Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
13:24 (GMT +7)

Đời sống nghệ thuật 2023: những tín hiệu tích cực

VNTN -  Sau một năm 2023 với những hoạt động nghệ thuật kỷ niệm “80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam” với kim chỉ nam “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đã dần“sáng” thêm nhiều vấn đề, vừa tiếp nhận- phát triển các giá trị truyền thống, vừa hướng đến sự hòa nhập cùng các trào lưu nghệ thuật thế giới đương đại. Và năm 2024sẽ hứa hẹn như một khởi đầu mới cho nghệ thuật Việt Nam.

Một trong chuỗi hoạt động xuyên suốt năm 2023 kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023) là các chương trình liên hoan biểu diễn- triển lãm các loại hình nghệ thuật: Điện ảnh, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Ca múa nhạc… Nhìn vào giải thưởng đoạt các giải vàng- bạc…, đã thấy nghệ thuật Việt Nam trong năm 2023 có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao, có sự lan tỏa trong cộng đồng, nâng cao giá trị thưởng thức nghệ thuật trong đời sống văn hóa.

Điện ảnh nhiều tín hiệu tích cực

Nhìn vào góc độ thương mại, năm 2023, phim điện ảnh Việt đã “sống” lại, dù số lượng phim ra rạp chỉ có 25 phim, nhưng doanh thu lại khá khả quan, có nhiều bộ phim cán mốc 100 tỷ như: “Nhà bà Nữ” (475 tỷ đồng) và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (270 tỷ đồng), “Em và Trịnh” (hơn 100 tỷ), “Bỗng dưng trúng số” (hơn 170 tỷ đồng) và “Đất rừng phương Nam” (gần 140 tỷ), “Siêu lừa gặp siêu lầy” (121 tỷ đồng), “Chị chị em em 2” (121 tỷ đồng). Ngoài ra, còn một số bộ phim cũng đạt doanh thu cao như: “Người vợ cuối cùng” (gần 100 tỷ), “Con nhót mót chồng” (75 tỷ)…

Cảnh trong phim “Nhà bà Nữ
Cảnh trong phim “Nhà bà Nữ"

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại thành phố Đà Lạt vào cuối tháng 11/2023 thể hiện những dấu ấn rõ nét của phim nội khi số lượng phim tham dự đông đảo nhất từ trước tới nay: 177 tác phẩm tham dự, 91 phim dự thi, 56 phim chiếu trong chương trình Toàn cảnh.Nhưng cũng từ đây có thể thấy phim chưa có sự nâng cao đáng kể về chất lượng. Vẫn tồn tại nghịch lý, phim nghệ thuật tương đối có chất lượng kể cả đoạt giải quốc tế thì doanh thu rất khiêm tốn, phim chất lượng bình thường thậm chí gây tranh cãi về nội dung thì doanh thu cao. Tồn tại của phim Việt chưa khắc phục được, là thiếu sáng tạo, chưa tinh tế, còn hời hợt về nội dung, kỹ thuật kỹ xảo phim chưa xếp ngang với điện ảnh khu vực hay quốc tế.Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu trong Liên hoan phim: “Không phủ nhận, phim Việt vẫn đang bị “lép vế” tại sân nhà khi các tác phẩm ra rạp chưa nhận được sự chào đón nhiệt tình của khán giả bởi chất lượng phim Việt còn hạn chế ở nhiều yếu tố, từ nội dung, mô-típ, kịch bản, diễn xuất đến các vấn đề hậu trường…”.

Năm 2024, có thể hy vọng điện ảnh Việt sẽ “sáng” hơn khi khởi động phim mùa Tết, cùng ra mắt ngày mùng Một Tết là bốn phim: Nhà sản xuất Mega GS vừa công bố poster chính thức của bộ phim “Sáng đèn”- đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, “Mai”-đạo diễn Trấn Thành, “Gặp lại chị bầu”- đạo diễn Nhất Trung, “Trà”- đạo diễn Lê Hoàng của Beta Distribution phát hành.

Sân khấu hứa hẹn rực rỡ

Lấy hai điển hình là hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, để điểm hoạt động sân khấu trong năm 2023 và hướng tới năm 2024- 2025, thấy rõ những điểm sáng hứa hẹn rực rỡ.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau một mùa Tết 2023 nhiều khởi sắc đã truyền động lực cho các sân khấu tự tin đầu tư trở lại.Nghệ sĩ Minh Nhí vàViệt Hương mở sân khấu mới Trương Hùng Minh.Sân khấu kịch Hồng Vân được dời về Nhà văn hóa sinh viên Thành phố, khai trương bằng vở nhạc kịch của NSND Hồng Vân. Đạo diễn Đoàn Khoa tái xuất với kịch thể nghiệm tại sân khấu Hồng Hạc. Sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn theo mùa đạt được kết quả khích lệ. Sân khấu 5B chuyển đổi đầu tư chiều sâu nội dung cho vở diễn. Ông bầu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn quyết định mở thêm điểm diễn là Nhà hát Thanh Niên.NSUT Thành Lộc thành lập sân khấu Thiên Đăng.

Tiết mục “Hoa rừng sắc xuân”, tác phẩm của nhóm tác giả chuyên ngành múa, giành giải B, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021. “Hoa rừng sắc xuân” cũng từng giành Huy chương Vàng tại Hội thi Tuyên truyền lưu động “Biển và hải đảo Việt Nam” năm 2023 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Ảnh: Quang Khải 
Tiết mục “Hoa rừng sắc xuân”, tác phẩm của nhóm tác giả chuyên ngành múa, giành giải B, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021. “Hoa rừng sắc xuân” cũng từng giành Huy chương Vàng tại Hội thi Tuyên truyền lưu động “Biển và hải đảo Việt Nam” năm 2023 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Ảnh: Quang Khải 

Tết Giáp Thìn 2024, sân khấu IDECAF ra mắt 4 vở mới, điểm diễn tại Nhà hát Thanh Niên 2 vở mới. Sân khấu Thiên Đăng đầu tư 8 vở “làm vốn” để diễn luân phiên, riêng Tết ra mắt 3 vở mới. Nhà hát Thế Giới Trẻ đầu tư 4 vở. NSND Mỹ Uyên sân khấu 5B có 1 vở kịch thiếu nhi, 2 vở kịch người lớn. Sân khấu Trương Hùng Minh có 2 vở mới cho mùa Tết.Sân khấu Hoàng Thái Thanh Tết này công diễn 2 vở tâm lý mới.

Ở sân khấu Hà Nội, trong năm 2023, ngoài các Liên hoan sân khấu Thủ đô cả chuyên nghiệp- phong trào, còn có sự hoạt động sôi nổi luôn sáng đèn của các sân khấu tư nhân như Lệ Ngọc, Luc Team, hay của các Nhà hát kịch Công an Nhân dân, Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam… Đặc biệt vào cuối năm, Hà Nội tổ chức Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu- Tình yêu Hà Nội, nhằm hướng tới các ngày lễ lớn trong hai năm 2024-2025. Nhà biên kịch Lê Quý Hiền - Trưởng Ban thẩm định Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu - Hà Nội nhận xét: “50 kịch bản tham gia Trại sáng tác đầy tính công dân, tính nghệ sĩ. Các tác giả đã quan tâm đầy đủ những vấn đề của Hà Nội, của đất nước với trái tim nghệ sĩ, với trách nhiệm công dân, thực sự rất đáng mừng. Nhiều tác phẩm phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng trong việc thực hiện kỷ cương pháp luật, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Một số tác phẩm có ý tưởng hay, xúc động, chất lượng chuyên môn nghệ thuật tốt, đậm chất nhân văn…”.

Nhưng sân khấu Việt dù hứa hẹn rực rỡ, cũng không thể không nhìn nhận những thiếu khuyết tồn tại. Điểm nhấn quan trọng nhất vẫn là “thày già con hát trẻ”, lực lượng tài năng sân khấu trẻ thiếu và yếu, nhất là ở các sân khấu kịch hát truyền thống. Và điểm cần quan tâm nhất vẫn là sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước kết hợp xã hội hóa cho sân khấu sáng đèn vẫn còn nhiều vướng mắc, các sân khấu vẫn cứ phải tự “bơi”- nhất là sân khấu tư nhân, chính vì vậy mà ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng tác phẩm.

Âm nhạc thị trường tạo dấu ấn đặc biệt

Trong năm 2023, Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ âm nhạc thế giới với hàng loạt siêu sao “đổ bộ”, trở thành mốc son khẳng định sự vươn tầm bằng các siêu nhạc hội thương hiệu Việt trên bản đồ công nghiệp giải trí toàn cầu. Nổi bật nhất là chuyến lưu diễn củaBlackPink, ban nhạc nữ hàng đầu K-pop, với 2 đêm diễn.Ngoài ra còn có hàng loạt tên tuổi “khủng” của làng nhạc Hàn Quốc như CL- cựu thủ lĩnh nhóm nhạc 2NE1, Super Junior, Taeyang (BIGBANG), BoA, Hyoyeon (SNSD), KARD,...

Rồi sự xuất hiện của “tượng đài pop rock” Maroon 5, “thần đồng âm nhạc” Charlie Puth… tại Siêu nhạc hội quốc tế 8Wonder tại Phú Quốc, Nha Trang. Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2023 với sự tham gia trình diễn của ban nhạc Mongdoll đến từ Hàn Quốc, cặp đôi Fergessen (Pháp), GoodLuck (Nam Phi), Forgotten Future (Mỹ), Lydmor (Đan Mạch)…Nối tiếp đó là Đại nhạc hội Wow K-music festival in Vietnam, chuyến lưu diễn Arean 52 của Bambam, The wild dreams tour của nhóm nhạc Weslife, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TPHCM - Hò Dô 2023, nhạc hội Open air #2 Festival Hanoi 2023…

Những showbiz đình đám này tạo cơ hội cho khán giả trong nước được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đỉnh cao, tiệm cận với nền giải trí thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, cũng là những bài học cho các nhà quản lý, nghệ sĩ, các chuyên gia truyền thông nhiều vấn đề, từ công tác tổ chức, bản quyền đến cách tạo ra nội dung giải trí chất lượng và sáng tạo, đầu tư vào việc phát triển năng lực của các nghệ sĩ và nhóm nhạc, xây dựng hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của khán giả, mà lâu nay Việt Nam vẫn đang gặp nhiều rào cản và thách thức dù đã có chủ trương và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa từ năm 2016.

Năm 2023, còn là năm đánh dấu thị trường âm nhạc Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ với hàng loạt sản phẩm được đầu tư bài bản, các nghệ sĩ- ca sĩ ồ ạt tấn công thị trường bằng hàng loạt album chất lượng, liên tiếp debut- ra mắt sản phẩm âm nhạc, với hình thức đĩa đơn (single) hay MV, EP (đĩa nhạc mở rộng), album, live concert, liveshow, mini show… Ngay thể loại và phong cách âm nhạc Việt cũng khá phong phú, đa sắc: Dòng nhạc pop, disco cho đến rap, hiphop, R&B lẫn dân gian đương đại được khai thác đủ mọi góc cạnh. Đặc biệt chất liệu truyền thống ngày càng có những bước tiến mới mẻ không lẫn với bất kỳ dòng nhạc nào, giúp nhạc Việt dần định hình và cuốn hút trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Mỹ thuật và Nhiếp ảnh - đẹp nhưng chưa mới

Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, tổ chức định kỳ 3 năm/ lần, nhằm tổng kết, đánh giá những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật, giới thiệu đến nghệ sĩtrong nước và quốc tế các tác phẩm mỹ thuật xuất sắc của các họa sĩ , nghệ sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam.

Đánh giá chung từ cuộc thi này, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, mang hơi thở của cuộc sống đương đại, thể hiện những suy nghĩ, trăn trở của người nghệ sĩtrước hiện thực cuộc sống, phong phú về ý tưởng sáng tạo, đa dạng trong hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách… Các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét; có sự mở rộng, phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách; sự đa dạng trong hình thức biểu đạt, kỹ thuật thể hiện tác phẩm; đa dạng trong chất liệu với những tìm tòi thể nghiệm mới…

Năm 2023, Mỹ thuật Thái Nguyên có những bứt phá qua việc liên tiếp trình làng những nét đẹp của bản sắc văn hóa Việt Bắc qua những triển lãm tại Thủ đô. Trong ảnh: Triển lãm mỹ thuật “Sắc màu Việt Bắc” của 13 họa sĩ Thái Nguyên tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Năm 2023, Mỹ thuật Thái Nguyên có những bứt phá qua việc liên tiếp trình làng những nét đẹp của bản sắc văn hóa Việt Bắc qua những triển lãm tại Thủ đô. Trong ảnh: Triển lãm mỹ thuật “Sắc màu Việt Bắc” của 13 họa sĩ Thái Nguyên tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến khả năng nghề nghiệp của các họa sĩ và các nhà điêu khắc, điều đó đã khẳng định thời kỳ mới của nền mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt là tiếng nói đương đại, tiếng nói của ngôn ngữ mới cho nền mỹ thuật Việt Nam đang khẳng định một sự tự tin mới của những người rất trẻ”. Và đây là tín hiệu Mỹ thuật Việt góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa của mỹ thuật truyền thống, hướng tới mục tiêu nâng tầm vị thế, mở ra trang mới cho mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Còn với Nhiếp ảnh, theo bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: “Trong những năm qua, mặc dù Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều tổ chức văn hóa văn nghệ khác đã trao nhiều giải thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm các sự kiện lớn của các bộ, ban, ngành, địa phương…, nhưng hầu như các tác phẩm được trao giải rất mau chìm vào quên lãng”.

Lý do, phong trào nhiếp ảnh nở rộ khiến ảnh dàn dựng cũng “được mùa”, hàng loạt bộ ảnh na ná nhau ra đời, đánh mất dần tính sáng tạo, bản sắc. Lối mòn trong sáng tác còn tồn tại,rất nhiều tác giả cứ mặc định chụp cảnh cũ, vật cũ, người cũ theo một mô-típ cũ. Khâu thẩm định ảnh, một số vị giám khảo nhiều cuộc thi biểu hiện rõ sở thích và gu cá nhân và quá già không tiệm cận xu hướng mới... Lý luận phê bình nhiếp ảnh hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu.Nhà báo- NSNA Trần Việt Văn khẳng định điểm mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam là ảnh du lịch, phong cảnh, đời thường, song cũng nêu rõ những điểm yếu: “Thiếu tác giả có phong cách cá nhân riêng biệt, ít cập nhật các phong cách đương đại của thế giới như nhiếp ảnh ý niệm, cắt dán...”.

Với nhiếp ảnh nghệ thuật, người nghệ sĩ phải có ý thức làm mới mình. Công tác tổ chức cũng cần phải thay đổi cách thức trại sáng tác, tập huấn ảnh; chú trọng công tác thẩm định, lý luận phê bình; đổi mới triển lãm và xuất bản sách; huy động nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao... Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cần tạo điều kiện để các tài năng có thể phát triển và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Năm 2024 đã khởi động, và hy vọng đây là năm nền tảng cho nghệ thuật Việt Nam có nhiều bước chuyển ấn tượng, thật sự thực hiện công cuộc xây dựng nền “công nghiệp văn hóa” nhiều giá trị.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy