Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
15:35 (GMT +7)

Đồi Dung

Đầu năm 1972, các khu tập thể của công nhân Gang thép hầu hết phải đi sơ tán. Khu tập thể xưởng Vận chuyển đường sắt của chúng tôi nằm nép mình ven chân đồi Dung, dưới những tán cây um tùm... Những người sống ở đây lâu năm kể lại, xa xưa khu đồi này cây cối rậm rạp, có nhiều cây gỗ to nên còn gọi là rừng Dung. Nhưng bọn trẻ chúng tôi thích gọi là đồi Dung hơn.

Sau giờ tan học, lũ trẻ con quanh khu tập thể vẫn thường thả bò lên trên đồi Dung. Khi đàn bò say sưa gặm cỏ thì cũng là lúc thiên đường của chúng tôi mở ra...

Hồi ấy, với lũ trẻ mục đồng chúng tôi thì đồi Dung là cả một khoảng trời thần tiên với cơ man các loài cây và hoa dại. Ở đó, có một loài hoa mà khi nhắc đến, nó gợi cho tôi biết bao hồi ức đẹp về những tháng ngày còn thơ ấu, đó là hoa dẻ. Những bông hoa nhìn xa như những chiếc đèn lồng nhỏ xinh, khi mới nở thì có màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng chanh và có mùi hương quyến rũ.

Hoa dẻ e ấp và tỏa hương dịu dàng
Hoa dẻ e ấp và tỏa hương dịu dàng

Vào cuối tháng tư đầu tháng năm, bọn trẻ con chúng tôi lần theo hương thơm mà đi ngược lên phía triền đồi, sẽ gặp mấy cây hoa dẻ lấp ló những chùm hoa đang chín rộ mọc quanh giao thông hào, gần lỗ thông hơi của cái địa đạo. Trong lòng đồi Dung có một cái hầm địa đạo rất to, do bộ đội về đào để giúp dân tránh bom Mỹ. Cửa địa đạo ở phía dưới chân đồi, còn hầm địa đạo thì xuyên theo hình vòng cung, từ góc này sang góc kia quả đồi. Mẹ tôi kể lại căn hầm này rất rộng, có thể chứa được hàng trăm người. Khi máy bay Mỹ bắn phá cuối năm 1972, mẹ tôi đã dắt tôi và bế em Hương, em kế tôi, khi đó mới được 2 ngày tuổi, vào đây để tránh bom.

Trong thời gian đào hầm địa đạo, các anh bộ đội ở trọ tại các nhà dân trong xóm. Buổi tối, các anh thường dạy chúng tôi tập hát và đàn hát cho chúng tôi nghe nhiều bài ca cách mạng. Ngày đó xóm tôi vui lắm, bọn trẻ chúng tôi là vui nhất.

Trong số các anh trọ tại nhà tôi có một anh có cái tên rất hay: “Hoàng Ca Ngợi”, quê ở Hải Dương. Chính anh Ngợi là người đã gom những cây hoa dẻ mọc hoang ở các nơi về trồng tại bờ giao thông hào, cạnh miệng lỗ thông hơi của căn hầm trú ẩn. Anh nói anh rất thích hoa dẻ, khi nào được ra quân, anh sẽ về đây, mang một trong những cây hoa dẻ này về quê làm quà tặng mẹ.

Chúng tôi hái những bông hoa chín vàng bỏ vào nón. Mùi hương ngào ngạt cứ thế theo bọn trẻ mục đồng chúng tôi về đến tận nhà. Tôi cài những cánh hoa lên tóc bằng chiếc cặp ba lá. Mùi hoa dẻ quyện với mùi nước bồ kết, lá bưởi, lá sả tạo thành một mùi hương mà chẳng có một thứ nước hoa nào có được.

Cao hứng, tôi còn đặt những cánh hoa dẻ vào bên trong miếng vá trên vạt áo và khâu lại. Đó là bí mật của riêng tôi. Mùi hoa dẻ cứ thế theo tôi đến lớp. Bọn con gái cùng lớp gặng hỏi tôi giấu bông hoa dẻ ở đâu và chúng nó không bao giờ tìm được.

Thi thoảng, tôi hái những bông chín vàng bỏ vào trong cặp sách, mang đến lớp chia cho bọn nó. Thế rồi bọn con gái vốn tính mộng mơ, thi nhau cài những bông hoa dẻ lên mái tóc. Có đứa đem những cánh hoa dẻ ép vào giữa những trang sách khiến cho lớp học hôm đó ướp đẫm một mùi thơm ngào ngạt...

Đất nước thống nhất, anh Ngợi chẳng thấy quay trở lại, những cây hoa dẻ vẫn còn đó. Lũ trẻ chúng tôi vẫn thả bò trên đồi Dung, ngọn đồi mà bây giờ còn có thêm cái tên là Đồi Hoa Dẻ do chúng tôi đặt ra.

Những giao thông hào này cũng là nơi chứa biết bao nhiêu kỷ niệm của bọn trẻ con xóm tôi. Khi đàn bò thung thăng gặm cỏ thì bọn trẻ con chúng tôi bày ra đủ trò. Nào là chơi đi nú đi tìm. Nào là chơi bắn bàng. Chán thì lại thả rủ nhau thả diều. Bọn con trai bạo dạn hơn, chúng nó xin lốp xe đạp hỏng, buộc vào cái gậy dài, làm đuốc rồi chui vào địa đạo khám phá.

Chúng tôi dần lớn lên. Thế rồi vào một đêm hè thật đẹp, đêm ấy, khi người ấy đưa tôi đi học nhóm về....

Con đường làng nhỏ, lọt giữa rặng tre ngà. Trăng sáng lắm, cỏ dưới chân ấm và mềm. Chúng tôi đi thật chậm. Chỉ có người ấy và tôi với ánh trăng vằng vặc. Những mảnh trăng loáng tràn qua kẽ lá đậu lên đôi vai vạm vỡ, ngập ngừng… người ấy nắm bàn tay tôi và cài lên tóc tôi chùm hoa dẻ hái ở lưng đồi Dung. Hôm ấy, má tôi đã ửng hồng…

Khi còn sống, bố tôi cũng rất thích hoa dẻ. Vào những ngày rằm, mùng một, bố thường lên đồi Dung, hái một đĩa hoa dẻ mang về dâng lên bàn thờ tổ tiên. Bố bảo: "Không phải loài hoa nào cũng được dâng lên người xưa đâu. Loài hoa dẻ thanh tao, nó không khoe sắc rực rỡ, nhưng cần mẫn chắt chiu bao nhiêu tinh túy của trời đất để toả hương dịu dàng".

Giờ thì bố đã đi xa. Sự lớn lên và vòng xoáy của mưu sinh đã cuốn tôi rời xa đồi Dung, rời xa những ký ức của một thời trong veo...

Tôi về đồi Dung tìm gặp những người xưa để hỏi thêm về Đồi Hoa Dẻ. Ông Nguyễn Thanh Vân sinh năm 1948, trước là cán bộ đưa thư ở Bưu điện đặc biệt thuộc Bưu điện Khu (có nhiệm vụ chuyển giấy tờ công văn hoả tốc đi - về cơ quan hành chính Khu Tự trị Việt Bắc) và đóng ở Cúc Đường, Võ Nhai. Ông Vân là người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Ông giải thích: Vì đồi này có rừng cây dung nên được gọi là rừng Dung. Cây dung là một loại cây thân gỗ, có thể cao đến 8, 9 mét. Hoa nó có mùi thơm và quả ăn được. Nhưng khi ông Vân lớn lên thì rừng Dung cũng không còn nữa.

Một góc đồi Dung ngày nay. Vị trí búi tre ở giữa chính là miệng hầm địa đạo. Hầm có hình vòng cung, vòng sang phía trái bức ảnh
Một góc đồi Dung ngày nay. Vị trí búi tre ở giữa chính là miệng hầm địa đạo. Hầm có hình vòng cung, vòng sang phía trái bức ảnh

 

Tôi tìm hỏi bà Dương Thị Tơ, sinh năm 1952, cũng là người được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Bà Tơ nguyên là giáo viên của Trường Tiểu học Phú Xá. Trước đây bà đã từng tham gia dân quân hồi cuối năm 1968. Bà kể lại rằng những giao thông hào ở phía trên đồi Dung là do bộ đội ta đào và đặt trận địa pháo cao xạ để bảo vệ Khu Gang thép. Sau này, khi bộ đội Trung Quốc sang giúp ta bảo vệ Khu Gang thép họ đã đặt trận địa ra - đa ở đó.

Đồi Dung nơi lưu giữ những ký ức trong veo của tuổi thơ tôi giờ đã thành đồi trọc, những cây hoa dẻ cũng không còn. Em trai út của tôi, vẫn ở nơi nền nhà tập thể ngày xưa cho biết: “Em nghe người ta nói đồi Dung đã được quy hoạch để làm mỏ đất”. Có thể căn hầm địa đạo, những rãnh thông hào, những cây hoa dẻ sẽ vĩnh viễn mất đi. Chỉ còn cái tên mộc mạc “Đồi Dung” hay “Đồi Hoa Dẻ” là vẫn mãi lưu lại trong lòng tôi, lũ trẻ mục đồng xóm tôi và người dân nơi đây.

Võ Thị Thu Hằng

7 đã tặng

0

3

4

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy