Đồng đội
VNTN - Mời người nhà nhận giấy nhé. Bà Thắm tất tưởi chạy ra, ký cẩn thận vào tờ giấy giao nhận rồi đón lấy cái phong bì người đàn ông đưa. Bà nheo nhéo đuôi mắt, mãi mới đọc được dòng chữ mập mờ: “Giấy triệu tập. Tòa án nhân dân huyện… triệu tập ông Nguyễn Mạnh Thắng đến giải quyết vụ việc vào… ngày… tháng… năm…”.
Bà ôm ngực thở gấp, giấu tờ giấy sau lưng, đi len lén vào buồng.
Ông Thắng nằm trên chiếc giường dẻ quạt kê cạnh cửa sổ. Nắng chếch hiên nhà rọi vào vầng trán đẫm mồ hôi. Ông nhướng đôi lông mày lưỡi mác xơ xác, hấp hé tròng mắt đục ngầu, nghiêng tai hỏi khẽ “ai thế bà?”. Không nghe tiếng bà trả lời, ông quay mặt vào vách. Vệt nắng chập chững trên gò má xương xẩu, cái miệng tông hốc nặng nhọc từng hơi thở.
Trong buồng, bà Thắm ngậm chặt góc chăn khóc rấm rứt. Vậy là chúng nó quyết đưa ông ấy ra tòa. Đồ khốn nạn, đồ ăn cháo đá bát, đồ bất nhân bất hiếu. Bà muốn chửi vung lên cho hả cơn giận đang nổ phồng từng đoạn ruột non ruột già.
Ba mươi năm trước, anh bộ đội Thắng nên duyên với chị Thắm xinh nhất làng. Ở với nhau được hai đêm, anh trả phép về đơn vị. Những lá thư chập chờn bay về từ những địa chỉ xa lắc. Mấy tấm ảnh anh mặc quân phục, đeo lon đại úy, thiếu tá, trung tá, chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân, Huy chương... thay anh nằm trên chiếc giường dẻ quạt trống thênh. Chị Thắm thành cô Thắm, bà Thắm. Đêm đêm, bà Thắm soi ngọn đèn lập lòe sát vào tấm ảnh của ông. Bà rờ rẫm cái sống mũi cao, cái miệng rộng với nét môi sắc sảo, hàng râu đen lờ mờ. Hai đêm ở với nhau, bà chẳng dám nhìn kỹ khuôn miệng này, mỗi lần ông hôn bà đều giấu mặt vào vồng ngực phồng như chiếc gối. Ông loay hoay mở sáu cúc áo bà ba, bàn tay chai ráp run bần bật không làm sao cởi được khuy áo xu-chiêng. Bà thổi phụt ngọn đèn trước khi khuôn ngực trắng xóa xổ ra. Họ vụng về, cuống quýt, khiến đám côn trùng ngoài vườn ri ran cười cợt.
Ông Thắng về, ngực đeo kín Huân chương, vai đỏ chói quân hàm Đại tá. Đêm ấy, bà thỏa sức ngắm từng đường nét trên gương mặt ông. Ôi chao ôi, đôi lông mày như con dao to bản đã loi choi sợi bạc. Khóe môi vuông vức trễ xuống hai đường dọc buồn buồn. Khuôn ngực lốm đốm đồi mồi, nham nhở sẹo ngang sẹo dọc.
-Vậy chứ, ngần ấy thời gian ông làm gì? Bà lân vân ngón tay lên hàng ria mép lởm chởm của ông - thì thào.
- Tôi làm anh bộ đội đặc công mà - Ông tủm tỉm, tay rờ rẫm khuôn ngực nhõng nhẽo của bà.
- Thì ai chả biết ông là bộ đội đặc công, suốt ngày bôi chát lem nhem, hiện hình như ma chứ gì?
- Ấy ấy, cái đấy gọi là xuất quỷ nhập thần, bí mật bất ngờ, đánh hiểm thắng lớn.
Xoa xoa tấm lưng trần, bà ấn ngón tay vào cái lỗ sâu hoắm gần nách trái ông, rên rẩm: Thật phúc bảy mươi đời, viên đạn đi chệch tí nữa thì tôi mất ông, sao bị thương nặng thế mà ông không cho nhà biết?
-Giữ được mạng sống về với bà là may mắn hơn bao nhiêu đồng đội của tôi rồi - ông hôn lên tóc bà, lảng chuyện.
Bà đã ngáy khe khẽ trong vòng ôm, ông vẫn thao thức. Nâng bàn tay cộm cứng chai của bà, ông nhẹ vuốt từng đốt xương gầy guộc. Hai mươi năm trước, bàn tay này mỏng, hồng mịn, ông run run nắm lấy dưới tán đa đầu làng. Giờ có ông rồi, bàn tay này cần được nghỉ ngơi. Đôi vai chiến binh từng mang vác nghìn cân, hành quân hàng nghìn cây số sẽ gánh lấy gia đình này.
***
-Xin trân trọng giới thiệu với các thầy cô giáo và toàn thể học sinh trường ta, đây là Đại tá Nguyễn Mạnh Thắng, Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã tham gia nhiều trận đánh lớn ở các chiến trường phía Nam. Ông còn có biệt danh “thịt nướng”. Vì sao có biệt danh này? Các em nghe câu chuyện của Đại tá sẽ rõ.
Từ ngày về địa phương, ông Thắng chẳng mấy khi ở nhà. Các trường học trong huyện, trong tỉnh lần lượt mời ông đến nói chuyện chiến trường. Các ngày kỷ niệm thành lập Đoàn, Đội, Quân đội, ông càng “đắt khách” hơn. Học sinh ngồi trên sân trường phăng phắc nghe ông nói, vỗ tay rầm rầm. Ờ thì chuyện của lính đặc công nhuốm màu kiếm hiệp lại li kì liêu trai, làm gì các cháu chả thích nghe!!!.
Đêm ấy, Tiểu đội của ông được lệnh đánh đồn địch. Đây là “cái gai” chọc vào tim đồng bào dân tộc Thượng vùng này. Đồng bào trồng được vạt rau, nuôi được con lợn con gà đều bị lính đồn ép bán rẻ. Đàn bà con gái lên rẫy bị chúng cưỡng hiếp hoặc bắt về cho chỉ huy tiêu khiển. Đồn nằm trên ngọn đồi trọc lốc, xung quanh là đầm lầy cỏ lau ken đặc. Quanh đồn, chúng quây năm lớp rào bảo vệ. Trong cùng là lớp rào bằng những cuộn dây kẽm gai xếp chồng lên nhau. Những nút gai thép xoắn ngược như mũi kim khổng lồ. Ngoài cùng là hàng trăm quả mìn lủng liểng la đà mặt đất, chỉ cần con chuột nhắt chạm vào là mìn phát nổ, chưa nói đến người chui qua. Cả tháng trời, ông Thắng vận khố, để râu tóc lòa xòa, răng đen nhẻm bựa đóng dầy cộp, đóng giả cụ lang người Thượng đi tìm lá thuốc chữa bệnh để quan sát địa hình.
- Lão già kia, ở đâu đến? Bọn lính xô lại tra hỏi.
Ông nhe răng cười lơ ngơ, chỉ vào nắm lá rừng, ra hiệu không biết tiếng Kinh.
-Khám người nó - Một thằng hung hăng lao đến rồi vội lùi lại, nhăn mặt, nôn thốc tháo.
-Sao thế?
-Lão già thối lắm, hình như ỉa đùn ra khố rồi. Thôi, cho lão đi.
Ông lẩn thật nhanh vào rừng, về đơn vị cười khà khà, lôi ra cục phân giấu trong cạp khố, vũ khí duy nhất của ông lúc đó.
Đêm không một gợn sao. Tiểu đội trườn như rắn về phía đầm lầy. Cỏ lau sắc như triệu lưỡi dao tem xếp nghiêng khứa vào ngực, vào đùi non. Nước đầm lấp xấp lạnh buốt, đỉa bâu nhoi nhói. Minh nằm sát ông, mũi kề mặt nước, tay liên tục dứt đỉa bám lên mặt ném đi. Nó thì thào: “Toàn đỉa trâu già khọm, to bằng quả bồ kết, người đầy gai thủ trưởng ạ”. “Vớ vẩn, đỉa nào có gai?”. “Hí hí, mấy cánh ruộng thụt làng mình, đỉa to tướng, gai mọc tua tủa nhá”. Im được một lúc, nó lại lào khào: “Đói quá thủ trưởng ơi”. “Xong trận tha hồ ăn”. “Có cái quái gì mà ăn?”.
Minh cùng làng, nhập ngũ sau ông mười năm. Nhà Minh nghèo nhất vùng. Hình như do thiếu ăn từ bé, lúc nào Minh cũng thấy đói. Đêm ngủ nghe nó nhai chót chép, ông ứa nước mắt.
Đèn pha từ đồn giặc chiếu đi chiếu lại liên tục. Tên lính trên vọng gác thỉnh thoảng lia loạt đạn vu vơ. Ông đội đụn cỏ trên đầu, mặt bôi bùn đen nhẻm, dao găm, kìm cộng lực, dăm cái kíp nổ “mắt ngỗng” cài cạp quần đùi, thận trọng áp sát hàng rào đầu tiên. Hai tay ông lần nhẹ trên mặt đất như xoa lên khuôn ngực vợ trong cái đêm côn trùng rỉ rả. Nhanh chóng, ông vô hiệu vài chục quả mìn lủng lẳng, nâng rào dây thép, trườn vào trong. Minh và hai chiến sĩ theo ông từng li. Gần nửa đêm thì tiểu đội đến núi thép gai, cửa ải cuối cùng. Đợi ánh đèn pha quét lệch đi, tất cả rút kìm cộng lực cắt thép. Ông dùng cả người nâng núi thép gai lên. Máu ứa nhớp nháp lốm đốm trên thân hình đen nhẻm. Theo kế hoạch tác chiến, ba đồng đội của ông ém vòng ngoài yểm trợ, ông lọt vào phòng giết thằng chỉ huy, mở cửa cho đồng đội vào tiêu diệt đồn.
Nhanh như sóc, ông tiếp cận căn phòng lập lòe ánh lửa tranh tối tranh sáng. Trong phòng không có ai. Bếp đỏ cháy riu riu, trên bếp một nồi to đang phì hơi trắng xóa. Cạnh bếp, dậu thịt nướng để tênh hênh. Ông đang lưỡng lự chưa biết xử lý thế nào thì có tiếng bước chân cộp cộp. Ông vội ẩn sau bó củi gai dựng xiên xiên cạnh bếp, khòm khòm lưng cho giống bó củi. Năm tên giặc bước vào, chúng quẳng súng sang một bên, bắc cái nồi trên bếp xuống, lấy bát múc ăn xì xụp. Thì ra đấy là nồi cháo. Mùi thịt gà, hành tiêu thơm nức khiến ruột ông quặn lại vì đói. Ông nghĩ đến thằng Minh. Nó mà thấy cảnh này chắc nuốt nước bọt ừng ực làm lộ mục tiêu không chừng.
Ăn xong, bọn chúng bắc siêu đun nước pha cà-phê. Một thằng rút củi cho vào bếp khiến mảng mông trát bùn của ông phơi lồ lộ. Ngọn lửa cháy to liếm vào mông, thịt cháy khét lẹt. Ông nghiến răng chịu đau, hai hàng nước mắt chảy ngang mồm chát mặn. Ăn uống no đủ, năm thằng xách súng đi ra. Ông nhanh chóng rời chỗ nấp đi tìm thằng chỉ huy. Đây rồi. Ông đẩy cửa căn phòng có tiếng nhạc phát ra nhè nhẹ. Tên chỉ huy béo phị nằm trên giường trải ga trắng tinh, thấy động, nó vơ khẩu súng ngắn chĩa về phía ông. Nhanh như cắt, ông rút dao lao đến đồng thời đảo người theo phản xạ của lính đặc công. Đoàng, đoàng. Vai trái ông vẹo đi đúng lúc lưỡi dao sắc lẻm trên tay ông xỉa xuống. Tên sĩ quan giật giật vài cái rồi xuội lơ. Ông nhanh chóng chạy ra địa điểm bí mật. Qua phòng bếp, nhớ đến dậu thịt nướng, ông vòng lại, đeo dậu thịt lên lưng, lao ra ngoài.
-Việt cộng, việt cộng… Tiếng hô hoán, tiếng súng nổ loạn xạ.
Trời đen kịt, vai trái ông rũ xuống, máu thấm lạnh toát, dậu thịt trên vai ghì nặng trịch.
-Thủ trưởng, thủ trưởng - tiếng Minh lào khào.
Ông giật mình dừng lại, chân đá vào mô đất. Minh.
-Em bị thương rồi.
-Bám vào anh. Nhanh lên.
Ông dìu Minh ra chỗ an toàn đúng lúc tiếng mìn “uỳnh uỳnh”, đất rung bần bật. Cái gai đâm vào tim bà con đồng bào Thượng vỡ vụn.
Về căn cứ, ông mới biết mông mình sém đen, thịt trơ rỏ máu, phải xức thuốc cả tháng trời mới lành sẹo. Minh đặt cho ông biệt danh “thịt nướng”. Ông cười khà khà bảo: Cậu ăn gần hết dậu thịt nướng tôi mang về, biệt danh “thịt nướng” đáng ra của cậu.
Mỗi vết sẹo trên người ông là một câu chuyện. Viên đạn sâu hoắm gần nách trái này là lần ông cùng đồng đội đánh kho xăng địch; vết xước dọc cánh tay này là do viên đạn mồ côi “hôn” nhẹ lần ông tham gia chiến dịch tiến vào Sài Gòn… Ông chỉ cần kể những chứng tích trên người thôi đã hết một ngày.
***
-Ông dậy ăn cháo nào - Bà Thắm đỡ lưng ông, khẽ khàng.
Chống cánh tay lủng củng xương xẩu xuống chiếu, mãi ông mới run rẩy nâng người lên được. Bà lấy cái gối kê cho ông dựa lưng vào thành giường, bưng bát cháo bón từng thìa. Thỉnh thoảng bà liếc tờ trát để cuối giường, chưa biết nói với ông thế nào.
-Ông à. Việc kiện tụng ông tính sao?
-Tính… gì… nữa… tôi nhận hết… rồi mà…
-Trời ơi, ông tham ô, ông xà xẻo, ông mang tiền cho ai????
Ông nghỉ hưu được một năm thì tính chuyện làm kinh tế. Ông bàn với bà: Xã mình lên thị trấn rồi mà bẩn thỉu quá. Ai lại rác chất thành núi, ruồi nhặng vù vù, mùi hôi thối bâu quanh nhà. Tôi định thành lập hợp tác xã thu gom rác, tôi làm chủ nhiệm, chú Minh bạn chiến đấu của tôi làm phó chủ nhiệm phụ trách kế toán, mời thêm một người nữa là ban chủ nhiệm có ba người. Thành viên hợp tác xã tự nguyện góp cổ phần, trước là thử sức xem mình có làm được việc gì ngoài đánh đấm không, sau là làm sạch làng sạch phố.
Bà chỉ khẽ khàng: Điều khiển khẩu súng có khi dễ hơn điều khiển đồng tiền ông ạ.
Việc lập hợp tác xã hóa ra dễ quá. Đi đến đâu người ta cũng nhận ra ông Đại tá dũng sĩ. Hai chục người mang tiền đến tận nhà góp vốn, ngân hàng cho vay kịch trần. Ban chủ nhiệm mang ba lô tiền đi mua ba cái ô tô tải, hai mươi xe thu gom rác và các dụng cụ khác. Ông Thắng đích thân đến các nhà, các cơ quan thuyết phục đóng tiền gom rác. Hơn sáu trăm tổ chức, cá nhân ký hợp đồng và nộp tiền thu gom rác cả năm với hợp tác xã.
Ông cười khà khà bảo vợ:
-Hóa ra làm kinh tế dễ ợt. Mình cứ chân thật mà làm, chịu ăn miếng bé hơn mọi người thì ai cũng phục. Mỗi tháng tôi thêm ba triệu vào lương đại tá cho bà trang trải.
Hợp tác xã của Đại tá Nguyễn Mạnh Thắng trở thành điểm sáng của huyện. Lãnh đạo huyện nở mặt nở mày mỗi khi cùng ông lên tỉnh báo cáo điển hình làm kinh tế giỏi, ích nước lợi nhà, tấm gương người lính giữa đời thường. Mới năm năm, hợp tác xã trả gần hết tiền vay ngân hàng, bắt đầu chia lợi tức cho cổ đông.
Sáng sáng ông Thắng và ông Minh rủ nhau chạy thể dục quanh xóm, lần nào về ông cũng bảo: “Sướng thật bà ạ, không khí thơm phức, tôi hít no chả cần ăn sáng”. Bà ngúng nguẩy lườm ông: “Vâng. Ông ăn không khí của ông đi. Ba triệu mỗi tháng ông đưa về chả đủ tiền mừng cho con em xã viên học giỏi”.
Lá đơn do chính thành viên Ban chủ nhiệm tố cáo ông Thắng gian dối tiền bạc, lợi dụng quyền hạn, thiếu dân chủ, khai khống tiền mua thiết bị, ăn chặn của xã viên năm trăm triệu đồng gửi đến Ủy ban Kiểm tra huyện ủy đúng lúc Ban chủ nhiệm dự định “nâng cấp” hợp tác xã thành công ty. Lãnh đạo huyện còn “bật đèn xanh” cho ông làm đề án “Thị trấn công viên lãng mạn” đầu tiên ở Việt Nam. Các đoàn kiểm tra, thanh tra, đến hợp tác xã liên tục. Ông Thắng ngơ ngác, phẫn nộ, buồn tủi, tuyệt vọng. Lúc đầu, ông kêu oan, sau rồi, ông nhận. Ông nhận mình đã không chiến thắng được bản thân mà “đi đêm” với nhà cung cấp, khai khống số tiền để “chấm mút”. Thì chữ ký ông duyệt chi lù lù đây. Có mà cãi vào rọ. Đấy nhá, anh hùng với dũng sĩ nhá, sao bảo làm kinh tế bằng cái tâm? Xào ôi, trước gắn quân hàm quân hiệu đỏ chóe anh chém thế nào chả được, về đời thường mới lộ nguyên hình. Giời, cuối cùng thì cứt nào chả thối!!!
***
Ánh trăng yếu ớt chiếu qua tán lộc vừng. Ông nằm nghiêng nhìn trăng, nghe tiếng dế ngoài vườn rủ rỉ. Bà Thắm nắm tay ông, xoa xoa mớ gân chằng đụp. Bà lần tay lên ngực trái, bóp bóp, rờ rẫm lỗ sẹo sâu hoáy. Hình như ông thở mạnh, tay ông quờ quờ tìm tay bà, cầm cứng lấy như điện giật rồi lỏng ra dần dần.
-Ông ơi - bà giật mình thảng thốt - ông ơi, ông đừng bỏ tôi một mình… ông Thắng ơiiiiii…
Bà lao ra cửa định chạy đi gọi xóm giềng, nhưng bà khựng lại, quay vào. Bà bình tĩnh châm ngọn đèn dầu đặt cạnh giường rồi ngồi ngắm ông như hàng đêm bà vẫn ngắm ông ngủ. Sống mũi cao, cái miệng cương nghị, cặp chân mày lưỡi mác, đôi mắt khép hờ thanh thản. Bà pha chậu nước nóng, tự tay lau người, mặc cho ông bộ quân phục gấp ngay ngắn vẫn để dưới gối. Bộ quân phục có lỗ thủng bên ngực trái đã bợt cổ và cánh tay, ngày trước ông mặc vừa vặn, giờ vải thừa ra một nửa. Bà cẩn thận cài từng cái khuy, bẻ cổ áo, nhẹ nhàng vuốt ve cái cầu vai không quân hàm, ngực áo không gắn Huân chương. Bà giật mình, trong túi áo có vật gì cồm cộm.
“Anh Thắng ơi!
Em ngàn lần xin anh tha thứ.
Chính em mới là người đi đêm với nhà cung cấp thêm phết phẩy vào hóa đơn mua thiết bị cho hợp tác xã. Chính em đã lợi dụng lòng tin của anh để làm hại anh. Em là loại xấu xa, bỉ ổi.
Thủ trưởng Thắng ơi!
Ngày cùng đơn vị, thủ trưởng thương em đói, đi đánh trận còn mang thịt về cho em ăn. Ra quân, thủ trưởng lại thương em nghèo, thương hai đứa con em nhiễm chất độc da cam có lớn không có khôn, thương em đi tù thì vợ con em khổ mà nhận hết trách nhiệm về mình.
Ơn này em sống để dạ chết mang theo.
Em xin ngàn lần đội ơn anh.
Em Minh.
Bà Thắm lau nước mắt, bà ghé tai ông thì thầm câu gì.
Bà nghiêng lá thư châm vào ngọn đèn dầu.
Ngọn lửa cháy rực trên tay bà Thắm, soi rõ gương mặt ông hồng hào trở lại. Đôi môi cương nghị hình như nhoẻn cười.
Truyện ngắn. Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...