Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
13:10 (GMT +7)

Đón Tết nơi xứ tuyết

Do làm công việc thường trực ở Văn phòng Hội người Việt Nam tại Nga, lại kiêm công tác báo chí, nên tôi có điều kiện dự nhiều cuộc liên hoan đón Tết của cộng đồng người Việt tại Matxcơva, cũng như ở nhiều thành phố khác trong Liên bang. Khi thì ở Đại sứ quán, lúc ở các Hội Đồng hương, các Trung tâm Thương mại, các trường đại học, công trường xây dựng, xưởng may, hoặc trang trại giữa thảo nguyên… Những cuộc liên hoan đón Tết này diễn ra liên tục từ khoảng 20 tháng Chạp cho đến tận lúc đón Giao thừa. Xin kể về ba cái Tết để lại nhiều ấn tượng đẹp trong tôi.

Công nhân nông trại thu hoạch hành Tây
Công nhân nông trại thu hoạch hành Tây

Tết ở nông trại bên bờ sông Volga

Đó là nông trại nằm bên bờ sông Volga, cách thành phố Volgagrad hơn 40 cây số. Chủ nông trại là ông Dương Hải An, một người Việt có quốc tịch Nga. Xuất thân từ quê hương xứ Nghệ, ông An đã từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Rời quân ngũ, đại úy An sang Nga “lao động hợp tác”. Liên Xô giải thể, ông An ở lại làm ăn tại thành phố Volgagrad: Lập công ty Volga - Việt, làm chủ một chợ có mấy trăm quầy của người Việt, mua  lại 3 ký túc xá của nhà máy cho bà con người Việt thuê, đặc biệt là mua hẳn 120 hec - ta đất để làm nông trại.

Nông trại của ông An trồng ngô, các loại rau củ quả cung cấp cho các siêu thị vùng Volgagrad, lại chăn nuôi cả dê và cừu. Công nhân là những bà con họ hàng ở Nghệ An được ông An đưa sang, hàng tháng trả lương bằng cách chuyển tiền cho người thân của họ ở quê. Những người bạn chiến đấu của ông An có hoàn cảnh khó khăn, được ông giúp đỡ bằng cách đưa con em của họ sang. Vào vụ thu hoạch cần nhiều nhân công, thì thuê thêm cả người Uzbekistan và sinh viên Việt Nam đang học tại đây.

Thăm cánh đồng cải bắp của Nông trại Volga - Việt ở Volgagrad
Thăm cánh đồng cải bắp của Nông trại Volga - Việt ở Volgagrad

Khu nhà ở của công nhân nông trại nằm tách biệt giữa thảo nguyên mệnh mông, có đầy đủ tiện nghi như ở thành phố. Có nước máy, có điện thắp sáng và sưởi ấm mùa đông, có phòng hát karaoke, có cả tivi bắt được sóng VTV4 từ Việt Nam. Công nhân ăn Tết không thiếu một thứ gì. Dê, cừu, lợn nông trại nuôi, chọn con nào béo tốt nhất đem ra mổ. Tiết canh lòng lợn y như ở quê nhà. Rau củ đủ các loại không thiếu thứ gì. Liên hoan đón Tết, có đại diện công ty Volga - Việt, Hội người Việt Nam tại Volgagrad đến động viên, chúc tụng. Tất cả ngồi bệt xuống sàn theo kiểu dân dã. Tiệc tùng xong thì quay ra hát karaoke, đánh bài tá lả chờ đón giao thừa. Hầu như ai cũng gọi điện về chúc Tết cha mẹ, vợ con thật sớm để tránh giờ cao điểm nghẽn sóng.

Đại diện các hội người Việt trong Liên bang về dự Tết ở Đại sứ quán
Đại diện các hội người Việt trong Liên bang về dự Tết ở Đại sứ quán

Gần đến Giao thừa (ở Volgagrad là 8 giờ tối), tất cả tập trung tại phòng lớn có tivi, chờ đón Chủ tịch Nước đọc lời chúc Tết, rồi xem chương trình ca nhạc mừng Xuân. Có một vài thanh niên lần đầu xa nhà, rưng rưng nước mắt. Vui thì vui vậy, nhưng vẫn buồn vì cuộc sống thiếu vắng một nửa. Hơn bốn chục công nhân toàn là nam giới, tách biệt giữa thảo nguyên bao la, cả năm thiếu tiếng cười con gái. Có một chàng trai chậm rãi đọc trại câu thơ của Hữu Thỉnh: “Ước gì có chút hương bồ kết/ Băng giá tan đi, tuyết ấm lên” (nguyên văn câu thứ hai của Nhà thơ Hữu Thỉnh là: Cho đá mềm đi, núi ấm lên). Câu thơ đã nói hộ nỗi lòng của mọi người ở giữa thảo nguyên ngày Tết.

Tết ở xưởng may Matxcơva

 Hơn 90% người Việt ở Nga buôn bán hàng may mặc. Trước đây, các chủ hàng lớn thường “đánh” hàng từ Việt Nam sang bằng đường biển, hoặc đặt hàng từ Trung Quốc bằng đường tàu hỏa sang rồi giao cho các chủ quầy. Khoảng chục năm gần đây, với đầu óc nhạy bén, một số người Việt Nam tại Nga nghĩ cách mở các xưởng may tại chỗ. Thấy ngoài chợ có mặt hàng nào đang bán chạy, họ mua vài mẫu về, thế là hai ba hôm sau đã có sản phẩm tương tự tung ra thị trường, vừa  hợp mốt thời trang, vừa nhanh chóng, chi phí lại thấp. Để tồn tại lâu dài cách làm ăn này, phải mở công ty, lập “xưởng may trắng”, đảm bảo tính hợp pháp (phân biệt với xưởng may đen, tức là xưởng mở chui).

Ca đoàn của Hội Thánh “Lời sự sống”
Ca đoàn của Hội Thánh “Lời sự sống”

Các công nhân được tuyển từ Việt Nam sang, làm việc và ăn ở tập trung trong các nhà xưởng, vốn là các tòa nhà cũ của các nhà máy Nga giải thể, cho thuê lại. Các chủ xưởng người Việt thường tổ chức cho các công nhân đón Tết sớm hơn bà con tiểu thương ngoài chợ. Khu xưởng phía Bắc Matxcơva có hàng trăm thợ may gốc Công giáo người Nam Định, nên Hội Dệt may Việt Nam tại Liên bang Nga và các chủ xưởng đã mời Cha xứ nhà thờ Công giáo ở phố Lubianca đến tổ chức Lễ Giáng sinh, rồi lại tổ chức Lễ cầu nguyện chúc phúc cho anh chị em nhân dịp Tết cổ truyền. Họ tổ chức thi cắm trại, thi hát Thánh ca có trao giải thưởng. Ban Giám khảo có thầy Minh đại diện dòng tu Đa minh từ Paris sang thực tập, đại diện Hội Dệt may, hai người đại diện của anh chị em công nhân và tôi với tư cách đại diện Hội Văn học Nghệ thuật. Lúc đầu tôi nghĩ, chỉ một thể loại thánh ca, sẽ đơn điệu. Được thưởng thức toàn bộ chương trình, được nhìn những gương mặt thánh thiện ngời sáng, những giọng ca tự nhiên chân chất, thấy hóa ra nội dung và hình thức rất phong phú và rung động lòng người.

Tiệc đón Tết hoành tráng nhất

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ khoảng 5 giờ chiều ngày 26 hoặc 27 Tết, ngôi nhà số 13 phố Balsaia Piragovxkaia ở Matxcơva - trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nga - lại rộn rã tiếng chào hỏi, tiếng cười của đại diện bà con người Việt từ nhiều thành phố trong Liên bang về tụ hội.

Tham gia tiệc đón mừng năm mới, có toàn bộ gia đình các cán bộ nhân viên Đại sứ quán, đại diện các Hiệp hội, đoàn thể quần chúng người Việt ở Matxcơva và các tỉnh trong liên bang. Mở đầu là chương trình văn nghệ do các văn nghệ sĩ trong cộng đồng biểu diễn. Tiếp theo là Đại sứ chúc Tết, rồi đến tiệc đứng. Cả hội trường kê hai dãy bàn dài, không có ghế. Có các món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, giò chả. Thay vì đặt dịch vụ gói bánh chưng như những năm trước, Hội Phu nhân các cán bộ Đại sứ quán mấy năm gần đây tổ chức tự gói bánh chưng phục vụ cho bữa tiệc này, tạo niềm vui ngày Tết cho chị em. Đồ ăn Tây có bánh mỳ phết bơ, kalbasa (giò Tây), giăm bông, sang nữa thì kèm theo trứng cá hồi. Đồ uống thì nhẹ nhàng: sâm banh, bia và một ít Vodka. Nếu năm nào kết hợp mời các bạn Nga, thì cử thêm người chuyên pha cốc-tai phục vụ khách. Sau khi nổ sâm panh nâng cốc chúc mừng năm mới, mỗi người tự phục vụ cho mình. Ai thích ăn cái gì thì lấy thứ đó, vừa ăn vừa trò chuyện, có thể đi khắp cả hội trường để giao lưu, chúc tụng. Ai mỏi chân, có thể ra dãy ghế kê sát tường để ngồi.

Các sinh viên Nga học tiếng Việt đến dự Tết ở Đại sứ quán
Các sinh viên Nga học tiếng Việt đến dự Tết ở Đại sứ quán

Vui nhất là phần sau tiệc, có hái hoa dân chủ trả lời câu đố có thưởng, rồi bốc thăm phần thưởng mừng Xuân, cao nhất là một vé máy bay hai chiều từ Matxcơva về Việt Nam do Vietnam Airlines tài trợ. Kết thúc là màn bắn pháo sáng trong khuôn viên Đại sứ quán có khi kéo dài đến 15 phút. Đại diện người Việt ở các thành phố xa lại vội ra sân bay để kịp về chuẩn bị Tết cho bà con ở thành phố của mình. Bà con ở Matxcơva thì ung dung rủ nhau đi siêu thị đêm sắm Tết. Ra về trong tuyết lạnh, nhưng lòng ai cũng thấy ấm áp tình quê hương đất nước.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy