Thứ tư, ngày 02 tháng 04 năm 2025
02:29 (GMT +7)

Dồn sức cho mục tiêu tăng trưởng mới

Sau khi Quốc hội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 lên 8% trở lên, Chính phủ và các địa phương đều dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng mới này, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số bắt đầu từ năm 2026.

Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Quốc hội đã thống nhất

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên là nội dung Chỉ thị vừa được Thủ tướng ký ban hành vào ngày đầu tiên của tháng Ba này.

"Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, là tinh thần được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Trước đó, với 463/464 đại biểu tán thành, sáng 19/2, trong phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Trước nữa, tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 11/2024), Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tốc độ tăng GDP 6,5 - 7% và phấn đấu 7 – 7,5%; tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5%.

Nhìn lại các nhiệm kỳ gần đây của Quốc hội thì việc chỉ trong thời gian rất ngắn, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng chỉ tiêu GDP là việc chưa từng có tiền lệ.

Nhưng, như mục tiêu tổng quát đã được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội, đặt mục tiêu tăng trưởng mới là nhằm củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Quốc hội cũng yêu cầu tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.

Bên cạnh GDP, Quốc hội cũng thống nhất điều chỉnh quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Tại Nghị quyết, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; trong đó sớm ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); sớm xây dựng Đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược.

Nhiệm vụ tiếp theo được Quốc hội giao là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…). Rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Quốc hội cũng yêu cầu, trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.

Nghị quyết cũng nêu, bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.

Triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển - Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nêu yêu cầu của Quốc hội.

Tại Nghị quyết, Quốc hội lưu ý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin - cho”, đầu tư công dàn trải (Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án).

Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP – Quốc hội thống nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (25/12/2024)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (25/12/2024)

 

Giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng mới được Quốc hội nêu còn có những yêu cầu rất cụ thể như chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành. Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới.

Rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025, Quốc hội yêu cầu.

Giữa tháng Ba đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí

Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng mới, Chỉ thị của Thủ tướng đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Bộ Tài chính được giao tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/3/2025.

Nhiệm vụ của Bộ này còn là khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân, xác định quan điểm kinh tế tư nhân phải là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng cường quản lý thu, nhất là thu từ hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, phải hoàn thành số hóa chậm nhất trong Quý II/2025, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Giải pháp tiếp theo là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển, tiết kiệm ngay 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu không để các ngân hàng thương mại tự do tăng lãi suất không theo định hướng, cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng.

Kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm, nhất là các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (cả lãi suất huy động và cho vay).

Chỉ thị cũng đặt ra yêu cầu phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Bộ Tài chính chủ trì, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất, trình Chính phủ ngay trong tháng 3 năm 2025 về khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.

Bộ Tài chính còn được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các Đề án về Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025.

Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị và chính sách đặc biệt đối với cán bộ, công chức đạt thành tích xuất sắc trong công việc; đồng thời có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất; cụ thể hóa hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm – Thủ tướng chỉ thị.

Gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công, kích thích tiêu dùng

 

Đơn vị thi công nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng  cầu Quang Vinh 2 (TP. Thái Nguyên)
Đơn vị thi công nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Quang Vinh 2 (TP. Thái Nguyên)

Trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về cả các giải pháp tác động trực tiếp cũng như các giải pháp mang tính dài hạn để tạo tiền đề cho phát triển cho năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành  (Thái Nguyên) các cơ chế đặc thù cho các công trình lớn đã có, có thể thực hiện được, nhưng các công trình vừa và nhỏ, đặc biệt là giải ngân đầu tư công tại các địa phương hiện đang là một điểm nghẽn rất lớn. Ông Thành cho rằng, nếu không có những biện pháp tháo gỡ kịp thời và các chế định, chế tài xử lý hợp lý thì khó gỡ được điểm nghẽn này.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng lưu ý, bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân ở công trình đầu tư công vừa và nhỏ ở địa phương để tạo công ăn việc làm thì cần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội ở vùng nghèo, vùng khó khăn, tạo việc làm để bảo đảm an sinh.

“Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu quá tập trung vào tăng trưởng nóng chúng ta sẽ quên đi những khu vực đang rất cần sự phát triển để bảo đảm vấn đề an sinh, bảo đảm về công bằng xã hội. Cho nên phải có những giải pháp đồng bộ”, ông Thành nêu quan điểm.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho biết, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 cao hơn 8% và đang có rất nhiều biện pháp, giải pháp để thực hiện.

Để đạt được mục tiêu, tăng trưởng này, bà Hảo đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, rà soát lại xem những địa phương nào có những vấn đề gì vướng mắc cần tháo gỡ, xin ý kiến các bộ, ngành và Chính phủ, thì cần sớm được giải quyết ngay.

Thái Nguyên đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 10,5% trở lên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ thị yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của năm 2025. Chỉ thị nêu rõ, tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án đầu tư công quan trọng, quy mô lớn, dự án có tác động lan tỏa… phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy