đồng hồ khá truyền thống. Nhưng rất to và treo rất cao. Nhiều nhà giàu ở Việt Nam trước đây và cả hiện nay vẫn hay dựng án ngữ một góc nhà hay treo lừng lững trên bờ tường cái đồng hồ dạng này. Nó uốn éo cầu kỳ, thiết kế vừa Gothic, vừa Baroque, vừa Phục Hưng, lại gì gì đó, tóm lại là cổ kính và toát lên vẻ vương giả quyền quý. Có dây sắt, có đai, có vòng, có quả lắc bung biêng, có chuông kêu rất thiền, có mái như chuồng chim bồ câu, có kim và các con số La Mã mạ vàng hay bọc đồng như kiểu cung điện cổ. Đôi lúc có các vị thần bán nude nồng nỗng, có khi đầu giờ một con chim ngóc đầu ra hót líu lo rồi lại thậm thụt biến mất. Có các “mợ” đẫy đà vẻ đẹp Phục Hưng.

Còn đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới (tên là Orloj) đang hoạt động treo ở bức tường phía Nam của Tòa Thị chính thành cổ Praha. Nơi này hội tụ nhiều công trình kiến trúc kỳ vĩ, công phu, cổ kính, đêm về được thắp đèn màu, đèn hắt rất tinh tế và lộng lẫy. Cả một thiên đường kiến trúc cảnh quan ở khu vực Quảng trường thành cổ rộng mênh mông. Nơi hội tụ nhiều tinh hoa Di sản Thế giới của toàn bộ Praha danh tiếng.

Khu thành cổ

Nhiều báu vật “tối cổ”, có niên đại “khủng” nhất nhì thế giới, thậm chí cả các viên đá lấy từ mặt trăng hay các thiên thạch như của người ngoài trái đất gửi về. Nhưng nhìn vào nó người ta chỉ lẩm bẩm: “Không lẽ nó lại tồn tại cùng trời đất và các thế hệ người đời lâu đến thế ư? Nhưng lý do vì sao mình phải ngắm nó nhỉ?”. Vì nó không đẹp, không ăn uống được, cũng chẳng có cảm xúc gì ngoài việc trầm trồ hoài nghi sao viên đá kia lại triệu triệu năm tuổi, sao chiếc nhẫn xấu xí này lại có từ Trước công nguyên mà lại được Hoàng đế tặng cho bồ nhí nhỉ? Ngược lại, đồng hồ thiên văn Orloj chinh phục bất cứ ai ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nó không chỉ đẹp xa hoa, tinh tế mà còn là chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới vẫn còn… đang hoạt động ngon ơ!

Tự xửa xưa, cái lúc mà vua chúa còn cưỡi ngựa bắn cung, sao mà tổ tiên người Praha lại giỏi giang, lãng mạn và ngộ nghĩnh đến mức ngày nay ta phải ngả mũ kính chào thế nhỉ? Thời Trung cổ, hơn 600 năm trước, mà kiến thức thiên văn, trình độ khoa học vũ trụ của họ đã giỏi tới mức đáng ngưỡng mộ. Mặt đồng hồ to, các vòng tròn và chữ số bí hiểm. Tôi dùng ống kính tele chụp bừa bộ ảnh rồi không cố công nghiên cứu nữa. Cứ coi như thế giới xa xôi cổ tích kia mình chưa thể hiểu nổi. Mỗi kim đồng hồ chỉ một loại lịch, một tinh vân xa xôi, một thứ giờ của một quốc gia nằm tít hút trong lịch sử rối ren. Tôi chỉ thấy nó kỳ khu, vững chãi, phong trần, ấn tượng. Vậy thôi, cố hiểu làm gì vội. Đồng hồ với các cây kim biểu tượng cho mặt trời và mặt trăng. Chả nhớ độ nào những người tin vào thần linh đã treo cổ một nhà thiên văn nổi tiếng, vì ông này dám nói quả đất không phải do Chúa sinh ra. Lại có ông đến chết vẫn bảo vệ quan điểm trái đất quay quanh mặt trời, cho dù người ta có đưa ông lên giá treo cổ và đốt xác ông đi nữa. Họ bắt ông phải tin rằng, trái đất là tâm điểm vĩ đại nhất, mặt trời và các vì tinh cầu nói chung nhất định phải thần phục và quay quanh trái đất. Ai nói khác đi là dị giáo.

Kệ bao giờ thì bao giờ. Chỉ biết là theo đồng hồ thiên văn ở Praha của người Czech thì các thiên thể trên bầu trời đã được đẽo gọt thành tượng có thể di dịch chuyển rất sinh động. Từ nhiều thế kỷ nay, chiếc đồng hồ tuyệt bích Orloj vẫn một mực quay theo chu trình kỳ diệu của nó, để chứng minh rằng: Trái đất là trung tâm, có mặt trời và mặt trăng quay lúc vù vù lúc tì tằng xung quanh. Ai bị treo cổ và ai treo cổ ai thì mặc. Đó là kiến thức thiên văn “đỉnh của đỉnh” thời Trung cổ, thời này kéo dài khoảng thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15. Tức là cả nghìn năm đấy nhé. Đồng hồ thiên văn Orloj đã ghi chép việc này siêu rõ ràng ở vị trí đẹp nhất của Praha từ năm 1410.

Tôi nhìn đồng hồ Orloj, như đọc một cuốn lịch sử địa lý thiên văn của loài người vậy. Sinh động, ngộ nghĩnh, mơ mộng, và hết mực phong trần bởi đã đón nhận bao ngọn gió thương mến của hơn sáu trăm năm lịch sử đầy ghềnh thác của loài người. Nó trở thành cục nam châm thu hút lũ lượt người hiếu kỳ và yêu văn hóa, thiên văn đến chiêm ngưỡng. Rất nhiều nhà hàng, quán xá bia bọt, rượu vang, xúc xích nướng, quà cáp phục vụ người từ khắp các quốc gia kéo về khu phố cổ, quảng trường thành cổ, để chờ đến lúc 0h khuya khoắt để xem những hoạt động thú vị bất ngờ của nó. Gió hiu hiu, cái rét ngọt lịm. Hệ thống đèn chiếu làm cho mọi thứ thêm lung linh. Các cỗ xe ngựa khấp khểnh bò trên mênh mông các con đường lát đá phiến thời Trung cổ. Người các màu da, nhiều tôn giáo. Họ ùn ùn kéo về mặt nam của Tòa Thị chính. Mùi vang nóng nồng nàn. Tất cả các cặp mắt đều ngước lên nhìn... giời. “Đồng hồ thiên văn sắp đổ chuông đấy!”, gã bưng bê nói mà mắt không rời các món ăn. Với họ, đồng hồ thiên văn chỉ là cái cớ để thu bộn tiền. Vào thời khắc đầu tiên của một ngày, đồng hồ lên tiếng với các hoạt cảnh thú vị nhất. Tiếng thánh ca của trời đất ban sơ. Chiếc đồng hồ có một không hai của thế giới có một con gà trống bằng vàng trên đỉnh nóc, có lẽ nó vẫn gáy bằng âm điệu của hơn sáu trăm năm trước.

Những chiếc kim vàng to nhỏ chằng chịt lấp lánh, những bánh xe bằng vàng ròng chạm trổ tinh xảo. Đây, đồng hồ biểu thị “bước chân của các tông đồ”, các vị tông đồ đều được tạo tác tinh vi; Đây, bộ xương người, đại diện cho cái chết... Những chuyển dịch trong khi đồng hồ hoạt động khiến bất cứ ai cũng phải khâm phục. Mọi chi tiết và mọi sự di dịch của đồng hồ đều có ý nghĩa. Người tạo tác dường như đã biến cỗ máy đồng hồ dường trở thành một triết lý, một tôn giáo, một thứ “đạo” trong sáng tạo. Đồng hồ có hai mặt, tràn ngập các tác phẩm nghệ thuật hàm súc. Các hình tượng, các bức tượng sinh động này đặc biệt trở nên độc nhất vô nhị, khi nó trình diễn chuyển động mỗi đầu giờ ngay trên... đồng hồ.

Bên dưới là các hình tượng thú vị: nhà triết học, thiên thần, nhà thiên văn và nhà chép sử. Hai bên mặt đồng hồ thiên văn Orloj là các biểu tượng mà bất cứ ai cũng có sẵn trong người, nếu sơ xuất nó sẽ phát lộ và phát tác ngay: Sự kiêu căng tự phụ được thể hiện bằng bức tượng chuyển động mô tả một người mãi soi mình trong gương. Trong khi đó thì những kẻ biển lận láu tôm láu cá đục nước béo cò lại thể hiện bằng một chàng Do Thái ôm túi vàng lắc đầu từ chối mọi âm thanh tử tế của cuộc đời (thời Trung Cổ người ta từng có góc nhìn khá kỳ thị như vậy). Bên cạnh là bộ xương biểu trưng cho thần chết và một gã người Thổ Nhĩ Kỳ không đáng yêu cho lắm (trước, người châu Âu nói chung, nơi đồng hồ Orloj được sinh ra nói riêng, rất hay bị đe dọa và bị tấn công bởi các đội quân thiện chiến từ Thổ Nhĩ Kỳ). Như trên đã nói, đồng hồ ra đời từ thời Trung Cổ hơn 600 năm trước, nên nó là dấu tích của nhiều áp đặt thiên kiến thời bấy giờ. Nay mọi chuyện đã khác. Chính các dấu tích “ấu trĩ” một thời đó lại làm đồng hồ Orloj như được khoác thêm vài tấm áo của nhà chép sử, rất thú vị.

Những sáng tạo được thánh thần truyền cảm hứng

Quả không uổng phí thức khuya chịu lạnh, chen vai thích cánh giữa đám đông lúc 0 giờ. Đám đông reo hò phấn khích. 12 giờ đêm. Một tích tắc sau, thêm ngày mới nữa bắt đầu. Suốt 609 năm tọa lạc ở nơi này, đồng hồ Orloj đã trải qua khoảng hơn 222.000 lần đổ chuông lúc 0 giờ và vận hành kỳ thú với các bức tượng giàu ý nghĩa, độc nhất vô nhị trên thế giới của mình. Bên trên đồng hồ là một tượng thiên thần bằng đá, hai bên có các ô cửa. Giữa lưng trời là một con gà bằng đồng. Đấy là chưa kể cả hệ thống các vị tượng biết di dịch chuyển. Liệu có cái đồng hồ nào đã chạy được 222.000 ngày chưa? Sau nhiều biến động lớn của lịch sử, bao vùi dập của thời gian và chiến tranh giặc giã, qua bao nhiêu lần trùng tu đại tu, kỳ lạ thay, đồng hồ thiên văn Orloj vẫn giữ được hơn 80% cấu kiện trứ danh từ hơn 6 thế kỷ trước.

Chuyện sẽ kể ở phần sau.

Còn bây giờ, chúng tôi đang phấn khích với hoạt động của đồng hồ Orloj. Tiếng reo của đám đông, theo tiếng chuông ngân vang lan man từ cỗ máy thiên văn cổ. Âm thanh hào hứng trong đêm trường bát ngát dường như đã hà hơi thổi một luồng sinh khí nhiệm màu nào đó cho các bức tượng sống dậy cùng lúc. Mở đầu, thần chết kéo lê bộ xương dấm dớ của mình đi đánh chuông. Gã người Thổ Nhĩ Kỳ ngúc ngoắc cái đầu từ chối một cái gì kiên quyết lắm; còn gã gian giảo biển lận vẫn “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Gã ôm một bọc tiền và nhìn chằm chằm vào đó. Kệ, gã kiêu căng thì vẫn coi mình là nhất thiên hạ, mải mê ngắm mình trong gương mà không để ý gì sự đời nữa cả. Xung quanh, hiền hơn cả là nữ thần có cánh đang tung bay.

Như có phép thuật hay có sự vận động thần thánh nào đó của một thế lực siêu nhiên, các bức tượng trong đồng hồ Orloj vẫn tiếp tục lay động đám đông đang hò reo ngưỡng mộ. Cả rừng máy ảnh máy quay đang bật để ghi lại những khoảnh khắc không có ở đâu khác trên thế giới này. Hai cánh cửa hai bên đồng hồ bật mở. Các tượng thánh xuất hiện. Đầu tiên là thánh Pierre cầm cây chìa khóa khổng lồ của Thiên Đường, thánh Matthew cầm một cây búa. Cứ thế, lần lượt, đủ 12 vị thánh tông đồ đi qua hai ô cửa. Các vị thánh vừa đi khỏi thì chú gà bằng đồng trên đồng hồ tự dưng biết vỗ cánh gáy vang, nó báo hiệu một ngày mới. Và chắc nó tin rằng, vì có nó gáy thì mặt trời mới thức dậy và nhô cao...

Thật ra thì mỗi đầu giờ đồng hồ Orloj đều vận hành thú vị, nhưng thời khắc huy hoàng và rộn rịp nhất của nó vẫn là sau khoảnh khắc 0 giờ. Cuộc đời của đồng hồ Orloj cũng ly kỳ như chính các pho tượng tông đồ và thần chết, chàng người Thổ, chàng Do Thái. Các bức tượng đó đã dịch chuyển đầy ma thuật trải những hơn 200 nghìn ngày qua. Suốt nhiều năm, câu chuyện về số phận của người sáng tạo ra chiếc đồng hồ lừng danh thế giới này đã được phủ một lớp huyền thoại bi thiết. Có phải ai đó đã cố tình phủ thêm mây mù ái ố hỉ nộ vào để giúp đồng hồ Orloj thêm sức hút, trở thành thỏi nam châm gọi mời du khách đến làm giàu cho Praha?

Theo dân gian Praha, theo các tài liệu huyền sử được viết khắp mọi nơi, thì đồng hồ thiên văn Orloj được một người tên là Hanus làm ra cách nay hơn 6 thế kỷ. Người ta gọi ông là Hanus vĩ đại ngay từ khi đồng hồ Orloj vẫn chưa hoàn toàn được khánh thành. Bởi nó quá đẹp về hình thức. Nó kết tinh cả nghệ thuật đẽo nặn chạm khắc tinh xảo lẫn tài năng khảm các sự tích, các huyền thoại đầy ám ảnh vào đó. Đặc biệt, cách mà người tạo tác đưa triết lý sống cũng như các kiến thức thiên văn trác tuyệt nhất của thời Trung cổ vào là rất hoàn hảo. Đến nay, người ta đã có ánh sáng khoa học soi rọi để thấy rất rõ nhiều thông điệp cổ kính trong đồng hồ Orloj bị lỗi thời. Song, cũng vì thế mà các bước đi thời gian của báu vật thành Praha lại càng trở nên ngộ nghĩnh, độc đáo và hấp dẫn.

Trong dịp khánh thành đại công trình đồng hồ thiên văn Orloj, vì nó quá đẹp, vì ích kỷ muốn giữ cho mình độc bản ngồi trên đầu thiên hạ, nên hội đồng thành phố Praha thời ấy đã có một quyết định đáng nguyền rủa: Họ chọc mù hai mắt của Hanus vĩ đại, để, bằng bất cứ giá nào, ông ta cũng không thể sáng tạo ra phiên bản đồng hồ Orloj hoặc cái gì đó tuyệt diệu như thế. Quá uất ức, Hanus mù, vốn ông đã thuộc lòng từng miếng đá, từng mấu bám dọc thân bức tường Tòa Thị chính khi thi công, bèn lén trèo lên, phá hủy nhiều cấu kiện của đồng hồ Orloj trước khi chết. Hậu quả là suốt 50 năm sau đó, đồng hồ ngưng hoạt động.

Thật ra đây chỉ là một câu chuyện thêm mắm thêm muối vào cho huyền thoại Orloj thêm bí ẩn. Mô típ hoàng đế Trung Hoa xây lăng mộ, vua Ấn Độ xây Taj Mahal rồi chủ của các kinh thành hoa lệ ở châu Âu thường giết chết nghệ nhân đại tài để độc quyền các sáng chế của họ, đã rất phổ biến từ lâu. Ở Đức, có các làng gồm các nghệ nhân giỏi giang nhất của nước Ý thời Trung cổ. Lý do là sau khi xây dựng nhà thờ và cả một đô thành hoa lệ cho vua Đức, thì các nghệ nhân bị giam lỏng ở ven di tích luôn. Để họ không sáng tạo ra sản phẩm thứ hai, và cũng là để các nghệ nhân trời sinh ra đã tài năng xuất chúng bị giam lỏng. Họ cùng các thế hệ con cháu họ sẽ tiếp tục cần mẫn duy tu bảo dưỡng các công trình độc bản kia. Đời này qua đời khác. Có thật là Hội đồng thành phố Praha thời xưa đã chọc mù cả đôi mắt Hanus - một ân nhân của ít nhất sáu trăm năm lịch sử Praha không?

Mãi đến khoảng năm 1960, tức là hơn 500 năm sau, câu chuyện bi thương này mới được làm sáng tỏ. Một thư tịch cổ được tìm thấy, viết rõ về đồng hồ thiên văn Praha, có tên Hanus vĩ đại hẳn hoi. Nhưng ông chỉ được chép với tư cách là người đầu tiên sửa chữa đồng hồ Orloj. Tác giả của chiếc đồng hồ danh tiếng “trường tồn cùng nhật nguyệt” kia là ông Mikulas. Ông này quê ở vùng Kadan. Ông cũng chả bị ai chọc mù mắt, ông càng chả bao giờ có ý định phá hỏng kiệt tác để đời của ông và cũng là “để đời” của cả vùng đất cổ huyền bí Praha. Nghệ nhân chế tác đồng hồ này đã được một giáo sư toán học kiêm thiên văn học của Trường Đại học Charles Praha tên là Ondrejuv (hay còn gọi là Sindel) tư vấn/ giám sát về kiến thức thiên văn rất kỹ trong khi thi công. Phải có kiến thức thiên văn trác tuyệt, phải có tình yêu nghệ thuật đắm say, phải có sự “song kiếm hợp bích” giữa các năng lực thiên bẩm hơn người này, chắc là phải có cả sự truyền cảm hứng bí ẩn của thánh thần nữa, thì may ra nhân loại mới có được một đồng hồ thiên văn như Orloj. Trên thế giới có nhiều đồng hồ thiên văn đẹp, cái hoạt động ở trong bảo tàng, cái đã hỏng hẳn, cái ra đời rất muộn. Chỉ duy nhất đồng hồ thiên văn cổ Orloj là vẫn bền bỉ hoạt động ở chính vị trí mà hơn 600 năm trước ngài Mikulas vĩ đại đã tạo tác.

Vậy lý do tại sao lại có sự nhầm lẫn tên tuổi, rồi huyền thoại chọc mù mắt tác giả chế tác đồng hồ Orloj? Nguyên nhân là do sự hư cấu của một tác phẩm văn học nổi tiếng. Đôi khi, nhân vật thơ văn ra đời, nó làm người ta quên hẳn nguyên mẫu ngoài đời, cũng là điều không mấy khó hiểu. Ông Mikulas thật ra chỉ là người sáng tạo ra một mặt của đồng hồ thiên văn, sau này các cấu kiện thú vị khác mới được thêm vào. Thực tế, nhờ công lao sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật/ khoa học đồng hồ Orloj, ông Mikulas đã được Hội đồng thành phố vinh danh, tưởng thưởng cho một ngôi nhà tuyệt đẹp ở ngoại ô Praha. Ông sống cuộc đời sung túc và chết già trong viên mãn. Đến bây giờ, giả dụ còn sống, ông Mikulas chắc chắn còn cảm thấy tự hào hơn nữa, là trong khi nhiều đồng hồ thiên văn khác chỉ còn cái vỏ giống thời xưa, thì đồng hồ Orloj vẫn hoạt động tốt với 80% cấu kiện từ thuở khai sinh.

Đồng hồ Orloj sở dĩ đẹp và nhiều cấu kiện thú vị như bây giờ, một phần là vì sau này các thế hệ nghệ nhân nhà khoa học Praha đã công phu bổ sung vào. Rất tử tế, họ trùng tu, đắp mới cho di tích/ di sản, không làm hỏng cái nguyên gốc. Mà nhuận sắc cho giá trị cổ. Thậm chí cả phong cách Gothic của đồng hồ Orloj, cũng chỉ như chiếc áo thời thượng, sau này người ta mới khoác lên cho nó. Cụ thể: khoảng 200 năm sau, mãi thế kỷ 17, các pho tượng chuyển động mới được chế tác gắn vào đồng hồ Orloj. Mấy trăm năm sau, năm 1865, 12 bức tượng các Thánh tông đồ linh thiêng cầu nguyện mỗi đầu giờ mới được thêm vào. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, năm 1945, bức tường Tòa Thị chính, nơi đặt đồng hồ Orloj còn bị phá hủy bằng pháo cháy. Tượng các vị Thánh tông đồ bằng gỗ, sau thời gian dài đứng trên đồng hồ thiên văn cầu nguyện cho trái đất, mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú cũng bị chiến tranh làm cho cháy rụi hết. Bà con khiêng cỗ máy bằng kim loại “đo” sự dịch chuyển của trời đất đi cất giấu. Mãi năm 1948, tức là 3 năm sau, tượng các vị thánh bằng gỗ mới được điêu khắc lại, đồng hồ Orloj mới tiếp tục hoạt động ở vị trí cũ.

Đồng hồ thiên văn Orloj

Nhà văn nổi tiếng của Praha là ông Alois Jirasek, mãi đến thế kỷ 19, cũng vì ngưỡng mộ vẻ đẹp cổ kính và các lớp lang giá trị của đồng hồ thiên văn nửa thiên niên kỷ tuổi tác ở quê mình, mà xúc động viết một tác phẩm ly kỳ về Orloj. Ông sáng tác bằng cảm xúc và truyện kể dân gian, nên tên của Hanus vĩ đại, là người thợ leo lên sửa đồng hồ Orloj đã bị biến thành tên của người sáng tạo ra nó. Chuyện chọc mù mắt để độc quyền phiên bản Orloj, chuyện lời nguyền ai sửa đồng hồ thì người đó sẽ bị điên hay là chết thảm, chuyện mỗi lần đồng hồ Orloj hỏng chắc chắn sẽ có tai họa giáng xuống vùng Praha, đều là hư cấu hết. Tuy nhiên, lời đồn đoán, sự trùng hợp ngẫu nhiên vẫn cứ xảy ra theo cách mà nhiều người coi là huyền bí. Ví dụ, gần đây, đêm giao thừa 31/12/2001, Orloj còn đang hoạt động bỗng dưng ngừng chạy mất vài phút. Bà con lo lắm, họ bắt đầu để ý, và y như rằng, ngay sau đó, Praha bị một trận lụt kinh hoàng. Những lần tu sửa lớn của đồng hồ thiên văn này, đều được ghi chép lại để đối chứng, so sánh xem nó với tai họa nào! Hóa ra không chỉ người Trung Hoa hay người Việt Nam phổ biến cái lối suy nghĩ này.

Ông Galilei cõng ánh sáng đi trên bầu trời

Có những thứ mà đồng hồ thiên văn Orloj (tội nghiệp cho nó!) vẫn cần mẫn đo đếm và biểu thị, nhưng bao thế kỷ nay chả ai quan tâm hoặc sử dụng các thông số đó để làm gì cả. Ví như, ba vòng tròn trên mặt đồng hồ chỉ ba cách đếm giờ giấc khác nhau: vòng ngoài, chữ số kiểu Schwabacher chỉ giờ Crech (hay còn gọi là giờ Ý, theo nguyên tắc: giờ thứ nhất bắt đầu bằng giờ cầu kinh khi mặt trời lặn), có một ngôi sao nhỏ trên vòng Hoàng Đạo ở mặt đồng hồ, là nơi biểu thị giờ thiên văn. Phần được tạo tác mới nhất của đồng hồ, là chức năng chỉ các ngày của năm, chỉ ngày hiện tại khi bạn xem đồng hồ. Vòng nữa với các số La Mã, chỉ giờ vùng Trung Âu; vòng nữa là các chữ số Ả Rập, chỉ giờ Babylon. Chung quy, đồng hồ đang chỉ cho chúng ta những câu chuyện lịch sử thú vị và đáng cảm kích lắm. Mỗi mùa, chiều dài của giờ khắc sẽ khác nhau, như kiểu các cụ ta nói “đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng/ ngày tháng 10 chưa cười đã tối”. Với đồng hồ Orloj, mùa đông thì ngày ngắn hơn, mùa hè ngày rất dài. Orloj là đồng hồ duy nhất trên thế giới vẫn trung thành với nhiệm vụ được giao mấy thế kỷ trước của mình là chỉ giờ Babylon!

Nhà triết học Friedrich Nietzsche gọi Praha là thành phố bí ẩn. Tất cả mọi người đều thương mến gọi nơi này là Trái tim của châu Âu. Như trên đã nói, bằng chứng là Praha là thành phố đầu tiên trên toàn trái đất được UNESCO công nhận “Di sản Thế giới”. Tôi không muốn khen phò mã tốt áo. Cây cầu mang tên vị vua lừng danh, có cả bảo tàng các di sản liên quan đến một cây cầu. Một cái đồng hồ thiên văn hơn 6 thế kỷ vẫn chạy, mỗi giờ, 12 vị Thánh tông đồ chạy và nguyện cầu trên đó. Đấy là chưa kể đủ thứ ngộ nghĩnh: con gà vàng, vị thần chết rồi anh chàng biển lận người Do Thái, gã Thổ Nhĩ Kỳ hung hăng.

Mặt đồng hồ thiên văn Orloj

Huyền thoại giăng mắc khiến không gian như trầm hùng hơn, đặc quánh nước thời gian và rêu mốc hơn. Nét sẫm trầm của lịch sử, khiến trời Praha dường như tối nhanh hơn. Lầu tháp, lâu dài chỉ còn như bức tranh ngược sáng. Lấp lánh trên nền trời là các cây thánh giá mạ vàng ròng óng ánh. Praha đang cõng trên mình các cây thánh giá mà tổ tiên truyền lại. Ông nhà văn kể chuyện tác giả làm đồng hồ Orloj bị chọc mù mắt cũng vì ông đang cõng trên lưng một cây thánh giá của sự sáng tạo. Chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới còn hoạt động sau 609 năm được treo lên bờ tường Tòa Thị chính cũng cõng trên mình cây thánh giá để xả thân vận hành: chỉ ngày, chỉ năm, chỉ giờ Ý, giờ Babylon, chỉ sự dịch chuyển của các thiên thể trên vũ trụ mênh mang. Tất tần tật các chỉ số của nó, người đời không ai xem nữa. Thậm chí không còn ai trong số hơn 7 tỷ người của quả đất còn tin là Trái đất đứng yên làm trung tâm để mặt trời và mặt trăng chạy vòng quanh nữa. Nhưng đồng hồ Orloj vẫn không quan tâm. 12 vị Thánh tông đồ vẫn dịch chuyển và cầu nguyện mỗi đầu giờ, con gà vàng vẫn gáy và tin là mình đang gọi mặt trời lên. Bộ xương người và các gã kỳ khu vẫn cần mẫn với các hoạt cảnh của mình. Họ đều cõng trên vai một cây thánh giá của niềm tin. Họ chung thủy với nhiệm vụ của mình. Như gã kiêu căng vẫn chễm chệ giữa lưng trời, trong đồng hồ Orloj và mải mê ngắm mình trong gương, bụng không ngừng xuẩn ngốc: “ta là một là riêng là thứ nhất”.

Cuộc sống là vậy. Có lẽ vì vậy mà Đời mới ngộ nghĩnh và đáng sống. Người ta bảo, các nhà khoa học khả kính rất kiên định con đường của họ. Nhân nói chuyện thiên văn. Nhà bác học Galileo Galilei (cha đẻ của việc cải tiến kính thiên văn và việc quan sát thiên văn hiện đại), dù bị đưa ra Tòa án dị giáo Roma (có thuyết nói lên giá treo cổ) vẫn một mực nói rằng trái đất quay quanh mặt trời. Điều này trái ngược với Kinh thánh phổ biến đương thời với thuyết “nhật tâm”. Ông bảo vệ các giá trị khoa học mà ông thượng tôn. Các vị chánh tòa bảo, ông cứ gật đầu là mặt trời quay quanh trái đất đi, dù thế nào thì trái đất vẫn quay quanh mặt trời được mà. Không được. Chân lý chỉ có một. Và dù các ngươi treo cổ ta, hỏa thiêu ta, thì ta vẫn phải nói về thuyết nhật tâm, tóm lại là trái đất quay quanh mặt trời.

Cầu Charles

Những người như Galilei và bản án đáng suy ngẫm mà ông phải gánh chịu, đã khiến nhiều người tin rằng: bây giờ, mỗi lúc nhìn lên bầu trời, người ta vẫn thấy các đốm sáng di chuyển lầm lũi giữa muôn vì tinh tú. Đó chính là các nhà khoa học bản lĩnh và ương bướng kiểu Galilei đấy. Từ thời Trung cổ, ông đã cõng cây thánh giá niềm tin của mình để đi tìm chân lý, ngay cả khi thánh Pierre cụ cựa ngúc ngoắc trên đồng hồ thiên văn cổ Orloj đã cầm cây chìa khóa rất to mở cửa Thiên Đường đón ông về. Ông và nhiều nhà khoa học “cứng đầu” khả kính khác, vẫn đi lầm lũi trong hệ thiên hà và giơ cao chân lý khoa học đang tỏa sáng của họ. Đồng hồ Orloj hơn 600 năm tuổi trên bức tường Tòa Thị chính Praha cứ cần mẫn dâng cho đời đủ thứ giờ giấc, ngày tháng, chỉ số về vị trí của các thiên thể xa vời, bất biết vật đổi sao dời, mặc kệ loài người đã sắp di cư lên sao Hỏa sinh sống đến nơi rồi. Kệ, dù thế nào, Orloj vẫn một mực: Mặt trời quay quanh trái đất, vậy mà cả thế giới phải bỏ ối tiền, kỳ khu đêm hôm chờ đợi để... xem.

Đỗ Doãn Hoàng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước