Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
19:15 (GMT +7)

Đôi điều về kế hoạch phát triển trung hạn của tỉnh

VNTN - Giai đoạn này là thời điểm rất quan trọng đối với những người làm kế hoạch của tỉnh bởi không chỉ tính toán khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra của năm mà còn phải tập trung cao độ trí lực và tư duy chiến lược để xây dựng một kịch bản kinh tế - xã hội (KT-XH) trung hạn cho 5 năm tới. Chỉ một phân tích, đánh giá lệch “một li” về khả năng phát triển thôi cũng có thể khiến cả nền KT-XH của địa phương những năm tới chệch “một dặm”. Việc đề cao vai trò và tầm quan trọng của những người làm công tác kế hoạch như vậy cũng không ngoài mục đích muốn dẫn chứng ra đây một báo cáo mới nhất của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020. Đây là văn kiện sẽ được trình bày, thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XII. Báo cáo đã đề cập tới tất cả các phương diện, lĩnh vực, song trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến những đánh giá, hoạch định riêng về tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, bởi nội tại khu vực này theo các nhà làm kế hoạch thì vẫn còn một số điểm cần bàn thảo thêm.

Doanh nghiệp nội địa là nhân tố tạo ra tăng trưởng thực và bền vững

nhưng lại đang gặp khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất bê tông tươi của Doanh nghiệp Việt Cường

Về bức tranh tăng trưởng kinh tế của tỉnh 5 năm qua (2010-2015), chúng ta dễ dàng nhận ra những sắc màu tươi mới từ khu vực sản xuất công nghiệp, khu vực xuất khẩu mà trong đó điểm nhấn ấn tượng nhất là khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tất cả đã tạo ra một sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với người xem. Sức lôi cuốn đó được thể hiện bằng những con số “biết nói”: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân 5 năm qua đạt 13,1%, không chỉ vượt kế hoạch đề ra mà còn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước và các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng hơn mục tiêu đề ra khoảng 4%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm qua là 70,8%, vượt tới hơn 50% kế hoạch. Khu vực xuất khẩu có giá trị bình quân cả giai đoạn tăng tới 182%, điều mà trong lịch sử phát triển của tỉnh chưa từng có (cũng dễ hiểu bởi thời điểm trước bình quân mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của chúng ta cố lắm cũng chỉ đạt trên 150 triệu USD, nhưng năm 2015, dự kiến sẽ đạt khoảng 17,5 tỷ USD).

Phải thừa nhận, khi nhìn vào bức tranh kinh tế của tỉnh không ai không trầm trồ thán phục, nhưng thực tế ẩn sâu bên trong những sắc màu tươi mới, sáng sủa đó vẫn còn một mảng xám buồn mà chỉ có những nhà chuyên môn mới nhận ra. Mảng xám đó được cho là xuất hiện từ việc tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực trong tỉnh không đồng đều, khu vực nào đạt cao lại chủ yếu là ngành sử dụng nhiều lao động, làm gia công nên giá trị tổng thể có lớn nhưng thực thu cho địa phương lại rất thấp. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhanh nhưng chủ yếu là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước lại gặp không ít khó khăn. Một số ngành công nghiệp nội địa được xem là thế mạnh của tỉnh như công nghiệp chế biến, chế tạo lại có bước phát triển chậm, sức cạnh tranh thấp.

Không quá khó để lý giải điều này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhiều năm nay chỉ hoàn thành ở mức thấp so với mục tiêu đề ra. Trong các năm từ 2011 đến 2013, tăng trưởng kinh tế địa phương đạt ở mức khiêm tốn, từ 6,5% đến gần 9%, trong khi mục tiêu yêu cầu phải đạt từ 12-13%. Bắt đầu từ năm 2014, khi Tập đoàn Samsung chính thức đưa vào vận hành và cho ra các sản phẩm điện tử tại Khu công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên với giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng tỷ USD thì tăng trưởng kinh tế của tỉnh mới nhảy vọt tới 20%, vượt xa so với những năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp cũng vậy, trong 3 năm từ 2011 đến 2013, bình quân chỉ tăng 1,8% mỗi năm, nhưng bắt đầu từ năm 2014, nhờ có sự góp mặt của Samsung và các dự án phụ trợ đi kèm mà giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng tới 272%/năm. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tỉ lệ nội địa hóa của Samsung hiện nay lại rất thấp, nó cho thấy giá trị thực mà Tập đoàn này tác động đến nền kinh tế nội địa là không nhiều như tổng giá trị làm ra. Điều này dễ hiểu bởi toàn bộ nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào của Samsung chủ yếu được nhập từ nước ngoài và do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp. Trong tổng số trên 250 đơn vị cung cấp thiết bị và là đối tác của Samsung thì chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam và tất nhiên là không có đơn vị nào của Thái Nguyên. Tại một cuộc làm việc mới đây với Tập đoàn này tại Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần đặt vấn đề về tỷ lệ nội địa hóa của Samsung ở nước sở tại. Chủ tịch nước cho rằng, nếu Samsung không khai thác khả năng cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện từ các doanh nghiệp nội địa thì giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế ở địa phương tuy rất lớn nhưng không mang nhiều ‎ý nghĩa. Samsung phải là thị trường cho các doanh nghiệp trong nước khai thác, phát triển.

Điều đó cho thấy, trong một chừng mực nào đó, doanh nghiệp nội địa (trong đó gồm cả doanh nghiệp trung ương và doanh nghiệp địa phương) chính là nhân tố tạo ra tăng trưởng thực và bền vững cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại những đóng góp của khu vực này vẫn còn khiêm tốn do đang phải gồng mình gánh chịu những khó khăn từ thị trường. Chỉ cần xem xét ở khía cạnh xuất khẩu những tháng đầu năm nay thôi cũng phần nào thấy rõ điều đó. Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh thì kim ngạch xuất khẩu khu vực doanh nghiệp nội địa không những không tăng mà còn giảm từ 9,8% đến 12,7% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu địa phương chỉ đạt 82 triệu USD, bằng 28% kế hoạch năm; xuất khẩu trung ương đạt 10 triệu USD, bằng 35,5% kế hoạch năm (trong khi xuất khẩu cả tỉnh đạt mức kỷ lục, 8,4 tỷ USD, tăng tới 4,2 lần cùng kỳ). Trong khu vực này đóng góp chủ yếu vẫn là các sản phẩm may mặc của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Tuy vậy, dù TNG có đạt giá trị 55,7 triệu USD, tăng tới 55% so với cùng kỳ thì cũng không bù đắp nổi bởi các sản phẩm khác từng là thế mạnh của tỉnh lại không đạt được như mong muốn. Cụ thể như, sản phẩm chè xuất khẩu chỉ đạt giá trị 3,5 triệu USD, giảm 21,2% so với cùng kỳ; sản phẩm thiếc thỏi chỉ đạt 1,7 triệu USD, giảm 38%...

Trước thực tế đó, các nhà xây dựng kế hoạch đã thể hiện sự lo ngại và chỉ ra rằng, trong 5 năm tới cần phải tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng từ phát triển chiều rộng - tức là dựa vào vốn và tài nguyên thiên nhiên sẵn có, sang phát triển theo chiều sâu - là sản xuất hiệu quả dựa theo lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Về công nghiệp, những đề xuất cho thấy cần phải phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với tốc độ phát triển cao nhưng phải bền vững và đảm bảo môi trường. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung, khai thác hiệu quả lợi thế địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới, đầu tư chiều sâu bằng những thiết bị công nghệ hiện đại. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước bằng các chế độ ưu đãi về vốn vay, thủ tục đầu tư, thị trường tiêu thụ...

Như vậy, việc các nhà làm kế hoạch của tỉnh xây dựng và có ý kiến  mang tính dài hơi về mục tiêu phát triển kinh tế địa phương là rất đáng quan tâm. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều tham góp trách nhiệm trên tinh thần xây dựng đối với những vấn đề đang đặt ra mà không chỉ bó hẹp trong phạm vi của diễn đàn kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XII tới đây.

Trường Lâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy