Đổi vận – Truyện ngắn. Vũ Kim Khoa
VNTN - Ông bà Chực sinh được ba người con. Thằng lớn tên là Bờ, đứa thứ hai tên Bãi và cô con gái út tên là Đầm. Ông mang họ Lê, người gầy nhỏ thó, chậm chạp từ bước đi đến lời nói và đen đúa như một gốc tre đực gác bếp lâu ngày mới được cọ rửa... Còn bà Chực thì bấy bả, lười nhác và lắm điều. Chẳng biết ngày trẻ bà có tóc không, nhưng cả làng đã quen với khuôn mặt cớm nắng và cái khăn xô, khâu đụp nhiều lớp phủ trên đầu. Bình thường thì cái khăn được gấp làm tư, đặt hờ hững trên đó. Những ngày bị tiền đình hành hạ, bà giã một nắm lá cây gì đó, dàn mỏng lên một mảnh lá khoai nước, rồi phủ úp lên đỉnh thóp và cái khăn xô sẽ được buộc túm bốn góc, đắp trùm lên miếng lá khoai. Ở giữa vùng đất chua phèn, xà phòng lại hiếm, nên cái khăn không có màu cố định, nó ố loang lổ trên cái nền thâm xỉn. Mắt bà kèm nhèm vì giếng đình đã bị lấp, hay cũng có thể vì lông quặm gây ngứa ngáy vành mi, bà day dụi nhiều mà sinh toét.
Người ta đi nhiều sẽ thành đường và nếu làm mãi một công việc thì ắt thành nghề. Bà có con dao bài mảnh như một lá bài tổ tôm, ông Chực mài cho rất sắc. Được tiếng mát tay, nên các lão bà trong thôn thường vời đến, để cạo chân tóc cho những cái đầu vốn đã trọc. Làng Xá được chia ra thành nhiều đội sản xuất. Nhưng bà lại tự đặt ra lịch làm việc theo chu kỳ tuần tự từng xóm. Đầu tháng là xóm Chùa và kết thúc bao giờ cũng về xóm Bãi. Số lượng các cụ bà ở mỗi khoảnh làng cũng khác nhau. Tính cách từng cụ trong thôn, bà rõ như đã ghi vào những lớp vải xô được khâu làm khăn đội đầu. Điểm “tác nghiệp” thường là ở ngay tại gia, dưới một góc sân rợp bóng cây. Hai người ngồi đối diện nhau, người được cạo chúi đầu về phía trước, cái dây yếm buộc sau cổ đã cởi ra, nó trễ xuống như hàm dưới của con xin tương, thõng trên mặt cái chậu lõng bõng vài gáo nước mưa hứng bên dưới. Và nếu miệng chậu rộng một chút, thì có thể soi rõ cả cặp vú tóp teo với lớp da cổ xếp thành nếp và uể oải cặp mắt mệt mỏi như chỉ chực lặn sâu vào khuôn mặt nhăn nhúm, điểm chi chít vệt tàn hương. Nhiệt độ nước dưới chậu thay đổi theo mùa, vào ngày nắng thì mát rười rượi; khi trời se lạnh thì được tra thêm chút nước nóng cho đủ ấm. Cái khăn xô giờ có tác dụng vớt chút nước ủ lên vị trí sắp cạo, chân tóc sẽ mềm ra và đường dao bởi vậy trơn tru hơn, giảm đi cái rứt rát cho người được cạo. Thời gian dành cho một cái đầu tùy thuộc vào những rủ rỉ tâm sự của hai người. Mỗi vết tích hằn thành sẹo trên đó, đều phảng phất những hoài niệm buồn, vui. Ví như cái vệt láng bóng nổi dài trên đầu bà Sượt, là do thời thơ trẻ bị đứa em gái đành hanh, ngồi trong bếp dùng que đời đập vào. Còn vết hõm sâu gần thái dương của bà Hợi, là do đã bị bà cả đánh ghen, khi đi gặt đã dùng liềm bổ xuống…
Thù lao cho mỗi lần cạo đầu thường là một bát gạo. Trước khi đi làm, bà Chực luôn quấn một cái ruột tượng quanh thắt lưng, bà thắt một nút ở giữa, bên phải bà đổ gạo của những nhà giàu; bên trái là gạo của các cụ có điều kiện kinh tế khó khăn hơn, hoặc giả họ vẫn sẵn của ăn, của để đấy, nhưng lại là những người bản chất tằn tiện, keo kiệt. Gạo trong ruột tượng bên phải nấu cơm cứ mềm như bún, chỉ rưới chút mắm tép chưng với trứng ung, mà có thể ăn vèo hết ba bát cơm. Còn gạo bên trái chỉ được cái nở, nhưng cơm cứ như có trộn thêm mạt cưa, rời rạc, chẳng thể dính được vào với nhau. Bà Chực nhai trầu cả ngày, đó là thứ bà được mời ở mọi nơi. Thỉnh thoảng gia chủ còn giữ bà lại ăn cơm, đó là khi họ có giỗ chạp, hoặc có sự kiện gì đấy. Năm tháng qua đi, các cụ bà đã mai một dần và lớp người mới khi về già đã không còn nhuộm răng đen và cạo trọc đầu nữa. Bởi thế công việc của bà Chực cứ giãn cách, buổi đực, buổi cái.
Làng Xá to, nhưng họ Lê chỉ có vài hộ. Họ Nguyễn và họ Vũ ngang ngửa nhau. Trai họ Vũ lấy gái họ Nguyễn và ngược lại. Đến đời thứ mười thì cả làng như đều có dây dưa thân tộc. Trai họ Lê khó lấy vợ ở làng và làm ăn thì bị chèn ép, chưa nói đến việc các cụ bô lão coi như họ không tồn tại ở làng…
Cái Đầm trắng trẻo, tóc dài chấm gót. Nó đi lại ẻo lả và chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Đầm bỏ học sớm và đi lấy chồng mãi tận Tuyên Quang. Ngày cưới, Đầm óng ả trong cái áo phin nõn: Lũ giai làng chợt nhận ra Đầm đẹp thì đã muộn rồi!
Thằng Bãi theo em gái dẫn mối, nó lên Tuyên Quang làm thợ mộc được hơn chục năm, tưởng yên ấm cùng vợ con trên đó thì đột nhiên lại quay về làng. Hợp tác xã bán đấu giá cái sân phơi lúa đã bị nậy trộm hết gạch. Cả làng chẳng ai thèm mua. Bãi lặng lẽ đi vài ngày, khi trở về nó đến ban quản trị Hợp tác xã chồng đủ số tiền mà họ yêu cầu. Và cái sân phơi lúa đã thuộc về Bãi. Cả làng tò mò chẳng biết vợ chồng nó làm gì với cái sân rộng chuếnh choáng bên đường như thế? Vậy mà cậu ta còn tậu nốt khoảnh mương chạy quanh sân với giá như cho. Cái mương sâu hun hút vốn xưa kia Hợp tác xã lấy đất để vượt thành sân phơi. Cả làng rẻ rúng vì con mương ấy đã làm vài đứa trẻ chết đuối và mấy bụi duối tạo cảm giác rờn rợn những đêm hè…
Chỉ vài tháng, thằng Bãi đã khuân về đủ thứ từ rừng: Lá cọ, tre nứa, gỗ, củi và cả những gốc cây dài thõng thượt; to cỡ mấy người ôm không hết. Thứ này nó để trên cạn, thứ kia nó thả bập bềnh ngâm dưới mương
Thoạt đầu ít người để ý đến những thứ vợ chồng Bãi đem về bán, nhưng những nhu cầu chợt xuất hiện khi nguồn vật tư, nguyên liệu nằm kề, giá lại rẻ nên dân làng đến mua. Thằng Bãi đã làm một việc trái với quy luật kinh doanh thuần túy: có cầu, ắt có cung. Nó đem vật tư, nguyên liệu từ rừng về để kích cầu. Vợ Bãi người xứ Tuyên, không đẹp như câu ca nhưng được cái tháo vát, miệng luôn thơn thớt đon đả. Tuy vậy dù khách hàng già hay người mua trẻ, chẳng bao giờ bớt được của nó xu nào…
Bãi dựng cái lán lợp tôn mạ kẽm chiếm một phần tư diện tích của sân kho cũ, thuê những mấy nhân công, rồi khuân về cái máy cưa vòng; lắp đặt hệ thống ray vận chuyển, lại hợp đồng để kéo điện ba pha… Mỗi việc nó làm khiến cả xóm, cả làng bàn tán. Ngày cái cưa máy bắt đầu hoạt động, người lớn, trẻ con tụ đứng vòng trong, vòng ngoài như xem xiếc. Mọi người tận mắt chứng kiến hình ảnh chiếc lưỡi cưa lướt dọc thân cây gỗ, ngọt như người ta lạng bì luộc để làm nem thính ngày tết vậy. Thế là chấm dứt cái cảnh cò cưa kéo xẻ! Việc nhiều, nên có hôm máy chạy ro ro tới chín giờ tối mới nghỉ.
Sau hai năm, vợ chồng Bãi đã xây căn nhà năm tầng cao như cái tháp chuông nhà thờ ở phía sau xưởng mộc. Chúng đón bố mẹ ra ở cùng. Nhưng ông bà Chực chỉ ở với bọn nó dăm bữa rồi lại về căn nhà trong xóm. Bà nói không chịu được tiếng rít của cái cưa máy. Nhưng mấy bà hàng xóm thì lại bảo, tại bà không hợp với cô con dâu. Vỏ quýt dày, có móng tay dọn mà!
Từ kinh doanh tranh, tre, nứa, lá, nay vợ chồng Bãi kinh doanh kiêm cả những mặt hàng vật liệu xây dựng khác. Với phương châm: thà bán rẻ chứ không bán chịu, vợ chồng Bãi chỉ có nợ người khác, chứ không để cho ai nợ mình, nên đồng vốn chẳng bị hao hụt. Từ ngày có những hợp đồng làm đồ Đồng Kỵ, Bãi thuê đến vài chục nhân công. Mua thêm máy móc và mở rộng xưởng mộc. Ai đi qua cũng thấy cảnh tấp nập người ra, kẻ vào và lách cách tiếng gõ của máy móc và tiếng dùi vỗ vào tông đục…
Từ bé Bãi vốn ít nói, tính hơi cục nhưng chơi với ai cũng được. Nay mọi công to việc lớn của xóm, của làng hay của xã, Bãi luôn được góp tiếng nói và mọi người luôn vị nể ý kiến của cậu ta. Riêng những khoản đóng góp thì Bãi luôn nằm ở đầu danh sách. Bà Chực nay không còn phải thường xuyên đi cạo cho các bà trọc đầu nữa. Nhưng thói quen ngồi lê của bà thì vẫn không thay đổi. Những chuyện ưa thích của mấy cụ già là nói về con, về cháu. Bà công khai chê cô con dâu nhiều tiền mà keo kiệt và luôn giận thằng chồng nó lại chỉ biết nghe vợ, tuy rằng căn nhà ông bà ở hiện nay, cũng do Bãi xây mới cho và mọi thiết bị trong nhà, được mua đầy đủ theo mốt cả.
Mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình Bãi đã được cả xã, cả huyện lấy làm điển hình, không ít thanh niên trong vùng cũng học được từ Bãi những kinh nghiệm làm kinh tế giỏi. Mấy năm gần đây, Bãi luôn thay xe và những chuyến du lịch dài ngày cho cả gia đình, đã bổ sung thêm đề tài để bà Chực có thể lê mông từ nhà này sang nhà khác. Kết thúc những buổi ngồi hóng chuyện và chêm mắm, chêm muối cho thêm phần sinh động, các bà chủ nhà thường bĩu môi, không biết tỏ ý chê bai hay ghen tị, khi ngồi nhìn theo cái dáng đi chòng chành của bà Chực đang khuất dần ngoài ngõ…
Từ ngày chơi với mấy anh bạn người Bắc Ninh, Bãi đâm mê môn đá gà. Khác hẳn nhu cầu thưởng thức của cô vợ chỉ ham môn bóng đá. Chuyện những ngày cuối tuần Bãi đi biệt mấy buổi và vợ nó thì ngồi gác chân lên ghế xem Ngoại hạng Anh trước cái màn hình rộng bằng nửa tấm chiếu một (nghe đâu mua những gần trăm triệu đồng) và gẫu điện thoại di động với cô bạn bán mĩ phẩm ở thị xã cả tiếng đồng hồ…, không còn là điều lạ với tốp thợ mộc làm công cho gia đình Bãi.
Nhưng việc vợ chồng Bãi đưa con trốn đi biệt tích sau hơn một tuần mà mọi người cứ nghĩ họ đi du lịch đã làm xào xạc làng xã. Dân làng ngã ngửa ngạc nhiên, thì ra hai vợ chồng Bãi, đứa ham cá gà, kẻ say độ bóng đá, đã thua cả đống tiền tỷ. Nay con nợ đến truy tìm, sau khi bằng đủ cách mà không liên lạc được với vợ chồng Bãi…
Một đoàn xe, với đủ loại biển số khác nhau, rầm rập đến đậu ken cứng mặt đường trước cửa cái xưởng gỗ. Họ gồm đủ mọi thành phần. Những kẻ xăm trổ xanh đỏ khắp tay chân, đứa này lầm lì bặm trợn, đứa khác lượn như cá mương xung quanh cái giá đang vo gạo trên mặt sông. Tốp này tranh cãi ầm ĩ với tốp kia, họ giành giật nhau từng món tài sản của xưởng gỗ và đồ dùng gia đình. Lại xuất hiện cả nhân viên bảo vệ ngân hàng vào cuộc để giữ những tài sản mà Bãi đã thế chấp để vay… Dân làng có người bỏ cả mâm cơm đang dở bữa chạy đến xem, khiến cái khu sân kho cũ nhộn nhịp kẻ hiếu kì, đông như thủa nào đoàn chèo tỉnh đã từng về biểu diễn…
Mọi người chợt đổ mắt theo hướng một tiếng gào như muốn tốc cả mái tôn. Người ta nhận ra bên ngoài cửa bếp của xưởng gỗ, bà Chực đang kéo co cái nồi cơm điện với một thằng to như hộ pháp. Cái khăn xô xỉn màu đất của bà nhoe nhoét máu. Rồi người ta thấy bà đổ xụp cái thân hình bễu bả xuống ngay chân thằng béo.
-Giết người! Giết người!!...
Một tiếng, rồi hàng loạt những tiếng kêu “giết người” chợt bật lên từ đám đông những người dân làng Xá. Cả lũ chủ nợ và bọn đòi nợ thuê bối rối, khi cùng lúc có sự xuất hiện của công an…
Bà Chực phải nằm viện tới khi cắt chỉ vết khâu chừng nửa tháng. Trong thời gian đó trên báo địa phương, có thông tin rằng công an tỉnh vừa xóa hai nhóm cờ bạc, cá độ bất hợp pháp với hàng chục kẻ rồi sẽ phải hầu tòa.
Chuyên án “máu đổ” ở xưởng gỗ của thằng Bãi công an điều tra thế nào, thì sau này không ai nghe nói. Vợ chồng nó đã về khôi phục lại việc làm ăn. Chỉ riêng cái hợp đồng đóng thùng gỗ cho công ty may gần đó, đã gần như chiếm sạch thời gian rỗi của nó. Vợ thằng Bãi không còn cười mỉa mỗi khi nghe bà Chực rao giảng về cảnh nghèo thời hàn vi…
Mấy cụ già hàng ngày vẫn chơi cờ dưới gốc cây đa cổ của làng có lần bình phẩm về vận quê, vận nước… Khi nói về hiện tượng của Lê tộc trong làng, họ như đều chung quan điểm mà thời xưa nhân gian đã đúc kết: Người ta, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời…”
Bà Chực chữa mãi không hết bệnh tiền đình. Những đêm mất ngủ, bà vẫn hay ngồi bậu cửa lẩm bẩm chửi con vợ thằng Bãi. Cái con giời đánh, vẫn cứ toe toét cười. Nó nghe lần đầu thì khó chịu, lần thứ hai thì còn chút bực mình, những lần sau thì thấy như nước chảy, mưa rơi. Quê xa nên cha mẹ không hay, họ mạc không thêm chuyện, thành ra mọi việc vẫn cứ yên lành vui vẻ cả! Ông Chực vẫn cứ theo nếp cũ. Ngày giáp Tết ông lầm lũi ra đồng chặt luống cải bẹ về phơi tái để nén dưa. Ông quyết không bỏ mấy sào ruộng được cấp từ thời mới vào hợp tác xã. Hôm vừa rồi thằng con cả từ Đắc Nông điện ra mời ông bà vào đó chơi ít ngày, ông ậm ừ hứa sẽ vào. Tuy vậy ông bà vẫn cứ lần khân mãi. Đã vào cái tuổi bập bênh như ngọn đèn trước gió, họ lo nhỡ có cơ sự chẳng lành… thì cái nghĩa trang giữa cánh đồng quê hương luôn có chỗ dành cho mình! Chuyện đời của ông bà như một giấc mơ, cái cảm giác mang phận nghèo kéo lê suốt thời son trẻ, đã để lại dấu vết buồn dầm dề như mưa ngày tháng chạp. Nay khi lộng lẫy quá thì cứ nhập nhòe nửa hư, nửa thực, nó ẩn hiện giống như cái nhìn quáng nắng của cặp mắt bà Chực.
Chiều nay bà Chực lập bập gói con dao bài sắc lẹm vào cái khăn xô lâu ngày không sử dụng, rồi kỹ càng cất vào đáy tủ. Bà sợ thằng cháu nội nghịch ngợm bị đứt tay. Vả lại những cụ bà trọc đầu cần dùng đến nó cũng đã theo nhau về giời cả. Suốt một đời “hành nghề” bà chẳng làm sơ sẩy một đường dao. Chỉ duy nhất một lần bà bập sâu con dao vào lớp da đầu. Đó là cái đận bà “ra tay” tự hành xác, khi đứng trước lũ người muốn cướp đi mồ hôi, nước mắt của con cái bà!
Thái Nguyên, tháng 10/2016
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...