Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:36 (GMT +7)

Đôi điều về ngày trừ tịch và tên gọi 12 con giáp

Đêm Giao thừa còn gọi là trừ tịch

Khi đọc các sách báo hoặc thư tịch cũ, bạn đọc dễ gặp phải từ trừ tịch, tức đêm giao thừa. Tại sao lại gọi như vậy?

Chiết tự chữ Hán một cách đơn giản thì trừ tịch 除夕là một từ Hán Việt được cấu tạo bởi hai thành phần, chữ trừ 除và chữ tịch 夕. Trừ có nghĩa là chuyển giao, tịch có nghĩa là đêm. Như vậy trừ tịch là đêm chuyển giao, cụ thể là đêm chuyển giao của một năm, tức là đêm Giao thừa. Trừ tịch còn có tên gọi khác là trừ dạ 除夜hoặc đại niên dạ 大年夜, theo đó ngày cuối năm được gọi là trừ nhật 除日, và về sau, ngày cuối năm cũng được gọi là trừ tịch.

Liên quan đến trừ tịch, người Trung Quốc xưa có tục tổ chức lễ xua đuổi tà ma và nghênh đón thần linh. Họ xua đuổi tà ma bằng cách dùng đào phù, tức một loại bùa bằng gỗ cây đào trên đó có thể khắc hình hai vị Thần Đồ và Uất Luật(1). Vì theo quan niệm truyền thống của họ, ma quỷ vốn sợ gỗ đào và hai vị thần này.

Còn ở Việt Nam, trước Nguyên đán, phong tục của đồng bào ta khá thú vị. Theo truyền thống, người Việt bắt đầu cho dịp Tết bằng việc cúng ông Táo. Trong quan niệm dân gian, cúng ông Táo xong là lúc ông Táo cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng trên thượng giới, lúc này các gia đình đều không có thổ công giữ nhà nên ma quỷ có thể xâm nhập. Do đó, các gia đình Việt sẽ trồng cây nêu với mục đích là xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình. Trên cây nêu sẽ được người dân treo nhiều vật dụng như vàng mã, bùa trừ tà...

12 con giáp xuất xứ từ đâu?

Về 12 con giáp, xưa nay nhiều người vẫn tưởng rằng 12 con giáp có xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên trong những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá lại và cho rằng nguồn gốc của tên gọi 12 con giáp không phải bắt nguồn từ Trung Quốc. Càng đặc biệt hơn khi 12 con vật có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh ấy lại bắt nguồn từ Việt Nam. Và người phát hiện ra điều này là nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông. Ông đã dựa vào biện pháp khảo cứu đối chiếu ngôn ngữ học để truy nguyên nguồn cội của tên gọi 12 con giáp và thật bất ngờ khi ông nhận ra tên gọi của 12 con giáp là sản phẩm của người Việt cổ. Chẳng hạn như: Mão/ Mẹo - Mèo; Ngọ - Ngựa; Tý - Chút - Chuột; Sửu - Tru - Tlu - Trâu; Hợi - Gỏi - Koi - Cúi (“Cúi” là con lợn trong tiếng Mường)...

Trở lại với tên gọi 12 con giáp mà chúng ta vẫn quen thuộc gọi: Tý - Sửu - Dần - Mão/Mẹo - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi, trong hệ thống Hán ngữ nếu đọc theo đúng âm pinyin (âm đọc của chữ Hán của người Trung Quốc) thì những chữ trên lần lượt được đọc là: zĭ 子, chŏu 丑,yín 寅, măo 卯, chén 辰, sì 巳, wŭ 午, wèi 未, shēn 申, yŏu 酉, xū 戌, hài亥.

Từ những kết quả thu được, Nguyễn Cung Thông đã nhận định hệ thống tên gọi của 12 con giáp hiện tại chính là hệ thống kí âm của người Hán để ghi lại tên gọi các con vật từ tiếng nước ngoài.

Một điểm nữa mà nhiều người có thể nhận thấy trong hệ thống 12 con giáp của Việt Nam và 12 con giáp của Trung Hoa là ở con giáp thứ 4. Con giáp này có tên gọi theo âm Hán Việt là Mão/Mẹo, ứng với con mèo của người Việt nhưng lại là con thỏ trong văn hóa Trung Quốc. Lý giải điều này nhiều người Trung Quốc cho rằng, con mèo vốn dĩ lười lại hay ngủ suốt ngày nên không đưa vào hệ thống linh vật. Ngược lại trong văn hóa của người Việt, con mèo lại là một loại vật nuôi có ích, có tác dụng bắt chuột, bảo vệ nông sản trong nhà.

Tuy vẫn chưa đủ căn cứ để xác định chính xác nhất nguồn gốc tên gọi của 12 con giáp nhưng phát hiện của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông rất thú vị và đáng quan tâm(2)

Chú thích:

1. Có một số sách gọi hai vị này là Thần Trà và Uất Lũy.

2. Có ý kiến cho rằng tên gọi 12 con giáp xuất phát từ tiếng Ấn Độ, tuy nhiên chúng tôi chưa khảo sát được nên không đưa vào bài viết

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy