Đón Xuân Giáp Thìn (2024) lại nhớ xuân Nhâm Tý (1972)
Cuối năm Tân Hợi 1971, đơn vị tôi khi đó là Tiểu đoàn 94 Pháo Cao xạ 37 ly trực thuộc Ban Cao xạ, Sư đoàn 470 (Đoàn 559) đang làm nhiệm vụ ở vùng ngã ba Đông Dương thì nhận được lệnh bảo vệ xe hàng Tết từ miền Bắc vào. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bảo vệ bằng được xe hàng an toàn.
Đường vào đơn vị có một đoạn dài cây cối bị bom phát quang, bom cháy thiêu trụi. Khi xe chở hàng Tết đến khu vực này, từ rất xa địch đã phát hiện được mục tiêu. Bất thình lình hai chiếc OV10 thi nhau bắn đạn pháo 20 ly và pháo khói. Sau khoảng 10 phút thì nhiều tốp máy bay F4 thay nhau liên tục trút bom xuống đường tuyến (đường 49A) chặn chiếc xe ô tô chở hàng đang cố gắng vượt trọng điểm. Cả Tiểu đoàn chúng tôi tập trung hỏa lực bắn thu hút máy bay và bom đạn về phía mình. Mỹ tăng cường lực lượng không quân ngày một đông hơn. Chúng chia làm nhiều tầng, nhiều tốp, nhiều độ cao thay nhau thả bom vào mục tiêu.
Tôi đếm vội được khoảng 50 chiếc F4. Với 24 khẩu pháo 37, chúng tôi quyết tâm bảo vệ xe hàng. Bom cứ nổ, xe vẫn đi, công binh lấp hố bom, pháo cao xạ nổ giòn. Chỉ còn mấy trăm mét nữa là chiếc xe chở hàng Tết vượt qua trọng điểm, thế mà trong khoảnh khắc cuối cùng ấy, bom Mỹ đã thả trúng xe. Chiếc ô tô tải chở hàng Tết từ hậu phương vượt hàng ngàn cây số, vượt hàng trăm trọng điểm, mang hơi ấm, hương vị của quê hương, mang tình cảm của những người mẹ, người chị, người vợ thân thương… đã không đến đích.
Xe ô tô bốc lửa
Không ai bảo ai
Nhưng tôi nghe rất rõ
- Các đồng chí xông lên!!!
Khói bom ùa vào miệng ho sặc sụa
Nhanh nhanh cứu lấy xe hàng
Nhưng… nước mắt ngập tràn
Bao công sức đã thành mây khói
Số hàng cứu được chẳng đáng là bao, chúng tôi chia đều cho đơn vị công binh, vận tải pháo cao xạ để đơn vị nào cũng có quà của hậu phương miền Bắc.
Những ngày cuối năm Tân Hợi 1971 đối với chúng tôi sao buồn đến thế. Đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, không bảo vệ được xe hàng, đồng đội hy sinh nhiều. Mặc dù cấp trên không phê bình, ngược lại đồng chí Phó Chính uỷ Sư đoàn Vũ Quang Bình còn đến trận địa động viên cán bộ chiến sĩ, nhưng đơn vị vẫn nặng nỗi buồn không nguôi.
Trời mưa dầm gió bấc, cảnh tượng buồn không gì tả nổi, chúng tôi buồn không phải vì nhớ nhà, không phải buồn vì thiếu thốn hay khó khăn gian khổ, hay vì nao núng tinh thần. Chúng tôi buồn là vì đã không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi buồn vì công sức của đồng đội, của bao người chúng tôi không bảo vệ được.
Những ngày giáp Tết Nhâm Tý 1972, Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh về bảo vệ ngầm Nậm Công (ngầm qua sông Nậm Công của tỉnh Ata pư Lào). Chúng tôi làm hầm kèo chữ A khá kiên cố, gỗ sẵn cây to dùng cưa cá mập cắt rất nhanh. Nóc hầm căng tăng ni-lông, sàn hầm rải gỗ phi 20 - 30, dập tre làm giát giường, cửa hầm đào thấp xuống khoảng 40cm để nước có rỉ xuống sẽ múc đổ đi, miệng hầm làm giá chắn bom bi.
Đón giao thừa năm ấy chúng tôi được chia mỗi hầm 2 miếng mứt bí, 2 chiếc kẹo cứng để vào bát sắt ăn cơm, chuyền tay nhau mỗi người hít một hơi để có hương vị ngày Tết. Giao thừa xong tôi đi các hầm chúc Tết, sang bộ phận trinh sát, thấy anh em khoác áo mưa đứng ngoài trời, tôi hỏi tại sao lại đứng hết ở đây, anh em trả lời đang nấu chè đỗ xanh ở trong hầm, cũng vừa lúc ấy đồng chí Thăng Tiểu đội trưởng trinh sát từ hầm chui ra thông báo anh em chuẩn bị vào hầm ăn chè đỗ xanh. Tôi cũng được mời ăn chè do anh em nấu, đỗ chưa chín hẳn nhưng mọi người ăn ngon và vui như Tết. Rời hầm trinh sát, tôi sang hầm của Tiểu đoàn trưởng thì thấy đồng chí Tiểu đoàn trưởng Phạm Bảy và đồng chí Chính trị viên Nguyễn Văn Đức đang giở ảnh vợ con cho nhau xem. Tôi trộm nghĩ các thủ trưởng là những con người rắn như sắt thép nhưng phút giao thừa vẫn nhớ nhà, đâu riêng gì anh em cấp dưới.
Trò chuyện trong đêm giao thừa, nhiều đồng chí nói với tôi là may mắn Đài Tiếng nói Việt Nam phát lại lời chúc Tết của Bác Hồ Xuân 1968. Được nghe giọng nói Bác với chúng tôi là món quà vô giá. Dù không có hoa, không có bánh chưng, nhưng được nghe lời Bác trong phút giao thừa thấy xốn xang thiêng liêng thế.
Câu nói Tết không có bánh chưng, không có hoa của anh em làm tôi suy nghĩ thao thức cả đêm. Sáng sớm ngày Mùng Một Tết, khi tiếng vượn vẫn còn vang cả khu rừng tiểu đoàn bộ trú quân, tôi ven bờ sông Nậm Công đi hái hoa rừng mang về cắm vào những chiếc cắt-tút vỏ đạn pháo 37 ly, đổ nước vào thành lọ hoa để tại hầm chỉ huy sở Tiểu đoàn. Tôi đề xuất với Tiểu đoàn trưởng cho tôi vào bản của đồng bào Lào mang muối và một số đồ dùng đổi lấy một ít gạo nếp và lá chuối về gói bánh. Thế là tôi đổi được hơn mười cân gạo nếp. Đơn vị sẵn có đỗ xanh và thịt hộp. Những chiếc bánh chưng do chính tay tôi gói đã được anh em khen ngợi. Buổi chiều ngày Mùng Một Tết, đồng chí Tiểu đoàn trưởng biểu dương tôi có cách làm sáng tạo, trong cái khó lại ló cái khôn, tưởng không có Tết mà lại có Tết thật là vui.
Vậy là hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ cái Tết đặc biệt ấy. Nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, kỷ niệm những ngày đón xuân Nhâm Tý 1972 lại hiện về rõ nét trong tôi.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...