Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
11:37 (GMT +7)

Đổi mới quản lý giáo dục, thúc đẩy phát triển bền vững

VNTN- Ngày 6/9, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ hai mươi, khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, đặc biệt liên quan đến giáo dục, đầu tư công, và quản lý đất đai. Dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các nghị quyết này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ trước khi bước vào phiên làm việc
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ trước khi bước vào phiên làm việc

Tăng cường lao động hợp đồng trong ngành Giáo dục

Một trong những điểm nổi bật của kỳ họp là quyết định gia tăng số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong lĩnh vực Giáo dục cho năm học 2024 - 2025, với tổng số 3.710 hợp đồng, dự kiến kinh phí thực hiện trên 338 tỷ đồng. Đây là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế, giảm tải cho các trường công lập và nâng cao chất lượng giáo dục.

Quang cảnh phiên làm việc
Quang cảnh phiên làm việc

Dù việc thực hiện ký hợp đồng theo Nghị định số 111 trong năm học 2023 - 2024 đã đạt kết quả tích cực, giúp giảm áp lực thiếu giáo viên và tình trạng quá tải tại các trường, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa tuyển đủ số lao động hợp đồng do thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt tại các địa phương tập trung đoong các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, quy định hợp đồng lao động không quá 12 tháng theo Nghị định 111 đã tạo ra sự bất an cho người lao động, làm giảm sức hút của các hợp đồng lao động trong lĩnh vực này.

Các đại biểu dự Kỳ họp
Các đại biểu dự Kỳ họp

Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chỉ ra sự không đồng nhất về thời gian ký hợp đồng lao động tại các địa phương. Trong khi một số nơi ký hợp đồng 12 tháng, TP. Thái Nguyên chỉ ký 11 tháng, và các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ ký 9 tháng. HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo để thống nhất việc thực hiện trên toàn tỉnh.

Về lý do việc ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 111 tại các địa phương hiện nay không thống nhất về mặt thời gian, ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội Vụ giải trình: Theo quy định tại Nghị định số 111, đơn vị nhóm 4 thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế ký kết hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung”.

Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội Vụ giải trình tại Kỳ họp
Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội Vụ giải trình tại Kỳ họp

Năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định 111 tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục nên trong quá trình thực hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng dẫn đến tình trạng chưa thống nhất về thời gian thực hiện.

Trên thực tế, một số địa phương căn cứ vào quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024 có quy định thời gian kết thúc năm học trước ngày 31/5/2024. Đồng thời, các nhà trường căn cứ vào nhu cầu thực tế công việc để ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định 111.

Để kịp thời khắc phục tồn tại trên và đáp ứng quyền lợi cho các đối tượng thực hiện hợp đồng theo Nghị định 111; trên cơ sở kết quả khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và Sở Nội vụ, ngày 27/8 vừa qua, Sở Nội vụ, Ban Pháp chế  HĐND tỉnh đã họp với các địa phương, đơn vị, cơ quan có liên quan để trao đổi làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị đối với những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Theo đó, việc ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 111 trong năm học mới này sẽ có sự thống nhất giữa các địa phương.

Đổi mới quản lý giáo dục thúc đẩy phát triển bền vững
Đại biểu Phó Thị Thuỷ, tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ nếu ý kiến tại phiên thảo luận

Liên quan đến việc hiện nay thực hiện hợp đồng định mức khoán có 5 địa phương thực hiện ký hợp đồng 10 tháng, 4 địa phương thực hiện ký hợp đồng 9 tháng, trong khi Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định thời gian tính hưởng là 10 tháng/năm, đại biểu Phó Thị Thuỷ, tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, lý do các địa phương thực hiện chưa đúng theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Giải trình về ý kiến này, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên UBND tỉnh lý giải: Chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên là chính sách đặc thù của tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua; Cùng với thực hiện hợp đồng 111 thì đây là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu thiếu giáo viên, nhân viên hỗ trợ tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đối với trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã giao định mức khoán đối với các trường học là 10 tháng/năm.

Trên thực tế việc thực hiện định mức khoán đối với giáo viên, nhân viên được tính theo thực tế số giờ dạy, tiết dạy và nhiệm vụ được giao trên cơ sở nhu cầu thiếu giáo viên, nhân viên tại mỗi đơn vị. Theo đó nhu cầu sử dụng lao động thực tế đối với giáo viên, nhân viên của mỗi đơn vị là khác nhau nên thời gian hợp đồng định mức khoán có sự khác nhau (có trường hợp hưởng 10 tháng/năm, có trường hợp hưởng dưới 10 tháng/năm).

Chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu thiếu giáo viên, nhân viên hỗ trợ tại các trường học trên địa bàn tỉnh
Chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu thiếu giáo viên, nhân viên hỗ trợ tại các trường học trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cũng kiến giải thêm: Tại thời điểm tháng 8, học sinh chưa đến trường nên nhà trường chưa cần thiết phải huy động toàn bộ giáo viên. Do vậy sẽ chưa thực hiện ký hợp đồng định mức khoán đối với toàn bộ giáo viên khoán trong thời gian này.

Đối với cấp học mầm non, khi thời điểm học sinh chưa đến trường thì sẽ chưa thực hiện nhiệm vụ nấu ăn nên không ký hợp đồng khoán đối với cô nuôi.

Đối với một số trường hợp khi nhà trường ký hợp đồng khoán để dạy thay cho giáo viên nghỉ chế độ thai sản thì thời gian ký hợp đồng chỉ kéo dài đến thời điểm giáo viên nghỉ thai sản hết thời gian nghỉ chế độ (tối đa 6 tháng).

Trong thời gian tới Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành địa phương rà soát thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động đồng thời đảm bảo theo đúng định mức thực tế thực hiện nhiệm vụ, tránh thất thoát.

Đổi mới quản lý giáo dục thúc đẩy phát triển bền vững
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận

Điều hành phiên thảo luận, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, chủ toạ Kỳ họp nhấn mạnh: Các địa phương cần nhanh chóng rút kinh nghiệm, đảm bảo sự nhất quán trong việc thực hiện các quy định của Nghị định 111, đặc biệt là thời hạn hợp đồng lao động. Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị phải khắc phục những tồn tại nêu trên, tránh gây ra tình trạng bất công bằng và thiệt thòi cho người lao động.

Ngoài ra, một nội dung khác cũng được đại diện Ban Pháp chế nếu ra, đó là số hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ theo Nghị định số 111 của Chính phủ thuộc lĩnh vực giáo dục năm học 2023 - 2024 đã được HĐND tỉnh giao nhưng chưa thực hiện là 630 hợp đồng; Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có giải pháp để tuyển đủ số lượng hợp đồng năm học 2024 - 2025 khi được HĐND tỉnh giao để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Sửa đổi các khoản thu ngoài học phí

Đổi mới quản lý giáo dục thúc đẩy phát triển bền vững
Nhiều nội dung quan trọng được bàn bạc, thông qua tại Kỳ họp

Kỳ họp cũng đã thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND về các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí. Việc sửa đổi này nhằm minh bạch hóa các khoản thu, tránh tình trạng lạm thu và đảm bảo các cơ sở giáo dục công lập thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục 2019.

Cụ thể, các khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục bán trú, như chi phí thực phẩm, sẽ được đưa vào quy trình đấu thầu và có sự giám sát chặt chẽ.

Nghị quyết số 25 ra đời ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh Thái Nguyên quy định các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh quản lý đã có tác động tích cực trong việc đảm bảo tính thống nhất về danh mục và mức thu đối với dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng lạm thu; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, đồng thời thực hiện đúng quy định tại Khoản 6 Điều 99 của Luật Giáo dục 2019 đối với cơ chế thu và quản lý các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú cho học sinh và phát sinh nội dung phải lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm nấu suất ăn bán trú theo khoản 1 Điều 2 của Luật Đấu thầu năm 2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024).

Trong khi đó, Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh lại chưa quy định việc thực hiện nhiệm vụ và nội dung chi cho hoạt động đấu thầu nói riêng (cũng như chi phí cho công tác mua sắm hàng hóa dịch vụ nói chung) nên không có cơ sở xác định được nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này từ các khoản thu dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện của các đơn vị trường học.

Đổi mới quản lý giáo dục thúc đẩy phát triển bền vững
Những sửa đổi, bổ sung trong quy định thuộc các chính sách của ngành Giáo dục sẽ giúp các Nhà trường thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ

Từ những lý do trên dẫn đến cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh đã ban hành.

Bên cạnh đó, mức thu dạy thêm, dạy tăng cường cũng được sửa đổi theo hướng đảm bảo nguyên tắc “thỏa thuận,” với sự đồng thuận từ phụ huynh và các bên liên quan. Đối với nội dung này được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

Trước khi thu phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản đảm bảo tính đúng, tính đủ bù đắp chi phí, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh; chỉ được thu sau khi đã có sự thống nhất bằng văn bản với Hội đồng trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, được cơ quan quản lý trực tiếp (theo phân cấp quản lý) phê duyệt.

Các nội dung thu, chi phải đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục công lập trước khi tổ chức thực hiện.

Các cơ sở giáo dục công lập quyết định các khoản thu theo thực tế; mức thu đã bao gồm cả chi phí cho công tác tổ chức mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định (nếu có) và không vượt quá mức thu quy định tại khoản 2 Điều này; không nhất thiết phải thu đầy đủ các khoản thu dịch vụ, phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí được quy định tại Nghị quyết này”.

Các khoản thu nước uống, học bạ điện tử; thẻ học sinh... sửa đổi theo hướng xếp vào nhóm “các khoản mua hộ người học” để không bị nhầm lẫn sang nhóm dịch vụ giáo dục, dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục.

Kỳ họp cũng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm việc điều chỉnh chủ trương đầu tư cho các dự án xây dựng cầu An Long và các dự án kết nối giao thông, cải tạo Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, xây dựng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy.

Cùng với đó là các nghị quyết liên quan đến việc sáp nhập xóm, tổ dân phố, điều chỉnh danh mục các dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, các quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được đưa ra bàn thảo, quyết định nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển bền vững cho các cộng đồng dân cư đặc thù.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy